Bao giờ thực sự... 3G

Thảo luận trong 'Tin Tức Chung' bắt đầu bởi Lightblue, 25 Tháng một 2007.

  1. Lightblue Amie

    Bao giờ thực sự... 3G

    [​IMG]
    Nếu cứ chờ đợi số lượng thuê bao lớn mới tiến hành triển khai các dịch vụ giá trị gia tăng tiên tiến hoặc có cuộc cách mạng trong việc đầu tư cho nâng cấp cơ sở hạ tầng truyền thông di động thì người dùng ĐTDĐ hiện nay không có cơ hội sử dụng các dịch vụ cao cấp và có thể chúng ta sẽ tụt hậu.
    Niềm tự hào ở Hàn Quốc

    Bước xuống sân bay quốc tế Incheon của thủ đô Seoul - Hàn Quốc, điều gây ấn tượng nhất với tôi không phải là cô nhân viên ở quầy làm thủ tục nhập cảnh biết tiếng Việt mà chính là việc Roy Yoon, người của SK Telecom đưa tôi chiếc ĐTDĐ sử dụng công nghệ CDMA tôi vẫn thấy anh dùng ở Việt Nam, nhưng lúc này trên màn hình xuất hiện cảnh của một bộ phim. Chắc lại tải về phim Hàn Quốc nào rồi đem khoe đây! Đoán được suy nghĩ của tôi, Roy Yoon nói trong tự hào, ti-vi đấy. Tôi rất ngạc nhiên vì hình ảnh trên màn hình chiếc AnyCall (Samsung) SCH - B250 rất nét, đẹp và âm thanh cũng tuyệt. ở Việt Nam, tôi cũng đã dùng thử một vài sản phẩm ĐTDĐ có chức năng ti-vi, nhưng chất lượng gần như... không thể xem được.

    Roy Yoon cho biết, dịch vụ ti-vi trực tuyến cho ĐTDĐ này do TU Media Corp cung cấp, đây là công ty đang sở hữu dịch vụ đa truyền thông di động băng thông rộng đầu tiên trên thế giới. Được khai trương vào tháng 5/2005, dịch vụ DMB (digital multimedia broadcasting) của TU Media đang cung cấp cho người dùng ĐTDĐ và một số thiết bị số bỏ túi khác 14 kênh tivi, 23 kênh radio trực tuyến. Điểm đặc biệt của DMB là chất lượng hình ảnh và âm thanh vẫn duy trì tốt ngay cả khi người dùng đang di chuyển với tốc độ lên tới 150 km/h. Tại sao DMB có được những điểm ưu việt như vậy? TU Media đã phóng vệ tinh Hanbyul phủ sóng toàn bộ diện tích Hàn Quốc và Nhật Bản. Hanbyul cho phép TU Media phát truyền hình và radio vệ tinh, chính vì vậy, người dùng có thể xem ti-vi và nghe radio chất lượng tốt.

    DMB là một trong những dịch vụ mới nhất của ngành truyền thông di động Hàn Quốc, đó cũng chính là niềm tự hào của người dân ở quốc gia này, họ là những người dùng ĐTDĐ đầu tiên trên thế giới sử dụng dịch vụ ti-vi và radio di động qua vệ tinh. Trước DMB, tại Hàn Quốc, cũng nhờ vệ tinh, người dùng ĐTDĐ đã được sử dụng dịch vụ GPS (global positioning system - hệ thống định vị toàn cầu). Không chỉ ở Seoul hay các thành phố lớn tại Hàn Quốc, ngay trên những con đường uốn lượn qua các đồi núi hay những cánh rừng của hòn đảo du lịch Jeju, các bác tài hoặc người dùng ĐTDĐ cũng có thể sử dụng GPS (được tích hợp sẵn trên ĐTDĐ hoặc thiết bị gắn sẵn trên ôtô) để tìm đường, để biết vị trí hiện tại của họ và từ vị trí đó đến điểm muốn đến đi như thế nào để tiết kiệm thời gian nhất, thông báo kẹt xe, v.v... Ngoài GPS, trung tâm gọi là Jeju Telematics (thuộc SK Telecom) đặt tại đảo Jeju còn cung cấp các dịch vụ nội dung thông qua truyền thông di động khác như giải trí, hướng dẫn du lịch... Một dịch vụ hữu ích khác có tên là iKids - dịch vụ bảo vệ trẻ em, cung cấp thông tin về địa điểm hiện tại của trẻ cho phụ huynh bằng cách sử dụng công nghệ GPS thông qua ĐTDĐ hoặc máy tính. Dịch vụ này cho phép người lớn đăng ký vùng an toàn như nhà trẻ, sân chơi... khi trẻ di chuyển ra khỏi vùng an toàn chuông ĐTDĐ sẽ kêu để thông báo cho phụ huynh biết...
    Trước khi rời Việt Nam, tôi có xem một chương trình truyền hình nói về việc thử nghiệm dịch vụ cho chép người dùng mua hàng hóa và trả tiền qua ĐTDĐ tại Nhật Bản. Theo nhiều chuyên gia trong ngành truyền thông di động, đây được xem là một trong những tính năng hữu ích trong tương lai của ĐTDĐ. Nhưng khi đến Hàn Quốc, tôi mới biết rằng ở đây người ta đã thương mại hoá dịch vụ này chứ không chỉ là thử nghiệm. Trong căn-tin của SK Telecom, nhân viên chỉ việc áp phần lưng của chiếc ĐTDĐ vào một thiết bị đọc gắn sẵn trên tường là việc thanh toán các món ăn đã hoàn tất. Tất nhiên, trong chiếc ĐTDĐ đó đã được gắn sẵn một con chip tương tự như chip trong thẻ thanh toán ngân hàng chúng ta vẫn dùng. Thậm chí người Hàn Quốc có thể mua Coca Cola, đồ uống trong máy bán hàng tự động nhưng không phải nhét những đồng xu vào khe nhận tiền mà là 'quét' ĐTDĐ qua máy đọc. Bạn đã bao giờ tưởng tượng rồi đây chiếc ĐTDĐ của mình sẽ trở thành chìa khóa hay là thẻ chấm công? Trong tòa nhà của SK Telecom, nhân viên của họ đã dùng ĐTDĐ để mở khoá cửa phòng cũng như khai báo giờ đến và giờ đi khỏi văn phòng. Tất cả cũng vẫn chỉ là áp lưng ĐTDĐ vào máy quét.

