Trung bình mỗi tháng, toàn thị trường Việt Nam tiêu thụ khoảng 70.000 chiếc điện thoại di động (ĐTDĐ). Riêng trong hai tháng 12-2003 và 1-2004 vừa qua, mức tiêu thụ ĐTDĐ trên thị trường Việt Nam đã tăng vọt lên đến 80.000 chiếc mỗi tháng và đến nay sức mua vẫn có dấu hiệu tăng dù thời điểm mua sắm Tết đã đi qua. Thêm nhiều thương hiệu, chạy đua công nghệ Cùng với hiện tượng bùng nổ về số lượng tiêu thụ, trên thị trường Việt Nam còn bùng nổ cả về thương hiệu ĐTDĐ. Nếu như trước năm 2003, trên thị trường chỉ có 6-7 thương hiệu ĐTDĐ thì nay đã tăng lên gấp đôi. Đến các cửa hàng ĐTDĐ, hiện nay ngoài các thương hiệu quen thuộc như Nokia, Samsung, Sony-Ericsson... người tiêu dùng còn thấy những “gương mặt” mới như LG, V-Fone, Bird... Các nhà cung cấp ĐTDĐ (cả thương hiệu cũ và mới) đều liên tục tổ chức các đợt tiếp thị ĐTDĐ đến người tiêu dùng một cách rầm rộ các mẫu điện thoại mới với khẩu hiệu: “kiểu dáng đẹp, công nghệ tiên tiến, tính năng vượt trội, giá cả cạnh tranh”. Trong cuộc đua giành thị phần, Nokia đồng loạt tung ra nhiều mẫu mã điện thoại mới tại thị trường: Nokia 1100, Nokia 3200, Nokia 6220, Nokia 3660 và Nokia 6600. 4 trong 5 mẫu điện thoại mới đều có tính năng chụp ảnh và gửi tin nhắn đa phương tiện MMS. Đắt tiền nhất trong nhóm điện thoại mới là Nokia 6600 có khả năng chia sẻ dữ liệu nhanh qua cổng hồng ngoại bằng cách chụp và in ảnh ngay lập tức. Nokia hiện tại vẫn đang chiếm vị trí nhất bảng trên thị trường ĐTDĐ tại Việt Nam với khoảng 50% thị phần. Samsung cũng có ngay một cuộc rượt đuổi ngoạn mục. Trước đó, Samsung được coi là chậm chân trong việc bắt kịp với thị trường vì chỉ có duy nhất một sản phẩm V200 hỗ trợ MMS - GRPS khi Vinaphone và MobiFone cung cấp thử nghiệm dịch vụ này, trong khi các đối thủ như Nokia, Sony Ericsson và Siemens lại được coi là biết dự liệu tình hình. Đầu năm 2004, Samsung đồng loạt tung ra 6 mẫu điện thoại màn hình màu + tính năng MMS - GPRS: E700, P400, X600, X400, E100 và X100. Cả 6 sản phẩm trên đều có tính năng nhắn tin đa phương tiện MMS, trong đó E700, P400 và X600 được tích hợp máy chụp ảnh kỹ thuật số bên trong máy. E700 được coi là sản phẩm chủ đạo với khả năng chụp ảnh đặc biệt: chụp liên tiếp 15 tấm trong vòng vài giây; tự chụp ảnh chân dung; chụp ảnh ban đêm… Riêng Siemens với quyết tâm tăng thị phần tại thị trường Việt Nam, cũng cùng lúc tung ra các mẫu sản phẩm hỗ trợ MMS-GPRS như C60, C62 - điện thoại 3 băng tần kèm máy ảnh rời, SX1... Trong đó, SX1 được thiết kế bàn phím rất độc đáo duy nhất, các phím bấm nằm dọc theo hai bên thân máy thay vì theo kiểu bàn phím truyền thống tạo hình ảnh lạ mắt và giúp người sử dụng nhắn tin SMS bằng hai ngón tay rất nhanh chóng, đồng thời hỗ trợ chức năng quay phim, nghe nhạc, nghe radio... Được biết, sắp tới hãng này còn tung ra một loạt sản phẩm điện thoại thời trang theo mùa tại thị trường Việt Nam. Sony Ericsson do gặp ‘’rắc rối’’ về nhà phân phối nên sự xuất hiện của một số sản phẩm P900 - nâng cấp từ P800, T630 nâng cấp từ T610 và Z600 cũng chưa được biết đến nhiều. Còn Motorola sau khi tung thêm sản phẩm E380 cho đến thời điểm này vẫn chưa có gì mới. Nếu như trên thế giới, Siemens và Motorola vẫn là các đại gia đáng gờm, thì tại Việt Nam dường như Siemens và Motorola vẫn chưa túm được huyệt của người dùng nên đành bị Nokia và Samsung bỏ lại phía sau. Một loạt thương hiệu mới như Acatel, Bird, VFone, TCL… vẫn chưa thuyết phục được người tiêu dùng. LG cũng cố gắng tung ra những sản phẩm có kiểu dáng và công nghệ vượt trội như 7100 mắt mèo, xoay 270 độ, đồng thời liên tục móc hầu bao cho các show quảng cáo trên truyền hình, báo chí... để thu hút sự chú ý của người tiêu dùng. Chất lượng ĐTDĐ - nỗi lo của người tiêu dùng Đến nay Việt Nam đã có hơn 2,5 triệu người sử dụng ĐTDĐ. Thị trường ĐTDĐ phát triển nhanh chóng là điều phấn khởi. Tuy nhiên, với khoảng 70% số lượng ĐTDĐ trên thị trường là... hàng nhập lậu, cộng với nỗi lo ngại qua các vụ nổ ĐTDĐ của các thương hiệu lớn Nokia và Samsung, người tiêu dùng đang đứng trước vấn đề hàng đầu chính là chất lượng của chiếc ĐTDĐ. Theo ông Nguyễn Nam Vinh, Chủ nhiệm văn phòng khiếu nại của người tiêu dùng ở phía Nam, thì gần đây số lượng đơn thư khiếu nại về chất lượng ĐTDĐ tăng nhiều. Ông Vinh cho rằng, để tự bảo vệ mình, chỉ có cách người tiêu dùng phải cẩn trọng, không nên mua ĐTDĐ không rõ nguồn gốc, và nếu có mua hàng chính hãng (thường được gọi là hàng công ty) thì không chỉ yêu cầu bảo hành sửa chữa mà còn phải có các cam kết rõ ràng về tình trạng cháy nổ, về giải quyết đền bù sao cho thỏa đáng. Làm như vậy không phải là làm khó, mà là để bảo vệ mình và cũng để nhắc nhở các nhà sản xuất, kinh doanh ĐTDĐ phải luôn có trách nhiệm đối với sản phẩm bán ra. Theo SGGP