Sự cạnh tranh sôi động giữa các doanh nghiệp (DN) cung cấp dịch vụ thông tin di động thời gian qua đã góp phần thúc đẩy thị trường viễn thông Việt Nam phát triển nhanh, trở thành một trong những thị trường có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới. Song, cũng chính sự cạnh tranh quá gay gắt của nhiều DN những năm gần đây đã khiến thị trường này bộc lộ nhiều yếu tố phát triển chưa bền vững, đòi hỏi phải cơ cấu lại. Cạnh tranh không tương xứng Tháng 7-2003, thị trường thông tin di động Việt Nam đã có bước ngoặt quan trọng, chuyển từ độc quyền sang cạnh tranh khi mạng di động S-Fone chính thức đi vào hoạt động. Mặc dù được kỳ vọng S-Fone sẽ đem lại"luồng gió mới" cho thị trường vốn trước đây độc quyền bởi hai mạng di động là VinaPhone và MobiFone (đều thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam - VNPT) nhưng S-Fone đã không làm được điều đó bởi sự hạn chế về công nghệ CDMA cũng như chiến lược phủ sóng không hợp lý của mạng di động này. Chỉ đến khi Viettel Mobile xuất hiện vào năm 2004 thì thị trường mới chính thức bước vào giai đoạn cạnh tranh sôi động. Những gói cước bình dân liên tục được Viettel tung ra đã tạo sức ép giảm gía cước dịch vụ đối với các DN khác, nhờ đó nhiều người dân không chỉ ở thành thị mà cả ở vùng sâu, vùng xa cũng có thể tiếp cận được dịch vụ hiện đại và đầy tiện ích này. Ðây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến sự bùng nổ thuê bao di động liên tục trong nhiều năm, thậm chí có năm, tốc độ phát triển thuê bao di động của Việt Nam đã vượt gấp đôi tốc độ phát triển trên thế giới. Sau Viettel, lần lượt các DN khác như EVN Telecom, Hanoi Telecom, Gtel Mobile gia nhập thị trường, đưa tổng số các mạng di động trên cả nước lên con số 7. Tuy nhiên, sau một thời gian dài phát triển sôi động, liên tục ở mức bùng nổ thuê bao, từ năm 2011 thị trường thông tin di động nước ta bắt đầu bước vào giai đoạn mới khi tốc độ tăng trưởng thuê bao di động chững lại. Những khó khăn trên thị trường dần xuất hiện: mật độ điện thoại tiệm cận mức bão hòa, cạnh tranh giảm giá khiến giá cước tiến tới sát giá thành, doanh thu trên từng thuê bao giảm dần làm lợi nhuận của DN suy giảm, buộc các DN phải cạnh tranh khốc liệt với nhau để giành giật thị phần. Mặc dù thị trường có tới sáu DN cạnh tranh nhưng đến năm 2011, thị phần chủ yếu vẫn thuộc về ba mạng lớn là VinaPhone, MobiFone và Viettel với khoảng 95% thị phần. 5% thị phần còn lại dành cho các mạng nhỏ như S-Fone, Vietnamobile, Beeline và EVN Telecom. Chính sự cạnh tranh không tương xứng đó đã đẩy các DN nhỏ, mới tham gia thị trường gặp khó khăn, có DN kinh doanh không hiệu quả, đứng bên bờ vực phá sản. Năm 2011, thị trường đã ghi nhận sự kiện EVN Telecom chính thức sáp nhập vào Viettel. Và mới đây, trung tuần tháng 9 vừa qua, VimpelCom, đối tác nước ngoài chính trong liên doanh Gtel Mobile cũng chính thức rút thương hiệu Beeline khỏi thị trường Việt Nam sau khi bán toàn bộ 49% cổ phần trong liên doanh Gtel Mobile cho Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Truyền dẫn và dịch vụ hạ tầng (Gtel), đưa Gtel Mobile trở thành công ty 100% vốn trong nước. Trước đó, tháng 7-2009, liên doanh Gtel Mobile giữa Gtel và VimpelCom đã khai trương mạng di động Beeline, mạng thứ bảy tại Việt Nam. Thế nhưng, sau ba năm hoạt động, VimpelCom đã không thành công trong việc đạt mục tiêu trở thành mạng di động lớn thứ tư tại Việt Nam, phải rút lui khỏi thị trường. Như vậy, đến nay, trên thị trường chỉ còn lại sáu mạng di động đang hoạt động, trong đó có ba mạng lớn là MobiFone, VinaPhone và Viettel, còn ba mạng nhỏ Gmobile, Vietnamobile và S-Fone đều đang phải chật vật, xoay xở thu hút và giữ chân thuê bao. Những biến động liên tục trên thị trường thông tin di động trong hơn một năm qua cho thấy, thị trường