Các mạng di động nên có định giá khác nhau cho từng phân khúc thị trường khi cung cấp dịch vụ 3G. Ảnh T.H Cảnh báo cuộc chiến giá 3G ICTnews - Làm thế nào để triển khai 3G thành công và nguy cơ từ cuộc chiến về giá cước của các mạng di động là tâm điểm của Hội nghị tăng trưởng viễn thông Việt Nam 2009. Đây là hội nghị với chủ đề “Tối ưu hóa các cơ hội tăng trưởng tại thị trường Việt Nam”do Viện Chiến lược TT&TT (Bộ TT&TT) và hãng nghiên cứu thị trường Frost & Sullivan tổ chức trong 2 ngày 23 và 24/9 tại Hà Nội. Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho biết, việc triển khai công nghệ 3G sẽ thúc đẩy sự phát triển của các ứng dụng trong đời sống KT-XH và giảm khoảng cách phát triển về viễn thông giữa các vùng, miền trong cả nước. Cũng theo Thứ trưởng Lê Nam Thắng, Chính phủ Việt Nam luôn giành ưu tiên cho phát triển viễn thông để phục vụ phát triển KT-XH và liên tục tạo lập môi trường thuận lợi để Việt Nam trở thành địa điểm đầu tư kinh doanh hấp dẫn và tin cậy của các nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt là các tập đoàn viễn thông và CNTT hàng đầu thế giới. Đối mặt với cuộc chiến giá khắc nghiệt Ông Marc Einstein, phụ trách thị trường ICT khu vực châu Á-TBD của Frost & Sullivan, cảnh báo Việt Nam hiện có 7 nhà khai thác viễn thông, vì vậy cạnh tranh sẽ rất cao, đặc biệt về giá cước dịch vụ. Thậm chí, viễn thông Việt Nam có thể trải qua năm 2009 với mức tăng trưởng âm. Hiện nay, Việt Nam là 1 trong những nước có số lượng nhà mạng lớn nhất tại châu Á-TBD, chỉ thua Ấn Độ (11 nhà khai thác), Indonesia (11 nhà khai thác) và Campuchia (9 nhà khai thác). Cuộc chiến giá cả sẽ tác động mạnh đến thị trường, nhiều thuê bao rời mạng, thuê bao trả sau chuyển thành trả trước để tận dụng khuyến mãi, giá cước rẻ. Trong khi đó, ông Marc Einstein cho biết, theo nghiên cứu của Frost & Sullivan, ở Việt Nam chỉ có 5% là thuê bao trả sau, nhưng họ mang lại tới 50% doanh thu. Ngoài ra, theo một báo cáo mà Frost vừa nhận được, tại Việt Nam đang diễn ra tình trạng có nhiều thuê bao trả sau chuyển thành thuê bao trả trước. Marc Einstein cũng đưa ra một ví dụ sinh động về nguy cơ của cuộc chiến giá cả ở Thái Lan. Từ quý II/2005, 6 nhà khai thác viễn thông Thái Lan cạnh tranh mạnh mẽ về giá, và tổng doanh thu toàn bộ thị trường viễn thông Thái Lan không hề tăng trong quý II và III/2005, mặc dù số lượng thuê bao tăng mạnh, do giá cước không đủ bù doanh thu. 3G cũng bị ảnh hưởng cuộc chiến về giá Ông Marc Einstein cho rằng, định giá 3G rất quan trọng với Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh khắc nghiệt. Hơn nữa, các nhà mạng cần tránh “cái bẫy” lưu lượng sử dụng 3G tăng nhưng doanh thu không có khả năng tăng theo, vì họ đưa ra những dịch vụ giá rẻ trước áp lực cạnh tranh giá. Theo ông John Shirley, Giám đốc điều hành hãng Gapit Comunications, giá cả cũng là một biện pháp để tránh “cái