HTC One là một kiệt tác của công ty công nghệ Đài Loan. Mẫu điện thoại này đã kết hợp truyền thống smartphone thân nhôm nguyên khối của HTC với những công nghệ tiên tiến nhất trên thị trường hiện nay (một vài trong số đó là công nghệ riêng của HTC One) để tạo thành một trong những mẫu điện thoại tuyệt vời nhất xét về mọi mặt của nửa đầu năm 2013. HTC One giống như là một chiếc siêu xe – đây là model tốt nhất mà những công nghệ có mặt trên thị trường hiện thời có thể tạo ra; và mặc dù không phải tất cả mọi thứ về chiếc siêu xe này đều là thực tế đối với nhu cầu của người dùng, HTC One vẫn là một mẫu máy rất đẹp và chắc chắn sẽ gây sự bất ngờ thú vị cho người sử dụng. Điểm đáng chú ý nhất của HTC One là chiếc camera 4MP "ultrapixel". Dĩ nhiên, độ phân giải 4MP nghe có vẻ như là rất thấp, nhưng chiếc camera này cũng mang trong mình một trong những đột phá lớn của thế giới camera dành cho điện thoại di động, khiến cho HTC One có thể đứng vào cùng một hàng ngũ với 808 Pureview và Lumia 920 của Nokia. Camera của HTC One sử dụng công nghệ Image Chip 2, vốn được phát triển từ công nghệ Scalado từ HTC One X. Ngoài ra, dù sử dụng Android 4.1.2 Jelly Bean đầy đủ nhưng có vẻ HTC đang dịch chuyển dần khỏi Android với giao diện HTC Sense 5 rất khác biệt so với Android thông thường, bao gồm một màn hình chủ mới cùng các cử chỉ thay thế cho nút menu. Nhà sản xuất Đài Loan cũng đã đẩy mạnh thế mạnh về âm thanh của mình, bên cạnh Beats Audio, loa stereo của HTC cũng được trong bị công nghệ BoomSound giúp đạt độ lớn lên tới 93dB. Ngoài ra, microphone cũng đạt chuẩn HDR nhằm tạo ra chất lượng cuộc gọi tốt nhất. HTC One dự kiến sẽ được bán ra thị trường Việt Nam vào cuối tháng Ba. Giá của máy chưa được tiết lộ chính thức nhưng dự đoán sẽ ở mức trên dưới 16 triệu đồng. Công ty bán lẻ điện thoại Hoàng Hà (Hà Nội) gần đây đăng tin trên website của công ty cho biết chiếc HTC One sẽ được bán vào ngày 25/3 với giá dự kiến là 15,39 triệu đồng. Tuy vậy, Hoàng Hà là một trong những nơi bán lẻ điện thoại rẻ nhất hiện nay, nên nhiều khả năng mức giá của công ty này sẽ thấp hơn giá niêm yết chính hãng. Trong lúc chờ đợi sản phẩm chính hãng và thông tin chính thức từ HTC Việt Nam, mời bạn đọc tìm hiểu đánh giá sơ bộ về chiếc HTC One của trang công nghệ GSMarena. Thiết kế và chất lượng thân máy HTC đã có một quá trình dài sử dụng thiết kế thân nhôm liền khối và đây là điểm mạnh của công ty: sự kết hợp giữa kim loại và kính tạo ra một cảm giác sang trọng khó có thể vượt qua được. HTC One có hình dáng giống như Butterfly, sử dụng nhiều nét thiết kế giống nhau cho dù gọn hơn một chút so với Butterfly. Lý do kích cỡ của HTC One giảm xuống là do màn hình được thu nhỏ còn 4,7 inch. Tuy vậy, đây vẫn là màn hình Super LCD3 có độ phân giải 1080p. Thiết kế mặt trước có một chút thay đổi. Phần trước của HTC One được chia làm 3 phần: phần giữa là màn hình được bao bọc bởi kính Gorilla Glass 2, phần trên và phần dưới được làm bằng nhôm. Phía trên là loa stereo với công nghệ BoomSound. Theo lời HTC, chiếc loa này có thể tạo ra âm lượng lên tới 93dB. Ở phía dưới