đang ở giai đoạn cạnh tranh khá phức tạp và những DN viễn thông nhỏ sẽ càng khó khăn hơn trước áp lực cạnh tranh lớn này. Xu hướng mua bán, sáp nhập DN thông tin di động đang ngày càng rõ nét và đây cũng chính là một trong những giải pháp tái cấu trúc DN theo quy luật tất yếu của thị trường, nếu không thực hiện, DN sẽ không thể tiếp tục tồn tại, có thể dẫn đến sự đổ vỡ thị trường, gây thiệt thòi cho người tiêu dùng. Cơ cấu lại thị trường Theo Quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, một trong những định hướng phát triển thị trường viễn thông là bảo đảm thị trường này phát triển bền vững theo hướng chất lượng, hiệu quả trên cơ sở tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh. Ðối với thị trường thông tin di động, phải có ít nhất ba DN tham gia hoạt động nhằm thúc đẩy cạnh tranh, mặt khác tránh việc tham gia quá nhiều, đặc biệt là của các DN nhà nước đầu tư ngoài ngành vào lĩnh vực viễn thông, dẫn đến cạnh tranh quá mức và hiệu quả kinh doanh trên thị trường thấp. Nhìn lại diễn biến thị trường vừa qua, nhiều chuyên gia viễn thông đã nhận định, có quá nhiều DN tham gia cạnh tranh (sáu DN) cho nên việc sử dụng tài nguyên tần số, kho số, hạ tầng mạng khó có thể đạt hiệu quả. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh không tương xứng giữa các DN lớn và DN nhỏ cũng là nguyên nhân khiến thị trường phát triển thiếu lành mạnh, ổn định. Cục trưởng Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) Phạm Hồng Hải cho rằng, con số DN tham gia thị trường viễn thông tùy thuộc vào điều kiện và hoàn cảnh của từng nước. Ở nước ta, trong giai đoạn phát triển ban đầu, việc có nhiều DN tham gia thị trường là bình thường, đến giai đoạn phát triển tiếp theo, việc mua bán, sáp nhập DN, rút khỏi thị trường là tất yếu, DN nào đủ năng lực cạnh tranh sẽ trụ lại, DN nào yếu thì rời khỏi thị trường. Ðiều này đặt ra cho các cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu quản lý thị trường chặt chẽ hơn để duy trì sự cạnh tranh bình đẳng đồng thời tiếp tục hoàn thiện môi trường kinh doanh viễn thông, tạo động lực thúc đẩy thị trường phát triển bền vững. Cũng để bảo đảm mục tiêu này, thị trường viễn thông sẽ được cơ cấu lại trên cơ sở tổ chức lại các DN viễn thông, đặc biệt là các DN nhà nước hoạt động không hiệu quả, theo hướng cho phép thực hiện mua bán, sáp nhập, chuyển giao theo cơ chế thị trường các DN hoạt động kém hiệu quả, quy mô nhỏ nhằm hình thành ba đến bốn tập đoàn, tổng công ty mạnh, hoạt động theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa trên cơ sở sử dụng hiệu quả cơ sở hạ tầng, nguồn lực và tài nguyên viễn thông. Theo Cục trưởng Phạm Hồng Hải, cạnh tranh không phụ thuộc hoàn toàn vào số lượng DN mà quan trọng hơn là cạnh tranh thế nào để thị trường phát triển bền vững. Con số ba đến bốn DN nêu trên chính là số DN để bảo đảm DN có điều kiện phát triển, Nhà nước có lợi và người dân không bị ảnh hưởng quyền lợi. Tuy nhiên, TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương lại nhìn nhận, thị trường thông tin di động hiện nay vẫn bị chi phối bởi hai DN nhà nước là VNPT với hai mạng MobiFone và VinaPhone và Viettel với mạng Viettel Mobile. Như vậy, cấu trúc thị trường có vấn đề cho nên để tạo áp lực cạnh tranh trên thị trường thì cần tiến hành cổ phần hóa các DN này. Cổ phần hóa sẽ giúp DN thu hút được các đối tác chiến lược với kỹ năng và trình độ quản lý, công nghệ mới, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của DN. Cơ cấu lại thị trường viễn thông trên cơ sở tổ chức, sắp xếp lại các DN nhưng phải bảo đảm duy trì được môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh, tạo điều kiện cho mọi DN phát triển. Có như vậy mới có thể tránh được nguy cơ thị trường tập trung vào một đến hai DN lớn, quay trở lại thời kỳ độc quyền.