Chuyện bên lề: Người Việt xấu xí...Đọc và suy ngẫm

Thảo luận trong 'Trò Chuyện Tổng Hợp' bắt đầu bởi HoàiVinh, 1 Tháng một 2006.

Trạng thái chủ đề:
Không mở trả lời sau này.
  1. HoàiVinh Guest

    Người Việt Xấu Xí: 1.Lỗi của dân trí?


    Mọi thói xấu đều đổ cho dân trí thấp

    Xả rác, phóng uế bừa bãi nơi công cộng, đi lại lộn xộn trên đường phố, đeo bám quấy nhiễu du khách, mở nhạc to hết cỡ làm náo động cả xóm trong đêm... Lý giải những thói xấu đó nhiều người cho là tại dân trí còn thấp, cần nhắc nhở giáo dục. Nhưng ở đây, có thật là do dân trí thấp?

    Một người ít học, thậm chí mù chữ, nhưng tâm trí bình thường liệu có xả rác, phóng uế bừa bãi trong nhà của họ không? Một cậu thiếu niên học lớp 5 chẳng hạn, không thể không biết rằng ra đường phải đi lề bên phải, thấy đèn đỏ ở ngã tư phải dừng xe và rằng đêm khuya người ta cũng cần... đi ngủ.

    Đó là những phép tắc rất sơ đẳng mà họ hoàn toàn biết rõ – nói chữ nghĩa một chút, họ hoàn toàn nhận thức được sự đúng-sai, được phép hay không được phép và hậu quả tốt hay xấu của hành vi đó.

    Thế nhưng họ vẫn cứ làm những việc gây ảnh hưởng xấu cho người khác, cho xã hội. Nếu hiểu dân trí là trình độ nhận thức về hành vi, cách ứng xử đối với người chung quanh, rộng ra là xã hội của người bình thường thì những vi phạm phép tắc sơ đẳng đó hoàn toàn không do trình độ dân trí thấp.

    Một vụ án hình sự trên địa bàn Hà Nội gây xôn xao dư luận gần đây càng cho thấy rằng dân trí không phải là nguyên nhân của nhiều hành vi phạm pháp. Những ông tiến sĩ (chủ mưu vụ tạt axit hàng xóm), thạc sĩ (chủ mưu vụ thuê côn đồ chém người giành bạn gái) hoàn toàn có dư kiến thức chuyên môn, và cả sự hiểu biết về luật pháp nói chung để dạy dỗ những người dân bình thường. Thậm chí trong đó có cả một quan chức có cỡ của ngành thanh tra - một ngành bảo vệ pháp luật. Thế nhưng họ vẫn hành xử như thể Nhà nước không có pháp luật, giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn riêng theo kiểm đâm chém “giang hồ”. Rõ ràng không thể đổ lỗi cho “dân trí”.

    Hẳn nhiên, khách quan mà nói, về nhiều phương diện, chẳng hạn kiến thức khoa học, lịch sử, địa lý, kinh tế..., sự hiểu biết về tổ chức xã hội và nội dung chính của các bộ luật..., trình độ người dân bình thường nói chung còn thấp. Nhưng chuyện xả rác bừa bãi nơi công cộng như thuê côn đồ hành hung, tạt axit người khác... thì dứt khoát không dính dáng gì đến dân trí.

    Vậy, nguyên nhân sâu xa nào khiến những người có hiểu biết nhất định, thậm chí có học vị cao, lại hành động như vậy? Câu trả lời xin dành cho các cơ quan điều tra và các nhà xã hội học, luật học, tâm lý học, tội phạm học...

    Ở đây chỉ xin ghi nhận đôi điều: tình trạng phạm pháp đã nghiêm trọng, tính răn đe của luật pháp đã quá yếu ớt, đã bị “lờn”.