màn hình là 2 nút Back và Home. Không có nút Menu hay nút chuyển đổi ứng dụng. Chuyển đổi giữa các ứng dụng được thực hiện bằng cách bấm nút Home 2 lần, trong khi chức năng của nút Menu thông thường được thay thế bằng một cử chỉ của Sense 5. Trong phần tùy chỉnh, bạn có thể chọn cách giữ nút Back thật lâu để sử dụng như nút Menu. Phía trên màn hình là camera phụ, bên cạnh các cảm biến ánh sáng và cảm biến khoảng cách. Loa stereo cũng sẽ được sử dụng trong các cuộc gọi thông thường. Camera phụ của HTC One gần như là giống hệt so với Butterfly: độ phân giải 2.1MP với ống kính 88 độ và có thể quay video 1080p trong chế độ HDR. Sim của HTC One là loại microSIM, được lắp vào máy thông qua một khe nhỏ ở bên trái của máy. Để mở được khe cắm sim, bạn cần có một công cụ tháo sim tương tự như các mẫu khác. Phía bên phải của HTC One là phím điều chỉnh âm lượng có kích cỡ khá lớn, giống như trên Butterfly. Cổng microUSB cùng mic được đặt ở phía dưới của máy. Do cổng USB có hỗ trợ công nghệ MHL, bạn có thể dùng HTC One làm đầu phát TV HD hoặc sử dụng tính năng USB Host của máy. Microphone của máy hoạt động cùng với một chiếc mic phụ có khả năng chống tiếng ồn. Chiếc mic phụ này cũng đảm nhiệm nhiệm vụ đo đạc xem độ ồn của môi trường là bao nhiêu, nhờ đó chiếc mic chính có thể tăng âm lượng vừa phải để giúp người thực hiện cuộc gọi với bạn có thể nghe tiếng của bạn một cách to và rõ ràng. Ở phía trên của HTC One là khe cắm 3.5mm và nút Power/Lock (bật tắt/khóa máy). Ngoài ra, nút Power/Lock này chứa một bất ngờ nho nhỏ khá thú vị: bên trong nút này là một đầu phát tín hiệu IR, được sử dụng kèm một ứng dụng được HTC cài sẵn trên máy để điều khiển TV và các thiết bị âm thanh. Lưng của HTC One là một miếng nhôm lớn có 3 phần chính được phân chia bằng các đường chỉ nhỏ làm bằng nhựa. Ở phía trên là chiếc mic chống ồn, bên cạnh ngôi sao chính của HTC One: camera "ultrapixel" của máy. Chiếc camera của HTC One có ống kính độ rộng 28 độ và khẩu độ F/2.0, cảm biến 4MP. Theo GSMArena, đây là hệ thống camera tân tiến nhất mà họ được chứng kiến kể từ chiếc Pureview. Tuy không thể khẳng định rằng HTC One có camera tốt hơn Pureview, rõ ràng chiếc camera "ultrapixel" này là một công nghệ đột phá – một điều rất ít thấy trong khoảng thời gian gần đây. 4MP nghe có vẻ không được hấp dẫn cho lắm, tuy vậy, phần đánh giá camera trong bài viết này sẽ cho thấy HTC One chụp ảnh không hề tệ. Pin Li-Po có độ lớn 2300mAh được đặt ở phía bên trong thân nhôm của máy. Do thân máy nguyên khối nên pin của máy là pin liền, không thay thế được. Xét trên thông số, pin của HTC One có dung lượng lớn hơn 300 mAh so với chiếc HTC Butterfly và ngang bằng với Xperia Z. HTC One có độ dày 9,3 mm và thân cong khiến cho máy có cảm giác rất mỏng. HTC One tạo cho người dùng cảm giác cầm vừa tay, đồng thời mặt nhôm phía sau cũng có khả năng chống in vết vân tay. Chiếc điện thoại này nặng tầm 143g, bằng với Butterfly hoặc iPhone 4S. Trọng lượng này là vừa đủ và tạo cho HTC One một cảm giác chắc chắn trong lòng bàn tay. Màn hình Thay vì có kích cỡ 5 inch như các màn hình 1080p