5 phụ nữ khuynh đảo làng công nghệ thế giới

Thảo luận trong 'Tin Công Nghệ' bắt đầu bởi mayback99s, 20 Tháng mười 2012.

  1. mayback99s ̶D̶̶ọ̶̶n̶ ̶r̶̶á̶̶c̶

    “Phụ nữ thường nghĩ về các chuyên gia công nghệ thông tin như những con người khép kín sau cặp kính trắng và lúc nào cũng bám chặt lấy chiếc máy tính, và điều này khiến cho phụ nữ cảm thấy đây là một ngành nghề xa lạ, nhàm chán..."
    1. Marissa Mayer - Phó chủ tịch Google:

    Vị phó chủ tịch của Google thường tự nói về bản thân mình như một người nhàm chán và đơn điệu, thế nhưng tiểu sử của bóng hồng này xem ra không giống với những gì người ta vẫn nghĩ về một dân công nghệ thông tin chính thống: Từ nhỏ, Marissa Mayer đã có năng khiếu về ballet và trong suốt thời đi học, niềm đam mê lớn nhất của cô không phải chiếc máy tính, mà là múa và thời trang.

    Tuy nhiên, thay vì trở thành một diễn viên múa hay một nhà thiết kế thời trang, Marissa Mayer đã chọn theo đuổi ngành công nghệ thông tin, dù theo lời cô kể lại, chỉ đến khi đi học đại học, Marissa mới mua chiếc máy tính đầu tiên cho mình. Trong suốt quãng thời gian theo học tại Stanford, Mayer là cô gái duy nhất của cả khóa học về hệ thống thông tin. Và cho đến khi và được tuyển dụng bởi Google năm 1999 cô cũng là người phụ nữ đầu tiên làm việc tại Google.

    [​IMG]
    Marissa-Mayer​

    Trong một cuộc phỏng vấn vào mùa hè năm ngoái, vị Phó chủ tịch xinh đẹp của Google cho biết hiện nay số phụ nữ làm việc trong ngành của cô tại thung lũng Silicon chỉ là 15%. Cô cũng chia sẻ quan điểm của mình về tại sao có ít phụ nữ đến vậy trong ngành công nghiệp này:

    “Nếu chúng ta muốn có nhiều phụ nữ hơn nữa trong ngành công nghệ thông tin, chúng ta cần thay đổi cách nhìn của họ và cho họ thấy sự đa dạng và hấp dẫn của những công việc phụ nữ có thể đảm nhận. Phụ nữ thường nghĩ về các chuyên gia công nghệ thông tin như những con người khép kín sau cặp kính trắng và lúc nào cũng bám chặt lấy chiếc máy tính, và điều này khiến cho phụ nữ cảm thấy đây là một ngành nghề xa lạ, nhàm chán và kém hấp dẫn, và tất nhiên đó không phải là mẫu công việc mà một người phụ nữ muốn dính dáng tới”.

    Mayer cũng kể thêm về quan hệ của cô với các đồng nghiệp nam: “Tôi không hề cảm thấy có khó khăn hay thách thức nào cả, ngược lại, tôi luôn nhận được rất nhiều sự giúp đỡ từ phía họ”.

    Sinh năm 1975, nhưng hiện tại Mayer đã đảm nhận vai trò là phó chủ tịch phụ trách dịch vụ địa phương của Google, Marissa Mayer phụ trách phần lớn công nghệ giao tiếp và giao diện người dùng, một trong những nhân tố quyết định sự thành công của công cụ tìm kiếm trực tuyến. Năm 2010 và 2011, cô đều có mặt trong danh sách 50 người phụ nữ quyền lực nhất trong giới kinh doanh toàn cầu do Fortune bình chọn.

    2. Ginny Rometty - CEO của IBM:

    Sau một trăm năm tồn tại và phát triển ( từ 1911 cho đến nay), cuối cùng IBM, cũng đã có nữ CEO đầu tiên. Ngày 1 tháng 1 năm 2012 Ginny Rometty đã chính thức trở thành CEO của tập đoàn công nghệ thông tin lớn nhất thế giới. Đó là thành quả của 30 năm kiên trì phấn đấu, nỗ lực và làm việc không mệt mỏi của một trong những bóng hồng kỳ cựu nhất trong làng công nghệ thông tin.

