Một công ty luật tại San Diego, California đang theo đuổi vụ kiện chống lại Electronic Arts với cáo buộc công ty này đã lừa dối các nhà đầu tư về Battlefield 4. Robbins Geller Rudman & Dowd (tên của công ty nói trên) đã nhận trách nhiệm bảo vệ tất cả những người mua cổ phiếu của EA kể từ ngày 24 tháng 7 năm 2013 đến hết 4/12, quãng thời gian mà công ty luật tuyên bố rằng EA đã đưa ra nhiều thông tin sai lệch về Battlefield 4 - tựa game bắn súng mới nhất do hãng chịu trách nhiệm phát hành và đặt dưới bàn tay phát triển của DICE. Cụ thể, EA đã thổi phồng dự báo về doanh thu trong buổi họp ngày 29/10 dựa trên cơ sở việc Battlefield 4 được phát hành, dẫn đến giá cổ phiếu của công ty cũng tăng theo. Tuy nhiên giá của chúng lại nhanh chóng giảm xuống sau khi thông tin về multiplayer đầy rẫy lỗi trong trò chơi bắt đầu lan truyền trên internet. Đây không phải là trường hợp đầu tiên mà trước đó, công ty luật Holzer & Fistel tại thành phố Atlanta cũng đâm đơn kiện EA vì lý do tương tự: lừa dối các nhà đầu tư về chất lượng của Battlefield 4. Về phía EA, đại diện hãng phát hành game khổng lồ phát biểu với GameSpot: "Những cáo buộc này đều vô giá trị. Chúng tôi sẽ làm hết sức để bảo vệ mình và tự tin khẳng định rằng tòa án sẽ lần lượt bác bỏ các đơn khiếu nại. " Như đã đề cập nhiều lần trước đây, chế độ multiplayer của Battlefield 4 hoạt động rất thiếu ổn định với nhiều lỗi crash, disconnect, mất điểm kinh nghiệm... xảy ra với tần suất đáng báo động trên khắp các hệ máy mà nó phát hành, đến mức có gamer còn không thể chơi được một trận hoàn chỉnh. Rất nhiều bản patch vá lỗi cũng được DICE tung ra kể từ thời điểm ra mắt đến nay nhưng vẫn chưa thể khắc phục tình trạng khó chịu này một cách triệt để. Vào hồi đầu tháng 12 vừa qua, EA còn buộc phải tuyên bố tạm ngưng tất cả các dự án trong tương lai mà DICE đảm nhiệm bao gồm cả việc phát triển bản mở rộng cho Battlefield 4 để tập trung sửa chữa lỗi, cho thấy vấn đề gặp phải nghiêm trọng đến mức nào. Vì thế mà trong các cáo buộc nói trên, EA rõ ràng cũng không phải là trong sạch gì cho lắm. Chưa hết, mới đây EA còn được bình chọn là "công ty tệ hại nhất nước Mỹ" lần thứ 2 liên tiếp kể từ năm ngoái, giành giải thưởng với cái tên rất mĩ miều nhưng không lấy gì làm hay ho: "cục phân vàng" (Golden Poo). Với tiềm lực tài chính của mình EA vẫn có thể an toàn vượt qua được những rắc rối pháp luật nói trên, nhưng rõ ràng ấn tượng xấu trong mắt người chơi game thì sẽ không thể nào mất đi chừng nào hãng chưa đưa ra hành động sửa sai thích hợp trong tương lai. -st-