hiện nay, HTC One có màn hình 4.7inch. Điều này làm cho màn hình nhỏ hơn 12% so với các mẫu điện thoại 5 inch, xong lại nâng chỉ số điểm ảnh/inch từ 441 PPI lên 469 PPI. Tuy vậy, sự nâng cấp này là "thừa thãi" do 441 PPI đã là vượt quá khả năng nhận biết của mắt người. Các màn hình có mức điểm ảnh/inch lên tới hơn 300PPI của các model đầu bảng năm ngoái đã là rất gần với giới hạn nhận biết của mắt người, nhưng với mức độ trên 400PPI, người dùng khó có thể nhìn thấy răng cưa trên màn hình. Đồng thời, màn hình cũng trở nên mượt hơn – một sự khác biệt nhỏ, nhưng vẫn có thể nhận biết được. HTC One đã đưa ra nhiều màn hình tốt trong khoảng thời gian gần đây và màn hình Super LCD3 của HTC One không phải là ngoại lệ. Góc nhìn của màn hình rất lớn, màu sắc trên màn hình không thay đổi, đồng thời độ sáng cũng chỉ thay đổi rất nhỏ khi chuyển sang các góc nhìn hẹp. Các lớp (lớp kính và tấm màn hình LCD) trên màn hình trên HTC One được gắn rất sát với nhau nên hình ảnh cũng được đưa đến rất gần bề mặt kính. Các biên tập viên của GSMArena đã so sánh HTC One với Galaxy S III. Màn hình Super AMOLED của S III chiến thắng nếu so sánh về độ sáng và màu sắc (điểm vượt trội của công nghệ AMOLED), nhưng màn hình của HTC One cũng chỉ thua kém rất ít và cũng là một trong những màn hình LCD tốt nhất hiện thời. Tuy vậy, màn hình của HTC One có độ phản chiếu tốt hơn Galaxy S III, do đó việc sử dụng máy dưới ánh sáng mặt trời cũng trở nên rất dễ dàng. Giao diện Sense 5 với điểm nhấn BlinkFeed HTC One sử dụng Android 4.1.2 Jelly Bean, nhưng quan trọng hơn hết là máy đi kèm với giao diện HTC Sense phiên bản mới nhất. Giống như Samsung, HTC muốn tạo ra những tính năng riêng biệt lên các máy Android của mình, thay vì sử dụng những tính năng gốc. Màn hình khóa của HTC One trông khác đôi chút nhưng không thay đổi về tính năng. Trên màn hình khóa có đồng hồ, thông tin thời tiết và 4 phím tắt. Thay vì đặt đường dẫn đến một ứng dụng, bạn cũng có thể đặt đường dẫn đến một thư mục nếu như bạn cần phải truy cập vào nhiều hơn 4 ứng dụng từ màn hình khóa. Màn hình khóa cũng có thể đưa ra các thông tin về những cuộc gọi lỡ cũng như các tin nhắn mới. Màn hình home trông khá khác biệt. Ở giữa màn hình home là phần BlinkFeed. Ứng dụng này tổng hợp các bài viết từ các mạng xã hội mà bạn tham gia, bên cạnh tin tức đến từ hơn 1000 nguồn khác nhau. Bạn có thể chọn các chủ đề ưa thích và BlinkFeed sẽ tự động đưa ra các thông tin thú vị. Bạn cũng có thể sử dụng chức năng tìm kiếm để tìm một thông tin cụ thể. Bên cạnh BlinkFeed là các phần thông thường của màn hình home: các đường dẫn ứng dụng (shortcut) và các widget. Bạn có thể đưa một trong số các shortcut hoặc widget này thành tính năng được truy cập mặc định khi bấm nút Home. Ngoài ra, bạn cũng có thể đăng bài lên các mạng xã hội trực tiếp từ BlinkFeed, đồng thời chia sẻ (share) những câu chuyện thú vị xuất hiện trên BlinkFeed của mình. Nói chung, BlinkFeed khá giống với widget Timescape của Sony, ngoại trừ việc Blinkfeed không phải là một widget. Theo các biên tập viên của GSMArena, việc xây dựng BlinkFeed thành