Apple phải xuất hiện tại tòa án hôm 3-6 (giờ Mỹ) vì cáo buộc của quan chức liên bang về việc cấu kết với các nhà xuất bản nâng giá sách điện tử (ebook). Phiên xét xử sẽ đặt nhà sản xuất iPhone, iPad ra đối đầu với Bộ Tư pháp Mỹ trong vụ án phơi bày các chiêu “bắt tay” giữa hãng bán lẻ và các nhà cung cấp nội dung. David Balto, cựu Giám đốc Chính sách Hội đồng thương mại liên bang Mỹ cho rằng vụ án sẽ ảnh hưởng tới luật Thương mại điện tử trên internet. Bộ Tư pháp Mỹ đệ đơn kiện Apple và năm trong sáu nhà xuất bản sách lớn nhất nước Mỹ vào tháng 4-2012. Đơn kiện cáo buộc hai bên tăng giá ebook và phá vỡ mức giá Amazon.com đang duy trì. Apple phải ra tòa một mình sau khi năm hãng kể trên chấp nhận hủy bỏ quyết định cấm chiết khấu giá bán buôn và trả tổng cộng 164 triệu USD làm lợi cho khách hàng. Chính phủ Mỹ không đòi bồi thường mà muốn tìm lệnh cấm Apple thực hiện các hành vi tương tự trong tương lai. Tuy nhiên, dù Apple có vô tội, hãng vẫn phải đối mặt với lệnh trừng phạt trong một vụ kiện dân sự độc lập do luật sư và người tiêu dùng khởi xướng. Trong đơn kiện, Chính phủ Mỹ viết: “Apple muốn bán ebook cho công chúng, song không muốn cạnh tranh với mức giá thấp của Amazon. Apple biết rằng các nhà xuất bản lớn đều không ưa Amazon và xem việc Apple gia nhập thị trường là con đường giúp nâng giá bán lẻ tốt hơn”. Năm 2009, các nhà xuất bản lo ngại về giá sách điện tử quá thấp, hệ quả từ sự thống trị của Amazon.com cùng thiết bị đọc sách Kindle. 90% sách điện tử bán ra năm 2009 là của Amazon. Hãng mua sỉ ebook rồi chấp nhận bán chúng với giá rẻ hơn với gần như mọi tựa sách (9.99 USD) để quảng bá Kindle. Bộ Tư pháp cáo buộc thay vì bán sách cho nhà bán lẻ và để họ tự định giá bán tới tay người tiêu dùng, nhà xuất bản lại biến nhà bán lẻ thành “đại lý”, bị hạn chế việc giảm giá bán sách. Sự dàn xếp này mang về cho Apple 30% mỗi đầu sách bán ra. Chính phủ cũng cáo buộc điều đó khiến người tiêu dùng mất hàng chục triệu đô-la với mỗi 2 USD hay 3 USD hay thậm chí là 5 USD tăng thêm cho mỗi tựa sách. Song, Apple phản kháng, cho rằng không hề biết các nhà xuất bản cấu kết trước đó và thực tế, với sự ra mắt của cửa hàng sách iBookstore, giá ebook đã giảm thay vì tăng, từ trung bình 7,97 USD xuống 7,34 USD. Với Bộ, nhiều mục tiêu đã được hoàn thành nhờ vào sự dàn xếp với các nhà xuất bản, gỡ bỏ hạn chế về chiết khấu và khuyến mại của các nhà bán lẻ ebook. Thỏa thuận đã giúp giảm giá cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, chính phủ Mỹ đeo đuổi vấn đề lớn hơn khi muốn khẳng định một số quy định trong giao dịch ngầm giữa Appel và các nhà xuất bản là không được thực hiện. Một số quy đinh này, hay còn gọi là điều khoản tối huệ quốc (nguyên tắc bình đẳng, không phân biệt đối xử vì tất cả các bên dành cho nhau sự đối xử ưu đãi nhất), trong trường hợp của Apple: nếu các cửa hàng sách khác bán giá rẻ hơn, Apple cũng được giảm giá. Đây chính là “sáng kiến” để các nhà xuất bản nâng giá tại các nhà bán lẻ khác. Điều khoản tối huệ quốc là trung tâm tranh luận trong các ngành nội dung khác như âm nhạc, truyền hình, nơi các nhà cung cấp có vai trò then chốt trong việc định giá. Nếu thắng Apple, Chính phủ có thể gửi đi thông điệp mạnh mẽ rằng điều khoản tối huệ quốc “gây hại cho cạnh tranh nhiều hơn giúp đỡ”. Theo Reuters, Nhân Dân