Vào thập niên 80 của thế kỷ XX, trên thế giới đã xuất hiện những yếu tố tác động lớn đến thị trường viễn thông, đó là: sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin; sự hội tụ công nghệ giữa viễn thông và tin học; sự gia tăng nhu cầu của xã hội đối với các dịch vụ viễn thông hiện đại; và sự cạnh tranh trong những ngành khác, kể cả các ngành dịch vụ công ích. Thị trường viễn thông đang chờ đợi một sự vươn dậy mạnh mẽ của các nhà cung cấp dịch vụ, nhưng doanh nghiệp viễn thông nhà nước lại không có đủ khả năng đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến nỗ lực toàn cầu cải cách ngành Viễn thông. Tại sao phải cải cách viễn thông? Là một ngành hạ tầng kinh tế có lượng vốn đầu tư lớn và tính chất quan trọng về an ninh quốc phòng, giai đoạn đầu ngành viễn thông của hầu hết tất cả các nước trên thế giới đều là ngành độc quyền nhà nước. Khi kinh tế thị trường phát triển, lợi ích mà cạnh tranh đem lại cho khách hàng là một điều hiển nhiên dễ nhận biết, nên khách hàng đòi hỏi ngành viễn thông phải cải cách. Mặt khác, theo sự phát triển về thu nhập cá nhân, nhu cầu của khách hàng ngày càng đa dạng phong phú khiến các nhà khai thác viễn thông truyền thống không thể thoả mãn nhu cầu của khách hàng. Một vấn đề hết sức quan trọng nữa là, khi xu thế toàn cầu hoá kinh tế trở thành trào lưu lan rộng khắp thế giới thì sức ép xóa bỏ độc quyền trong lĩnh vực viễn thông ngày càng mạnh mẽ. Đối với nước ta, sức ép từ quá trình đổi mới toàn diện nền kinh tế và khuynh hướng hội nhập kinh tế thế giới cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI là động lực mạnh mẽ bắt buộc Nhà nước phải tiến hành đổi mới, mở cửa thị trường nhiều lĩnh vực dịch vụ quan trọng, trong đó có ngành viễn thông, là ngành được các đối tác quốc tế luôn luôn yêu cầu Việt Nam mở cửa trong các đàm phán gia nhập WTO. Các chiến lược cải cách viễn thông Từ lý luận và thực tiễn cải cách ngành viễn thông của các nước trên thế giới, có thể tổng kết thành 5 chiến lược cơ bản sau: Chiến lược đổi mới cấu trúc ngành viễn thông Chiến lược này có thể có các lựa chọn như: Bưu chính và Viễn thông thuộc cùng một công ty; Bưu chính, Viễn thông là các đơn vị khai thác riêng, nhưng thuộc cùng một công ty; Bưu chính, Viễn thông tách riêng hoàn toàn. Do sự khác biệt đáng kể về công nghệ, về quản lý cũng như về vai trò của hai lĩnh vực bưu chính, viễn thông, nhìn chung đa phần các nước lựa chọn phương án tách riêng hoàn toàn 2 lĩnh vực này. Khi đó Bưu chính và Viễn thông trở thành 2 doanh nghiệp hạch toán độc lập. Chiến lược đổi mới địa vị pháp lý của nhà khai thác viễn thông nhà nước Từ địa vị pháp lý là một Cơ quan nhà nước đảm nhiệm hai chức năng quản lý nhà nước và quản trị kinh doanh, viễn thông nhà nước phải chuyển sang địa vị pháp lý cuối cùng là Công ty. Muốn thực hiện công ty hoá cần tiến hành tách riêng chức năng quản lý nhà nước và chức năng quản trị kinh doanh. Chức năng quản lý nhà nước được trao cho các cơ quan quản lý nhà nước về viễn thông. Chức năng quản trị kinh doanh thuộc về các doanh nghiệp viễn thông. Từ cơ quan nhà nước đến công ty thường có một địa vị pháp lý trung gian, đó là Công ty theo luật định. Tùy vào chính sách của mỗi quốc gia mà Công ty viễn thông theo luật định được trao quyền tự chủ ở các mức độ khác nhau và phải đảm đương các nghĩa vụ khác nhau. Tuy nhiên các công ty viễn thông nhà nước như vậy