ĐTDĐ "lột xác" thời sự truyền hình Hơn ai hết, nhà chức trách Iraq thấm thía một thực tế nghiệt ngã: con mắt tò mò của cánh phóng viên truyền hình giờ có thể thuộc về bất cứ ai, miễn là họ mang theo điện thoại di động. Nguồn: BBC Những hình ảnh ghi lại tỉ mẩn quá trình hành quyết Saddam Hussein đã minh chứng cho sức mạnh đang lên của ĐTDĐ như một công cụ "đưa tin" mới. Chúng không chỉ bổ sung cho các bản tin truyền hình mà còn thay đổi chúng. "Điện thoại chụp hình giờ đã trở nên quá phổ biến. Chúng có thể xuất hiện ở những nơi mà camera truyền hình chưa từng đặt chân đến. Đó là một cuộc cách mạng chuyển mình", ông Mark Lukasiewicz, Phó chủ tịch bộ phận truyền thông số của NBC News cho biết. Chính quyền Iraq đang giận dữ truy tìm người đã ghi lại và phát tán đoạn băng hành quyết Saddam, sau khi những hình ảnh này truyền đi trên Internet với tốc độ tên lửa. Câu chuyện mà đoạn băng đó kể lại hoàn toàn khác với những gì mà chính quyền Iraq cho công chiếu rộng rãi sau khi Saddam bị hành hình. Cựu tổng thống Iraq bị trùm kín đầu bằng khăn đen trước khi chui đầu vào thòng lọng dày cộp. Một vài bức hình khác cho thấy xác Saddam được phủ vải liệm trắng loang lổ vết máu. Các đài truyền hình hầu như không sử dụng ảnh chụp Saddam lúc bị treo cổ vì nhiều lý do. Nhưng đoạn băng video quay trộm nói trên lại có âm thanh, với tất cả những lời qua lại đầy giận dữ và cay độc mà những người hành hình dành cho Saddam trong giây phút cuối cùng của ông ta. Nếu như không có đoạn băng đó, thế giới mãi mãi tưởng rằng vụ hành quyết đã được tiến hành một cách chuyên nghiệp. Nhưng trái lại, đoạn video đã hé lộ một cảnh tượng hỗn độn, lộn xộn mà nhiều nhà bình luận cho rằng nó là "hình tượng" của cục diện Iraq hiện nay. Mặc dù không đạt được chất lượng cao như những bản tin thời sự chính thống, song các đoạn video clip do ĐTDĐ quay lại làm được một điều mà dư luận mong mỏi: Tiết lộ sự thật của các câu chuyện". Kể từ sau sự phổ biến của máy quay phim cầm tay, một số đài truyền hình đã chấp nhận đăng tải những hình ảnh do người dùng gửi về. Tuy nhiên, đâu phải lúc nào người ta cũng mang theo máy quay phim bên người khi có sự kiện đột ngột xảy ra. Nhưng, lại nhưng, điện thoại di động thì lại là vật bất ly thân. Theo thống kê sơ bộ, có tới 70% dân Mỹ đang dùng điện thoại di động. Một phần tư trong số này (khoảng 55,5 triệu người) có thể quay được video. Một phần ba số người dùng khẳng định họ bật tính năng quay video ít nhất mỗi lần một tuần. Các hãng thông tấn bắt đầu nhận thức được tiềm năng của video điện thoại di động kể từ sau vụ đánh bom tàu điện ngầm tại London hồi hè 2005. Nhiều hành khách đã dùng điện thoại để ghi lại những hình ảnh mà máy camera thông thường không thể. Nhiều đài truyền hình thậm chí còn sử dụng video điện thoại di động của chính họ, khi phóng viên đi tác nghiệp một mình mà không có quay phim đi theo. Nhà báo Brian Williams của NBC đã ghi lại những hình ảnh đầu tiên về thiệt hại bên trong sân vận động Superdome trong thời gian xảy ra cơn bão Katrina, còn Fox News thì phát sóng đoạn băng video về cảnh tai nạn máy bay của cầu thủ bóng bầu dục nổi tiếng Cory Lidle. Trong năm 2006, CNN đã giới thiệu một công nghệ cho phép khán giả upload video ghi lại bằng bất cứ thiết bị nào lên hệ thống mạng của họ. Một nhân viên được phân công theo dõi và tổng hợp tất cả những tài liệu này nhằm tìm ra "mẩu tin đáng giá nhất". "Công nghệ số đang sở hữu sức mạnh biến mọi người dân thường thành phóng viên", ông David Westin, Chủ tịch ABC News tuyên bố. "Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tốt, nó cũng tiềm ẩn cả nguy cơ bị lợi dụng. Thách thức của chúng ta là lọc ra những cái tốt". Trọng Cầm (Theo AP)