    Thứ đến, cần quan niệm đúng hơn, đầy đủ hơn về dân trí: xác định rõ đâu là cái cần nhắc nhở, cần trang bị và nâng cao đối với công dân nói chung và đâu là cái cần áp dụng nghiêm luật lệ, chấn chỉnh cứng rắn. Không nên nghĩ rằng, giáo dục luật pháp chỉ là công việc phổ biến, tuyên truyền về pháp luật mà chính việc thực thi pháp luật đúng đắn, nghiêm minh - từ pháp lệnh về xử lý hành chính (lâu nay hiếm khi nghe nói đến việc phạt vi cảnh), luật dân sự, luật kinh tế cho đến luật hình sự - là một cách giáo dục tốt nhất, hiệu quả nhất. Không lý do gì cứ đi “nhắc nhở, giáo dục” những người biết sai mà vẫn cứ làm.

    Qua các vụ án này, một lần nữa, dư luật lại báo động về tình trạng “xuống cấp” đạo đức trong xã hội hiện nay. Phải chăng, trong nhiều thứ mà ta gọi là giáo dục đạo đức từ nhà trường, gia đình và xã hội lâu nay, còn thiếu hoặc là xem nhẹ nội dung giáo dục con người biết cách xử sự kiềm chế, tôn trọng và thân thiện với người khác, kể cả thân thiện với loài vật và thiên nhiên, sống sao cho khỏi thẹn với lương tâm, cho “có đức” như ông bà đã dạy?

    Theo Thư Hoài - Thời báo Kinh tế Sài Gòn, 19/9/2002
    VDG thích bài này.
  2. HoàiVinh

    HoàiVinh Guest

    Người Việt Xấu Xí: 2. Chữ tín không quan trọng

    Nền kinh tế hàng hoá thật sự luôn đặt chữ tín lên hàng đầu

    Người Việt Nam mạnh về nghĩa mà yếu về tín. Lời ấy dễ khiến người nghe giật mình vì sự nặng lời. Ai cũng cảm thấy mình như là bị "sốc", mặc dù vẫn lờ mờ hiểu rằng điều đó không phải là không có lý.

    Nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh: Để trả lời trước hết cần đặt thêm một câu hỏi, chữ tín cần cho ai?

    Kinh tế nông nghiệp không cần. Trong nông nghiệp, lao động không phải sản xuất, lao động chỉ tác động lên quá trình sinh học của vật nuôi và cây trồng. Người lao động trong nông nghiệp không làm chủ được kết quả lao động, nhiều khi công sức bỏ ra rất nhiều nhưng thiên tai một cái là trắng tay...

    Còn trong công nghiệp, tôi bỏ từng này sắt, từng này thời gian, nhiệt độ, tôi biết sản phẩm của tôi thu được sẽ như thế nào. Đó chỉ là một ví dụ.

    Do tính chất không đồng bộ của lao động và sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp nên tư duy co dãn, tính toán co dãn hình thành. Từ đó đẻ ra một tập quán du di, mười cũng như chín, xấu một chút cũng được, hôm nay cũng được mà mai cũng được, hôm nay không làm cỏ thì mai sẽ làm... Chữ tín ở đó không quan trọng. Một nền kinh tế hàng hóa thật sự thì hoàn toàn khác. Yêu cầu của kinh tế thương nghiệp là sự chính xác về số lượng, chất lượng và thời gian.

    Trong bối cảnh mà quan hệ giữa các cá nhân đòi hỏi chữ tín tới cái mức chữ tín có ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động kinh tế hay lợi ích vật chất của họ, thì chữ tín đặc biệt sẽ nổi lên như một chuẩn mực. Người Việt Nam trong chiến tranh rất "tín" - chữ tín đó được quy định bởi kỷ luật quân đội. Nhưng kỷ luật quân sự tự nó cũng là một chuẩn mực xuất phát từ một thực tế là hoạt động của nhiều người với nhau, đòi hỏi một sự phối hợp nhịp nhàng, ăn khớp giữa các cá nhân, các nhóm người và điều đó ảnh hưởng tới sự thành bại, sống chết...

