Các bạn ơi, chuẩn bị dùng dịch vụ 3G đi, đầu tư con máy đầu cuối "hịn hịn" một tị để đỡ phải chuyển đổi nhé, đây là một số bài mới nhất về 3G: Viettel trúng tuyển 3G với số điểm cao nhất Cập nhật: 9:05:00 3/4/2009 15 giờ ngày 2/4/2009, chỉ sau một tháng rưỡi nhận hồ sơ thi tuyển 3G của 5 doanh nghiệp viễn thông và 1 liên danh, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chính thức công bố 4 doanh nghiệp được cấp giấy phép 3G đó là VIETTEL, VNPT, VMS và liên danh EVN+ HT Mobile. CôngThương - Theo đó, VIETTEL là doanh nghiệp đạt số điểm cao nhất với 966/1.000 điểm, bỏ xa doanh nghiệp đứng thứ hai tới hơn 300 điểm (VNPT đạt 620 điểm). Như vậy, VIETTEL là đơn vị duy nhất không thuê tư vấn nước ngoài trong xây dựng hồ sơ thi tuyển và theo đúng tiến độ, 3G sẽ đưa kế hoạch Internet tới 100% cơ sở giáo dục và trường học của VIETTEL cán đích trước thời hạn. Được biết, VIETTEL cam kết trong 3 năm đầu sẽ chi tới 12.789 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng 3G (cao nhất trong tất cả các doanh nghiệp; gấp gần 1,5 lần doanh nghiệp cam kết đứng thứ hai là VNPT (với 9.556 tỷ). VIETTEL cũng là doanh nghiệp cam kết mức đặt cọc cao nhất (4.500 tỷ) gấp 3 lần số tiền đặt cọc của VNPT và VMS (theo số liệu công bố tại thời điểm nhận và mở hồ sơ thi tuyển). Điều này thể hiện năng lực tài chính và quyết tâm của VIETTEL trong việc xây dựng và cung cấp dịch vụ 3G với chất lượng tốt, vùng phủ rộng. Với việc được cấp giấp phép 3G, việc triển khai cung cấp dịch vụ truy cập Internet qua hạ tầng di động sẽ giúp VIETTEL hoàn thành kế hoạch đưa Internet về trường học trước thời hạn. Không những thế, cơ hội để người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn tiếp cận các dịch vụ viễn thông cũng trở nên đơn giản hơn rất nhiều. Ông Hoàng Sơn, giám đốc Công ty Viettel Telecom, cho biết: “Chúng tôi sẽ sử dụng ngay chuẩn HSPA (3,75G). Tại thời điểm khai trương dịch vụ 3G, VIETTEL sẽ có 5.000 trạm và phủ sóng khoảng 86% dân cư”. 3G là viết tắt của “third generation”, tức “thế hệ thứ 3”, nhằm chỉ công nghệ di động thế hệ thứ ba – công nghệ được xem là cuộc cách mạng thay đổi mạng dịch vụ di động băng hẹp truyền thống chuyển sang các dịch vụ băng rộng đa phương tiện (bao gồm video, Internet di động và thương mại điện tử di động) với tốc độ truy cập mạnh mẽ, giúp người dùng có thể thực hiện cuộc gọi điện thoại có hình, xem phim hoặc truyền hình trực tiếp từ di động. Công nghệ HSPA (High Speed Packet Access) hay còn được gọi là công nghệ 3,75G. Nghĩa là, nếu công nghệ 3G có tốc độ đường truyền đạt 2Mbps thì công nghệ 3,75G có tốc độ đường truyền lên tới 7,2M. Với chuẩn HSPA tốc độ truy cập dịch vụ Internet di dộng của Viettel sẽ đạt mức tối thiểu là 2Mbps tại khu vực thành phố - cao hơn 5 lần so với yêu cầu của Bộ đưa ra (384kbps). nguồn: công thương online
Nhưng đọc bên ict thấy công nghệ HSPA của Mobi Fone tối đa là 14MB, có bác nào biết không?sao chênh lệch thế nhỉ?