bẫy” trên, chẳng hạn có thể nâng giá để hạn chế người dùng sử dụng quá nhiều lưu lượng. Tuy nhiên, biện pháp này lại vướng phải cuộc cạnh tranh giá. Vì vậy, nhà mạng cần định giá các dịch vụ tùy theo nhu cầu thị trường, cần có các định giá khác nhau cho từng phân khúc thị trường. Miễn phí một số dịch vụ cũng là một giải pháp được tính đến, nhằm thu hút người dùng đến với 3G. Ông Trần Vĩnh Phúc, Phó Trưởng ban Viễn thông của VNPT cho biết, VNPT đã nghiên cứu và phân loại dịch vụ, nhu cầu thị trường thành 2 phân khúc: khách hàng cao cấp và khách hàng tầm trung. Với khách hàng cao cấp, VNPT sẽ tạo ra những khu vực có giá trị cao, kỳ vọng sẽ có 10% khách hàng cao cấp nhưng tạo ra 30% doanh thu. Với người dùng có mức thu nhập tầm trung, dự kiến có 10% lợi nhuận từ 30% người sử dụng. “Với chiến lược này, giai đoạn đầu VNPT sẽ cung cấp dịch vụ 3G tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng… Tại nông thôn VNPT sẽ giới thiệu 3G chậm hơn, song dần dần cũng sẽ phủ sóng hết”, ông Phúc nói. Một vấn đề quan trọng nữa là các nhà mạng phải kiểm soát lưu lượng. Marc Einstein cho biết câu chuyện về một nhà mạng ở Hồng Kông, có 3% thuê bao song dùng tới 40% dung lượng mạng. Vì thế, kiểm soát lưu lượng sẽ biết thuê bao sử dụng dịch vụ gì và có mang lại lợi nhuận không. Tận dụng smartphone để nâng ARPU Theo nghiên cứu được ông Jayesh Easwaramony, giám đốc mảng ICT của Frost & Sullivan đưa ra tại Hội nghị, mức thu nhập bình quân trên mỗi thuê bao (ARPU) trên thế giới đang có xu hướng giảm dần tại cả các nước phát triển và đang phát triển. Tuy nhiên, khi các quốc gia phát triển tạo ra các dịch vụ dữ liệu, họ đã kìm hãm được sự suy giảm của ARPU. Chính nhu cầu người dùng sẽ thúc đẩy các thiết bị số như netbook, smartphone, và các loại hệ điều hành mở phát triển; đồng thời, những thiết bị này sẽ giúp các nhà mạng tăng mức ARPU. Tại Việt Nam, thiết bị sẽ là một cơ hội giúp các nhà mạng cải thiện ARPU. “Một điều may mắn là mật độ thuê bao 3G trong khu vực đang tăng, số lượng thiết bị đầu cuối 3G tăng”, ông Jayesh Easwaramony nói. Ông dự báo đến năm 2015, thị trường thiết bị 3G sẽ bùng nổ, giá sản phẩm cũng sẽ rẻ hơn, chỉ khoảng 200-230 USD. Và đến năm 2015, 3G sẽ phổ biến như GPRS hiện nay. Smartphone đang tạo ra một mô hình kinh doanh mới cho các nhà khai thác dịch vụ 3G. Tại hầu hết các thị trường phát triển, smartphone đã mang lại cho các nhà mạng nhiều khách hàng mới. Nhiều chuyên gia viễn thông cho rằng không chỉ tận dụng cơ hội từ thiết bị, các hãng viễn thông còn nên bán cả thiết bị, như smartphone, laptop, thẻ dữ liệu USB, PDA…. Không những thế, các hãng viễn thông phải như một “cửa hàng tạp hóa”, cung cấp mọi thứ từ thiết bị, đến dịch vụ, ứng dụng, phải xây dựng các kho ứng dụng như App Stores của Apple hay Ovi của Nokia. Nếu không, nhà mạng sẽ chỉ đơn thuần là hãng cung cấp kết nối, cung cấp đường ống. Nguồn:ICTNews