    Ngay từ thời đi học, Virginia “Ginny” Rometty đã được biết đến như một học sinh chuyên cần và xuất sắc. Năm 1979, bà tốt nghiệp đại học Northwestern (Hoa Kỳ) với bằng ưu cùng lúc hai chuyên ngành khoa học máy tính và kỹ thuật điện. 2 năm sau, Rometty bắt đầu công việc của mình tại IBM với vị trí ban đầu là một kỹ sư hệ thống. 10 năm sau đó, bà bắt đầu làm việc tại bộ phận tư vấn của IBM. Đây cũng là nơi Ginny Rometty ghi dấu tài năng lãnh đạo và tầm nhìn chiến lược xuất chúng của mình.

    [​IMG]
    Ginny Rometty​

    Năm 2002, bộ phận của bà thu về 3,5 tỷ USD, qua đó tạo nên một cột mốc gần như không thể xô đổ trong lĩnh vực tư vấn kinh doanh. Cho đến khi bà trở thành phó chủ tịch phụ trách dịch vụ thương mại toàn cầu của IBM, Ginny Rometty đã xây dựng lên một IBM với bộ phận tư vấn đặc biệt hiệu quả với quy mô cực lớn - hơn 100,000 tư vấn viên và chuyên gia làm việc trực tiếp cũng như cộng tác hoặc hỗ trợ gián tiếp.

    Với tư cách là một trong những “ông trùm” của IBM, Ginny Rometty đã cho thấy bà có tầm nhìn xa, sắc bén và tinh tế không kém một đấng mày râu nào trong lĩnh vực của bà. Từ bỏ mảng máy tính cá nhân, sẵn sàng bán lại những thương hiệu khủng (như máy tính xách tay Thinkpad), IBM hiện đang tập trung đầu tư và đột phá những lĩnh vực mới mẻ như điện toán đám mây, phân tích kinh doanh… qua đó trở thành tập đoàn số một trong việc cung cấp dịch vụ điện toán và tư vấn cho các doanh nghiệp cỡ trung bình và lớn.

    Đánh giá về Rometty, người tiền nhiệm của bà ở IBM, Palmisano đã nói như sau: “Ở Rometty hội tụ đầy đủ những phẩm chất độc đáo nhất của một CEO: Một tầm nhìn sắc bén, sự nhạy cảm với những mối quan tâm của khách hàng, những nỗ lực không ngừng nghỉ và hơn hết là tình yêu dành cho toàn bộ những con người của IBM và tương lai của công ty”.

    3. Meg Whitman - chủ tịch và giám đốc điều hành HP:

    Nhắc đến sự nghiệp lừng lẫy và cũng đầy những biến động của Meg Whitman, chắc hẳn nhiều đấng nam nhi cũng phải cúi đầu nể phục. Bà tốt nghiệp hai trường đại học hàng đầu nước Mỹ là Princeton và Havard năm 1979. Sau đó từ năm 1989 đến 1991, bà là phó chủ tịch phụ trách chiến lược của Walt Disney. Sau khi rời vị trí này, bà tiếp tục đảm nhận nhiều vị trí trọng yếu ở những tập đoàn khác nhau trước khi trở thành CEO của eBay vào năm 1998 và gắn bó với trang web chuyên về bán hàng qua mạng này cho đến năm 2009. Trong khoảng thời gian đó, bà liên tiếp tham gia và trở thành thành viên hội đồng quản trị của nhiều công ty lớn, hoạt động trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau của nước Mỹ như Dreamwork SKG, Procter & Gamble, HP…

    [​IMG]
    Meg-Whitman​

    Đến tháng 9 năm 2011, HP chính thức công bố CEO mới của họ, và một lần nữa, cái tên Meg Whitman lại được nhắc đến. Bất chấp bề dày thành tích của bà, vẫn có rất nhiều luồng dư luận trái chiều khi Meg Whitman trở thành CEO của HP. Chịu những tổn thất nặng nề từ sau khủng hoảng kinh tế, tính cho đến thời điểm Meg Whitman lên nắm quyền điều hành, HP đã trải qua 11 tháng liền suy giảm lợi nhuận, kéo theo đó là sự suy giảm lòng tin nghiêm trọng từ các nhà đầu tư.

