Vụ điều trần CEO Apple, ông Tim Cook trước Thượng viện Hoa Kỳ không có gì đặc biệt, ngoại trừ điều duy nhất: Apple bị chọn làm bia đỡ đạn thay cho hệ thống luật lỏng lẻo của Hoa Kỳ. Vụ điều trần của Tim Cook trước Thượng viện Mỹ có thể được tóm gọn lại về mặt nội dung như sau: - Hoa Kỳ sở hữu một hệ thống luật phức tạp song nhiều lỗ hổng về lĩnh vực thuế doanh nghiệp. - Apple đã lợi dụng một cách hợp pháp những lỗ hổng đó để tránh được hàng chục tỉ đô tiền thuế. - Apple không hề vi phạm luật pháp. - Người có lỗi là Quốc hội Mỹ, những người lập pháp. - Các thành viên Quốc hội Mỹ có trách nhiệm phải đóng những "lỗ hổng" mà Apple đang tận dụng để giảm thiểu hóa đơn thuế của mình. Như vậy, chúng ta có thể nhìn câu chuyện này từ góc độ như sau: người dân Mỹ, những người có trách nhiệm đóng thuế và có quyền tận hưởng phúc lợi xã hội từ tiền thuế, có quyền được nổi giận vì những "chiêu trò" của Apple. Song có một nhóm người không được quyền đó: Quốc hội Mỹ, những người trực tiếp tạo ra các bộ luật về thuế. Những chính trị gia này là những kẻ đạo đức giả. Chính họ đã tạo ra bộ luật đầy những lỏng lẻo, và chính họ lôi Tim Cook ra Ủy ban điều trần trong khi cố gắng nhấn mạnh rằng Apple không hề vi phạm điều luật nào. Đó là một bước đi hết sức kỳ cục! Điều duy nhất mà Carl Levin nên được nghe trong buổi điều trần này là: "Này, nếu không thích mấy bộ luật do mình tự làm ra, thì hãy thay đổi nó từ bây giờ!" Và trong bản báo cáo của mình, Thượng viện của Mỹ cũng đã quyết định sửa đổi các điều luật 482 và điều khoản F của Bộ luật doanh thu nội bộ để tránh những lỗ hổng tương tự như vụ việc của Apple. Dĩ nhiên, đó là điều họ nên làm, vì lợi ích của quốc gia của họ. Song, lẽ ra, nếu như họ không tỏ ra là những kẻ đạo đức giả mạnh miệng thì hình ảnh của Thượng viện đã không xấu xí đến vậy. Có lẽ vị chính trị gia duy nhất giữ được tư cách của mình trong buổi điều trần là Thượng nghĩ sĩ Rand Paul: Vị thượng nghĩ sĩ này chỉ ra bộ mặt thật của những con người đã lôi Tim Cook ra thượng viện: "Hãy nói với tôi là có 1 nhà chính trị gia ở đây không cố gắng giảm số tiền thuế mình phải đóng. Hãy nói với tôi rằng bạn sẽ thuê một giám đốc tài chính không cố gắng giảm thiểu số tiền thuế cho công ty của bạn. Hãy nói với tôi rằng những điều Apple đã làm là vi phạm luật pháp..." "Tôi cảm thấy bị xúc phạm bởi việc chúng ta lôi các nhà điều hành từ một công ty Hoa Kỳ không hề vi phạm luật pháp ra điều trần. Nếu có người đáng bị đem ra xử, thì đó là Quốc hội." "Ủy ban này sẽ thừa nhận rằng Apple chưa hề vi phạm điều luật nào. Vậy mà công ty này lại bị lôi ra một buổi xử án của các chính trị gia, trong khi thực tế, Quốc hội nên bị đem ra xử vì chạy theo lợi nhuận của môt công ty vĩ đại của Hoa Kỳ ở nước ngoài. Các ngài kéo vào đây một trong những câu chuyện thành công tuyệt vời nhất của Hoa Kỳ, và các ngài muốn được nghe tán thưởng? Tôi tuyên bố rằng, thay vì đem các nhà điều hành của Apple vào đây, các ngài nên đem vào một tấm gương lớn, để chúng ta có thể nhìn vào hình ảnh phản chiếu của Quốc hội, vì vấn đề này hoàn toàn là do bộ luật thuế gây ra. Nếu các ngài muốn đổ lỗi cho ai đó, Quốc hội nên nhìn vào gương và xem ai đã tạo ra cái đống hổ lốn này, ai đã tạo ra bộ luật thuế khiến các công ty Hoa Kỳ phải chạy ra nước ngoài". Về phần mình, Tim Cook yêu cầu Quốc hội Hoa Kỳ phải sửa đổi hệ thống thuế hiện nay – một hệ thống mà theo Apple, đang gây thiệt hại cho các công ty muốn đem lợi nhuận trở về Hoa Kỳ. "Apple sẵn sàng đón chào bất kì cuộc kiểm tra khách quan nào của hệ thống thuế Hoa Kỳ. Hệ thống này không theo kịp tốc độ tăng trưởng của thời đại số và sự thay đổi chóng mặt của nền kinh tế toàn cầu", Apple tóm gọn lại quan điểm của mình trong buổi điều trần. Theo VnReview