Có ngày thú dữ vào... phố

Thảo luận trong 'Trò Chuyện Tổng Hợp' bắt đầu bởi haidove, 25 Tháng sáu 2007.

Trạng thái chủ đề:
Không mở trả lời sau này.
  1. haidove Ex-Mod

    TT - Những ngày qua, dư luận tỉnh Bình Dương xôn xao trước việc một con gấu sổng chuồng, sau đó tấn công chủ nuôi. Cơ quan chức năng buộc phải bắn hạ con gấu sau sáu ngày sống “vô gia cư” trong khu rừng gần thị xã Thủ Dầu Một...

    Sự cố này là tiếng chuông báo động cho “phong trào” nuôi nhốt mãnh thú, động vật hoang dã quí hiếm dấy lên ở một số địa phương.

    Ông Nguyễn Văn Lục - hiệu trưởng Trường trung học Kinh tế Bình Dương - đã bị con gấu do chính nhà ông nuôi nấng nhiều năm quật ngã và gây thương tích. Con gấu nặng cỡ 100kg đã phá lưới sắt của chuồng để chui ra ngoài và đến trú ẩn tại khu rừng thuộc khuôn viên khu du lịch văn hóa Đại Nam. Ông Lục và một bác sĩ thú y đã bị gấu vồ khi đi tìm nó, hai người thoát chết trong gang tấc. Chính quyền tỉnh Bình Dương phải huy động cả công an, kiểm lâm để đưa con gấu... về nơi “thiên cổ”. Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương, gấu nuôi bị bắn hạ của nhà ông Lục là một trong gần 300 con gấu nuôi có quản lý (gắn chip) tại tỉnh này.

    “Sinh nghề tử nghiệp”

    Hôm 23-6 tại Bình Dương, chúng tôi đã nghe câu chuyện “người thật việc thật” của chủ quán cà phê Thư Thái - ông Nguyễn Văn Lâm (ấp Nội Hóa, xã Bình An, huyện Dĩ An, Bình Dương). Ông Lâm là người hiểu rõ hơn ai hết cái cảm giác sợ hãi khi bị gấu nuôi “phập” một phát để đời vào bắp chân. Chính điều này khiến ông Lâm nói như đinh đóng cột: “Dứt khoát tôi không bao giờ nuôi gấu hay những động vật hoang dã nữa, bởi tính hung dữ của thú rừng vẫn còn, có thể tấn công người bất kỳ lúc nào”.

    Ông Lâm là một trong những người nuôi gấu từ rất sớm ở Bình Dương, khoảng năm 1987-1988. Ông nuôi gấu khi chúng chỉ mới 5-6kg, còn uống sữa. Lúc chúng trưởng thành, ông thấy mấy con gấu nuôi cũng có vẻ rất ngoan, hiền lành, dễ thương. Nhưng hôm đó, mới sáng là thấy cả hai con sổng ra vườn. “...Cứ nghĩ đã nuôi chúng cả chục năm rồi, ngày nào cũng chăm sóc, gần gũi nên định tìm cách dụ chúng về chuồng, nhưng bất ngờ con gấu cái tiến lại gần tôi rồi táp vào bắp chân. Tôi ngã quị tại chỗ, máu chảy không cầm được...” - ông Lâm kể.
    Ông nói thêm: “Dù thấy gấu khá thân thiện nhưng tôi luôn ý thức đây vẫn là thú rừng, tính thú vẫn còn... nên chuồng trại tôi làm rất chắc chắn, hàn sắt to bằng ngón tay”. Nhưng sau khi gấu nuôi bị sổng chuồng, ông Lâm kiểm tra mới phát hiện các thanh sắt đã bị gấu bẻ cong, phá hết để chui ra ngoài...

    Chuyện không may mắn - bị gấu nuôi tấn công - của ông Nguyễn Văn Lục hay ông Nguyễn Văn Lâm ở Bình Dương không chỉ là bài học riêng cho hai người nuôi gấu, mà còn là lời cảnh cáo cho rất nhiều chủ nuôi gấu với tổng đàn khoảng 4.000 con ở khắp các vùng miền cả nước VN.
  2. haidove

    haidove Ex-Mod

    Bài viết:
    671
    Được Like:
    588
    Vẫn chủ quan!

    Không chỉ có gấu mà hổ - một loài động vật rừng hoang dã được mệnh danh là “chúa sơn lâm” - cũng đang được nuôi nhốt như con vật nuôi trong nhà.

