Một công nghệ tưởng chừng như vô tội mang tên "card 3G" lại đang nổi lên như một trong những thách thức lớn nhất của ngành công nghiệp di động trong vài năm tới. Dữ liệu bùng nổ Cùng với smartphone, những chiếc ổ hoặc card 3G này (thuật ngữ tiếng Anh gọi là Dongle) cho phép người dùng online thông qua mạng di động từ bất cứ đâu. Thế nhưng mỏ vàng từ dòng dữ liệu khổng lồ mà nó tạo ra cũng đồng nghĩa với một cơn ác mộng thực sự cho các nhà quản trị mạng. Người dùng có thể chọn phương án trả cước trọn gói, hoặc tính tiền theo khối lượng dữ liệu sử dụng. Do kích cỡ nhỏ gọn và sự đơn giản trong sử dụng, dongle ngày càng phổ biến và tạo ra một sự bùng nổ về dung lượng dữ liệu di động. Những thiết bị tí hon này đã tạo ra một sức ép chưa từng có tiền lệ cho các nhà mạng. Nhưng ngay cả khi lưu lượng bùng nổ, doanh thu từ các dịch vụ mới vẫn không thể bắt kịp được áp lực căng thẳng lên giá cước. Điều đó có nghĩa là những khoản đầu tư nâng cấp công suất của mạng sẽ khiến cho lợi nhuận của hãng viễn thông sẽ bị thâm hụt. "Băng thông rộng di động là món quà từ thiên đường đối với người dùng, nhưng lại là địa ngục của các mạng di động", chuyên gia tư vấn John Strand bình luận. Với việc ngày càng có nhiều người dùng mạng di động để truy cập Internet (thông qua laptop cắm card 3G, Apple iPhone hoặc BlackBerry), cứ mỗi 6 tháng dung lượng dữ liệu lại tăng gấp đôi trên phạm vi toàn cầu. Ở nhiều nước, tốc độ tăng trưởng còn kinh khủng hơn. Đơn cử như vào ngày ông vua nhạc Pop Michael Jackson đột ngột qua đời, lượng truy cập trên nền mạng của Telstra Úc đã nhảy vọt tới 170%. "Cùng một thời điểm, tất cả mọi người đều muốn biết chuyện gì đang xảy ra. Điều đó đã tạo nên một gánh nặng khổng lồ cho hệ thống", kỹ sư trưởng của Telstra nhớ lại. Tiến thoái lưỡng nan So với một chiếc điện thoại di động truyền thống, một máy laptop có trang bị ổ dongle sẽ ngốn băng thông gấp 450 lần, đại diện của mạng SFR lớn thứ hai tại Pháp chia sẻ. Tuy nhiên, do sự cạnh tranh trên thị trường rất khốc liệt nên hầu như không nhà mạng nào dám tăng cước. Tình cảnh này đã đặt các mạng viễn thông từ Âu sang Á vào một thế tiến thoái lưỡng nan: họ phải đầu tư lớn cho mạng lưới của mình để ngăn quá tải, nghẽn và chết mạng. Nhưng nếu làm như vậy, họ lại phải đối mặt với nguy cơ ảnh hưởng tới lợi nhuận dài hạn. "Bạn có thể dễ dàng mất tiền vì băng rộng di động nếu làm sai cách hoặc đi sai hướng", ông Bjorn Amundsen, Giám đốc mạng Telenor Na uy cho biết. "Chúng tôi phải rất cẩn thận để không rót vốn quá nhiều. Vì sao ư? Nếu làm vậy, chúng tôi chỉ tăng lượng truy cập lên chứ không hề tăng được lợi nhuận". Rất ít hãng tin rằng card 3G sẽ làm thay đổi hành vi của người dùng. Lấy thí dụ, công nghệ này cho phép một nhân viên ngân hàng theo dõi các diễn biến bên trong tài khoản của mình, dù là anh ta đang ngồi trên xe taxi đi chăng nữa. Một nhiếp ảnh gia cũng có thể tải những hình ảnh của một trận đấu bóng đá Ngoại hạng ngay từ đường pitch. Thế nhưng ngay cả trong những lĩnh vực đã triển khai công nghệ 3G, thiết kế của các mạng di động cũng không chịu được dòng dữ liệu nặng đến thế. Các trạm phát sóng BTS chỉ có thể đảm đương được một khối lượng dữ liệu nhất định. Tất cả người dùng trong phạm vi phủ sóng của BTS đó sẽ phải chia sẻ phần dữ liệu nói trên. Do đó, nếu như tất cả những ai có mặt ở phố Wall