Đã có thời điểm trong quá khứ, màn hình SED được coi là công nghệ tiềm năng và sẵn sàng thay thế cho LCD và Plasma trong tương lai. Màn hình SED cho hình ảnh có độ tương phản cao, sáng, đẹp nhưng cũng tiết kiệm nhiều điện năng khi so sánh với LCD và Plasma. Ảnh: OLED. Trong quá khứ, công nghệ SED (surface-conduction electron-emitter display), công nghệ màn hình bức xạ điện tử dẫn bề mặt từng được cam đoan sẽ mang tới những mẫu màn hình cho hình ảnh sáng, đẹp hơn, tiêu thụ ít điện năng hơn các TV mỏng LCD và Plasma thông thường. Thêm nữa, SED cũng từng chứng tỏ được sức mạnh của mình khi là loại màn hình đầu tiên đạt được độ tương phản cao kỷ lục, 100.000:1. Vào năm 2004, Canon và Toshiba đã cùng bắt tay vào nghiên cứu phát triển loại màn hình mới này, nhưng tới năm 2007, hãng sản xuất TV Toshiba rời bỏ liên minh, để lại toàn quyền sở hữu công nghệ SED cho Canon. Mới đây, đến lượt hãng duy nhất còn trung thành với SED là Canon cũng chính thức tuyên bố rút lui khỏi việc phát triển và thương mại hóa các mẫu màn hình SED. Theo AVrev, lý do chính để hãng sản xuất của Nhật "rời cuộc chơi" với SED nằm ở việc chi phí sản xuất quá cao. "Các mẫu màn hình SED được làm ra đều cho chất lượng hình ảnh rất tuyệt vời và ấn tượng nếu so sánh với LCD và Plasma thông thường. Tuy nhiên, chúng tôi lại không có cách nào để làm giảm chi phí sản xuất của sản phẩm, tới một mức độ hợp lý để có thể thương mại hóa và phát hành ra thị trường", đại diện của Canon cho biết.