    Nhà văn Sơn Nam: Vì sao người ta thất tín, vì tham cái vụn vặt, chỉ thấy cơ hội trước mắt, không thấy cơ hội lâu dài. Tôi đã từng thấy nhiều người, trẻ không lo học hỏi, đương chức đương quyền không lo làm hết trách nhiệm, đến lúc về già hết quyền hết chức mới nói đến trách nhiệm, mới lo đến dân đến nước thì còn lợi ích cho ai, mà biết là vì ai. Nói được mà không làm được khi có thể làm cũng là một sự bội tín.

    Sự chụp giựt, lý luận mỗi lúc một khác, thiếu một chính sách một cách lâu dài (ngay từ những việc nhỏ như chuyện đặt tên đường, chuyện giải toả...) cũng là một cách đối xử không đúng với chữ tín.

    Theo Chúngta.com.vn
  3. HoàiVinh

    HoàiVinh Guest

    Người Việt Xấu Xí: 3. Thiếu tính hợp tác

    "Chúng mình" là kim cương!

    Nhiều người lớn từ lâu vẫn đùa chơi với một phép tính như thế này: ba người Nga thì bằng một người Do Thái, ba người Do Thái thì bằng một người Việt Nam, nhưng ba người Việt Nam thì... cái phép tính cuối cùng này mỗi người tính một cách, chỉ có chữ "nhưng" là vẫn giữ nguyên ý nghĩa cho phép người tiếp nhận dù không thể cân đo vẫn hiểu được thâm ý của phép so sánh. Lại còn một hình ảnh ví von khác, cũng chẳng biết là từ đâu ra: một người Việt Nam rớt xuống hồ thì tự leo lên được, nhưng ba người thì không, vì người này lên thì người kia kéo xuống...

    ...Những câu chuyện truyền miệng có tính phóng đại, ai cũng biết thế nhưng giải thích nguyên nhân thì thật khó khăn và thật khó hiểu nổi vì sao.

    Cái tính thiếu hợp tác và manh mún, nhiều người còn nói nặng lời là tính đố kỵ nhau, rõ ràng đã là mâu thuẫn với tinh thần đoàn kết, nhất là tình đoàn kết chống ngoại xâm mà dân tộc Việt Nam đã có truyền thống từ bao đời. Hay là để sống cho hoà bình, trong xây dựng và ổn định, mình sống có khó khăn hơn?

    Đoàn kết là một truyền thống của dân tộc Việt Nam, truyền thống tốt đẹp ấy không bao giờ mất. Nên cái băn khoăn mà câu hỏi vừa nêu ra tôi giới hạn câu trả lời của mình trong suy nghĩ về người trí thức, không nên suy diễn ra xa hơn nữa.

    Tôi xin bắt đầu bằng một kỷ niệm. Năm 1970, tại một hội nghị quốc tế về giáo dục ở Tokyo, một đồng nghiệp Nhật Bản đã nói với tôi trong một cuộc trò chuyện thân mật: " Các ông trí thức Việt Nam giống như những viên kim cương, còn chúng tôi là một bãi cát... ". Là một người Việt Nam, tôi nhạy cảm với mọi lời nhận xét của người nước ngoài về nước mình, nhưng lúc đó tôi chỉ nghĩ đó là một lối nói khiêm tốn đặc trưng của người Nhật Bản, và sau đó không ngừng nhắc lại câu nói ấy với các đồng nghiệp trong nước để cùng nhau hởi lòng hởi dạ. Chúng mình là kim cương cơ mà!

    Nhưng rồi khi lòng mình lắng lại, dần dần cùng với thực tế, nghĩ thêm và đọc thêm, tôi mới nhận ra hết được ý nghĩa thâm thuý của câu nói ấy. Thì ra ông bạn Nhật Bản muốn nhắc một câu nói của Tôn Dật Tiên, từng ví dân tộc Trung Hoa trước cách mạng là "một bãi cát lỏng lẻo", nhưng cách mạng đã biến họ thành "một tảng đá cứng được hình thành bằng cát trộn với xi măng". Từ đó tôi luôn đặt câu hỏi trí thức Việt Nam có thật, và có nên nghĩ rằng mình là những viên kim cương hay không?