    Thực tế, những gì được kể trên đây chỉ là số ít trong 103.000 nội dung đang được cung cấp cho người dùng ĐTDĐ thế hệ 2.5G (CDMA 2000 1x, CDMA 2000 1xEV-DO) và 76.000 nội dung cho người dùng 3G (WCDMA) tại Hàn Quốc. Hầu hết các dịch vụ này đều được người Hàn Quốc phát triển. Chính vì lẽ đó, dù không phải là cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới nhưng người dân Hàn Quốc luôn tự hào rằng họ đang có hệ thống truyền thông di động thuộc loại hàng đầu thế giới.

    Tương lai nào cho Việt Nam.

    Tiến sĩ Go Sang Won, của KISDI (Korea Information Strategy Development Institute - Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Phát Triển Truyền Thông Hàn Quốc) nói, trở thành quốc gia có ngành truyền thông di động hàng đầu thế giới như hôm nay có đóng góp của Bộ Thông Tin và Viễn Thông Hàn Quốc. Bộ này ngay từ những năm 90 của thế kỷ trước đã có hẳn chiến lược cho mục tiêu đó. Cũng cần biết thêm, ở thời điểm đó Hàn Quốc đã rất mạo hiểm khi chọn CDMA, một chuẩn cho truyền thông di động chỉ có quân đội Mỹ dùng và chưa được thương mại hóa ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới, bất chấp cả việc công nghệ GSM đang bành trướng. Một mặt các nhà khai thác mạng di động Hàn Quốc tập trung cho việc phát triển thuê bao, nhưng mặt khác họ đã đổ rất nhiều công sức và tiền của cho nghiên cứu và phát triển (R&D). Chỉ riêng năm 2004, SK Telecom, nhà khai thác dịch vụ ĐTDĐ hàng đầu Hàn Quốc đã bỏ ra 120 triệu USD cho R&D. Hiện tập đoàn này đang có khoảng 500 nhà khoa học trong hoạt động R&D.

    Nhìn về Việt Nam, với nền kinh tế năng động và có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực, dân số trên 80 triệu người và mới chỉ có khoảng 10 triệu thuê bao ĐTDĐ. Chúng ta đang là một trong những thị trường truyền thông di động tiềm năng nhất thế giới. Chẳng thế mà hiện nay Việt Nam đang có đến 6 nhà khai thác dịch vụ ĐTDĐ được cấp phép trong đó 4 đơn vị đã chính thức đi vào hoạt động. Đó là chưa kể các nhà khai thác dịch vụ vô tuyến nội vùng. Thế nhưng, điều dễ nhận thấy là hiện mục tiêu của các nhà khai thác dịch vụ di động Việt Nam đang ra sức thu hút càng nhiều thuê bao càng tốt. Dường như vấn đề R&D đang chỉ là vai trò thứ yếu!