một widget sẽ là một lựa chọn hợp lý hơn, do một widget có thể dễ dàng được chuyển đến một phần khác của màn hình home, có thể được xóa đi hoặc sửa đổi kích cỡ để kết hợp với các shortcut hoặc các widget khác trên cùng một phần màn hình. Ngoài BlinkFeed, giao diện Sense 5 cũng có một điểm khác biệt lớn so với Android gốc. Android hiện đang có xu thế bỏ phím Menu, thay thế bằng một nút ở trong giao diện ứng dụng. Với Sense 5, HTC tạo ra một thanh bar chỉ được hiển thị khi bạn sử dụng cử chỉ trượt ở phía dưới màn hình. Tuy vậy, nếu bạn lỡ tay trượt từ phía trên màn hình thì bạn sẽ mở phần Notifications thay vì phần giao diện ứng dụng. Đây là một điểm nhấn thú vị, khi xét đến việc trong Android có rất ít cử chỉ (gesture) được sử dụng nếu so sánh với BlackBerry 10. Tuy vậy, các ứng dụng cũng cần phải hỗ trợ cử chỉ mới này của HTC và phần lớn các ứng dụng cũng vẫn sẽ có một nút Menu ở giao diện của mình. Các ứng dụng cũ hơn đòi hỏi phải có một nút Menu riêng sẽ chạy với một thanh bar màu đen ở phía dưới nhằm thay cho nút Menu. Ngoài 2 đặc điểm nói trên, giao diện của HTC One khá là bình thường. Bạn có thể tạo ra nhiều ô khác nhau cho màn hình home, bạn cũng có thể sắp xếp và thêm/xóa các ô khác nhau với chức năng zoom truyền thống. Các widget được đưa ra từ một thanh kéo riêng biệt với các ứng dụng, giống như các phiên bản Sense trước đó. Về thanh kéo ứng dụng, mặc định trên HTC One số lượng ứng biểu tượng trên thanh kéo này là 4x3 – một con số không thực sự phù hợp với độ phân giải lớn của máy. Các shortcut cũng không lớn như thông thường, chúng có quá nhiều phần đệm. May mắn là bạn có thể chuyển sang kích cỡ 4x4. HTC One cũng có màn hình dành riêng cho chế độ lái xe với thiết kế khá đồng nhất với phần còn lại của giao diện. Trên màn hình này có 5 phím lớn (trình chơi nhạc, phím tắt đến GPS, gọi điện thoại, phím tắt đến trình chơi nhạc và trình điều khiển giọng nói) bên cạnh đồng hồ và thông tin thời tiết. Chế độ lái xe có thể được tự kích hoạt khi bạn đặt HTC One vào dock ở trên xe và kết nối vào Bluetooth của xe. Ngoài ra cũng có tùy chọn để tiếp tục chơi nhạc trên máy hoặc bật radio khi chế độ lái xe được kích hoạt. Ngoài ra, trên HTC One cũng có chế độ dành riêng cho trẻ em, với hình ảnh và ngày sinh nhật, cùng các ứng dụng mà bạn có thể lựa chọn cho phép trẻ nhỏ dùng. Tuy vậy, bạn cần phải đăng ký qua Email mới có thể kích hoạt chế độ cho trẻ em (Kid mode). HTC cũng đã nâng cấp chương trình chuyển tải dữ liệu từ điện thoại cũ. Với chương trình này bạn có thể lấy dữ liệu từ những chiếc HTC khác, hoặc một chiếc Android, Windows Phone, BlackBerry hoặc iPhone. Theo các biên tập viên của GSMArena, HTC One có thể copy dữ liệu từ file sao lưu của iPhone. Do đó, trong trường hợp mất hoặc chuyển từ iPhone sang, bạn vẫn có thể lấy lại các liên lạc từ iPhone một cách dễ dàng. Đo sức mạnh của HTC One HTC One sử dụng một chip Snapdragon 600 mới nhất, bao gồm 4 nhân Krait 300 tốc độ 1.7GHz. Đây cũng là CPU được sử dụng bởi LG Optimus G Pro. Với Benchmark Pi, HTC One cho thấy sự tương đồng với Optimus G Pro và bỏ xa các mẫu