BlackBerry và Samsung đã đánh bại Apple để trở thành những hãng điện thoại đầu tiên được Bộ Quốc Phòng Mỹ cấp phép cho nhân viên của mình sử dụng, vì đã vượt qua được các thử nghiệm về độ bảo mật và an toàn thông tin. BlackBerry cho biết các thiết bị của hãng đã vượt qua thành công các yêu cầu an ninh nghiêm ngặt của Bộ Quốc Phòng Mỹ về mức độ bảo mật. Giờ đây dòng sản phẩm mới sử dụng nền tảng BlackBerry 10 của hãng, bao gồm BlackBerry Z10, Q10 và cả máy tính bảng BlackBerry PlayBook sẽ được phép sử dụng bởi các nhân viên của Bộ Quốc Phòng. Còn về phần Samsung, những sản phẩm được chấp thuận là smartphone được trang bị gói bảo mật Knox dành cho Android. Đây là gói ứng dụng giải pháp bảo mật được giới thiệu lần đầu tiên trên Galaxy S4, giúp tăng cường bảo mật trên các thiết bị chạy Android của Samsung mà không làm ảnh hưởng đến sự riêng tư của người dùng. BlackBerry 10 đang dần giúp BlackBerry lấy lại được danh tiếng “Chúng tôi rất vui mừng được thêm BlackBerry 10 và Samsung Knox phiên bản trên Android vào đại gia đình các thiết bị di động được sử dụng bởi Bộ Quốc Phòng. Chúng tôi đang tiếp tục tìm kiếm thêm các nhà cung cấp khác tham gia vào gia đình này”, Trung tá Damien Pickart, phát ngôn viên của Lầu Năm Góc cho biết. Trước đó, BlackBerry và Samsung cùng với Apple đã “chạy đua” để có được sự chấp thuận về bảo mật từ phía Bộ Quốc Phòng Mỹ, để cho phép các thiết bị của họ được sử dụng bởi khoảng 3 triệu nhân viên của cơ quan này. BlackBerry là hãng điện thoại đầu tiên nhận được sự phê chuẩn này, sau đó không lâu đến lượt Samsung. Còn Apple dự kiến cũng sẽ có được sự chấp thuận trong vài tuần tới. Vào tháng 2 vừa qua, Bộ Quốc Phòng Mỹ cho biết sẽ có kế hoạch để nâng cấp số lượng các thiết bị di động mà các nhân viên của mình đang sử dụng. Tính đến thời điểm đó, có khoảng 600.000 thiết bị di động đang được sử dụng tại cơ quan này, bao gồm 470.000 thiết bị của BlackBerry, 41.000 thiết bị của Apple và 8.700 thiết bị chạy nền tảng Android của Google. Bộ Quốc Phòng dự kiến sẽ trang bị khoảng 8 triệu máy cho tổng cộng 3 triệu nhân viên của mình. Trong quá khứ, BlackBerry cũng đã được hưởng lợi từ nhiều hợp đồng độc quyền với các cơ quan chính phủ Mỹ do đáp ứng được các yêu cầu về an ninh cao cấp và tính bảo mật cao, phù hợp với các yêu cầu của chính phủ. Tuy nhiên, năm qua BlackBerry đã gặp không ít khó khăn với các hợp đồng liên quan đến chính phủ. Trước đó, vào tháng 10 năm ngoái, Lầu Năm Góc cho biết đang lên kế hoạch để mở rộng hợp đồng độc quyền của BlackBerry cung cấp thiết bị di động cho mình với các nhà sản xuất thiết bị khác. Cũng trong tháng đó, Sở Di Trú Hoa Kỳ và cơ quan Hải quan Mỹ cũng thực hiện tuyên bố loại bỏ toàn bộ các thiết bị BlackBerry của mình và thay thế bằng iPhone của Apple. Do vậy, thông tin mới đến từ Lầu Năm Góc được xem là một điều tốt lành cho hãng điện thoại của Canada. Có vẻ như nền tảng BlackBerry 10 mới nhất của hãng đã dần lấy lại được niềm tin từ các cơ quan chính phủ Mỹ, giúp vực lại hy vọng “hồi sinh” của hãng công nghệ Canada này. Theo Dân Trí