    Kim cương thì quý, vì hiếm nên quí chứ không hẳn do công dụng thực tiễn của nó. Nhưng kim cương thì khó đẽo gọt, lại khó có thứ gì như xi măng để có thể kết hợp chúng lại thành "một tảng đá cứng". Mà ai cũng biết tự cho mình là viên kim cương cả nên muốn dùng ánh sáng của riêng mình để tự phát sáng, hay tự phô trương...

    Nguyên nhân của sự "khó ngồi với nhau" còn đó, nên khi chưa được sử dụng đúng với vai trò của mình nên hiều khi kim cương lại bị coi là cát. Thời bình cần trí thức nhiều hơn và một trong những điều kiện bắt buộc là họ cũng "ngồi với nhau", là phải cũng hướng đến lợi ích chung, phải quên bớt bản thân mình đi.

    Nhiều khi trí thức Nhật Bản mà tôi thấy, khi đứng riêng lẻ ai cũng là người giỏi nhất, nhưng khi họ biết cách làm việc cùng nhau, họ đã làm được những công trình thật sự lớn lao. Quá trình hiện đại hóa càng phát triển lại càng đòi hỏi nơi mỗi cá nhân một sự hợp tác chặt chẽ và đó là một đòi hỏi tất yếu.

    Tiến sỹ Dương Thiệu Tống
    Theo chúngta.com.vn
  4. HoàiVinh

    HoàiVinh Guest

    Người Việt Xấu Xí: 4. Ai dám nhận là mình xấu xí?

    Nếu coi mỗi dân tộc gần như cá tính một con người: anh Pháp hào hoa làm thơ hay, anh Trung Quốc buôn bán giỏi và mưu lược, anh Lào hiền lành... thì nếu chỉ nhìn vào chuyện giữ gìn vốn cổ không thôi, tôi vẫn nghĩ, anh Việt Nam là người hay nói dối. Dối mình và dối người. Họ quyết tâm giữ gìn bản sắc dân tộc cho đậm đà bằng cái cách cho phép xây nhà hộp tràn lan và nói đơn giản là "thí điểm"? Bằng nhập xe máy Trung Quốc ồ ạt? Bằng cho phép đập biệt thự xưa để xây nhà kính? Bằng xóa sổ cái nhúm di tích vốn đã rất mỏng mảnh của nước ta với lý do để thuận tiện cho hiện đại hóa? Và vẫn không quên kêu gọi giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc.

    1. Bạn đã đi Ðà Lạt chưa? Ðã đến Sài Gòn chưa? Ðã về những làng Bắc bộ chưa?
    Nếu chưa, thì bạn nên đi. Bạn nên đi sớm.
    Ði trước khi những biệt thự bị bỏ hoang đến tàn lụi.
    Ði trước khi rêu trên tường chùa bị cạo và tượng bị sơn son thếp vàng.
    Ði trước khi thành phố lớn muốn tạo những dấu chân hiện đại khổng lồ, dẫm lên chính những khẩu hiệu bảo tồn vốn cổ mà mình đã hô hào trước đó.

    2. Cách đây mới ba năm thôi, thành phố Hồ Chí Minh của tôi linh đình tổ chức kỷ niệm Sài Gòn 300 năm. Những ảnh cũ được đem ra, món ăn khẩn hoang nấu lại, nhà nhà nghe tên ông Nguyễn Hữu Cảnh, người người nghe lại những địa danh xưa: Gò Cây Mai, đình Thông Tây Hội, kinh Tàu Hủ với bến Bình Ðông...

    Bến Bình Ðông, thì năm nay, người ta sắp dẹp nó, để mà làm đại lộ Ðông Tây. Cụ Nguyễn Ðình Ðầu đã phải kêu lên trên báo Tuổi Trẻ: "Xin giữ lấy cảnh quan của Sài Gòn sông nước trên bến dưới thuyền".