Có ai biết bí mật bài thi 3G của các mạng? He he, nhân đọc bài của buocdau, tôi thấy bài này mới hơn nè: các bác xem quả là thi cử cũng không đơn giản tí nào: Thi tuyển 3G: Sàn diễn và đời thực Cập nhật: 19:20:00 9/4/2009 Người dùng di động Việt Nam hào hứng đón chờ 3G ở đời thực. Trên "sàn diễn" 3G, Viettel là nhà vô địch với số điểm gần như tuyệt đối: đạt 966/1.000 điểm, bỏ rất xa mạng đứng thứ 2 là VinaPhone (chỉ đạt 620 điểm). Nhưng, đó chỉ là những điều mọi người nhìn thấy bên ngoài của "sàn diễn" thi tuyển 3G… CôngThương - Cuộc thi tuyển 3G đã kết thúc với 4 giấy phép được trao cho Viettel, VinaPhone, MobiFone, liên danh EVN Telecom và Vietnamobile. Tại “sân khấu” 3G, MobiFone - doanh nghiệp vừa chiến thắng vang dội ở giải thưởng quốc gia đầu tiên về công nghệ thông tin và truyên thông, lại chỉ là một thí sinh rất "khiêm nhường" về các cam kết đầu tư cũng như tiền đặt cọc, nếu so với Viettel. Đây là một điểm khá khó hiểu nếu xét đến vị trí số 1 của mạng di động này trên thị trường. Sau khi thi tuyển xong, các mạng di động sẽ hoàn tất các thủ tục lấy giấy phép 3G thì đời thực mới hiện lên. Điều có thể thấy rõ là cam kết hoành tráng của Viettel về đầu tư và tiền đặt cọc đã giúp cho mạng di động này trở thành nhà vô địch thì sắp tới sẽ là một gánh nặng rất lớn trên vai Viettel. Thứ nhất, việc đầu tư cực lớn cho 3G trong 3 năm đầu tiên (lên tới 800 triệu USD) trong khi nguồn thu từ các dịch vụ 3G (những dịch vụ cao cấp) trong những năm tới sẽ vẫn chiếm một tỷ lệ nhỏ trên tổng doanh thu sẽ khiến cho tính hiệu quả của khoản đầu tư gặp vấn đề lớn. Thử hình dung, một doanh nghiệp đầu tư phủ sóng 3G tới khắp các vùng nông thôn trong khi tại đây thì thậm chí dịch vụ 2G còn chưa được sử dụng hết thì khoản đầu tư đó sẽ ra sao. Đây là chưa kể đến việc khoản đầu tư này được thực hiện trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế khi mà tất cả các doanh nghiệp đều phải cố gắng tận dụng tối đa tính hiệu quả trên từng đồng vốn đầu tư. Thứ hai, số tiền đặt cọc khổng lồ (lên tới 4.500 tỷ đồng tương đương gần 300 triệu USD) - cao hơn VinaPhone và MobiFone hơn 3.000 tỷ đồng đã giúp Viettel đem lại điểm số cực cao khi chấm thi tuyển 3G nhưng vào đời thực, tiền đặt cọc lại là một "của nợ". Theo quy định, doanh nghiệp phải nộp đủ tiền đặt cọc vào ngân hàng mới được cấp phép. Nếu suôn sẻ, số tiền đặt cọc này và phải "nằm yên" ở đó 1 năm mới được rút ra 50% và 3 năm sau mới rút tiếp 50% còn lại. Thử hình dung một doanh nghiệp phải chôn tới 4.500 tỷ đồng trong ngân hàng nhiều năm ròng thì mới thấy vinh quang trên sàn diễn thi tuyển không thể đánh đổi với thiệt hại do cam kết đặt cọc quá cao. Trong khi đó, thí sinh có bài thi "nhỏ nhẹ" nhất trong số 3 đại gia GSM là MobiFone lại rất thoải mái với kết quả điểm thi tuyển 3G của mình. Điểm số của MobiFone kém rất xa Viettel, thậm chí kém hơn VinaPhone nhưng điểm số đó lại giúp Mạng di động xuất sắc nhất Việt Nam 2008 có một đời thực dễ chịu. Trước tiên, cam kết đặt cọc thấp hơn "nhà vô địch" Viettel 3.000 tỷ đồng đã giúp cho MobiFone có một lợi thế lớn về tài chính khi thực hiện các hoạt động đầu tư, triển khai các dịch vụ 3G và các dịch vụ khác có liên quan. Thứ hai, cam kết đầu tư ở mức vừa phải giúp cho mạng di động này cân đối được mức độ đầu tư và hiệu quả từ khoản đầu tư đem lại. Với MobiFone, sẽ không có chuyện trạm phủ sóng 2G còn chưa dùng tới, người dân chưa cần dùng 3G mà vẫn phủ sóng 3G. Tuy nhiên, sàn diễn và đời thực của thi tuyển 3G chưa dừng lại ở đó. Nếu nhìn bên ngoài, rất nhiều người có thể hiểu rằng: cam kết đầu tư cực lớn cho 3G sẽ giúp cho một mạng di động triển khai mạng 3G tốt. Trên thực tế, việc triển khai 3G tốt đòi hỏi các khâu chuẩn bị trước đó phải thực sự tốt chứ không đơn thuần là vấn đề đổ tiền không thương tiếc. Một trong những điều kiện quan trọng cho việc triển khai 3G có hiệu quả và tiết kiệm là việc phải triển khai công nghệ EDGE trên toàn mạng trước đó và điều này đã được MobiFone hoàn tất từ năm 2006, trong khi đó, các mạng di động khác mới chỉ thử nghiệm hoặc mới hoàn thành trong đầu năm 2009. Việc triển khai EDGE từ rất sớm giúp cho mạng di động được đánh giá là tốt nhất Việt Nam này sử dụng chung hạ tầng 2G cho 3G rất có hiệu quả và sẽ tiết kiệm được 40% chi phí đầu tư cho 3G - một lợi thế khi triển khai mà các mạng khác không có được. Chưa hết, MobiFone cũng là mạng di đông đầu tiên áp dụng thành công công nghệ Extended Cell cho 2G - một công nghệ cũng sẽ cho phép tối ưu hóa mạng lưới mạng 3G ở mức cao gấp 3-4 lần nếu không áp dụng công nghệ này. Với tất cả những lợi thế đời thực như trên, MobiFone dù không chiến thắng vang dội tại sàn diễn thi tuyển 3G nhưng lại trở thành mạng di động được đánh giá là thông minh và thực tế nhất. Tuy nhiên, đời thực vẫn luôn thay đổi, thí sinh MobiFone có tiếp tục chiếm vị trí dẫn đầu trong thời gian sắp tới hay không không chỉ phụ thuộc vào việc mạng di động này diễn tốt, mà còn phụ thuộc vào việc các thí sinh khác như Viettel, VinaPhone diễn các vai diễn đời thực của họ như thế nào.
BẢn thân em thì vẫn thấy Viettel họ cũng có rất nhiều cái hay như việc mạnh dạn đầu tư ra nước ngoài cái này thì hơn hẳn Mobi,Vina!Vnpt cũng nên học tập Viettel việc đầu tư ra nước ngoài!Chúc mừng Viettel đạt số điểm 3G cao nhất!