Ngày nay, chiếc điện thoại di động (ĐTDĐ) ngày càng nhỏ xinh hơn và không chỉ đơn thuần là phương tiện liên lạc như, đàm thoại, gửi/nhận tin nhắn, truy cập Internet. Nó còn được tích hợp thêm các chức năng mới như điều khiển từ xa, chụp hình, nghe nhạc... Điều khiển thiết bị gia dụng Hãng Sanyo và Công ty Tmsuk vừa phát triển thành công một loại khủng long robot mang tên Banryu có thể điều khiển được từ xa bằng máy ĐTDĐ. Chú robot nặng khoảng 40 kg này có thể làm rất nhiều việc như nhận biết được người lạ xâm nhập vào nhà, hay có thể ''ngửi'' được khói và báo cháy bằng cách gọi đến ĐTDĐ của chủ nhân. Và khi nhận được thông tin thì người chủ có thể điều khiển Banryu từ xa cũng bằng chính chiếc ĐTDĐ của mình để nhận những hình ảnh từ camera cài sẵn trên mình của nó. Người sử dụng ĐTDĐ cũng có thể điều khiển camera từ xa thay vì cứ phải tiến hành trực tiếp. Nhà sản xuất thiết bị điện tử Nhật Bản Kyushu Matsushita Electric đã đi tiên phong trong việc sản xuất camera (máy quay) giám sát từ xa có thể điều khiển được thông qua ĐTDĐ. Camera này có dạng hình hộp với kích thước nhỏ, có khả năng chống nước và quay ngang 165 độ, quay theo chiều dọc 78 độ. Camera có thể gửi tới màn hình ĐTDĐ của chủ những bức ảnh tĩnh. Cùng với xu hướng tích hợp tính năng điều khiển các thiết bị gia dụng khác vào sản phẩm ĐTDĐ, hãng LG mới đây cũng đã cho ra đời một loại sản phẩm điều hòa thương mại có thể điều khiển thông qua ĐTDĐ. Để sử dụng chức năng này, người dùng chỉ cần yêu cầu nhà cung cấp sản phẩm cài đặt phụ kiện, mã số cần thiết trên ĐTDĐ, sau đó là họ chỉ cần bấm các phím quy ước trên bàn phím để điều khiển hoạt động của điều hòa. Thiết bị chụp hình, theo dõi Thay vì phải mang theo một chiếc máy ảnh bên mình để chụp lại những khoảnh khắc đáng ghi nhớ, giờ đây người ta có thể chỉ cần mang theo một chiếc ĐTDĐ. Gần đây, các nhà sản xuất ĐTDĐ đã liên tục ra mắt thị trường loạt sản phẩm có gắn kèm camera: Nokia với 7650, Siemens với S57, Sony Ericson với T68i, T610, P800, Samsung với Freei... Người dùng có thể lưu lại những hình ảnh đó trực tiếp trên ĐTDĐ hoặc tải sang máy tính để in ra…, hoặc đặt bức ảnh đó làm nền để xác định các cuộc điện thoại của ai mỗi khi gọi đến. ĐTDĐ cũng vì thế mà trở thành một thiết bị theo dõi hữu hiệu. Mới đây, Công ty Lucent Technologies (Mỹ) vừa chế tạo thành công một loại thiết bị gắn kèm camera cho phép các bác sĩ có thể theo dõi nhịp tim và nhịp thở của bệnh nhân. Thiết bị này nhận tín hiệu từ ngực, tim, phổi và truyền qua ĐTDĐ đến trung tâm xử lý, thông qua đó, bác sĩ có thể nắm được tình trạng thực của bệnh nhân mà không cần phải tới tận nơi để xem xét. Thiết bị in ấn Ít ai nghĩ rằng ĐTDĐ có thể đảm nhận chức năng in ấn. Thực tế, công ty Electronics For Imaging đã thiết lập giải pháp in ấn di động thông qua mạng PrintMe trên toàn cầu, cho phép ĐTDĐ có thể thực hiện chức năng in ấn. Mạng PrintMe cho phép người sử dụng ĐTDĐ, thiết bị hỗ trợ cá nhân kỹ thuật số (PDA),... có khả năng in trực tiếp bất kỳ một bức thư điện tử cùng các file đính kèm. Khi người dùng ra lệnh in trên máy di động cầm tay, thì lệnh in này được chuyển đến bất kỳ máy fax hay máy in nào trong mạng toàn cầu PrintMe. Mỗi thiết bị in ấn nếu tham gia vào mạng này, trở thành một thành viên của PrintMe thì được cấp cho một mã số, và mã số này giúp cho các thuê bao có thể gửi tài liệu từ các thiết bị không dây của mình đến các thiết bị in, như vậy thiết bị đó có thể tiến hành in ấn một cách bình thường. Thậm chí người dùng có thể lựa chọn in màu hay đen trắng. Trung tâm giải trí Các nhà sản xuất ĐTDĐ đã tích hợp thêm một số chức năng như chơi games, xem phim, nghe nhạc... giúp người dùng có thể giải trí ngay trên chiếc điện thoại nhỏ nhắn đó. Thay vì ngồi không làm gì trước giờ lên máy bay, hoặc chờ người thân... người dùng có thể ''giải trí cùng điện thoại '' bằng cách chơi game dựa trên các trò chơi có sẵn trên máy (thậm chí một số nhà sản xuất thiết bị còn sẵn sàng cài thêm các chương trình chơi game cho khách hàng mua điện thoại) hoặc nghe nhạc MP3 như dòng máy Siemens SL45..... Hay P800 của nhà sản xuất Sony Ericsson. Ngoài những chức năng giúp người dùng làm việc trực tiếp trên điện thoại, chiếc điện thoại này có thể giúp người dùng xem phim, nghe nhạc MP3... Theo đánh giá của các chuyên gia viễn thông, trong tương lai gần, chiếc ĐTDĐ sẽ không chỉ dừng lại ở đó, nó sẽ còn được tích hợp rất nhiều chức năng lý thú khác, và nó sẽ luôn là ''vật bất ly thân'' của con người. Theo SGGP