    Bạn phải đi qua khu vực này, thấy được vẻ đẹp (bị bỏ phí của nó) bạn mới hiểu được tiếng kêu của cụ. Thật chẳng khác nào lời kêu cứu và khẩn nài; không biết ví thế này có quá không, nhưng như tiếng kêu của cụ bà Sài Gòn, sau lễ thượng thọ phải nài xin con cháu đừng ném đi cơi trầu cũ với di ảnh cụ ông...

    Bến Bình Ðông, với hai bên bờ là nhà cổ, xưởng xay lúa, là những thứ mà cái túi "vốn cổ" của chúng ta chẳng có nhiều, nhất đây lại là cái thứ hữu hình, bằng nước, bằng gạch, bằng kiểu nhà, cách sinh sống; chứ không phải những thứ lù mù truyền thống, phục hồi lại mỗi nơi một màu cờ phướn và một kiểu đuôi nheo.

    Thế nhưng, nếu đại lộ Ðông Tây đi qua, số phận cảnh trên bến dưới thuyền rất Nam Bộ xưa của bến Bình Ðông sẽ chẳng khác gì số phận rêu trăm tuổi của tháp Rùa. Giải tán một khu vực thật chẳng khó, cũng như việc dọn rêu thôi, nhưng cái nỗi ám ảnh rằng mình đã phá tan chỗ trú ngụ của hàng trăm năm lịch sử có đeo đuổi được những người ký quyết định không?

    Và những người đó là ai? Họ nghĩ gì trong đầu nhỉ? Họ quyết tâm giữ gìn bản sắc dân tộc cho đậm đà bằng cái cách gì đây? Bằng cho phép xây nhà hộp tràn lan và nói đơn giản là "thí điểm"? Bằng nhập xe máy Trung Quốc ồ ạt? Bằng cho phép đập biệt thự xưa để xây nhà kính? Bằng xóa sổ cái nhúm di tích vốn đã rất mỏng mảnh của nước ta với lý do để thuận tiện cho hiện đại hóa?

    Thử tưởng tượng hai mươi năm sau thôi, những khu nhà cổ (chưa bị đập) ngày hôm nay lên bưu ảnh. Và sẽ có những người chỉ cho con cái mình mà nói: "Chỗ này ngày xưa bố (mẹ) có đi qua, đẹp lắm." Và có những người sẽ không dám chỉ tay vào ảnh mà nói: "Cái khu này chính bố đã ký quyết định đập đi."

    3. Tôi lại đọc báo Tia Sáng, có bài của tác giả Vũ Khánh về tiếp thị một hình ảnh Việt Nam. Vậy đấy, cứ rành mạch liệt kê cái vốn ít ỏi của mình ra rồi khai thác triệt để thì khéo lại thành giàu có. Tác giả kể ra, chúng ta có áo dài, có nón, có phở, có nem. Nghe dễ chịu như nghe một người nói đơn giản: "Tôi là thợ may. Lương tôi đủ sống. Tôi thích mặc áo xanh." Một người như vậy cũng hấp dẫn lắm chứ! Cái mộc mạc của họ, cái nghề của họ, sở thích của họ không giống anh, không giống tôi. Việc gì cứ phải thổi phồng lên những gì mình không có, để rồi phá bỏ những cái (tuy ít mà) quý giá của mình?

    Nếu coi mỗi dân tộc gần như cá tính một con người: anh Pháp hào hoa làm thơ hay, anh Trung Quốc buôn bán giỏi và mưu lược, anh Lào hiền lành... thì nếu chỉ nhìn vào chuyện giữ gìn vốn cổ không thôi, tôi vẫn nghĩ, anh Việt Nam là người hay nói dối. Dối mình và dối người.

