Chiếc xe đạp điện xếp được từ anh Sinh Viên Kiến Trúc HCM Thời kẹt xe. Mọi ngả đường tìm hướng thoát xem ra đều vô vọng, làm sao đây? Đợi hết kẹt? Từ từ nhích từng bước?... Có một chàng tân cử nhân ĐH Kiến trúc TP.HCM tên Trương Minh Nhật đã tìm lời giải cho bài toán đáng sợ này. Phương án của Nhật: thoát khỏi đám đông, không chỉ một mình mà cùng phương tiện di chuyển nhẹ nhàng với đồ án tốt nghiệp “Xe đạp điện xếp”. Biến ý tưởng thành sản phẩm, Nhật cũng hình dung sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng không nghĩ gian nan đến vậy. Theo thiết kế, hầu như chẳng có thiết bị nào có sẵn dù thị trường phụ tùng xe đạp không thiếu. Chẳng tìm đâu ra khung sườn cong cong hình bán nguyệt, cũng chẳng có niền xe, căm kiểu đó. Tay lái, yên xe… cũng thế. “Làm một chiếc duy nhất, dù trả thù lao cao nhưng tôi cũng phải năn nỉ gãy lưỡi, trình bày đủ cách người ta mới thương tình làm cho” - Nhật thú thật. Để đảm bảo chính xác theo thiết kế, Nhật gần như có mặt cạnh bên mỗi khi thợ làm. Chỗ làm cơ khí đến chỗ làm lớp vỏ bọc bằng chất liệu composite cách nhau hơn 30km. Ngày ngày chạy qua chạy lại cũng ngốn không ít thời gian, xăng và tất nhiên là vô số lần… kẹt xe!Đây là 2 hình đúng. 1. Trươc khi xếp: 2. Sau khi xếp: Trước thời hạn cuối cùng phải nộp sản phẩm, chàng trai người Kiên Giang ấy hình như quên cả ngủ. Từ mớ hỗn độn các chi tiết rời rạc, việc lắp ráp phải đảm bảo lớp vỏ composite khớp với bộ khung thép, môtơ nằm ở trục bánh sau hoạt động, những chiếc bình ăcquy, hệ thống điện vận hành… trong khoảng thời gian chỉ còn hai ngày. Những người thợ được mời hẳn về nhà trọ để hoàn tất việc lắp ráp. Họ cũng chỉ được phép ngủ đúng hai giờ mỗi ngày. Hú hồn, chiếc xe kịp hoàn chỉnh ngay trước thời hạn nộp đồ án chưa đầy hai giờ. Nhật lâng lâng mấy ngày vì sự thống nhất trong đánh giá cao của hội đồng chấm đồ án tốt nghiệp. Mọi vất vả suốt hơn nửa năm mày mò chế tạo như tan biến hết. Nhiều người tỏ ra thú vị khi chiếc xe có thể mở ra, xếp lại khá dễ dàng: bánh trước được di chuyển rời khỏi trục, sau đó hạ yên, tay lái, rồi gập bánh trước ép vào thân xe, tiếp đến bộ phận sên đĩa, cuối cùng bánh sau cũng ôm gọn vào thân xe và… cho vào balô. Không chỉ tiện lợi để thoát kẹt xe mà còn vận chuyển gọn nhẹ lẫn không chiếm nhiều diện tích khi cất giữ. Với tính toán của mình, Nhật cho rằng tốc độ tối đa 30km/giờ, điện có thể sử dụng quãng đường 12km, thời gian nạp điện hai giờ là hợp lý. Điều Nhật mong muốn là tìm được sự hợp tác để sản xuất đại trà. Khi ấy, có thể sẽ thay bằng những chất liệu nhẹ hơn để giảm trọng lượng mà vẫn đảm bảo độ an toàn và giảm giá thành. “Tôi đã lập thủ tục và được chấp nhận đơn đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ” - Nhật cho biết. Theo Tuổi Trẻ Online