Các sếp của Apple vừa có một buổi trả lời phỏng vấn với hãng tin Bloomberg. CEO Tim Cook, giám đốc phần mềm Craig Federighi cùng giám đốc thiết kế Jony Ive đã trả lời nhiều câu hỏi xoay quanh các vấn đề như giá iPhone 5c và tương lai của Apple. Trong những ngày qua có rất nhiều tin tức, nhận định về Apple xoay quanh iPhone 5s, 5c và cả iOS 7. Có người khen, có người chê và chúng ta hãy cùng xem các sếp của Apple nghĩ gì? Về giá của iPhone 5c Đầu tiên, phóng viên cùng người tiêu dùng rất muốn biết tại sao iPhone 5c lại có giá cao như vậy? Câu trả lời của Tim Cook là: "Chúng tôi chưa bao giờ muốn bán một điện thoại giá rẻ. Mục tiêu chính của chúng tôi là bán những điện thoại tuyệt vời và cung cấp một trải nghiệm tuyệt vời và chúng tôi đã tìm ra cách để làm điều đó với mức giá thấp hơn một chút (so với iPhone 5s). Thị trường luôn có mảng lớn là những sản phẩm rác. Chúng tôi không kinh doanh rác… Phân khúc cao cấp trong ngành công nghiệp có giá cao hơn và giá trị lớn hơn. Đó là phân khúc thị trường mà người tiêu dùng muốn có một sản phẩm có thể làm nhiều điều cho họ, và tôi muốn cạnh tranh như điên để có thể phục vụ những người tiêu dùng này. Tôi sẽ không mất ngủ vì suy nghĩ tới các thị trường khác, bởi vì những thị trường đó không thể hiện phong cách của Apple. May mắn là cả hai phân khúc thị trường đều rất lớn, và có rất nhiều người tiêu dùng quan tâm và muốn có những trải nghiệm tốt nhất trên điện thoại và tablet của họ, do vậy tình hình kinh doanh của Apple thực sự vẫn rất tốt." Về giá cổ phiếu của Apple Tất nhiên, các nhà phân tích và các chuyên gia không hề thích mức giá của iPhone 5c và giá cổ phiếu của Apple đã giảm khá nhiều kể từ khi iPhone 5c ra mắt. Nhưng Tim Cook một lần nữa tái khẳng định rằng Apple không bao giờ quan tâm tới thị phần, mà chỉ quan tâm tới việc có thể cung cấp những trải nghiệm gì trên thiết bị của hãng. Rõ ràng, chưa cần quan tâm tới việc có bao nhiêu chiếc được bán ra, iPhone 5c sẽ mang lại nhiều lợi nhuận cho Apple hơn cả iPhone 5s, do vậy giới tính chính không cần phản ứng quá gay gắt. Tim Cook đã bình luận về giá cổ phiếu của Apple như sau: "Tôi không cảm thấy phấn khích khi nó (cổ phiếu) tăng giá. Tôi cũng chẳng lo lắng khi nó giảm giá. Tôi đã cưỡi trên chiếc tàu lượn này quá lâu và đã trải nghiệm đủ cảm giác lên xuống". Về vấn đề sáng tạo Dư luận cho rằng phù thủy Apple dường như đã "hết phép", trong khi Samsung cùng các hãng sản suất thiết bị Android khác, thêm Nokia với dòng Lumia lại đang sáng tạo không ngừng. Jony Ive và Craig Federighi không cho là như vậy và Apple có một triết lý khác. Jony Ive nói rằng Apple không thêm một tính năng mới chỉ để làm dài thêm danh sách tính năng: "có rất nhiều vấn đề phải giải quyết để hiện thực hóa một ý tưởng lớn", Ive nói khi đề cập tới công nghệ máy quét vân tay Touch ID độc đáo trên nút Home của iPhone 5s. Craig Federighi thậm chí còn thẳng thắn chia sẻ rằng: "Sáng tạo? Sáng tạo ra một cái gì đó là điều quá dễ dàng. Tạo ra những sản phẩm phù hợp với người tiêu dùng mới là khó". Về Android và sự phân mảnh Cook cho rằng hiện tại trên thị trường có nhiều hệ điều hành di động chứ không phải chỉ có iOS và Android. Ông cũng nhấn mạnh "khi bạn nhìn vào những điều như mức độ hài lòng của khách hàng và mức độ sử dụng sản phẩm, bạn sẽ thấy Android còn kém xa so với iOS". Đây là những nhận định chính xác, bởi theo công ty phân tích web NetMarketShare, gần 55% hoạt động web di động tại Mỹ đến từ các thiết bị iOS. Các thiết bị Android chỉ chiếm 28%. Đợt mua sắm "Black Friday" gần nhất ở Mỹ, iPad chiếm 88% lưu lượng mua sắm trực tuyến từ tablet, theo số liệu của IBM. "Thị phần và