Thảo luận Galax GTX 1050Ti EXOC: Siêu phẩm tầm trung

Thảo luận trong 'Máy Tính: Tin Tức - Đánh Giá Sản Phẩm' bắt đầu bởi kidzbyn, 22 Tháng mười một 2016.

  1. kidzbyn Thành viên

    Với vẻ bề ngoài đầy bí ẩn với ánh mắt vô cùng thách thức, liệu GTX 1050Ti EXOC có chinh phục được game thủ như những gì chúng ta cảm nhận từ cái nhìn đầu tiên?

    Mọi sự chú ý bây giờ đang đổ dồn về tân binh bé nhỏ của Nvidia đang lăm le đe dọa sự sống còn của những hệ máy chơi game console như Play Station 4 hay Xbox One. GTX 1050Ti có thực sự mạnh mẽ giống như lời đồn?

    Không phải là Gigabyte, Asus hay MSI đã quá quen thuộc với cộng đồng game thủ hay các bạn trẻ đam mê công nghệ. Galax – một thương hiệu khá nổi tiếng có trụ sở tại Hồng Kông, mới là những người cho chúng tôi cái hình chân thực nhất về GTX 1050Ti. Phiên bản có mặt trong bài viết ngày hôm nay có mã GTX 1050Ti EXOC (Extreme Overclock), Theo như truyền thống của hãng này, EXOC là phiên bản được ép xung lên khá cao so với mức xung mặc định của Nvidia.

    Mở hộp sản phẩm:

    Thiết kế của phần vỏ hộp cũng giống như những phiên bản trước, một nhân vật kì bí nằm ở phần chính giữa kèm theo những thông tin cơ bản về card đồ họa được thể hiện đầy đủ ở mặt trước, mặt sau và mặt đáy của chiếc hộp. Đối với bản GALAX GTX 1050/ GTX 1050Ti, vỏ hộp được phối màu vàng chủ đạo khác biệt so với màu xanh dương của GALAX GTX 1080, màu đỏ của GALAX GTX 1070 và màu xanh ngọc bích GALAX GTX 1060. Một điểm vô cùng khác biệt mà chúng ta có thể thấy giữa Galax với đa số các hãng sản xuất card đồ họa còn lại.

    [​IMG]

    Kiểu đóng gói khá đơn giản và hiệu quả được nhiều hãng sản xuất card đồ họa sử dụng. Sau tất cả, điều chúng ta quan tâm mới là hiệu năng mà chiếc card đem lại chứ không phải một chiếc hộp được đóng gói cầu kì. Đi kèm với chiếc Galax GTX 1050Ti EXOC là một quyển sách hướng dẫn nhỏ, một chiếc đĩa cài đặt các phần mềm liên quan và một đầu chuyển Molex – 6 Pin.

    Thiết kế:

    Mặt nạ bằng nhựa của Galax GTX 1050Ti EXOC được thiết kế khá là mềm mại và có phần khác biệt hơn các phiên bản card đồ họa khác của hãng. Màu đen vẫn là tông màu chủ đạo của hầu hết những chiếc card đồ họa hiện nay nhưng với một chút line xanh khiến cho chiếc GTX 1050Ti EXOC trở nên nổi bật hơn. Thiết kế đối xứng căn bản, GTX 1050Ti EXOC hơi thuôn về phía 2 đầu nên dù có những đường gờ cao lên nhìn rất cơ khí và góc cạnh thì vẫn có vẻ gì đó khiến cho nó vừa ngầu mà vừa mềm mại.

    [​IMG]

    Kích cỡ của GTX 1050Ti EXOC cũng không phải là nhỏ với bảng mạch dài màu đen nhìn khá đẹp. Tuy nhiên, chúng tôi hơi thất vọng một chút khi lớp giáp ở mặt sau của chiếc card đã không được gắn thêm. Nhưng nếu xét về khía cạnh thực tế, với một sản phẩm thuộc phân khúc trung cấp như chiếc card này, việc không trang bị một tấm backplate là có thể chấp nhận được.

    Hệ thống tản nhiệt:

    Theo như chúng tôi được biết, GTX 1050Ti sinh ra khá ít nhiệt trong quá trình vận hành nên chúng tôi đã kì vọng các hãng sẽ cho ra đời những chiếc card đồ họa mạnh mẽ nhưng lại nhỏ gọn. Tuy nhiên ở đây chúng ta có một phiên bản được ép xung sẵn lên tương đối cao nên GTX 1050Ti EXOC được trang bị cho mình một hệ thống tản nhiệt cũng khá lớn ôm theo chiều dài của tấm PCB.

    [​IMG]


    [​IMG]

    Để tìm hiểu rõ hơn về hệ thống tản nhiệt, chúng tôi đã tiến hành mổ VGA ra để nhìn nhận một cách rõ ràng hơn về giải pháp tản nhiệt của chiếc card đồ hoạ này một cách chi tiết.

    Phiến tản bằng nhôm dày, số lượng rãnh dọc và ngang khá thưa. Chỉ có một ống đồng 6mm được uốn hình chữ U với một đầu tiếp xúc trực tiếp với GPU nhưng lại hơi vô duyên khi vượt ra khỏi khuôn khổ tấm PCB cũng như lớp mặt nạ nên nhìn không được gọn mắt cho lắm. Có một cụm bằng nhôm được làm nhô lên và gắn một tấm thermal pad nhằm hạ nhiệt cho hệ thống mosfet cạnh cụm VRM Ở mặt trên, lượng nhiệt của phiến tản sẽ được đẩy qua 2 chiếc quạt 80mm. Qua điều này, chúng ta có thể thấy được rằng giải pháp tản nhiệt ở những chiếc GTX 1050Ti khá là đơn giản. Hiệu năng tản nhiệt như vậy là đã đủ chưa? Câu trả lời sẽ có trong phần test hiệu năng.

