ICTnews - Khoảng 50 triệu thuê bao cố định và di động của VNPT được hưởng lợi sau khi VNPT có bước đi táo bạo: áp dụng đồng loạt mức 1.000 đồng/phút. Ông Lương Tất Thắng, Phó trưởng Ban Tiếp thị - Bán hàng (Tập đoàn BCVT Việt Nam VNPT) nói với việc điều chỉnh giá cước nội mạng áp dụng từ ngày 1/11/2008, VNPT muốn dành sự ưu đãi cho khách hàng. Ngoài ra, việc thống nhất mức cước “một giá” giúp tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các chương trình chăm sóc khách hàng của VNPT về sau. Phạm vi điều chỉnh cước nội mạng của VNPT được áp dụng cho các cuộc liên lạc liên tỉnh toàn quốc giữa thuê bao cố định VNPT, bao gồm cả các thuê bao CityPhone, CDMA nội tỉnh, Gphone đến thuê bao cố định VNPT; Cuộc liên lạc giữa thuê bao cố định VNPT đến tất cả các thuê bao di động VinaPhone không phân biệt trả trước hay trả sau; Cuộc liên lạc giữa các thuê bao di động trả sau Vinaphone đến các thuê bao cố định VNPT; Cuộc liên lạc từ thuê bao di động trả sau VinaPhone đến các thuê bao di động trong nội mạng VinaPhone; Cuộc liên lạc từ thuê bao di động trả sau VMS đến các thuê bao di động trong nội mạng VMS. Mức cước gọi trong nội mạng VNPT trên toàn quốc là 1.000 đồng/ phút (đã bao gồm thuế VAT). Cước liên lạc liên tỉnh cố định đến cố định: cước nội vùng giữ nguyên ở mức 909,1 đồng/phút; cước khác vùng là 909,1 đồng (giảm 20%). Với những cuộc gọi của thuê bao mang đầu số cố định của VNPT, mức cước mới đồng hạng cũng sẽ giảm ở mức tương tự như với cuộc gọi từ máy cố định. Tương tự như vậy, cước liên lạc điện thoại cố định đến thuê bao Vinaphone giảm từ 1.090,91 đồng xuống còn 909,1 đồng (giảm 20%). Cước liên lạc Vinaphone trả sau tới thuê bao Vinaphone và cố định; và cước liên lạc MobiFone trả sau tới thuê bao MobiFone giảm xuống từ 981,82 đồng xuống còn 909,1 đồng (giảm 8%). Cho tới thời điểm này, VNPT đang có hơn 11 triệu thuê bao điện thoại cố định và khoảng 40 triệu thuê bao di động của hai mạng VinaPhone, MobiFone trên toàn mạng. Theo đánh giá chung, hiện chỉ có Viettel mới đủ sức “theo sát” VNPT trong cuộc chạy đua gia tăng lợi thế giành khách hàng. Tuy nhiên, nhiều khả năng, Viettel sẽ chỉ có thể giảm cước di động chứ không thể giảm cước cho các thuê bao cố định như VNPT. Nguyên nhân là bởi việc đầu tư cho thuê bao cố định rất lớn, nhưng thu hồi vốn chậm. Trong khi đó, VNPT đã có số lượng lớn thuê bao đã khai thác hết khấu hao đầu tư. Như vậy, bản chất cuộc chạy đua giảm cước sẽ thu về một mối - chỉ là dịch vụ di động - và đó cũng là cuộc chơi của VNPT và Viettel! Bởi dù hiện đã có tới 7 giấy phép cung cấp dịch vụ di động, nhưng “miếng bánh” thị phần gần như đã chia xong cho VNPT và Viettel. Đối với dịch vụ cố định, VNPT gần như chiếm thị phần tuyệt đối. Các động thái giảm cước của VNPT có thể làm khó cho các doanh nghiệp mới như FPT Telecom khi bắt đầu bước chân vào thị trường điện thoại cố định. FPT Telecom đã phải lỡ hẹn với dịch vụ này tới gần 2 năm và hiện chưa ấn định được thời điểm sẽ cung cấp dich vụ. Rõ ràng, các động thái của các nhà khai thác viễn thông lớn như VNPT và Viettel đã đẩy thị trường viễn thông Việt Nam được chia lại sớm hơn và thời điểm dự kiến có thể là năm 2010. Minh Anh Theo ICTnews