    Chúng ta nói dối nhiều quá. Dối ở chỗ có nhiều việc chúng ta nói một đằng và làm một nẻo. Chúng ta nói, tôi là người có văn hóa và thích chơi đồ cổ, nhưng có con chuột chạy qua là chúng ta (quyết) ném chuột đến vỡ cả bình quý. Chúng ta cung kính ào ạt cho một lễ hội 300 năm Sài Gòn, rồi sau đó thì sẵn sàng thực thi một dự án có phá bỏ những phần cổ kính của Sài Gòn 303 tuổi. Chúng ta không tiếc cả kho tính từ mỹ miều cho cái Chùa Một Cột, nhưng lại tiếc một cái cột bằng gỗ cho nó, khiến bao nhiêu khách phương xa phải chưng hửng. Chúng ta biết mình nghèo mà cứ huênh hoang là mình giàu.

    Mà trong khi đó, có đứa con nào dám trách mẹ nghèo! Ừ, nước của tôi là thế đấy, nhưng mà chúng tôi tự hào, để tôi cho anh thấy: Cha ông để lại có một chút của (cẩn thận mở gói ra), chúng tôi gìn giữ còn được thế này đây (thấy vẫn còn nguyên), và chúng tôi sẽ giữ cho con cháu (cẩn thận gói lại). Anh cười thì mặc anh!

    4. Ông Bá Dương, tác giả người Trung Quốc, có viết một đoạn thế này: " Ðã nhiều năm nay, tôi muốn viết một quyển sách dưới tên gọi: 'Người Trung Quốc Xấu Xí'. Tôi nhớ quyển sách 'Người Mỹ Xấu Xí' sau khi viết xong đã được Quốc vụ viện Mỹ dùng làm tài liệu tham khảo cho sách lược của mình. Người Nhật cũng có một quyển sách 'Người Nhật Xấu Xí". Tác giả là Ðại sứ Nhật tại Ác-hen-ti-na. Ngài đại sứ này (sau khi viết cuốn sách đó) liền bị cách chức. Ðấy có lẽ là cái khác nhau giữa Ðông phương và Tây phương... "

    Nhưng ở Trung Quốc, người ta đã in "Người Trung Quốc Xấu Xí" của ông Bá Dương. Và không phải vì thế mà người Trung Quốc bị nhìn là xấu hơn. Trái lại.

    Phan Thị Vàng Anh
    Theo chúngta.com.vn
  5. HoàiVinh

    HoàiVinh Guest

    Người Việt Xấu Xí: 5. Thích buộc mình vào mảnh đất... trời Tây

    Người Do Thái bị Trời đày lưu lạc ở nước ngoài cố tích luỹ lấy một tài sản lớn rồi tìm hết cách để trở về Cõi Đất Hứa khô cằn của mình. Người Việt Nam được Trời đãi một cõi rừng vàng bể bạc mà vẫn cố phát mãi tài sản đi để tìm hết cách ra sống ở nước ngoài.

    Trông chờ một quê hương mới ở trời Tây

    Sự gắn bó của người dân Việt Nam với mảnh đất quê hương từ rất lâu đã trở thành huyền thoại. Người Pháp thường nói rằng: “ Đời người nông dân Việt Nam bị buộc chặt vào mảnh đất ”. Nhưng ngày nay, cái truyền thống đó không còn như cũ nữa.

    Một xu hướng mới đang thay thế dần cho tinh thần bám gốc bám rễ quê hương của người nông dân Việt Nam. Đó là xu hướng tha phương cầu thực khá mạnh, có thể là chỉ vì muốn kiếm một số vốn đủ để xây một toà “vin-na” khang trang có thể bì với các “vin-na” khác trong làng.

    Nhưng muốn thế, trong nhà nhất thiết phải có người đi làm ăn ở nước ngoài.

    Trước đây, nghe một thanh niên Thuỵ Điển nói rằng anh ta "chỉ ước sao một buổi sáng tỉnh dậy bỗng thấy mình là người Việt Nam” quả cũng rất sướng tai, nhưng thiết tưởng cũng chẳng bổ ích là bao.