    Mạch PCB và linh kiện:

    Nhìn tổng thể thì mạch của Galax GTX 1050Ti EXOC khá sạch và gọn.

    [​IMG]

    Đây là linh hồn của GTX 1050Ti EXOC, GPU 107 được xây dựng trên nền tảng 14nm FinFET của Samsung.

    [​IMG]

    Tuy chỉ tiêu thụ chưa đến 75W lấy từ khe PCI-E trên bo mạch chủ nhưng GTX 1050Ti EXOC vẫn được bổ trợ nguồn qua cổng 6-pin. Đều này cũng không có gì lạ khi mà nhà sản xuất đã tính toán khá nhiều đến việc sẽ ép xung sản phẩm của mình lên tầm cao mới. Ngoài ra việc đưa vào nguồn phụ cũng nhằm giảm tải khá nhiều cho khe PCI-E giúp tăng tuổi thọ và sức chống chịu cho bo mạch chủ.

    [​IMG]

    Ngõ ra và hỗ trợ:

    GTX 1050Ti EXOC được trang bị 1 cổng Display Port 1.4, một cổng HDMI và 2 cổng Dual link DVI hỗ trợ khá cơ bản và đa dạng. Số lượng màn hình có thể đi ra tối đa từ chiếc card này là 4 thông qua đó chúng ta có thể thấy được khả năng hỗ trợ hiện thị khá cao của dòng card đồ họa tầm trung này.

    [​IMG]


    Test hiệu năng:

    Cấu hình thử nghiệm và phần mềm:

    Main: Asrock Z170 Extreme 4

    CPU: Intel Core i5-6600K

    RAM: Avexir Core Series 16Gb (4Gb x 4) bus 2400Mhz

    VGA: GALAX GTX 1050Ti EXOC

    PSU: Thermaltake DPS G 650W

    OS: Windows 10 64bit

    Driver: 375.70 phát hành ngày 28/10/2016

    Soft:

    TechPowerUp GPU-Z 1.12.0

    MSI After Burner

    Time Spy

    Fire Strike

    Sky Diver

    3DMark 11

    Assassin’s Creed Unity

    Ashes of the Singularity

    Crysis 3

    GTX 1050Ti EXOC tuy có cùng lượng CUDA Core như người anh trai GTX 950 của mình nhưng lại có xung nhịp cơ hơn khá nhiều, thậm chí cao hơn cả GTX 960 EXOC – bản ép xung sẵn cao nhất của GALAX và chỉ chịu thua trước GTX 1060.

    Được trang bị bộ nhớ lên đến 4Gb cao hơn rất nhiều so với dòng card đồ họa trên kiến trúc cũ ngoài ra chúng ta còn thấy tuy là phiên bản có hiệu năng thấp hơn nhưng bộ nhớ của GTX 1050Ti còn cao hơn GTX 1060 bản 3Gb. Điều này cho thấy một cách rõ ràng rằng Nvidia đang sử dụng GTX 1050Ti như một thứ vũ khí mạnh mẽ để đánh thẳng vào hệ thống giải trí gia đình, nơi mà các ứng dụng không đòi hỏi khả năng xử lý các lớp nhân vật mạnh mẽ và chi tiết như hệ thống chơi game hardcore nhưng lại cần khả năng hiển thị mượt mà trên các màn hình có kích thước và độ phân giải lớn như 2K và 4K. Điều này là một sự đe dọa trực tiếp cho các hệ máy console như Play Station 4 và Xbox One.

    [​IMG]


    [​IMG]


    [​IMG]

    [​IMG]

    [​IMG]


    [​IMG]

    Ở một số tựa game nặng GTX 1050Ti EXOC tỏ ra ngang ngửa với người tiền nhiệm GTX 960 của mình về hiệu năng thậm chí có nhỉnh hơi đôi chút.

    Ép xung và tản nhiệt:

    Nhiệt độ phòng : 27oC

    [​IMG]

    GTX 1050Ti EXOC ổn định ở ngưỡng 15% so với xung nhịp gốc nhưng mức nhiệt sinh ra lại rất thấp chỉ rơi vào khoảng 58oC. Nhiệt độ này vẫn còn quá mát cho với một chiếc card đồ họa. Thấp hơn rất nhiều so với GTX 950, GTX 960 lẫn GTX 1060. Rõ ràng rằng GTX 1050Ti sinh ra là để dành cho những hệ thống PC nhỏ với điều kiện trang bị những giải pháp tản nhiệt đồ sộ là điều không thể.

    [​IMG]

    Tổng kết

    Ra mắt trên thị trường có phần muộn màng hơn một vài đối thủ của mình, GALAX GTX 1050Ti EXOC vẫn được chúng tôi đánh giá là một sản phẩm khá tốt với vai trò của nó. Một mức hiệu năng khá ấn tượng khi mà chỉ tiêu thụ một phần năng lượng nhỏ bé trong hệ thống giải trí.

    Cuộc chiến tại những mặt trận giải trí đang nóng dần lên cùng với sự cạnh tranh khốc liệt của những cỗ máy công nghệ cao liên tục được trình làng. Và người được hưởng lợi ở đây chắc chắn là người tiêu dùng khi cuộc sống của họ ngày càng được đón nhận những trải nghiệm cao cấp hơn.