Với nhiều người, ĐTDĐ thường được coi là phương tiện liên lạc thiết yếu hoặc một vật trang sức nhưng khi ở trong tay kẻ khủng bố, được kết hợp với các thiết bị gây nổ, nó trở thành một vũ khí giết người lợi hại. Những kẻ đánh bom nhà ga Madrid hôm 11-3 đã sử dụng đồng hồ báo thức gắn trong của điện thoại di động để kích hoạt khối thuốc nổ, giết chết 200 người. Trước đó, tại Đại học Hebrew ở Jerusalem, một cuộc gọi tới chiếc điện thoại để trong một túi xách đã gây ra vụ nổ làm 7 người thiệt mạng. Một trong những trái bom phát nổ ngoài hộp đêm Sari ở Bali tháng 10/2002 được gắn với một chiếc điện thoại di động. Vụ chiếc xe hơi gài bom giết chết 12 người ở khách sạn Marriott ở Jakarta cũng có chung kịch bản. David Claridge, chuyên viên của công ty tư vấn Risk Advisory Group nhận xét: “Điện thoại di động khá rẻ, ai cũng có thể mua với số lượng lớn, đặt giờ cho cả mớ và làm chúng đổ chuông bất cứ lúc nào. Điều đó có nghĩa là, kẻ gây án có thể đi xa khỏi hiện trường, tới tận phía bên kia của thế giới, để kích hoạt thiết bị gây nổ”. Sau các cuộc truy lùng sau vụ tấn công ở Riyadh, Ả rập Xê út tháng 5 năm ngoái, FBI đã ra khuyến cáo về khả năng khủng bố sử dụng điện thoại di động làm phương tiện gây án và cho biết, chỉ cần một điều chỉnh nhỏ cũng đủ để biến chiếc điện thoại cầm tay vô hại thành thiết bị kích nổ. Hiện nay, có một số sản phẩm trên thị trường cho phép ngăn chặn việc sử dụng điện thoại di động trong những cuộc tấn công khủng bố. Một thiết bị có kích thước tương đương với điện thoại cầm tay có thể ngăn chặn tín hiệu trong bán kính 6 mét. Các thiết bị lớn hơn có thể cô lập cả một tòa nhà khỏi ảnh hưởng của sóng điện thoại. Tuy nhiên, tại Anh, Mỹ và nhiều nước khác, hành động ngăn chặn sóng điện thoại di động bị coi là phạm pháp. Phía chính phủ có những ngoại lệ. Thiết bị chặn sóng radio trên xe hơi của Tổng thống Pakistan Pervez Musharraf đã vô hiệu hóa trái bom, cứu ông thoát chết trong một vụ ám sát hụt, tháng 12 năm ngoái. Trong tương lai, chắc chắn sẽ có thêm nhiều yếu nhân sử dụng công nghệ tương đương. Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đã có kế hoạch chặn sóng radio trên diện rộng. Mang mã hiệu “Bầy sói”, công nghệ này sẽ không cho phép đối phương sử dụng liên lạc vô tuyến, kể cả điện thoại di động, trên chiến trường. Mặt trái của công nghệ là khi ngăn chặn khủng bố sử dụng điện thoại di động, thiết bị vô tuyến của những người khác ở trong cùng khu vực cũng không còn tác dụng, khiến khả năng áp dụng phương pháp này tại các sân ga, nhà hát, sân vận động và các tòa cao ốc không mang tính thực tiễn. Tuổi Trẻ (Theo CNN) Thông tin từ www.tintucvietnam.com