Krait cũ (như Butterfly hoặc Xperia Z) lại phía sau. Với Linpack, HTC One lại chỉ nhỉnh hơn các mẫu Krait cũ một chút và thua kém Optimus G Pro khá nhiều. Với AnTuTu, HTC One lần đầu tiên vượt lên dẫn đầu. Và với phần mềm đo hiệu năng Quadrant, chiếc One và G Pro lại một lần nữa bỏ xa Xperia Z và Optimus G lại phía sau. Chipset của Snapdragon vẫn sử dụng chip đồ họa Adreno 320 quen thuộc, nhưng xung nhịp lớn hơn của Adreno 320 trên HTC One tạo ra sự khác biệt. GLBenchmark 2.5 cho kết quả vượt trội của HTC One. Các biên tập viên của GSMArena cũng thử nghiệm với trình duyệt web mặc định của HTC One. Kết quả cho thấy HTC cần phải cải thiện hơn nữa do HTC One hoạt động còn kém hơn cả các điện thoại có vi xử lý chậm hơn trên cả 2 thử nghiệm SunSpider và BrowserMark 2. Nói tóm lại, sức mạnh của GPU và CPU của HTC One là rất đáng nể và do đó có thể chạy tốt mọi ứng dụng. Tuy vậy, trình duyệt web của máy cần được cải thiện nhiều. HTC Zoe có thể chỉnh sửa ảnh một cách rất dễ dàng HTC Zoe là thư viện ảnh tốt hơn tất cả các thư viện ảnh trên các điện thoại khác, nhờ vào chip xử lý tín hiệu ảnh (ISP) ImageChip 2. Khi bạn sử dụng camera của HTC One trong chế độ Zoe, mỗi lần bạn nhấn phím chụp, máy ảnh chụp tới 20 bức ảnh độ phân giải tối đa và một đoạn video 3 giây (1 giây trước khi bạn nhấn phím chụp và 2 giây sau đó). Tất cả các thông tin đó là cần thiết cho các tính năng cao cấp của Zoe. Một trong các tính năng đó là Events. Zoe có thể được dùng để làm một thư viện ảnh thông thường với các bức ảnh được gộp lại thành các thư mục thông thường. Tính năng Events giúp phân loại các bức ảnh dựa trên thời gian và địa điểm của bức ảnh. Mỗi sự kiện trong Events có một đoạn video 30 giây (được tạo thành từ các đoạn video 3 giây nói trên) cộng với một slideshow bao gồm một số bức ảnh tương ứng. Bạn có thể xóa các đoạn clip hoặc thêm các đoạn clip mới vào video 30 giây nói trên, thêm vào một số hiệu ứng và nhạc nền. Các đoạn video và các bức ảnh được chụp liên tiếp cũng được sử dụng khi chỉnh sửa ảnh. Do đoạn video khi bạn chụp bức ảnh được giữ lại, Zoe có thể tìm ra các vật thể chuyển động và đưa một dấu X màu đỏ lên đó để bạn có thể loại bỏ những chuyển động bạn không muốn và giữ lại những chuyển động còn lại. Kết quả là một bức ảnh 4MP. Zoe cũng có thể đảm bảo rằng tất cả mọi người trong bức ảnh đều đang cười và mắt đang mở - chương trình này phát hiện và khoanh tròn tất cả các khuôn mặt, và bạn có thể trượt để đi qua tất cả các hình ảnh của mỗi khuôn mặt đến khi tìm ra bức hình phù hợp. Một chức năng nữa là Sequence. Tính năng này có thể chụp một vật thể chuyển động và tạo ra một hiệu ứng làm cho vật thể này xuất hiện nhiều lần trên một bức hình (xem hình phía dưới). Zoe cũng có thêm một vài hiệu ứng, ví dụ như hiệu ứng Face có thể làm cho mặt một người trở nên gầy hơn; Skin chỉnh sửa ánh sáng làm cho da trông mịn hơn; Eye làm cho mắt trông to hơn hoặc sáng hơn. Bạn có thể tùy chỉnh mức độ sử dụng của các hiệu ứng này với một thanh trượt. Phần nói trên mới chỉ là phần Retouch của Zoe. Bên cạnh phần Retouch, Zoe còn có nhiều hiệu ứng