thường hoạt động kém hiệu quả. Lý do là họ thiếu quyền tự chủ và thiếu động lực kinh doanh. Chiến lược đổi mới tư duy kinh doanh Chiến lược này được gọi là "Thương mại hoá" nhà khai thác viễn thông nhà nước. Đây là quá trình áp dụng các nguyên tắc thị trường vào nhà khai thác viễn thông nhà nước. Trong điều kiện cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ trên thị trường viễn thông, chiến lược thương mại hoá là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, chuyển đổi từ trạng thái cũ sang trạng thái mới đòi hỏi một thời gian nhất định, do vậy cần thiết phải có các bước trung gian. Chiến lược đổi mới hình thức sở hữu viễn thông nhà nước Từ hình thức sở hữu nhà nước ban đầu, viễn thông nhà nước trải qua một số các hình thức sở hữu trung gian, hỗn hợp giữa nhà nước và tư nhân nhằm thu hút các nguồn vốn khác nhau và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Mục tiêu cuối cùng của quá trình chuyển đổi này là tư nhân hóa các doanh nghiệp viễn thông. Chiến lược đổi mới loại hình thị trường Từ thị trường độc quyền chuyển sang thị trường cạnh tranh cần phải có các bước đi cụ thể, đó chính là lộ trình mở cửa thị trường viễn thông. Thông thường, các nước thực hiện tự do hoá theo trình tự: Dịch vụ gia tăng trước, dịch vụ cơ bản sau; dịch vụ di động trước, dịch vụ cố định sau; dịch vụ đường dài trước, dịch vụ nội hạt sau; dịch vụ trong nước trước, dịch vụ quốc tế sau; thị trường thiết bị bưu chính, viễn thông mở trước, thị trường dịch vụ mở sau. Cải cách viễn thông ở nước ta Để nghiên cứu, đánh giá quá trình cải cách viễn thông Việt Nam, tác giả xin sử dụng đối tượng Tổng công ty bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) để phân tích. Có thể coi quá trình cải cách VNPT chính là cải cách viễn thông Việt Nam vì các lý do sau đây: Thứ nhất, trước đây thị trường viễn thông Việt Nam chỉ có một nhà cung cấp duy nhất đó là VNPT. Vì vậy, khi muốn cải cách ngành viễn thông Việt Nam thì bắt buộc phải nhắm vào đối tượng VNPT để tiến hành quá trình cải cách. Thứ hai, VNPT là doanh nghiệp thống lĩnh thị trường viễn thông Việt Nam, việc cải cách VNPT có ý nghĩa dẫn đường cho các doanh nghiệp viễn thông trong nước tích cực nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Thứ ba, VNPT là doanh nghiệp nhà nước (loại hình tổng công ty 91) có quy mô rất lớn, đóng góp nhiều cho ngân sách nhà nước, đóng vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện đường lối phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước. Việc cải cách VNPT có ý nghĩa to lớn trong việc giữ vững định hướng của Đảng cho nền kinh tế quốc dân. Thứ tư, chỉ có VNPT là đối tượng chính của quá trình cải cách. Các doanh nghiệp viễn thông khác do ra đời trong môi trường kinh tế đã thay đổi theo hướng thị trường nên hầu như đã thích nghi với môi trường, không cần tập trung cải cách. Dựa theo 5 chiến lược nêu trên có thể mô tả khái quát thực trạng của ngành Bưu chính Viễn thông Việt Nam hiện nay như sau: 1. Đối với chiến lược Đổi mới cấu trúc ngành bưu chính viễn thông Việt Nam. Hiện đã tách riêng 2 hoạt động bưu chính và viễn thông ở cấp huyện, đang chuẩn bị tách ở cấp tỉnh và cấp Tổng công ty. ở cấp bưu điện huyện thì mới chỉ là hình thức "Kế toán riêng, hạch toán chung". Cấu trúc ngành bưu chính viễn thông mới chỉ thay đổi bước đầu. 2. Đối với chiến lược Đổi mới địa vị pháp lý của VNPT Mặc dù là một