    Bổ ích hơn nhiều là biết nhận ra rằng bên cạnh những cái tuyệt vời, và hơn nữa, phải trừ khử đi mới mong nhích gần đến chỗ tuyệt vời. Người có cơ tiến xa là người biết nghe người khác chế giễu mình mà không giận, và nhất là biết tự chế giễu mình, vì khi đã tự thấy mình lố lăng thì khó lòng có thể tiếp tục lố lăng mãi.

    Cao Xuân Hạo
    Theo chúngta.com.vn
  6. Gus

    Gus Ex-Mod

    Bài viết:
    783
    Được Like:
    616
    Đặc điểm của người Việt

    A.
    Người Mỹ sợ nhất người Nhật vì người Nhật không nói mà làm.
    Người Nhật sợ nhất người Trung Quốc vì người Trung Quốc đã nói là làm.
    Người Trung Quốc sợ nhất người Việt Nam vì người Việt Nam nói mà không làm hoặc nói 1 đằng làm 1 nẻo.

    B. Sáu nghịch lý mà người Việt Nam ta có thể tham khảo là:
    1. Ai cũng có việc làm nhưng không ai làm việc.
    2. Ai cũng không làm việc nhưng ai cũng có lương.
    3. Ai cũng có lương nhưng không ai đủ sống.
    4. Ai cũng không đủ sống nhưng ai cũng sống.
    5. Ai cũng sống nhưng không ai hài lòng.
    6. Ai cũng không hài lòng nhưng ai cũng giơ tay "đồng ý".

    C. 10 đặc điểm của người Việt Nam
    Do Viện nghiên cứu xã hội Mỹ đánh giá

    1. Cần cù lao động song dễ thỏa mãn nên tâm lý hưởng thụ còn nặng.
    2. Thông minh, sáng tạo, song chỉ có tính chất đối phó, thiếu tầm tư duy dài hạn, chủ động.
    3. Khéo léo, song không duy trì đến cùng (ít quan tâm đến sự hoàn thiện cuối cùng của sản phẩm).
    4. Vừa thực tế, vừa mơ mộng, song lại không có ý thức nâng lên thành lý luận.
    5. Ham học hỏi, có khả năng tiếp thu nhanh, song ít khi học "đến đầu đến đuôi" nên kiến thức không hệ thống, mất cơ bản. Ngoài ra, học tập không phải là mục tiêu tự thân của mỗi người Việt Nam (nhỏ học vì gia đình, lớn lên học vì sĩ diện, vì kiếm công ăn việc làm, ít vì chí khí, đam mê)
    6. Xởi lởi, chiều khách, song không bền.
    7. Tiết kiệm, song nhiều khi hoang phí vì những mục tiêu vô bổ (sĩ diện,
    khoe khoang, thích hơn đời).
    8. Có tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, song hầu như chỉ trong những hoàn cảnh, trường hợp khó khăn, bần hàn. Còn trong điều kiện sống tốt hơn, giàu có hơn thì tinh thần này rất ít xuất hiện.
    9. Yêu hòa bình, nhẫn nhịn, song nhiều khi lại hiếu chiến, hiếu thắng vì những lý do tự ái, lặt vặt, đánh mất đại cục.
    10. Thích tụ tập, nhưng lại thiếu tính liên kết để tạo ra sức mạnh. (Cùng một việc, một người làm thì tốt, ba người làm thì kém, bảy người làm thì hỏng).