số lượng sản phẩm nói lên điều gì nếu chúng không được sử dụng?". Cook hỏi ngược. "Với Apple, chúng tôi quan tâm tới trải nghiệm của khách hàng. Chúng tôi thực sự muốn làm cuộc sống của khách hàng phong phú thêm, và chúng tôi sẽ không thể làm phong phú thêm cuộc sống của khách hàng nếu sản phẩm của chúng tôi không được sử dụng". Về vấn đề phân mảnh của Android với nhiều phiên bản khác nhau Cook nói, "tôi không nghĩ Android là duy nhất". Không giống Apple, cung cấp những bản nâng cấp lớn định kỳ, Google tạo ra nhiều phiên bản Android nhưng không phải tất cả người dùng Android đều có thể cập nhật phiên bản mới nhất. Thêm nữa, Android còn có thể bị tùy chỉnh bởi các hãng sản xuất thiết bị, các nhà mạng và lịch trình cập nhật Android cũng phụ thuộc vào các hãng sản xuất thiết bị, nhà mạng. Hiện tại có 45% người dùng Android đang dùng phiên bản Jelly Bean nhưng vẫn còn rất nhiều người dùng bị mắc kẹt với các phiên bản Android cũ hơn. Trong khi đó chỉ trong 24 giờ phiên bản iOS 7 mới nhất đã được 36% người dùng iOS đón nhận. Ngay cả những thiết bị Android mới ra mắt cũng không được trang bị phiên bản hệ điều hành mới nhất. "Khi người tiêu dùng mua thiết bị Android mới, họ sẽ sử dụng một hệ điều hành ba hoặc bốn năm tuổi. Cứ như ngay bây giờ tôi có trong túi một thiết bị chạy iOS 3. Tôi không thể tưởng tượng nổi". Cook châm biếm. Về thương vụ Nokia - Microsoft Đầu tháng này, Micorosoft đã mua lại mảng kinh doanh thiết bị của Nokia với giá 7,2 tỷ USD và trước đó, năm 2011, Google đã mua lại Motorola. Theo Tim Cook, "các hãng khác đang cố gắng áp dụng chiến lược của Apple. Họ đang nhận ra tầm quan trọng trong chiến lược của chúng tôi và muốn sao chép nó. Tôi nghĩ rằng Nokia là một lời cảnh báo với tất cả những doanh nghiệp rằng bạn phải sáng tạo không ngừng, không sáng tạo sẽ bị đào thải". "Sáng tạo hoặc chết" "Sáng tạo hoặc chết" không chỉ là câu thần chú của Tim Cook. Nó còn là điệp khúc của những iFan và các nhà phân tích. Kể từ khi Steve Jobs trở lại Apple vào năm 1996, hãng này đã phát triển các thiết bị không phải họ phát minh ra, nhưng họ hoàn thiện chúng và xây dựng thị trường. Apple không phải là hãng sản xuất những smartphone hoặc tablet đầu tiên, nhưng họ đã biến chúng thành những sản phẩm mà mọi người sẵn sàng dựng trại qua đêm bất chấp mưa bão để chờ mua. Apple đã phát triển quá nhanh với tốc độ mà có thể chính nó cũng không theo kịp. Dù muốn hay không, mỗi lần Tim Cook bước lên sân khấu và công bố một thiết bị mới chưa đạt mong đợi của người tiêu dùng thì cả thế giới hoặc ít nhất thị trường chứng khoán ngay lập tức sẽ thể hiện sự thất vọng. Nhưng Tim Cook vẫn rất bình thản: "Tôi hạnh phúc về giá cổ phiếu. Không, không hề. Tôi luôn tự hỏi mình rằng "Liệu tôi đã làm những điều đúng đắn"? Đó là những gì tôi tập trung vào chứ không phải để cho những người khác hoặc những điều như thị trường chi phối cảm xúc". Theo VnReview
Dùng Android mới hay ko... có nhiều app chạy vẫn tốt ở HĐH cũ, đồng thời phổ người dùng rộng hơn... Còn iOS thì do thống nhất vì hệ thống nên có những app sẽ yêu cầu update lên HĐH mới hơn (theo update của nhà sản xuất thì phải là phiên bản mới nhất)... ko có HĐH chợ trời ở giữa cho download 1 cách thoải mái. Vì đa số chọn là Auto update trong máy. Apple làm tốt điều này. Vì chỉ có vài loại máy, dễ hệ thống hóa cho máy chủ hơn. 1 phần nữa là do các nsx đt Android khá lười update cho máy cũ... nên chỉ mấy con nào gây sóng gió mới nhận đc update thường siêng từ nhà phát hành lẫn người dùng phát triển.
Nói gì thì Apple từ khi Tim lên CEO rất sáng tạo đó chứ, sáng tạo trong cách moi tiền của người tiêu dùng. Thất vọng lâu rồi.