    Người ta cũng nghi ngờ khả năng lèo lái của một người phụ nữ đối với gã khổng lồ kềnh càng HP, vốn gộp lại từ nhiều bộ phận được cho là thiếu gắn kết: cơ sở dữ liệu, thiết bị và dịch vụ điện toán, máy in, phần mềm. Rất nhiều người cho rằng, trái với việc IBM bổ nhiệm Ginny Rometty, có thể việc HP chọn Meg Whitman làm người điều hành là một nước cờ sai lầm.

    Về phía mình, CEO mới của HP vẫn tỏ ra rất tự tin: “Trong ngành công nghệ thông tin, nếu bạn muốn làm được một điều gì đó, bạn cần một tầm nhìn xa hơn tuần tiếp theo, quý tiếp theo, năm tiếp theo. Khó khăn sẽ tiếp diễn, nhưng điều đó không có nghĩa là “nếu năm nay mọi chuyện không được hoàn hảo thì công việc của chúng ta sẽ đi tong””.

    4. Sheryl Sandberg - Facebook COO

    Bạn trông chờ điều gì khi một chàng trai 23 tuổi tuềnh toàng đang bắt đầu sự nghiệp của mình tiến lại gần một người phụ nữ lịch thiệp, từng trải và thành công ở tuổi 38 trong một buổi tiệc? Liệu đây có phải là một câu chuyện tình lâm ly và tốn nhiều nước mắt của một cặp đôi lệch tuổi? Rất tiếc câu trả lời không phải vậy, tuy nhiên, bạn cũng sẽ chẳng kịp nuối tiếc, vì thứ mà họ cùng nhau xây dựng lên đã thay đổi một phần lịch sử thế giới: Mạng xã hội Facebook.

    Thời điểm đó, năm 2007, chàng trai 23 tuổi Mark Zuckerberg đang có trong tay một mạng xã hội phát triển với tốc độ chóng mặt, nhưng điều mà anh ta không biết, là làm thế nào để kiếm ra tiền từ cái cộng đồng khổng lồ ấy. May mắn thay cho Zuckerberg, anh đã gặp được Sheryl Sandberg, người phụ nữ rồi đây sẽ thay đổi cách thức vận hành của Facebook. Sheryl khi ấy đang là phó chủ tịch phụ trách kinh doanh qua mạng của Google, và trong tay nàng là 4000 nhân viên và một công việc có thể tạo ra lợi nhuận đến hàng tỉ USD một năm, điều đó khiến Zuckerberg tự hỏi liệu một quý cô như vậy có chịu đến với cái công ty gần như chưa có lấy một đồng lãi nào của mình. Vào lúc ấy, Sheryl Sandberg thậm chí còn đang tiến hành đàm phán với Washington Post để trở thành giám đốc điều hành ở đây.

    [​IMG]
    Sheryl Sandberg​

    Tuy nhiên, Sheryl gần như lập tức bị những ý tưởng của Mark Zuckerberg cuốn hút. Họ gặp nhau 2 tuần một lần tại căn hộ của Sheryl trong nhiều tuần liên tiếp sau đó, liên tục email trao đổi thậm chí là vào nửa đêm. Chồng của Sheryl nhớ lại: “Nó cứ như thể là hai người họ đang hẹn hò với nhau vậy”.

    Tháng 3 năm 2008, Sheryl chính thức trở thành COO (chức danh giám đốc điều hành thấp hơn CEO một bậc) của Facebook. Công việc của Sheryl là giải quyết toàn bộ những vấn đề mà Zuckerberg gặp khó khăn khi đụng đến: Chiến lược quảng cáo, quản lý nhân sự, các vấn đề liên quan đến chính trị và truyền thông. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất mà Sheryl quan tâm khi đặt chân đến Facebook là làm thế nào để sản sinh ra lợi nhuận. Cô trăn trở giữa việc lựa chọn quảng cáo hay thương mại điện tử làm công cụ phát sinh lợi nhuận trong nhiều ngày, và rồi mạnh dạn chọn quảng cáo.

