Đường đến thành công của Sennheiser Hãng tai nghe nổi tiếng thế giới này được thành lập từ năm 1930, thực sự thành công vào những năm 70, 80 và được biết tới tận ngày nay. Tháng tư vừa rồi, tổ chức Hiệp hội điện tử tiêu dùng của Mỹ đã vinh danh ngài giáo sư Fritz Sennheiser vào Ngôi nhà những người vĩ đại (Consumer Electronics Hall of Fame). Người đàn ông đã 95 tuổi này đã sáng lập ra tên thương hiệu lẫy lừng Sennheiser Electronic. Chân dung người sáng lập ra Sennheiser, ông Fritz Sennheiser. Ảnh: Liveinternet. Vào đầu thập niên 1930 chàng thanh niên trẻ Fritz Sennheiser từ bỏ hoài bão ban đầu của mình từ người làm vườn chuyên nghiệp để trở thành kỹ sư điện tử tại học viện kỹ thuật Heinrich-Hertz, Berlin (Đức). Trong bối cảnh kinh tế nước Đức trì trệ sau trong thế chiến thứ hai không có cơ hội cho những người như ông nghiên cứu và làm việc trong lĩnh vực truyền dẫn thông tin mã hoá nên ông đã quyết định thành lập doanh nghiệp có tên gọi: Phòng thí nghiệm Wennebostel (Labor W). Khi đó hãng Siemens đã mua toàn bộ sản phẩm đo đạc của Labor W, kèm theo đó đặt hàng sản xuất riêng sản phẩm micro MD1, một bước tiến trong làng sản xuất micro. Những năm 50, khi thị trường đã biết đến Labor W qua sản phẩm Micro MD2 & MD1, thì công ty này mới nổi lên như nhà sản xuất thiết bị phòng thu có uy tín, đại diện cho nước Đức. Năm 1950, Labor W sản xuất "micro vô hình" MD 3 ("invisible" micro), sản phẩm có phần đầu nhỏ nhắn khác hẳn thế hệ trước đây khi nó không che hết mặt người biểu diễn. Tuy nhiên, sản phẩm nổi bật nhất phải kể đến micro chuyên nghiệp dành cho phóng viên MD 21. Nó lần đầu tiên xuất hiện năm 1954 có độ bền, chất lượng ghi âm trung thực. Sản phẩm này không những bán chạy nhất (best seller) mà còn được các đài truyền hình, truyền thanh ưa chuộng sử dụng trong khoảng thời gian dài về sau. Công nghệ truyền thông phát triển mạnh mẽ kéo theo sự mở rộng của Labor W, doanh thu tăng từ nửa triệu mark Đức lên 10 triệu mark, nhân công từ 67 người lên 695 người. Năm 1858, Labor W đồng thời đổi tên thành Sennheiser Electronic, thương hiệu nổi tiếng dùng cho đến ngày nay. Chiếc tai nghe huyền thoại Sennheiser HD 414. Ảnh: Hardwarezone. Sang thập niên 60, Sennheiser nghiên cứu phát triển sản phẩm được mệnh danh là "tai nghe mở" ("open" headphone) mà các sản phẩm trước đó không thể so sánh nổi: HD 414. Kết cấu cực nhẹ, màng ốp sát tai bằng mút mỏng êm ái thay vì sử dụng màng giấy nên cách âm cực tốt, HD 414 sinh thành từ các nghiên cứu cũng như kinh nghiệm lâu năm của hãng. Đó là lý do tại sao Sennheiser cho suất xưởng đến 10 triệu sản phẩm HD 414, bán chạy nhất mọi thời đại. Micro phòng thu MD 421 sánh ngang người anh em HD 414 cũng thành công không kém. MD 421 thuộc loại micro thu âm bắt âm thanh hướng sóng siêu tim (super-cardioid), nó thu âm thanh phát ngang sang hai bên 900 và một ít lan toả sau lưng người hát. Fritz Sennheiser tạo cơ chế cho các kỹ sư tự do sáng tạo (freedom to play) đi ngược lại yêu cầu từ đội ngũ bán hàng thủ cựu yêu cầu ông tập trung nhiều hơn vào công việc kinh doanh. Ông dành đến 11% tổng doanh thu cho việc nghiên cứu tối ưu hoá sản phẩm tạo bước đà cạnh tranh, nhảy vọt mạnh mẽ trong thị trường đồ điện tử đang nở rộ. Những năm sau này, khi các nhà sản xuất Nhật Bản nổi lên mạnh mẽ cùng với các sản phẩm giá rẻ, công ty Sennheiser quyết định định hướng phát triển tập trung vào sản phẩm chất lượng cao hướng tới đối tượng khách hàng chuyên nghiệp. Điều này đồng nghĩa với lợi nhuận thu về sẽ lớn hơn so với hàng hoá tiêu dung phổ thông. Chiếc HD 424 thành công của những năm 1976 - 1979. Ảnh: Hoffman. Cuối những năm 70, hệ thống phân phối của Sennheiser đã bao phủ toàn châu Âu, châu Á và Bắc Mỹ. Người ta còn ghi nhận rằng lãnh đạo Liên Xô thời kỳ chiến tranh lạnh cũng sử dụng micro Sennheiser để phát biểu. Năm 1982 đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử công ty, Fritz Sennheiser chuyển giao quản lý cho con trai Jörg Sennheiser, người quyết định mở hướng phát triển trên cả 2 lĩnh vực: thiết bị điện tử thị trường bình dân và chuyên nghiệp. Sản phẩm nổi bật trong thập niên này là hệ thống tai nghe, micro sử dụng công nghệ không dây bằng sóng hồng ngoại sử dụng trong các đài truyền hình lớn nhất của nước Đức hay các buổi biểu diễn ngoài trời. Headphone của Sennheiser có công nghệ triệt tiêu tiếng ồn danh tiếng "NoiseGuard" được hãng hàng không Lufthansa trang bị cho các phi công của hãng. Micro tham chiếu MKH 816 đoạt giải thưởng "Scientific and Engineering Award” trao bởi Viện khoa học về Hình ảnh động của Mỹ , giải thưởng ví như giải Oscar trong lĩnh vực này. Chiếc HD650 thành công của năm 2000. Ảnh: Wikimedia. Năm 1992, Sennheiser mua lại nhà sản xuất micro cao cấp Georg Neumann GmbH (thành lập năm 1928). Năm 2000, Sennheiser giới thiệu kỹ thuật âm thanh chùm “Audio Beam” ứng dụng rộng rãi trong các sản phẩm hãng trong hệ thống âm thanh công viên, triển lãm, trong PC… Công nghệ Audio Beam dựa theo nguyên lý xử lý âm thanh tập trung sóng âm thanh tương tự như nguyên lý hội tụ chùm ánh sáng. Ví dụ trong một khu vực triển lãm, khác với hệ thống trang âm thông thường phát ra âm thanh lan toả mọi vị trí, Audio Beam tạo ra vùng âm thanh hướng tới và nằm ngay trước mặt người đang đứng nghe mà thôi. Sennheiser cũng mở rộng các công ty con đa quốc gia như tại Pháp, Anh, Bỉ, Hà Lan, Singapore, Mỹ, Canada, Mexico đồng thời liên doanh với công ty Danish William Demant Holding A/S Đan Mạch vào năm 2003 tạo thành thế lực hùng mạnh. Theo Số hóa