khác, khiến Zoe trở thành "Photoshop trong lòng bàn tay bạn". HTC cũng có một trang dành riêng để chia sẻ các hình ảnh Zoe Events, nhưng bạn cũng có thể chia sẻ các hình ảnh này lên các mạng xã hội thông thường. Chương trình chơi nhạc với Beats Audio HTC có một ứng dụng chơi nhạc riêng, sử dụng công nghệ HTC Beats giống như nhiều mẫu HTC trước đó. Ứng dụng chơi nhạc này có thể sắp xếp thư viện nhạc của bạn theo Nghệ sĩ, Album, Bài hát, Danh sách nhạc, Thể loại hoặc Thư mục. Ngoài ra, HTC cũng có thể phát nhạc từ từ mạng DLNA, do đó bạn sẽ không bị giới hạn bởi bộ nhớ trong của mình. Ứng dụng chơi nhạc của HTC One cũng có một số tính năng thú vị. Ứng dụng chơi nhạc này có thể tìm và tải về bìa album và ảnh ca sĩ (bạn có thể giới hạn để chức năng này chỉ sử dụng Wi-fi). Bạn cũng có thể tìm lời bài hát để đưa vào chế độ karaoke hoặc hiển thị dưới dạng chữ (text). Tuy vậy, ứng dụng chơi nhạc của HTC One không có equalizer (bộ chỉnh âm), bạn chỉ có thể bật/tắt tính năng Beats mà thôi. Đây là một điểm trừ cho dù âm lượng của chiếc loa BoomSound của HTC One là khá lớn. Ứng dụng chơi video Ứng dụng chơi video trên HTC One có giao diện rất đơn giản, thậm chí đây còn không phải là một ứng dụng độc lập: bạn chỉ cần chọn ra một video từ thư viện của mình. Bạn sẽ có nút Play/Pause và có một thanh trượt để lướt qua video, một nút để mở camera và một phần nhỏ thể hiện thời gian và lượng pin còn lại. Các thông tin này sẽ được ẩn sau một vài giây. Ứng dụng chơi video có thể sử dụng âm thanh Beats giống như ứng dụng chơi nhạc – một điều khá tuyệt vời. Ứng dụng này cũng hỗ trợ DLNA và bạn có thể sử dụng một adaptor MHL để cắm điện thoại vào TV. Ngoài ra một đặc điểm thú vị là bạn có thể đổi tốc độ chơi của video. Điều này là khá hữu ích cho các đoạn clip mà bạn đã quay ở chế độ nhiều khung hình/giây, cho phép bạn có thể xem bình thường hoặc với tốc độ chậm hơn. Tính năng camera và Ultrapixel HTC One có một chiếc camera "có một không hai" trong thế giới smartphone hiện nay. Không chỉ là chiếc smartphone thứ 2 trên thế giới sử dụng công nghệ ổn định hình ảnh quang học, HTC One sử dụng một thiết kế camera mới sử dụng điểm ảnh to hơn 3 lần so với camera 13MP thông thường. Và do cảm biến của HTC One có kích cỡ bằng với cảm biến 13MP, camera này chỉ cần sử dụng độ phân giải bằng 1/3. Đội ngũ quảng cáo của HTC gọi các điểm ảnh này là "Ultrapixel". Ultrapixel của HTC One lớn hơn tất cả các điểm ảnh khác mà bạn có thể thấy trên camera của điện thoại di động. Điểm ảnh của N8 có kích cỡ 1.75 icron, 808 Pureview và iPhone 5 có điểm ảnh 1.4 micron. Do vậy, điểm ảnh của HTC One to gấp đôi điểm ảnh của 808 Pureview và iPhone 5. Các điểm ảnh lớn hơn cho độ nhiễu giảm hơn và độ động lớn hơn. Chụp trong điều kiện thiếu sáng cũng tốt hơn nhờ công nghệ ổn định hình ảnh quang học (OIS) tương tự như Lumia 920. Cảm biến sử dụng trong HTC One có đường chéo 1/3 inch với tỉ lệ 16:9 và được gắn lên trên ống kính 5 thành phần với khẩu độ F/2.0. Cảm biến này chụp ảnh với độ phân giải 2688 x 1520 pixel, tương đương 4MP. HTC cũng sử dụng chip xử lý tín hiệu ảnh