Tiệc cưới chay của cô dâu pháp danh Diệu Tịnh và chú rể pháp danh Tịnh Tâm tại nhà hàng Việt Chay trong khuôn viên chùa Vĩnh Nghiêm, TP.HCM tối 14/7 vừa qua đã thu hút sự quan tâm của nhiều người, nhất là giới trẻ chuẩn bị kết hôn. Chi phí cho tiệc cưới chay tại đây khoảng 1.100.000đ/bàn. Tiệc sinh nhật hay mừng thọ khoảng 90.000đ/thực khách. Khuôn viên nhà hàng có sức chứa trên 20 bàn. Cô dâu Diệu Tịnh nói: “Đám cưới của chúng tôi chỉ mời những người thật thân quen nên không khí thân tình, ấm cúng hơn”. Chú rể cho biết: “Ban đầu chúng tôi cũng rất lo, vì trong số khách mời có cả những người chưa ăn chay bao giờ, không ngờ lại được ủng hộ nhiệt tình đến thế”. Khách dự nhiều hơn số khách mời đến 20%. Với nhiều người, tiệc cưới chay rõ ràng là... chuyện lạ. Nhưng nếu bạn là người theo đạo Cao Đài thì đám cưới đãi tiệc chay là chuyện đương nhiên, đã có từ lâu. Hiện ở Tây Ninh còn hai huyện Hòa Thành và Bàu Năng, là nơi tất cả các đám tiệc đều đãi chay, do có số người ăn chay trường rất đông. Những nhà hàng, khách sạn lớn ở đây như Hòa Bình, Long Hoa đều nhận nấu tiệc chay. Cụ Trần Quang Bảnh, 83 tuổi, ngụ tại Q.12 kể, hơn 60 năm trước cụ đã làm lễ hôn phối tại đền thờ Phật Mẫu trong khuôn viên tòa thánh Tây Ninh, sau đó chỉ đãi khách cơm trắng với bốn món kiểm, gỏi, kho, xào chay. "Đơn giản mà trang trọng lắm” - cụ nói. Ăn chay, với một số người, còn là cách gián tiếp làm việc thiện. Nhà hàng Việt Chay mở cửa từ tháng 11/2007 đến nay, lợi nhuận chỉ dành cho việc thiện: tổ chức trại hè cho 1.000 trẻ em nghèo ở thác Giang Điền; tổ chức tiệc chay miễn phí cho 3.000 thực khách ở chùa Bái Đính - Ninh Bình trong đại lễ Phật Đản... Tại TP.HCM còn có một điểm bán buffet chay vào mùng 1 và 15 trong khuôn viên Hội Nhà báo, 14 Alexandre Rohdes, do CLB Nữ doanh nhân TP.HCM thực hiện từ năm 2000 đến nay, nhằm gây quỹ cho hoạt động từ thiện. Cùng mục đích này, Hội LHPN thị trấn Long Hải, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có nhóm hơn 40 phụ nữ tham gia nấu - bán món chay gây quỹ xây nhà tình thương... Việc cả nhà cùng tham gia nấu món chay làm từ thiện cũng là cách vợ chồng gắn bó, con cái ý thức hướng thiện hơn. Chị Nguyễn Thị Vàng - Tổ trưởng tổ PN từ thiện thị trấn Long Hải, nói: “Vợ chồng tôi theo đạo Thiên Chúa nhưng từ lúc tham gia tổ PN từ thiện, cũng nấu món chay, làm đồ chay đi bán để gây quỹ giúp người nghèo. Chồng tôi cũng góp tay vì thấy món chay rất hay, làm tâm hồn như được nhẹ nhõm hơn. Tháng nào sắp đến ngày rằm, ông ấy cũng nhắc chừng, hỏi xem phải phụ việc gì, nấu món gì... Nhiều hôm cả nhà cùng ăn chay, con cái cũng vui lây với niềm vui thanh tịnh”. Ý kiến thực khách * Chị Nguyễn Thị Hoàng Mai (hướng dẫn viên Công ty du lịch Tân Hoa Hồng: “Tôi rất ủng hộ việc ăn chay và đãi tiệc chay kết hợp với làm từ thiện. Tôi thấy tên gọi các món chay cầu kỳ, phức tạp và khó nhớ quá. Các món chay nên đặt tên đúng với nguyên liệu hay cách chế biến. Cách này mộc mạc nhưng dễ hiểu và thực khách dễ chọn lựa hơn”. * Chị Huỳnh Thị Mỹ Chi (Q.Tân Bình): “Tôi thường ăn những món rau đậu xào, đậu hủ kho, canh nấm. Cầu kỳ hơn thì kho thập cẩm, nấu kiểm, làm gỏi... chứ không chọn những món chay giả mặn. Tôi mong sao các quán bán thức ăn chay có tên gọi và hình thức trình bày toàn chay”. Hạnh Chi
Có nhiều quán ăn chay thì rẻ lắm, nhưng có nhiều quán ăn chay còn đắt hơn ăn mặn. Em là chuyên gia ăn chay nè ^^
Nói là Chay, nhưng cũng có đủ các món như món mặn ví dụ: Sườn xào, giả cầy, ốc nấu măng, tôm hấp và..... nhiều lắm, được chế biến bằng thảo bột tẩm ướp gia vị đặc trung của những món ta vẫn ăn hàng ngày. Chế biến từ đầu có hơi cầu kỳ chút, nhưng hiện nay các món chay đã có đóng gói ướp lạnh để bán sẵn rồi, chỉ việc mua về cho vào nồi xoong chảo đun qua là...xơi