Cần biết khi mua điện thoại cũ

Thảo luận trong 'Điện Thoại Phổ Thông' bắt đầu bởi demsaonhonguoi, 3 Tháng mười hai 2011.

  1. demsaonhonguoi Nick Vi Phạm

    Ngày càng có nhiều người xem điện thoại di động như một vật trang sức công nghệ hơn là một chiếc máy thuần túy. Nhờ đó, những người có túi tiền khiêm tốn thường tìm đến những chiếc máy cũ. Tuy nhiên, với loại máy này, người dùng thường không an tâm về chất lượng.

    1. Màn hình

    [​IMG]
    Đặt máy nghiêng dưới ánh sáng tốt và ấn nhẹ tay lên mặt màn hình xem có bị hiện tượng vỡ hạt, mất nét không. Nếu định mua một chiếc điện thoại di động dạng bật nắp, hãy đóng mở máy vài lần xem phản ứng của hai màn hình chính/phụ. Nếu màn hình đột nhiên tắt ngúm trong vài giây, đó chính là dấu hiệu nhận biết dây nối màn hình và thân máy đã có vấn đề.

    2. Bàn phím
    [​IMG]
    Lướt tay bạn một vòng qua các phím bấm. Điện thoại xài lâu ngày bàn phím thường bị lờn, bám bụi, bấm không ăn nên nhảy chậm một chút cũng không sao. Bạn có thể cải thiện bằng cách làm vệ sinh lại board mạch hoặc các chân phím. Tuy nhiên, nếu có phím nào đó hoàn toàn không phản ứng thì bạn cần cẩn trọng. Các mạch điện tử đã hỏng thì thường có xu thế kéo theo các mạch cạnh bên và sẽ lan ra cả máy trong thời gian ngắn.

    3. Pin
    [​IMG]
    Tin tức về việc những viên pin chất lượng kém gây cháy nổ là điều không còn xa lạ với người dùng, vì vậy cẩn thận với pin không bao giờ là thừa.
    Ngoài cách nhận biết thông thường là pin đi kèm máy luôn được dán tem chống giả, tem phản quang, có thể lưu ý thêm như sau: Một viên pin tốt sẽ luôn có vẻ cứng cáp, vỏ pin có màu sắc và chi tiết in rõ ràng. Vì phụ kiện cho điện thoại ngày nay chủ yếu được sản xuất tại Trung Quốc nên phần lớn pin thật thường được ghi rõ ràng xuất xứ “Made in China”. Trong khi đó, hầu hết những viên pin có “mác” Japan hay Korea lại cần phải kiểm tra lại về nguồn gốc.
    Tiếp theo, đặt viên pin lên một mặt bàn phẳng, nếu nó cong hay nhô lên, đó là một viên pin sắp hết sử dụng được.
    Cuối cùng, lắp pin vào lại trong máy, cắm sạc khoảng 10 phút hoặc nếu có thời gian thì lâu hơn càng tốt. Theo dõi tốc độ nạp và nhiệt độ viên pin trong quá trình nạp. Pin mau nóng, sạc hoài không đầy hoặc quá mau đầy đều là dấu hiệu “sắp hết hạn sử dụng”.


    4. Hoạt động của máy


    [​IMG]
    Gắn SIM của bạn vào và kiểm tra khả năng nhận diện SIM, tình trạng bắt sóng của máy. Thực hiện khoảng 1-2 cuộc gọi để kiểm tra tình trạng loa, micro. Một số máy có thể vẫn nghe tốt nhưng người nhận không nghe được bạn nói gì hoặc ngược lại. Một số khác có lỗi ở bộ phận thu phát sóng cho tình trạng tệ hơn, chỉ nghe-nói được khoảng 30 giây là máy tự động ngắt cuộc gọi hoặc tắt hẳn.
    Bật các chế độ chuông để kiểm tra tình trạng loa ngoài (nếu có) và thử chế độ rung của máy. Một vài máy do va đập nhiều dẫn đến đứt mạch trong board, tuy còn hoạt động bình thường nhưng không báo rung được nữa.

    5. Board mạch
    [​IMG]
    Với các máy Nokia, vỏ X-press dễ tháo lắp giúp bạn dễ dàng kiểm tra board mạch bên trong. Board chuẩn và chính hãng thường có màu xanh nhạt, dày, nặng và các ốc linh kiện rất sáng. Các board Trung Quốc nhái thường có màu xanh đậm, độ sáng bóng kém.
    Hầu hết các dòng máy khác như Samsung, Sony Ericsson, Panasonic hay Siemens lại rất khó tháo vỏ máy để xem board bên trong. Với tình huống này, hãy quan sát kỹ những con ốc bắt vào máy. Hàng đã từng bị tháo ra ráp lại thì dù thợ có khéo tay đến mấy cũng khó tránh gây xước ốc. Dấu hiệu nhận biết thường rất rõ do các con ốc được sơn đen cách điện nên chỉ một vết xước nhẹ, mắt thường cũng có thể nhìn thấy.
    Hiện nay, trên thị trường đã xuất hiện một dạng làm giả điện thoại khá độc đáo. Nhiều model đời trước với board mạch xịn được người bán nâng cấp phần mềm, thay vỏ của model máy mới hơn và bán lại theo giá model mới. Vì vậy, tốt nhất nếu mua lại máy có giá trị cao của người không quen biết và thấy có dấu hiệu nghi ngờ, bạn nên mang máy đến các trung tâm bảo hành chính hãng nhờ kiểm tra lại toàn bộ máy trước khi mua. Tuy sẽ tốn thêm một khoảng phí nhưng về sau bạn sẽ không phải tiếc nuối số tiền lớn mình đã bỏ ra mua chiếc điện thoại.
    Cuối cùng, nếu muốn mua một chiếc điện thoại di động cũ mà lại không sành về công nghệ, bạn nên tìm đến các siêu thị điện thoại lớn. Tại những nơi này, tuy giá có cao hơn thị trường khoảng 100-200 ngàn nhưng họ có nguồn hàng cũ tương đối phong phú và bạn cũng an tâm hơn khi máy đều qua kiểm tra chất lượng và được bảo hành.
    Nguồn DIGILIFE​