Công nghệ pin điện thoại đã trải qua 4 đời: Lithium Polymer (viết tắt trên pin là Li-Po, Li-Poly hoặc Li-Polymer), Lithium Ion (Li-Ion), Nickel Metal Hydride (NiMH) và Nickel Cadmium (NiCad). Trong đó, Li-Poly là công nghệ mới nhất, tiên tiến nhất trong ngành sản xuất pin điện thoại. Pin Li-Poly rất nhẹ, dung lượng lớn và không cháy nổ, ngay cả khi bị đóng đinh xuyên qua thân. Chất điện phân polymer dạng rắn chính là yếu tố làm nên ưu thế này - trong khi đó Li-Ion "đời trước" chứa dung môi hữu cơ nên có nguy cơ cháy nổ. Hiện nay, do giá thành đắt nên Li-Poly mới được áp dụng ở các dòng điện thoại cao cấp như Nokia N93, N92, Sony Erisson P800, T-620... NiCad độc hại với môi trường nên hầu như vắng bóng trên thị trường. NiMH vẫn được dùng nhưng dễ bị nóng trong quá trình sạc, khiến cho tuổi thọ pin ngắn. Li-Ion đang là dòng pin điện thoại phổ biến nhất do giá thành phải chăng và một số ưu thế nhất định. Chú ý: Thông số mAh trên pin nghĩa là mili ampe giờ. Đây là đơn vị đo khả năng lưu điện của pin. Con số này càng lớn thì dung lượng pin càng nhiều. Sạc đúng cách cho pin Nạp điện lần đầu cho pin là quá trình quan trọng quyết định tuổi thọ của thiết bị này. Trước hết, bạn để điện thoại ở chế độ tắt. Pin mới phải được sạc nhanh (thường là 80%) sau đó sạc từ từ cho đến 100% trong vòng 24 giờ (quá thời gian này pin có thể bị nóng và ảnh hưởng đến tuổi thọ). Thường thì các loại sạc đế hay sạc du lịch chính hãng đều đủ "thông minh" để điều chỉnh nhanh, chậm. Khi dùng, bạn hãy để đến khi nào pin cạn kiệt thì sạc lần tiếp theo. Thực hiện như vậy đối với 2-3 lần sạc đầu tiên. Chú ý rằng một số pin mới có thể hiển thị sai số điện năng vào hoặc thông báo "Not charging" trên điện thoại hoặc bộ sạc vì lúc đó pin chưa đủ điện để báo đúng. Tuy nhiên, đối với các lần sạc tiếp theo, sạc nhanh là tốt nhất cho pin Li-Ion. Cần chú ý sạc thường xuyên vì loại pin này "sống dai" khi nạp điện từng phần nhỏ, hơn là sạc toàn bộ. Ngoài ra, không nên để pin nạp đầy điện, chỉ khoảng 80% là vừa đủ. Người dùng cũng tránh dùng cạn sạch pin quá thường xuyên vì điện áp thấp có thể làm hỏng mạch an toàn. Bảo quản pin - Luôn để pin ở nơi thoáng mát và khô, tránh xa hơi nóng và đồ vật bằng kim loại, đề phòng cháy, nổ. Nhiệt độ lý tưởng từ 15-25oC. - Pin Li-Ion sẽ "thoái hóa" dần theo thời gian, dù bạn có sử dụng đến hay không. Do đó, nếu không cần thiết, đừng mua pin dự trữ. - Nên vệ sinh sạch sẽ các đầu tiếp xúc giữa pin và sạc.
Bổ sung chút: sạc khi pin còn khoảng 20% là tốt nhất. Sau khoảng 30 lần sạc thì 1 lần sử dụng gần cạn kiệt còn khoảng 2%, cho pin nghỉ khoảng vài giờ đồng hồ rồi sạc đầy 100%. Nội dung khi sử dụng không nên nạp đầy 100% thì mình chưa đọc thấy ở chỗ nào ghi điều này!!!