doanh nghiệp nhà nước lớn, nhưng theo cơ chế hiện hành (luật doanh nghiệp nhà nước) VNPT vẫn chưa được hoạt động hoàn toàn tự chủ. Các hoạt động chủ yếu như tài chính, kế toán, nhân sự, chiến lược... vẫn chịu sự chi phối lớn của Nhà nước. Điều này ảnh hưởng lớn đến tính năng động cũng như động lực kinh doanh của Tổng công ty. Đây cũng là nhược điểm lớn và chung cho tất cả các doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam khi bước vào môi trường hội nhập quốc tế. 3. Đối với chiến lược Đổi mới tư duy kinh doanh của VNPT VNPT là loại hình doanh nghiệp nhà nước đã hoạt động lâu dài trong môi trường độc quyền. Trong điều kiện đó, tư duy kinh doanh chưa thể chuyển biến kịp với yêu cầu của môi trường cạnh tranh. Do vậy, các chức năng quan trọng trong một doanh nghiệp hoạt động trong cơ chế thị trường như quản trị chiến lược, quản trị tài chính, quản trị nguồn nhân lực, quản trị marketing,... chưa thực sự được áp dụng. Điều này làm giảm đáng kể năng lực cạnh tranh của Tổng công ty. 4. Đối với chiến lược Đổi mới hình thức sở hữu của VNPT Sở hữu là một trong những yếu tố quan trọng tác động đến tính năng động và hiệu quả của hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Thực tế đã chứng minh rằng sở hữu nhà nước là một nguyên nhân dẫn đến các khuyết tật của doanh nghiệp nhà nước nói chung và của VNPT nói riêng, đó là: Bộ máy cồng kềnh nhiều tầng nấc trung gian; năng suất lao động thấp kém; lãng phí trong việc sử dụng các nguồn lực...; và kết quả cuối cùng là năng lực cạnh tranh thấp kém. 5. Đối với chiến lược Đổi mới loại hình thị trường Về loại hình thị trường viễn thông, hiện tại Việt Nam đã chuyển từ dạng độc quyền doanh nghiệp sang độc quyền nhà nước. Mặc dù có một số nhà cung cấp dịch vụ viễn thông mới ra đời nhưng đó cũng là những công ty của nhà nước. Doanh nghiệp tư nhân chỉ tham gia bán lại các dịch vụ viễn thông, chẳng hạn như các nhà bán lại dịch vụ Internet. Trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới, nước ta phải cam kết từng bước mở cửa thị trường hơn nữa đối với lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ viễn thông. Do đó, chắc chắn thị trường viễn thông Việt Nam phải được mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực cố gắng và đã đạt được một số thành quả đáng khích lệ, nhưng nhìn chung VNPT còn tỏ ra nặng nề, phản ứng chưa linh hoạt và còn khá nhiều vấn đề cần phải giải quyết cấp bách để đảm bảo cho VNPT thật sự là một Tập đoàn kinh tế mạnh của quốc gia. Trong thời gian tới VNPT cần tập trung thực hiện tốt một số công việc sau: Một là, "Công ty hoá" doanh nghiệp viễn thông Công ty hóa (Corporatization) là hình thức chuyển đổi cơ chế hoạt động của doanh nghiệp sang "công ty". Điều này đồng nghĩa với việc chuyển đổi cơ chế từ thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước giao sang hẳn nhiệm vụ kinh doanh thuần túy. Công ty hoàn toàn được tự chủ trên thương trường, thực hiện chiến lược kinh doanh do mình tự xây dựng nên. Mô hình doanh nghiệp nhà nước của VNPT hiện nay không đảm bảo cho nó tính độc lập và quyền tự chủ trong kinh doanh. Do vậy, cần giải quyết chuyển đổi sang mô hình công ty cho phù hợp hơn. Dưới hình thức công ty, VNPT có quyền độc lập, tự chủ về tài chính và quản lý. Nhà nước cử người đại diện quyền chủ sở hữu nhưng không can thiệp vào chức năng điều hành sản xuất, kinh doanh của công ty. Hai là, "thương