Điện thoại cố định trong cơn bĩ cực Trên thực tế hiện nay, nhu cầu sử dụng dịch vụ điện thoại cố định của khách hàng ngày càng giảm. ICTnews - Tăng trưởng thuê bao không đáng kể, thậm chí thuê bao rời mạng nhiều hơn thuê bao mới. Điều này khiến dịch vụ điện thoại cố định quay cuồng trong cơn bĩ cực mà chưa nhìn thấy lối ra. Hiện VNPT có khoảng 9,4 triệu thuê bao điện thoại cố định hữu tuyến, tổng số thuê bao phát triển được trong năm 2009 gần như không đáng kể. Nhà cung cấp dịch vụ đồng loạt kêu khó Ông Vũ Thế Dương, Phó trưởng Ban Tiếp thị của VNPT cho biết, mới đây Bộ TT&TT đã điều chỉnh cước kết nối, song điều này không thực sự làm cho mạng điện thoại cố định “dễ thở hơn”. Trên thực tế, một cuộc điện thoại gọi từ mạng di động vào mạng cố định phải trả cho nhà cung cấp dịch vụ cố định là 270 đồng cước kết nối. Nhưng cuộc gọi từ mạng cố định vào mạng di động thì lại phải trả cho nhà cung cấp di động là 415 đồng (trước đây là 425 đồng). Ông Vũ Tiến Dương cho biết, tình hình phát triển dịch vụ điện thoại cố định hữu tuyến hiện nay rất khó khăn. Thậm chí có thời điểm thuê bao phát triển mới và thuê bao rời mạng bằng nhau. Thực tế hiện nay, nhu cầu sử dụng dịch vụ cố định ngày càng giảm, trong khi đó việc chi phí cho dịch vụ này rất lớn. Vì vậy, có một nghịch lý đối với điện thoại cố định là nhiều khu vực càng phát triển càng lỗ. Ông Vũ Tiến Dương cho biết thêm, hiện doanh thu trung bình của mỗi thuê bao cố định giảm xuống còn khoảng 40.000 đồng/tháng. Trong khi đó, năm 2009 ngành điện lực tăng giá cột điện lên đến 8 lần khiến cho dịch vụ cố định lao đao. “Nếu tính trung bình 1 km có khoảng 25 – 26 cột điện. Bình quân mỗi cột chi phí thấp nhất khoảng 20.000 đồng tiền thuê treo cáp/tháng. Như vậy, mỗi tháng sẽ mất khoảng hơn 500.000 đồng tiền thuê cột. Nếu chúng tôi chỉ phục vụ được cho 10 thuê bao ở khu vực này thì tiền thu từ dịch vụ cố định cũng chả đủ tiền thuê cột của điện lực. Tại một số vùng công ích dịch vụ điện thoại cố định cũng được nhà nước hỗ trợ, nhưng cũng không nhiều”, ông Vũ Tiến Dương nói. Đồng tình với quan điểm này, một lãnh đạo của Viettel Telecom cho biết, hiện việc phát triển dịch vụ điện thoại cố định đang rất khó khăn bởi đây là dịch vụ đầu tư lớn và thu hồi vốn chậm. Trong năm 2009, Viettel cũng chỉ phát triển được vài chục nghìn thuê bao điện thoại cố định hữu tuyến và chỉ bằng một phần rất nhỏ so với dịch vụ vô tuyến cố định HomePhone. Chẳng khá khẩm hơn hai “đại gia” VNPT và Viettel, bà Chu Thanh Hà, Tổng giám đốc FPT Telecom cho biết, ở một số nơi FPT Telecom cũng phát triển âm đối với dịch vụ này. Cũng trong cảnh là “nạn nhân” của việc điện lực tăng giá thuê cột điện, FPT Telecom đã phải lao đao khi “ông độc quyền” tiến hành xiết lại việc cáp treo trên cột điện. Phía FPT Telecom cho rằng, năm 2009 là năm rất khó khăn đối với các nhà cung cấp dịch vụ điện thoại cố định và gần như không còn cửa cho các nhà cung cấp mới tham gia vào thị trường này. Sẽ có chính sách cứu điện thoại cố định Trao đổi với Báo Bưu điện Việt Nam, một lãnh đạo Vụ Viễn thông cho biết, không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới dịch vụ điện thoại cố định cũng đang gặp khó khăn do bị di động lấn lướt. Thế nhưng, Bộ TT&TT xác định cần phải duy trì dịch vụ này bởi đây là nền tảng băng rộng trong tương lai. Vì vậy, Bộ TT&TT đã có chủ chương khuyến khích các doanh nghiệp phát triển dịch vụ này. Trong buổi trả lời trực tuyến mới đây, Thứ trưởng Bộ TT&TT Trần Đức Lai cho biết, Bộ TT&TT sẽ có những chính sách linh hoạt hơn giúp mạng cố định phát triển, chẳng hạn về cước cuộc gọi, cước kết nối từ cố định vào di động và ngược lại… Bắt đầu vào năm tới, cùng với một số chủ trương của Bộ, các doanh nghiệp sẽ phát triển mạnh mạng cố định. Thứ trưởng Trần Đức Lai khẳng định, cho dù di động đang lấn lướt cố định, nhưng không thể có chuyện di động “đánh chết” cố định được. Thái Khang
Đã đến lúc điện thoại cố định chỉ còn tồn tại ở các cơ quan, công sở. Người dùng cá nhân và các gia đình gần như không còn hứng thú với những chiếc điện thoại cố định chỉ để nghe gọi.