ImageChip để xử lý hình ảnh chụp bởi camera và xử lý các tác vụ của Zoe. HTC One tiếp tục xu hướng sử dụng chung một giao diện camera để chụp ảnh và quay video. Điều này là không được phù hợp cho lắm do tỉ lệ hình chụp (4:3) và quay video (16:9) là khác nhau. Ngoài ra, một điểm đáng chê trách nữa là tất cả các tùy chỉnh chụp hình và quay video bị nhét vào chung một menu, thay vì chuyển đổi giữa 2 menu khác biệt tùy vào chế độ đang được sử dụng. Giao diện camera và chất lượng hình Dù sao đi chăng nữa, giao diện camera là khá đơn giản – có 2 nút: một nút chụp hình và một nút quay, phía trên là đường dẫn đến thư viện ảnh và phía dưới là nút hiệu ứng. Ở phía bên trái màn hình bạn có thể chọn chế độ flash và bật/tắt Zoe. Khi bạn bật Zoe và bấm nút chụp hình, nút này sẽ biến thành một thanh tiến trình đếm ngược 3 giây trong khi máy quay lại đoạn video ngắn. Trong lúc này bạn phải giữ máy đứng yên. HTC quảng bá rằng camera của HTC One có thể chụp 8 hình một giây. Tuy vậy, việc phải giữ máy đứng nguyên trong vòng 3 giây thực sự làm giảm tốc độ của camera. Công nghệ Ổn định Hình ảnh Quang học (OIS) giúp chỉnh sửa ảnh động trên 2 chiều với tần số 2000 lần/giây. Cộng với khẩu độ F/2.0 của ống kính và các pixel lớn, HTC One có khả năng chụp hình thiếu sáng khá tốt. Các biên tập viên của trang công nghệ Gsmarena đã thử nghiệm chụp hình với HTC One và LG Optimus G Pro (sử dụng camera 13MP) trong không gian của MWC (Hội nghị Thế giới Di động) để so sánh giữa camera của HTC One và các camera truyền thống khác. Ngoài ra, Optimus G Pro cũng được giảm độ phân giải xuống ngang bằng với HTC One. Bức ảnh đầu tiên sẽ là một trường hợp khó, kể cả cho máy DSLR. Tại MWC, các gian hàng được chiếu sáng với các khoảng tối ở giữa chúng. Như có thể thấy trong hình, Optimus G Pro có độ nhiễu lớn hơn, HTC One cho hình ảnh mờ hơn nhưng không quá tệ, nếu như xét đến độ tối của khung hình. HTC One tạo ra bóng tốt hơn (nhìn vào trần nhà), cho dù các đoạn sáng bị lóa. Tuy vậy, HTC One có lợi thế trong dải tần nhạy sáng. Bức hình thứ hai cho chúng ta thấy sức mạnh nắm giữ chi tiết của cả 2 camera. Ảnh của HTC One sắc hơn và có nhiều chi tiết trên pixel hơn khi giảm độ phân giải của Optimus G Pro xuống còn 4MP. Tuy vậy, độ phân giải 4MP thực sự là một vấn đề dành cho HTC One: chữ trên card trong hình chụp từ Optimus G Pro (13MP) dễ đọc hơn trong ảnh của HTC One. HTC One tạo ra một bức ảnh khá cân bằng về màu sắc, kể cả ánh sáng tím. Tuy vậy, khoảng sáng xung quanh các đường thẳng cho thấy việc xử lý ảnh đã sử dụng tính năng làm sắc nhân tạo rất nhiều. Theo các biên tập viên của GSMArena, công nghệ Ultrapixel của HTC hứa hẹn một tương lai rất tốt. Tuy vậy, số lượng pixel quá ít làm cho mức độ chi tiết của camera trên HTC One bị giảm sút. Điều này tạo ra vấn đề đối với các đoạn chữ. Dải tần nhạy sáng cũng không tốt hơn các mẫu camera smartphone khác, do đó pixel lớn hơn không tạo nên sự khác biệt. Tuy vậy, phần lớn các màn hình 27 inch đều có độ phân giải dưới 4MP và HDTV có độ phân giải 2MP, do đó độ phân giải của các bức ảnh HTC One chụp là khá ổn. Nhưng nếu