Trong hai ngày 8-9/12, Bộ TT&TT phối hợp cùng Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) tổ chức hội thảo khu vực về “Chính sách và cơ chế đối với các cơ quan quản lý mới thành lập” tại Nha Trang, Khánh Hoà. Tại hội thảo, ông Scott Minehane, chuyên gia viễn thông của ITU cho rằng công nghệ 3G vừa được triển khai ở Việt Nam, Chính phủ nên có một số cơ chế giá giúp 3G phát triển nhanh. “Thực tế 3G không phải là một cái gì khác biệt của thị trường viễn thông”, ông Minehane nói. “Song vì mới triển khai, Chính phủ có thể can thiệp theo cách giúp thị trường này phát triển hơn, có thể là đặt ra mức giá sàn, sao cho giá dịch vụ 3G phù hợp với túi tiền của người dân”. Việt Nam đã cấp 4 giấy phép triển khai xây dựng mạng di động tốc độ cao thế hệ thứ 3 (3G), cho phép người dùng di động có thể thực hiện các cuộc gọi có hình, xem truyền hình, tải dữ liệu tốc độ cao. VinaPhone là mạng di động đầu tiên chính thức cung cấp dịch vụ 3G tại Việt Nam và sắp tới là Viettel, MobiFone. Tuy nhiên, khác với quan điểm của ông Minehane, ông Phạm Hồng Hải, Vụ trưởng Vụ Viễn thông, Bộ TT&TT nói hiện Bộ TT&TT chưa có kế hoạch can thiệp vào giá cước các dịch vụ 3G mà để doanh nghiệp tự quyết định. “Nếu đó là dịch vụ độc quyền hoặc một dịch vụ phổ biến, nhiều người sử dụng và có ảnh hưởng lớn đến thị trường Bộ sẽ can thiệp khi xảy ra tranh chấp không lành mạnh hoặc tình trạng độc quyền”, ông Hải nói. Khi nào chính phủ can thiệp vào thị trường viễn thông? Theo ý kiến một số chuyên gia quốc tế tại Hội thảo, việc chính phủ can thiệp vào thị trường viễn thông tùy thuộc vào mỗi nước và sự cần thiết và thị trường càng cạnh tranh càng ít phải điều tiết. Ông Minehane nói điều tiết giá cước (gồm cả cước liên mạng, cước bán lẻ, bán sỉ) là “bức tường bảo vệ” sự cạnh tranh, đặc biệt trong giai đoạn đầu tự do hóa thị trường. Hiện các quốc gia áp dụng một số mô hình điều tiết giá như chính phủ kiểm duyệt giá cước mọi dịch vụ; chính phủ kiểm duyệt và thông qua giá cước một số dịch vụ đặc biệt; chính phủ có thể đặt ra giá sàn cho một số dịch vụ; doanh nghiệp đặt ra giá cước và đệ trình lên chính phủ. Ngoài ra, ông Minehane cho biết một số nước cũng can thiệp vào các chương trình khuyến mãi nhằm đảm bảo doanh nghiệp viễn thông không vì cuộc cạnh tranh giá mà khuyến mãi “quá tay”, làm ảnh hưởng đến doanh thu, từ đó tác động xấu đến khả năng tái đầu tư của doanh nghiệp vào mạng lưới, vùng phủ sóng, cơ sở hạ tầng nói chung. Theo ông Ngô Việt Hùng, chuyên viên Vụ Viễn thông, những thách thức Việt Nam đang gặp phải là thiếu kinh nghiệm, kỹ năng điều tiết thị trường, quản lý cạnh tranh do cơ chế quản lý độc quyền đã kéo dài nhiều năm. Tuy vậy, Việt Nam đặt kế hoạch đến năm 2010, các doanh nghiệp viễn thông mới sẽ nắm 40%-50% thị phần Đối với Việt Nam, ông Phạm Hồng Hải nói để khuyến khích cạnh tranh, Bộ TT&TT chỉ quản lý giá cước bán lẻ của những doanh nghiệp chiếm từ 30% thị phần trở lên. Những doanh nghiệp này phải trình Bộ giá cước mới hoặc những thay đổi về giá cước trước khi ban hành. Ngoài ra, Bộ sẽ can thiệp để ngăn chặn những hành vi cản trở doanh nghiệp mới. Hiện cước kết nối liên mạng do Bộ TT&TT quyết định. Ông Hải nói quan điểm của Việt Nam là để các doanh nghiệp vận hành theo thị trường, tất cả doanh nghiệp tự đặt ra giá cước riêng dựa theo nghiên cứuu thị trường của họ. Tại Hội thảo, ông Yeo Tiong Yeow, đại diện Bộ Thông tin, Truyền thông và Nghệ thuật Singapore (MICA) cho biết Singapore cũng điều tiết giá cước đối với những doanh nghiệp chiếm thị phần lớn nhằm ngăn chặn trường hợp các “đại gia” viễn thông sử dụng sức mạnh, ảnh hưởng của mình lên thị trường để chèn ép “lính mới”. “Khi thị trường cạnh tranh hiệu quả, Chính phủ hầu như không cần can thiệp vào thị trường. Kinh nghiệm mà Singapore rút ra là khuyến khích ngành công nghiệp viễn thông tự điều tiết”, ông Yeow nói. Vấn đề là Chính phủ là cần biết chính xác lúc nào nên can thiệp vào thị trường và mức độ can thiệp ra sao, ông Yeow nói thêm. Mã: http://viettelonline.com/tin-tuc-viettel/bo-tttt-chua-can-thiep-gia-cuoc-3g.html