Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 200/2014/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp, có hiệu lực thi hành từ ngày 04/02/2015 và áp dụng cho việc lập và trình bày BCTC từ năm 2015 trở đi. Thông tư số 200/2014/TT-BTC thay thế cho Chế độ kế toán doanh nghiệp ban hành theo Quyết định số 15/2006/QĐ-BTC ngày 20/3/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thông tư số 244/2009/TT-BTC ngày 31/12/2009 của Bộ Tài chính. Cập nhật các thay đổi một số điểm chính trong chế độ kế toán doanh nghiệp sau đây: 1/ Nguyên tắc xây dựng: Chế độ kế toán doanh nghiệp được xây dựng dựa trên các nguyên tắc sau: (1) Phù hợp với thực tiễn, hiện đại và mang tính khả thi; (2) Tôn trọng bản chất hơn hình thức; (3) Linh hoạt và mở, lấy mục tiêu đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành ra quyết định kinh tế của doanh nghiệp, phục vụ nhà đầu tư và chủ nợ làm trọng tâm; (4) Phù hợp với thông lệ quốc tế; (5) Tách biệt kỹ thuật kế toán trên tài khoản và báo cáo tài chính (BCTC); (6) Khái niệm ngắn hạn và dài hạn chỉ áp dụng đối với BCĐKT, không áp dụng đối với tài khoản và (7) Đề cao trách nhiệm của người hành nghề. Website: http://www.ketoantruonghcm.com/ 2/ Đối tượng và phạm vi điều chỉnh: Áp dụng đối với các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực, mọi thành phần kinh tế. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang thực hiện kế toán theo Chế độ kế toán áp dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ được vận dụng quy định của Thông tư này để kế toán phù hợp với đặc điểm kinh doanh và yêu cầu quản lý của mình. Hướng dẫn việc ghi sổ kế toán, lập và trình bày Báo cáo tài chính, không áp dụng cho việc xác định nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp đối với ngân sách Nhà nước. 3/ Tổ chức kế toán tại các đơn vị trực thuộc không có tư cách pháp nhân hạch toán phụ thuộc: Doanh nghiệp có trách nhiệm tổ chức bộ máy kế toán và phân cấp hạch toán ở các đơn vị hạch toán phụ thuộc phù hợp với đặc điểm hoạt động, yêu cầu quản lý của mình và không trái với quy định của pháp luật. Doanh nghiệp quyết định việc kế toán tại đơn vị hạch toán phụ thuộc có tổ chức bộ máy kế toán riêng đối với: (1) Việc ghi nhận khoản vốn kinh doanh được doanh nghiệp cấp; (2) Đối với các giao dịch mua, bán, điều chuyển sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ nội bộ; (3) Việc phân cấp kế toán tại đơn vị hạch toán phụ thuộc: Tùy thuộc mô hình tổ chức kế toán tập trung hay phân tán, doanh nghiệp có thể giao đơn vị hạch toán phụ thuộc phản ánh đến lợi nhuận sau thuế chưa phân phối hoặc chỉ phản ánh đến doanh thu, chi phí. 4/ Chứng từ kế toán và sổ kế toán: Chứng từ kế toán đều thuộc loại hướng dẫn (không bắt buộc). Doanh nghiệp được tự xây dựng, thiết kế mẫu biểu chứng từ, biểu mẫu sổ kế toán và hình thức ghi sổ kế toán, phù hợp với đặc điểm hoạt động và yêu cầu quản lý nhưng phải đảm bảo trình bày thông tin đầy đủ, rõ ràng, dễ kiểm tra, kiểm soát. Trường hợp không tự xây dựng và thiết kế mẫu biểu chứng từ, sổ kế toán, doanh nghiệp có thể áp dụng các hình thức sổ kế toán theo hướng dẫn Phụ lục 3, 4 Thông tư này. 5/ Kế toán các khoản thuế: - Tài khoản 133-Thuế GTGT được khấu trừ. Bỏ các bút toán thuế GTGT đầu vào và đầu ra trong các giao dịch sản phẩm hàng hóa tiêu dụng nội bộ, khuyến mại quảng cáo. - Doanh nghiệp có thể lựa chọn việc ghi nhận doanh thu và số thuế gián thu phải nộp bằng một trong 2 phương pháp: (1) Tách và ghi nhận riêng số thuế gián thu phải nộp (kể cả thuế GTGT phải nộp theo phương pháp trực tiếp) ngay tại thời điểm ghi nhận doanh thu. (2) Ghi nhận số thuế gián thu phải nộp bằng cách ghi giảm doanh thu định kỳ. - Đối với các khoản thuế được hoàn, được giảm, phải phân biệt rõ số thuế được hoàn, được giảm là thuế đã nộp ở khâu mua hay khâu bán: + Thuế đã nộp ở khâu mua được hoàn lại, kế toán ghi giảm giá trị hàng mua hoặc giảm giá vốn hàng bán, giảm chi phí khác tùy theo từng trường hợp cụ thể. Riêng thuế GTGT đầu vào được hoàn ghi giảm số thuế GTGT