    Tỉnh Bình Dương được biết đến là địa phương nuôi hổ trong dân một cách công khai lớn nhất VN với tổng đàn hơn 40 con. Người nuôi hổ nhiều nhất là ông Ngô Duy Tân - giám đốc Công ty TNHH bia Thái Bình Dương (ấp Nội Hóa, xã Bình An, huyện Dĩ An, Bình Dương) - với tổng đàn lên đến 24 con. Con hổ lớn tuổi nhất là 7 tuổi, nhỏ nhất là 5 tháng tuổi (tính đến tháng 6-2007).

    Thăm cơ ngơi nuôi nhốt động vật hoang dã, quí hiếm của ông Tân, chúng tôi có cảm giác ở đây chẳng khác gì một vườn thú, một “bộ sưu tập” thú hoang dã, quí hiếm của tư nhân thuộc vào hạng nhất nhì VN hiện nay. Ở đây không chỉ có đàn hổ với số lượng đông đảo mà còn có năm chú báo hoa mai 6 tuổi (loài này thuộc nhóm 1B động vật rừng nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại). Ngoài ra, “vườn thú” nhà ông Tân còn nuôi nhốt chồn mực, chồn mướp, gấu chó, gấu ngựa...

    Diện tích “vườn thú” của ông Ngô Duy Tân khoảng 6.000m2. Theo ghi nhận của chúng tôi, một số ô chuồng được xây dựng bằng bêtông, hàng rào sắt cao khoảng 6m có ốp lưới B40... Khi thấy có hơi người đến gần, các chú hổ to lực lưỡng lập tức vồ lên thành chuồng và liên tục gầm gừ như đang tự vệ, “cảnh cáo” người đứng gần lãnh địa của chúng.

    Ông Lương Thiện Dân - phó giám đốc Công ty TNHH bia Thái Bình Dương - nói: “Do đặc tính của hổ, báo... có thể leo được cây, nhảy cao khoảng 4m và có thể bơi được nên khi xây dựng chuồng trại chúng tôi có quan tâm đến phương án an toàn đối với người nuôi, công nhân chăm sóc và nhân dân trong vùng”. Đứng trong khuôn viên chuồng nuôi hổ, ông Dân khẳng định: “Với kết cấu chuồng chắc chắn, tường cao... như vậy thì không con nào có thể sổng ra ngoài được”. “Nhưng không may thú dữ thoát ra ngoài do lúc bất cẩn thì làm sao khống chế?” - chúng tôi đặt tình huống. Ông Dân lúng túng: “... Thì phải đảm bảo chuồng trại, tuyệt đối không để sổng”!

    Theo ghi nhận của chúng tôi, các chủ nuôi gấu hay hổ chưa chuẩn bị phương án riêng để có thể xử lý lập tức các tình huống bất ngờ khi thú sổng chuồng, có thể tấn công người. Đây là điều đáng báo động. Còn ông Đoàn Văn Tràng - chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương - cũng cho biết hiện chưa có những qui định chi tiết về vật liệu, cấu trúc, qui cách thiết kế... về chuồng trại nuôi nhốt thú dữ nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho những người xung quanh.

    Tuy nhiên, ông Đoàn Văn Tràng cho rằng trường hợp gấu nuôi ở hộ ông Nguyễn Văn Lục bị sổng chuồng và tấn công chủ nuôi chẳng qua chỉ là trường hợp cá biệt. “Tôi đảm bảo tới đây trên địa bàn tỉnh Bình Dương sẽ không có chuyện thú dữ sổng chuồng” - ông Tràng nói. Ông cho biết thêm Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương có dự phòng 100 lọ thuốc gây mê, đủ dùng cho các tình huống xấu... Mỗi con thú dữ chỉ cần 7cc thuốc gây mê là có thể khống chế chúng! Tuy nhiên ông Tràng cũng thừa nhận việc bắn thuốc mê là không đơn giản, trong trường hợp con gấu của ông Lục thì không bắn thuốc mê được do trong rừng có nhiều cây cối nên phải bắn hạ.

    Còn một số người dân sinh sống xung quanh những khu nuôi nhốt thú dữ với số lượng lớn cũng không khỏi lo lắng. Đặc biệt người dân còn nói rằng những khi có mưa bão, thiên tai, hỏa hoạn... chuồng trại dù có chắc chắn đến mấy cũng có thể bị phá vỡ, lúc đó thú dữ thoát ra thì hậu quả sẽ khó lường.
Trạng thái chủ đề:
Không mở trả lời sau này.