Phiên tòa đầu tiên giữa hai hãng smartphone lớn nhất thế giới đã kết thúc tháng 8/2012 với chiến thắng 1 tỷ USD của Apple. Trước khi bước vào phiên tòa thứ hai tuần tới, Samsung nhận tin mừng khi sản phẩm của họ không bị cấm bán ở Mỹ. Tuần này, thẩm phán Lucy Koh đã từ chối đề nghị của Apple trong việc cấm nhập khẩu tới 23 mẫu smartphone và tablet của Samsung vào Mỹ. "Apple cần phải chứng minh rằng 3 tính năng liên quan đến phần mềm cảm ứng trên sản phẩm của Samsung (mà vi phạm bản quyền Apple) đã giúp Samsung tăng doanh thu và gây thiệt hại cho Apple, nhưng họ không làm được", bà Koh giải thích. Trước đó, tòa án cũng đã chấp thuận giảm số tiền phải bồi thường 1,05 tỷ USD của Samsung trong phiên tòa thứ nhất xuống còn 930 triệu USD. Phiên tòa thứ hai dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 14/3 và hứa hẹn thu hút sự chú ý lớn của giới truyền thông và công nghệ giống như phiên đầu tiên. Apple và Samsung sắp bước vào phiên tòa quan trọng thứ hai. Từ tháng 4/2011, Apple khởi động vụ kiện chống Samsung tại Mỹ với lý do hãng điện tử Hàn Quốc ngang nhiên bắt chước "một cách mù quáng và không chút sáng tạo" các thiết kế và công nghệ trong iPhone và iPad. Trước cáo buộc hiếu chiến đó, Samsung lập tức kiện ngược rằng Apple đã vi phạm một loạt bản quyền liên quan đến mạng kết nối 3G của họ. Cuộc đấu giữa hai "ông lớn" của làng di động đã không còn dừng lại tại Mỹ mà lan ra tới hơn chục quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc 4 châu lục. Sau quá trình thu thập chứng cứ, tài liệu và các cuộc đàm phán của quan chức hai bên thất bại, ngày 24/8/2012, thẩm phán Lucy Koh tuyên bố Samsung phải bồi thường 1,05 tỷ USD cho Apple - phán quyết mà Samsung coi là "một sự thiệt thòi cho chính người tiêu dùng Mỹ" còn Apple hả hê vì "đây là bài học cho hành động ăn cắp". "Chúng tôi mất 5 năm để tạo nên một cuộc cách mạng. Samsung mất 3 tháng để sao chép lại. Đó là thực tế đơn giản, rõ ràng và không thể phủ nhận", luật sư William Lee của Apple quả quyết. Ròng rã trong năm 2013 và đầu 2014, Samsung và Apple tiếp tục đệ đơn lên tòa án để yêu cầu thay đổi hoặc bổ sung các tình tiết mới vào phán quyết của tòa. Trong số đó, Apple từ bị Ủy ban thương mại Mỹ (ITC) cấm nhập khẩu Phone và iPad đời cũ, khiến hãng này phải cầu cứu phòng Đại diện Thương mại Mỹ (thuộc văn phòng điều hành của tổng thống và có quyền đại diện Barack Obama phủ quyết bất kỳ lệnh cấm bán nào từ ITC). Ngay sau khi lệnh cấm bị dỡ bỏ, Apple đã quay ra đòi cấm bán 23 mẫu thiết bị đời cũ của Samsung. Theo Reuters, Samsung không còn phân phối các sản phẩm đó, nhưng việc tòa án tuần này quyết định họ không vi phạm bản quyền cũng giúp Samsung thoải mái hơn để sẵn sàng cho cuộc chiến mới. Còn theo Latin Post, CEO Apple Tim Cook và CEO Samsung JK Shin đã có cuộc thương lượng hồi đầu tháng 2 với hy vọng tránh được việc phải tiếp tục lôi nhau ra tòa và tiêu tốn nhiều tiền của (Apple đã chi gần 60 triệu USD để thuê luật sư). Tuy nhiên, vụ đàm phán thất bại và cả hai sẽ bước vào phiên tòa thứ hai giữa tháng 3. Theo Số hóa
Ủng hộ Samsung, nhờ SS mà Apple bớt độc quyền, và người tiêu dùng được nhiều lựa chọn hơn về smartphone.