đều dùng iPhone để xem video trong giờ ăn trưa, mạng sẽ chạy hệt như sên bò hoặc thậm chí là gián đoạn dịch vụ. Mạng không tải nổi Nguồn: PodTech Michele Campriani, Giám đốc điều hành của Accanto Systems, hãng chuyên theo dõi lưu lượng của các mạng viễn thông, cho biết nhà mạng coi việc bùng nổ dữ liệu là một nguy cơ nghiêm trọng. "Tất cả họ đều rất quan ngại. Nếu như không xử lý tốt vào thời điểm này, một số mạng sẽ gặp phải những vấn đề rất nan giải, đe dọa đến tương lai của chính họ. Một số thậm chí không thể sống sót". Những người như Cherif Paul càng làm cho tình hình trở nên phức tạp hơn. Paul là một sinh viên đại học tại Paris, chuyên lướt Net bằng mạng di động bởi cậu không có điện thoại cố định hay kết nối ADSL tại nhà. "Tôi sử dụng laptop và dongle cho mọi mục đích", cậu nói. "Chúng giúp tôi tiết kiệm tiền và thuận tiện hơn dù đang ở đâu". Những thói quen kiểu này khiến cho dây thần kinh của nhà mạng càng thêm căng thẳng, nhất là khi người dùng sử dụng gói cước cố định hàng tháng. Kể từ năm 2005 trở lại đây, số thuê bao điện thoại cố định của cả thế giới đã giảm gần 9% xuống còn 1,24 tỷ. Trong khi đó, lượng thuê bao di động lại tăng tới 95% lên 4,22 tỷ. Khoảng 10% số người dùng di động thường xuyên chơi video game, xem nhạc hoặc tải phim lậu và họ chiếm tới 80% tổng lượng dữ liệu luân chuyển. "Dongle cho phép người dùng sử dụng mạng không dây dễ dàng hệt như khi họ xài băng rộng cố định ở nhà vậy. Nhưng đơn giản là hệ thống mạng không thể chịu tải nổi". Các nhà mạng đang cố gắng tuyên truyền tới người dùng răng băng rộng di động chỉ nên làm phương án truy cập Internet thứ hai mà thôi, chứ không phải là phương thức chính. "Nhưng nếu như chúng tôi thất bại trong việc phát đi thông điệp đó, chúng tôi sẽ phải chi ra một khoản tiền cực lớn để nâng cấp dung lượng mạng", đại diện Telenor âu lo. Còn tại Pháp, dongle và smartphone đã khiến cho dòng dữ liệu di động của mạng SFR tăng gấp 10 lần trong năm ngoái, trong khi doanh thu chỉ tăng khoảng 30%. Đi tìm giải pháp Nhiều giải pháp đã được nhà mạng triển khai để đối phó với làn sóng dữ liệu bão táp mới. Họ đầu tư nâng cấp hạ tầng, tạm ngừng hoặc hạn chế các gói cước cố định và thực hiện nhiều "tiểu xảo" để ngăn người dùng tải phim, xem video hay mở những ứng dụng tốn băng thông. Một cách tiếp cận khác là chuyển một phần lưu lượng sang cho mạng cố định, vốn ổn định và có khả năng chịu tải tốt hơn. Mạng viễn thông ở Hàn Quốc và Nhật Bản, hai trong số những quốc gia hàng đầu về băng rộng di động, đã chọn cách này. Tương tự, khi đầu tư 1 tỷ USD để tăng cường hạ tầng mạng di động cách đây 3 năm, Telstra cũng đã từng sử dụng chiến lược nói trên. Còn ở Pháp, SFR kết nối nhiều trạm BTS của mình với các trục cáp quang cố định nhằm tiếp quản lưu lượng dữ liệu hiệu quả hơn. Ngoài việc đầu tư, hầu hết các mạng đều hạn chế hoặc dừng hẳn hợp đồng với những thuê bao vượt quá "quota" băng thông hàng tháng. "Chúng tôi phải làm việc này một cách khôn ngoan và khéo léo để người dùng không cảm thấy phật ý. Nhưng nếu cứ thả rông họ, toàn bộ mạng sẽ tắc nghẽn". Dù đã triển khai hơn 800 dự án trong vòng 6 tháng qua để có thể đáp ứng được sự bùng nổ về dữ liệu, Telenor vẫn e ngại những thách thức không dễ dàng biến mất. "Chúng ta đang tiến gấn đến thời điểm mà dung lượng đạt tới đỉnh điểm". Jan26 (theo VNN/ AP)