Bưu chính - viễn thông: Sẽ giảm cước, chất lượng tăng Mạng di động sẽ có thêm nhiều dịch vụ gia tăng. Internet sẽ bứt phá về công nghệ và hạ giá thành Gia nhập WTO, lĩnh vực bưu chính-viễn thông (BC-VT) lại được nhìn nhận là “nóng bỏng” không kém lĩnh vực tài chính, ngân hàng, dệt may. Sức ép thực hiện các điều khoản trong hội nhập có thể giúp mở ra một “sân chơi” mới của ngành BC-VT VN: Giá rẻ và chất lượng cao. Mạng điện thoại di động hấp dẫn hơn Cam kết gia nhập WTO trong cung cấp dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng (nhà cung cấp dịch vụ sở hữu dung lượng truyền dẫn và băng tần) tương tự như cam kết trong Hiệp định Thương mại VN - Hoa Kỳ (BTA). Theo ông Hoàng Thọ Thái, ủy viên Hội đồng Quản trị tập đoàn BC-VT VN (VNPT), tâm điểm của các doanh nghiệp (DN) nước ngoài đối với viễn thông chính là các mạng điện thoại di động (ĐTDĐ), lĩnh vực đang có lợi nhuận cao nhất. Cam kết của VN là trong 3 năm tới phải mở cửa hoàn toàn thị trường viễn thông, do vậy đây là áp lực rất lớn đối với các DN viễn thông VN. Ông Thái nhấn mạnh: “Và việc gia nhập WTO là chuyện mừng nhiều và lo lắng cũng nhiều của DN viễn thông trong nước”. Ông Thái cho hay, hiện nhiều tập đoàn quốc tế đang “hồi hộp” chờ đến thời điểm bán cổ phần của các mạng di động GSM (VinaPhone, MobiFone, Viettel) để thu gom vì các mạng này đang nắm thị phần chi phối trên thị trường mạng ĐTDĐ VN. Và sau khi DN nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực này, chắc chắn các mạng di động GSM sẽ được bổ sung hàng loạt tiện ích, các dịch vụ giá trị giá tăng kèm theo (như video, ca nhạc, truyền hình trực tuyến...) để cạnh tranh với các mạng CDMA (S-Fone, Hanoi Telecom, EVN Telecom). “Điểm quan trọng, với việc tiếp thu công nghệ và mô hình quản lý hiện đại từ các nhà đầu tư nước ngoài, chắc chắn người tiêu dùng sẽ được hưởng dịch vụ chất lượng cao và giá cước dịch vụ ĐTDĐ rẻ hơn” – ông Thái nói. Giảm bớt tình cảnh bưu kiện thất lạc VN đã cam kết cho phép thành lập liên doanh 51% vốn đầu tư nước ngoài ngay khi gia nhập WTO và cho phép thành lập công ty 100% vốn nước ngoài vào 5 năm sau khi gia nhập đối với lĩnh vực bưu chính. Đồng thời, cũng để tạo điều kiện cho bưu chính trong nước phát triển ổn định, đó là kinh doanh chuyển phát thông tin dưới dạng văn bản, kể cả thông tin dưới dạng không đóng gói dán kín, bao gồm cả thông tin quảng cáo trực tiếp. Hai tiêu chí xác định phạm vi dành riêng là: Khối lượng dưới 2 kg; giá cước 10 lần giá cước một bức thư tiêu chuẩn gửi trong nước ở nấc khối lượng đầu tiên và thấp hơn 9 USD khi gửi quốc tế. Việc bảo hộ này là phù hợp và không phân biệt đối xử giữa các dịch vụ chuyển phát nhanh, các nhà cung cấp dịch vụ chuyển phát nhanh trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, điều quan trọng theo ông Thái là việc mở cửa này sẽ kích thích cạnh tranh mạnh giữa các DN bưu chính. Ông Thái cũng thừa nhận, việc có xảy ra thất lạc bưu kiện, bưu phẩm của VNPT trong thời gian tới sẽ phải hạn chế và giá cước cũng sẽ phải điều chỉnh hấp dẫn hơn. Nhận thức rõ điều này, VNPT đã ngay lập tức thành lập một DN chuyên trách về dịch vụ chuyển phát nhanh thay vì giao cho bưu điện các tỉnh, TP thực hiện như trong thời gian qua. Tổng Giám đốc tập đoàn Express DHL khu vực châu Á - Thái Bình Dương Scott Price cho biết, VN gia nhập WTO đã mở ra cơ hội lớn đối với sự phát triển của nền kinh tế, mà trực tiếp là giới DN, hoạt động xuất nhập khẩu, bên cạnh những cam kết tự do hóa. “Nắm bắt điều này, DHL đã nhanh chóng thực hiện hàng loạt mục tiêu cụ thể như xin đầu tư thêm các dịch vụ mới và tăng cường đầu tư để giữ được 40% thị phần dịch vụ chuyển phát nhanh ở VN hiện nay” – ông Scott Price bộc bạch. Theo BBC và VNN