mại hoá" các công ty viễn thông Thương mại hoá (Commercialization) là việc đưa các nguyên tắc thị trường vào doanh nghiệp viễn thông, cung cấp cho nó các công cụ cần thiết để hoạt động năng động, có hiệu quả trong cơ chế thị trường. Suy cho cùng, thương mại hóa chính là chuyển tư duy kinh doanh từ hướng về sản xuất sang hướng về khách hàng, coi khách hàng là nhân tố sống còn của doanh nghiệp. Do kinh doanh trong môi trường độc quyền quá lâu nên VNPT đã trở thành "người khổng lồ" với hơn 100.000 lao động, chất lượng lao động không cao, năng suất lao động thấp và đặc biệt là tư duy kinh doanh chưa thật sự chuyển dịch theo hướng kinh tế thị trường. Việc quan trọng nhất đối với VNPT hiện nay là chuyển đổi tư duy kinh doanh từ hướng về sản xuất sang hướng về khách hàng. Ba là, chuyển đổi sở hữu đối với các công ty viễn thông nhà nước Hình thức sở hữu nhà nước của VNPT cần phải được chuyển đổi để nâng cao tính năng động và hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước. VNPT cần thực hiện ngay: (1) Chuyển đổi hình thức sở hữu vốn: Tích cực cổ phần hóa, chuyển toàn bộ vốn của những doanh nghiệp Nhà nước không cần nắm giữ và một phần vốn của những doanh nghiệp Nhà nước chỉ cần nắm cổ phần chi phối cho các cổ đông khác. (2) Đối với những doanh nghiệp mà Nhà nước cần nắm 100% vốn thì cần có sự chuyển đổi từ cơ chế giao vốn sang cơ chế kinh doanh vốn thông qua Công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước. Bốn là, từng bước mở cửa thị trường viễn thông Mở cửa thị trường viễn thông cho các công ty nước ngoài tham gia luôn là vấn đề khó khăn phức tạp trong các cuộc đàm phán song phương và đa phương của Việt Nam để trở thành thành viên của WTO. Các nước đặt ra cho chúng ta một yêu cầu là phải tự do hóa thị trường viễn thông. Tuy nhiên, do nhiều vấn đề quan trọng về an ninh, chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước nên hầu hết các nước, kể cả các nước phát triển trên thế giới, đều tiến hành tự do hóa thị trường viễn thông từng bước thận trọng. Để chủ động hội nhập kinh tế thế giới, ngay từ bây giờ VNPT với vị thế đứng đầu trong lĩnh vực viễn thông phải tích cực cập nhật công nghệ, phát triển hạ tầng mạng tiên tiến, rộng khắp cả nước; đổi mới tổ chức sản xuất kinh doanh, tích cực nâng cao khả năng cạnh tranh để có thể phát triển nhanh và bền vững trong môi trường cạnh tranh và thực hiện tốt lộ trình tự do hóa thị trường viễn thông. Kết luận Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Cải cách doanh nghiệp nhà nước nói chung và doanh nghiệp viễn thông nói riêng được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm, được thể hiện qua Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 Ban chấp hành Trung ương khoá IX. Tìm hiểu lý luận và kinh nghiệm cải cách viễn thông thế giới là vấn đề hết sức cần thiết giúp cho việc thực hiện thành công cải cách viễn thông nói riêng và công cuộc đổi mới nền kinh tế Việt Nam nói chung. Cải cách viễn thông là một vấn đề lớn liên quan đến tầm vĩ mô của Nhà nước. Để thực hiện thắng lợi, cần phải được tổ chức, quản lý chặt chẽ và sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành. ThS. Trần Văn Thịnh Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 4/2006 Mã: [/URL][URL]http://www.ncseif.gov.vn/Default.aspx?mod=News&cat=68&nid=1896[/URL][URL="http://www.ncseif.gov.vn/Default.aspx?mod=News&cat=68&nid=1896"]