được khấu trừ; đối với số thuế đã nộp ở khâu nhập khẩu nhưng hàng nhập khẩu không thuộc quyền sở hữu của đơn vị, khi tái xuất được hoàn thì ghi giảm khoản phải thu khác. + Thuế phải nộp khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ được giảm, được hoàn (ví dụ hoàn thuế xuất khẩu, giảm số thuế TTĐB), kế toán ghi nhận vào thu nhập khác. 6/ Nguyên tắc kế toán các khoản doanh thu: Thời điểm, căn cứ để ghi nhận doanh thu kế toán và doanh thu tính thuế có thể khác nhau tùy vào từng tình huống cụ thể. Doanh thu tính thuế chỉ được sử dụng để xác định số thuế phải nộp theo luật thuế. Doanh thu ghi nhận trên sổ kế toán để lập BCTC phải tuân thủ các nguyên tắc kế toán và tùy theo từng trường hợp không nhất thiết phải bằng số đã ghi trên hóa đơn bán hàng. Khi luân chuyển sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ giữa các đơn vị hạch toán phụ thuộc trong nội bộ doanh nghiệp, tùy theo đặc điểm hoạt động, phân cấp quản lý của từng đơn vị, doanh nghiệp có thể quyết định việc ghi nhận doanh thu tại các đơn vị nếu có sự gia tăng trong giá trị sản phẩm, hàng hóa giữa các khâu mà không phụ thuộc vào chứng từ kèm theo (xuất hóa đơn hay phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ). Trường hợp xuất hàng hóa để khuyến mại, quảng cáo nhưng khách hàng chỉ được nhận hàng khuyến mại, quảng cáo kèm theo các điều kiện khác như phải mua sản phẩm, hàng hóa (ví dụ mua 5 sản phẩm được tặng 1 sản phẩm,…) thì kế toán phải phân bổ số tiền thu được để tính doanh thu cho cả hàng khuyến mại, giá trị hàng khuyến mại được tính vào giá vốn hàng bán. Đối với trường hợp cho thuê tài sản, có nhận tiền trước của nhiều kỳ, nếu thời gian cho thuê chiếm >90% thời gian sử dụng hữu ích của tài sản, doanh nghiệp có thể lựa chọn việc ghi nhận doanh thu một lần đối với toàn bộ số tiền cho thuê (theo QĐ 15: chỉ ghi nhận vào doanh thu kế toán trong kỳ tương ứng 1 năm, số còn lại ghi nhận vào TK 3387-doanh thu nhận trước) 7/ Nguyên tắc kế toán các khoản chi phí: Các khoản chi phí không được coi là chi phí tính thuế TNDN theo quy định của luật thuế nhưng có đầy đủ hóa đơn chứng từ và đã hạch toán đúng chế độ kế toán thì không được ghi giảm chi phí kế toán mà chỉ điều chỉnh trong quyết toán thuế TNDN để làm tăng số thuế TNDN phải nộp. Các khoản thuế nhập khẩu, thuế TTĐB, thuế BVMT đã tính vào giá trị hàng mua, nếu khi xuất bán hàng hóa mà các khoản thuế đó được hoàn lại thì được ghi giảm giá vốn hàng bán. 8/ Kế toán khoản thu nhập khác: Khi có khả năng chắc chắn thu được các khoản tiền phạt vi phạm hợp đồng, kế toán phải xét bản chất của khoản tiền phạt để kế toán phù hợp với từng trường hợp cụ thể theo nguyên tắc: - Đối với bên bán: Tất cả các khoản tiền phạt vi phạm hợp đồng thu được từ bên mua nằm ngoài giá trị hợp đồng được ghi nhận là thu nhập khác. - Đối với bên mua: Các khoản tiền phạt (thu được từ bên bán) về bản chất là khoản giảm giá hàng mua, làm giảm khoản thanh toán cho người bán được hạch toán giảm giá trị tài sản hoặc khoản thanh toán (không hạch toán vào thu nhập khác) trừ khi tài sản có liên quan đã được thanh lý, nhượng bán. 9/ Nguyên tắc lập và trình bày BCTC khi thay đổi kỳ kế toán: Việc thay đổi kỳ kế toán phải tuân thủ luật kế toán. Khi thay đổi kỳ kế toán năm, kế toán phải lập riêng BCTC cho giai đoạn giữa 2 kỳ kế toán của năm tài chính cũ và năm tài chính mới, ví dụ: DN có kỳ kế toán năm 2014 theo năm dương lịch. Năm 2015, DN chuyển sáng áp dụng kỳ kế toán năm bắt đầu từ 01/7 năm trước đến 30/6 năm sau. Trường hợp này, doanh nghiệp phải lập BCTC riêng cho giai đoạn từ 01/01/2015 đến 30/6/2015. Việc ký Báo cáo tài chính phải thực hiện theo Luật kế toán. Đối với đơn vị không tự lập Báo cáo tài chính mà thuê dịch vụ kế toán lập Báo cáo tài chính, người hành nghề thuộc các đơn vị dịch vụ kế toán phải ký và ghi rõ Số chứng chỉ hành nghề, tên và địa chỉ Đơn vị cung cấp dịch vụ kế toán. Người hành nghề cá nhân phải ghi rõ Số chứng chỉ hành nghề. Nguồn: http://www.ketoantruonghcm.com/2017/08/che-o-ke-toan-trong-doanh-nghiep.html