Điện thoại di động đang trở thành vật...

Thảo luận trong 'Tin Tức Chung' bắt đầu bởi nxc, 19 Tháng hai 2004.

  1. nxc Ex-SMod

    [​IMG]

    Một khảo sát mới đây tại Indonesia cho thấy hầu hết người sử dụng sẵn sàng quay về nhà nếu để quên vật dụng liên lạc yêu quý của mình. Thiết bị liên lạc mini này được sử dụng ở khắp nơi, trong cả bồn tắm và khi massage.
    Cuộc thăm dò, do hãng viễn thông Siemens kết hợp với công ty tiếp thị GFK thực hiện, phát hiện ra rằng có tới 62% số người được hỏi sẵn sàng lặn lội ngược đường về nhà để lấy bằng được điện thoại nếu để quên và 66% cho biết họ vô tư sử dụng điện thoại ở tất cả mọi nơi không hề e ngại. 22% tỏ ra đặc biệt khoái chí khi mô tả cảm giác vừa ngâm mình trong bồn tắm hoặc bàn massage vừa “buôn” trên điện thoại di động.

    Công cụ liên lạc này được lôi ra sử dụng ở khắp nơi bất kể là rạp chiếu phim, trong hội nghị hay lớp học. Những người dị ứng với thiết bị này cho rằng nền văn hóa điện thoại di động đang gây ra những tác động ngày càng khó chịu đối với sinh hoạt nơi công cộng ở nhiều thành phố lớn.

    Farid Manan, Phó tổng giám đốc hãng Graha Elektrik, nhà phân phối độc quyền của Siemens tại Indonesia, cho biết: “Cuộc khảo sát của chúng tôi năm ngoái cho thấy số thanh niên tỏ ra áp đảo đối tượng lớn tuổi về sử dụng điện thoại. Nhưng năm nay, con số này đã bị san bằng”. Thăm dò của Siemens/GFK được thực hiện trên nhiều nhóm tuổi từ 16 đến 29 và từ 30 đến 60.

    Trong khi đó tại Phần Lan, quê hương của hãng Nokia, những người ưa thích thiết bị hiện đại đang ngày một hạn chế việc gửi thiếp du lịch qua con đường bưu điện thông thường. Thay vào đó, họ gửi những tấm hình và thông điệp hỏi thăm gia đình từ nước ngoài về qua công cụ nhắn tin SMS trên điện thoại di động.

    Cuối những năm 90, trước khi tin nhắn SMS trở nên phổ biến, lượng bưu thiếp mà người du lịch Phần Lan gửi cho bè bạn và người thân là 80 triệu mỗi năm (tổng số dân của nước này là 5,3 triệu). Tuy nhiên, đến cuối năm ngoái, con số này đã giảm xuống còn 70 triệu. Heli Heikkilae, Giám đốc Tổng cục bưu điện Phần Lan, cho biết: “Lý do chính là vai trò ngày một mở rộng của điện thoại di động và dịch vụ nhắn tin SMS”. Theo thống kê của Bộ viễn thông nước này, trong năm 2002, trung bình một tháng mỗi người Phần Lan gửi 27 tin nhắn qua điện thoại di động, đạt tổng số 1,4 tỷ thông điệp, tức là gấp đôi năm 1999.

    Phan Khương (theo IOL, AFP)