bạn muốn in ảnh ra hoặc phóng lớn để nhận rõ các chi tiết, 4MP là không đủ. Quay video Full-HD với HDR HTC One có thể quay video với độ phân giải 1080p ở tốc độ 30 khung hình/giây (fps). Điện thoại này cũng có tùy chỉnh HDR cho video, nhưng tùy chỉnh này giảm khung hình/giây xuống còn 28 pfs. Ngoài ra, bạn cũng có thể quay 60 khung hình/giây ở độ phân giải 720p hoặc 96 khung hình/giây ở độ phân giải 69x432 pixel. Camera của HTC One có tính năng tự động lấy nét và bạn có thể "khóa" tính năng này lại khi quay video, nếu như nó kích hoạt quá nhiều trong các cảnh động. Video của HTC One cũng nhận được sự trợ giúp từ công nghệ ổn định hình ảnh quang học (OIS). Video quay bởi HTC One là các file MP4 có bitrate 20Mbps – bitrate cao nhất từ trước tới giờ. Âm thanh được thu với bitrate 192Kbps/48kHz stereo. Như vậy cả bitrate của hình và tiếng đều có khả năng ghi lại rất nhiều chi tiết. Các đoạn video thu bởi HTC One thực sự có nhiều chi tiết và ít nhiễu, cho dù được quay tại điều kiện sáng không tốt (tại MWC). Âm thanh cũng là khá tốt, cho dù khi quay xung quanh đó có hàng nghìn người. Tuy vậy, HTC One không có khả năng chống rung tốt như Nokia 920. Các đoạn video đôi lúc bị rung quá mức. Kết luận Với HTC One, công ty Đài Loan đã phá vỡ mọi chuẩn mực khi thiết kế ra chiếc điện thoại đầu bảng này. Màn hình nhỏ hơn để giúp cầm vừa tay thay vì chạy đua kích cỡ như các hãng khác. Đây cũng là màn hình di động tốt nhất trên thế giới. Camera 4MP cũng tránh được cuộc đua về con số, cho dù chưa thể kết luận được rằng "lá bài" này của HTC sẽ giành được thắng lợi. Mặt khác, HTC Zoe cũng sẽ nhận được nhiều sự chú ý hơn là các bức hình nguyên bản. Ứng dụng này có nhiều tính năng hơn bất kì các thư viện ảnh nào khác, bao gồm cả ứng dụng gốc của Android và các ứng dụng từ Play Store. Sự đơn giản trong việc tạo ra những hiệu ứng phức tạp có thể thu hút thêm những người hâm mộ nhiếp ảnh đến với HTC. HTC cũng tạo ra một sự sáng tạo ấn tượng đối với Android. Với giao diện Sense 5, HTC cố gắng đáp ứng "cơn khát thông tin" của người dùng với BlinkFeed và đồng thời cũng hỗ trợ thêm nhiều điều khiển cử chỉ. Tuy vậy, cũng chưa thể nói trước được những điều này có thể tạo ra được thành công hay không. Bên cạnh Beats Audio, HTC có thêm loa BoomSound và micro HDR cho chất lượng cuộc gọi tốt hơn. Nói tóm lại, sự sáng tạo về mặt công nghệ là rất thú vị và tuyệt vời, nhưng đôi khi nó phải đánh đổi quá nhiều và sự đánh đổi này làm cho người tiêu dùng chùn chân (ví dụ như với 808 PureView). Với HTC One, công ty Đài Loan có thể đã đạt được sự đánh đổi hợp lý, với Ultrapixel và Zoe. Hãy cùng chờ đợi xem với sản phẩm này HTC sẽ đi được bao xa trên con đường chinh phục (lại) thị trường di động. Theo vnreview
Quá ngon nhưng việc ra mắt chậm do thiếu linh kiện đã làm cho HTC ONE mất lợi thế trong cuộc đua với S4
Nếu con bản quốc tế nó như bản 2 sim của TQ thì cái vụ thiết kế nguyên khối của One là ba xạo, nó chỉ là các mảnh nhôm ghép thật chặt bằng keo, ko có mối nối thôi, bằng chứng là con One 2 sim có khe cắm thẻ nhớ, tháo đc nắp lưng mà vẫn ko thay pin đc