    D. Đặc điểm của người Việt Nam
    Theo Việt Nam Văn hoá Sử cương, 1938, Đào Duy Anh

    Về tính chất tinh thần thì người Việt Nam đại khái thông minh, nhưng xưa nay thấy ít người có trí tuệ lỗi lạc phi thường. Sức ký ức thì phát đạt lắm, mà giàu trí nghệ thuật hơn trí khoa học, giàu trực giác hơn luận lý. Phần nhiều người có tính ham học, song thích văn chương phù hoa hơn là thực học, thích thành sáo và hình thức hơn là tư tưởng hoạt động. Não tưởng tượng thường bị não thực tiễn hoà hoãn bớt cho nên dân tộc Việt Nam ít người mộng tưởng, mà phán đoán thường có vẻ thiết thực lắm. Sức làm việc khó nhọc, nhất là người ở miền Bắc, thì ít dân tộc bì kịp. Cảm giác hơi chậm chạp, song giỏi chịu đau đớn, cực khổ và hãy nhẫn nhục. Tính khí cũng hơi nông nổi, không bền chí, hay thất vọng, hay khoe khoang trang hoàng bề ngoài, ưa hư danh và thích chơi bời cờ bạc. Thường thì nhút nhát và chuộng hoà bình, song ngộ sự thì cũng biết hy sinh vì đại nghĩa. Não sáng tác thì ít, nhưng mà bắt chước, thích ứng và dung hoá thì rất tài. Người Việt Nam lại rất trọng lễ giáo, song cũng có não tinh vặt, hay bài bác chế nhạo. Đó là lược kể những tính chất tinh thần phổ thông nhất của người Việt Nam, cũng có tính nguyên lai từ thượng cổ mà có thay đổi chút ít, cũng có tính do lịch sử và trạng thái xã hội hun đúc dần thành, cho nên ta đừng nên xem những tính chất ấy là bất di bất dịch.
    VDG thích bài này.
  7. VDG

    VDG Ex-Mod

    Bài viết:
    996
    Được Like:
    1,081
    Lâu rồi mới thấy HoàiVinh xuất hiện, post 1 bài có chất lượng thiệt, đúng là đáng để suy nghĩ? Người VN trẻ xấu xí với văn minh đồ đá :p

    Có cái ví dụ, VDG kể mọi người nghe thử nhé, ví dụ: cùng xếp hàng để mua vé, đột nhiên có 1 người chen ngang vào... Nếu ở nước ngoài, ng ta sẽ nghĩ người này có việc gấp, còn ở mình, có lẽ mình sẽ nghĩ ngay: người này mất lịch sự.... hehehe... Mọi người thấy sao?

  8. Lightblue

    Lightblue Amie Staff Member

    Bài viết:
    9,999
    Được Like:
    8,887
    Nói về chuyện xếp hàng thì: Ở nước ngoài: chen ngang là chuyện bất thường. Ở ta: không chen ngang mới là chuyện lạ lùng --> được gọi là hiền. (đa số)!!!
  9. GSM_HUẾ

    GSM_HUẾ Ex-Mod

    Bài viết:
    219
    Được Like:
    99
    Nói chung bài viết đó Ý nghĩa nói theo các bạn là mĩa mai người VN chúng ta ??
    Tôi nghĩ ko đúng đâu Tác Giả à.........con người Việt Nam vẫn mãi là như vậy thôi , bởi cuộc sống chúng ta có phải là dàn trãi khắc mọi nơi như nhau cả đâu , cho nên chuyện văn hóa với chúng ta là tự chọn >có thể bạn thích cái này thích cái khác tuy vào ý thức và trình độ học vấn của bạn mà thôi.
    Tôi cũng như mọi người nói chung tôi tự hào là người VN ..và người VN là thế đó ---- > sống phấn đấu cho = người ta đó là 1 sự cố gắng mãi mãi có vậy mới có hứng thú để sống, đơn giản vậy thôi.
  10. Lightblue

    Lightblue Amie Staff Member

    Bài viết:
    9,999
    Được Like:
    8,887
    Tất nhiên là không phải mỉa mai. Đó là thực trạng... Nói ra để có thể nhìn thấy rõ, và tự mỗi người phải nhận ra và tự sửa đổi cho mình (chứ không phải là vẫn mãi như vậy - có vẻ tiêu cực quá).
Trạng thái chủ đề:
Không mở trả lời sau này.