    Kết quả của sự lựa chọn ấy, đến nay, chúng ta đều đã rõ: Facebook 2007 có 70 triệu người sử dụng và không có lợi nhuận, Facebook 2011 có 800 triệu người sử dụng và lợi nhuận dự tính là 4,29 tỉ USD. Không có Sheryl, Mark Zuckerberg chỉ là một anh chàng loay hoay tìm kiếm từng đồng đô la từ những ý tưởng đột phá của mình, có Sheryl, anh trở thành một quý ông được trọng vọng bởi cả giới công nghệ thông tin, truyền thông, thương mại với tài sản kếch xù 17,5 tỷ đô la. Có lẽ, ngày anh gặp được Sheryl Sandberg sẽ là một trong những ngày mà Mark Zuckerberg nhớ đến cuối đời.

    5. Safra Catz - chủ tịch và giám đốc tài chính của Oracle:

    Không quá nổi bật đối với giới truyền thông như những Marissa Mayer hay Sheryl Sandberg, nhưng Safra Catz đồng chủ tịch của tập đoàn phần mềm Oracle, vẫn có ảnh hưởng rất lớn trong ngành công nghệ thông tin. Bằng những chính sách mua bán và sát nhập không ngoan của mình, dưới triều đại 10 năm của bà, Oracle đã thực hiện thành công 80 thương vụ lớn nhỏ, với tổng giá trị lên đến 43 tỷ USD. Nếu có ai đó nghi ngờ tính hiệu quả của những vụ làm ăn của vị nữ chủ tịch gốc Israel, họ cũng sẽ bị thuyết phục bởi sự tăng trưởng doanh thu liên tiếp của Oracle trong những năm gần đây. Sau khi trở lại với vị trí giám đốc tài chính vào tháng 4 năm 2011, Safra Catz đã giúp Oracle cán đích lợi nhuận 10 tỷ USD ngay trong quý 3.

    [​IMG]
    Safra-Catz​

    Nói về bà, một thành viên của hội đồng quản trị Oracle cho biết: “Cô ấy quan tâm nhiều hơn đến giá cổ phiếu của tập đoàn hơn là việc khuôn mặt của mình xuất hiện trên mặt báo”. Nét đặc trưng trong công việc cũng như thành công của Catz và tập đoàn của bà, là kín đáo. Không một chút năng lượng nào của vị chủ tịch cũng như tiền bạc của Oracle, được dùng vào những việc thừa thãi ngoài việc đem lại lợi ích cho các cổ đông và duy trì tăng trưởng của tập đoàn.

    Vốn xuất thân từ một chuyên viên đầu tư tài chính, những con số là tất cả những gì mà Safra Catz quan tâm: “Bạn sẽ chẳng bao giờ nhìn thấy tôi dùng PowerPoint, những bảng tính Excel là thứ tôi cần. Nếu không phải là những con số thì bất kể nó có ẩn chứa những chiến lược thế nào đi nữa, đó cũng sẽ là những điều vô nghĩa đối với tôi”. Đơn giản, ít chi tiết nhưng hiệu quả là những gì mà Safra hướng đến. Sẽ nhiều vị chủ tịch hay CEO của các tập đoàn cùng trong ngành công nghệ thông tin không biết nói gì khi được yêu cầu kể về bà, nhưng chắc hẳn sự phát triển mạnh mẽ của tập đoàn mà bà lãnh đạo, là thứ họ phải dè chứng.

    Theo Phunutoday​
    walkmanutd thích bài này.
  2. JimmyLin

    JimmyLin Thành viên

    Bài viết:
    503
    Được Like:
    160
    Sao ko có CEO mới của Yahoo. Bà đó chắc là CEO nữ xinh nhất của các hãng nổi tiếng :x