    Suốt hơn 10 năm kể từ khi mạng ĐTDĐ đầu tiên của Việt Nam là Mobifone đi vào hoạt động (không kể mạng ĐTDĐ nội vùng Callink có trước đó), từ năm 1993 đến nay dịch vụ được coi là tiên tiến nhất là GPRS (2,5G) của Mobifone và Vinaphone vẫn chưa hoàn thiện, Internet Mobile tốc độ thấp của S-Fone mới chỉ dừng ở thử nghiệm. Dịch vụ cho ĐTDĐ hiện chỉ gói gọn trong thoại, nhắn tin SMS, WAP. Thật đáng suy nghĩ nếu chúng ta biết rằng, Hàn Quốc cũng chỉ mới bắt đầu thương mại hóa dịch vụ ĐTDĐ CDMA (IS-95A) vào năm 1996 (của SK Telecom). Nhưng sau gần 10 năm, nếu không muốn nói chính xác là 7 năm, tháng 12/2003, Hàn Quốc đã trở thành quốc gia hàng đầu về truyền thông di động bằng việc cung cấp dịch vụ ĐTDĐ WCDMA. Sau 9 năm, năm 2005, họ có dịch vụ vệ tinh thương mại DMB.

    Đôi khi cũng chỉ vì 'sốt ruột', giới truyền thông tại Việt Nam thường thắc mắc với giới quản lý ngành viễn thông cũng như quan chức của các nhà khai thác dịch vụ về khả năng phát triển dịch vụ gia tăng? Đa phần câu trả lời là thu nhập người Việt Nam còn thấp, chưa sử dụng được các dịch vụ cao cấp. Được biết, ở Hàn Quốc, chỉ với 13 USD/tháng (tương đương với khoảng 200.000 đồng) khách hàng có thể sử dụng được dịch vụ cao cấp nhất là ti-vi và radio vệ tinh. Đây không phải là mức cước quá cao so với mức thu nhập bình quân của nhiều người dùng ở các đô thị Việt Nam. Tất nhiên, để làm được điều đó Hàn Quốc đã có đến 36 triệu thuê bao ĐTDĐ trên dân số 46 triệu. Nếu chúng ta cứ chờ đợi số lượng thuê bao lớn thì mới tiến hành triển khai các dịch vụ giá trị gia tăng tiên tiến hoặc có cuộc cách mạng trong việc đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng truyền thông di động thì có thể chúng ta sẽ trở nên tụt hậu. Bao giờ người Việt Nam chúng ta có thể ngẩng cao đầu về hệ thống cơ sở hạ tầng ĐTDĐ không thua kém bất cứ quốc gia nào trong khu vực Đông Nam á?

    Trong lần đến thăm Trung Tâm Thông Tin của SK Telecom, mà thoạt nhìn, bạn sẽ có cảm giác không khác gì trung tâm điều khiển không gian của NASA từng xem trên phim, ông In Se Hwang, quan chức của bộ phận chiến lược kinh doanh toàn cầu của SK Telecom cho chúng tôi biết, SK đang nghiên cứu để mở một trung tâm tương tự tại Việt Nam. Một quan chức khác của SK Telecom cũng cho biết, nếu được chuyển sang hình thức liên doanh thì họ sẽ có những đầu tư rất lớn để biến S-Fone thành nhà khai thác mạng không thua kém gì các nhà khai thác ở Hàn Quốc.

    Thực tế cũng như nhiều chuyên gia trong ngành truyền thông di động cho rằng thật khó để GSM có thể cung cấp được các dịch vụ đòi hỏi băng thông rộng như CDMA ở thời điểm hiện nay (xét cả về kỹ thuật lẫn tài chính). Những nước hàng đầu trong ngành truyền thông di động tại châu á không sử dụng GSM hiện là Hàn Quốc, Nhật Bản... Tại Đông Nam á, CDMA hiện được dùng tại Việt Nam, Thái Lan, Philippine và Indonesia. Tình hình CDMA của cả 4 nước đều gần giống nhau, nghĩa là mới chỉ dừng ở CDMA 2000 1x. Song có vẻ như tương lai CDMA ở Việt Nam là sáng hơn cả vì SK Telecom, nhà khai thác dịch vụ ĐTDĐ CDMA lớn nhất thế giới, coi Việt Nam cùng với Trung Quốc và Mỹ là thị trường trọng điểm của họ. Sự hậu thuẫn của SK Telecom là một phần đảm bảo cho CDMA tại Việt Nam nhanh chóng tiến tới WCDMA. Đó là chưa kể sắp tới đây nếu đúng như những gì tuyên bố của Hanoi Telecom, khi triển khai dịch vụ CDMA, họ sẽ ngay lập tức sử dụng công nghệ CDMA 2000 1xEV-DO.

    Vấn đề là liệu chúng ta có thực sự mong muốn và ủng hộ CDMA hay không và để điều đó trở thành hiện thực còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có cả sự quyết tâm gia nhập nhóm các quốc gia hàng đầu về công nghệ di động trong khu vực.



    Theo pcworld.com.vn