ND - Mặc dù đến nay đã có tới bảy doanh nghiệp được cấp phép cung cấp dịch vụ điện thoại cố định (ÐTCÐ), nhưng trên thực tế Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) vẫn chiếm tới 80% thị phần dịch vụ này với hơn 10 triệu thuê bao. Vậy đâu là nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp được cấp phép không mấy mặn mà với việc kinh doanh dịch vụ này? Ðến thời điểm này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp tới bảy giấy phép cung cấp dịch vụ ÐTCÐ cho VNPT, Viettel, FPT Telecom, EVN Telecom, SPT, Hanoi Telecom và VTC. Thế nhưng hiện mới chỉ có VNPT và Viettel là hai doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ÐTCÐ trên phạm vi cả nước được nhiều người tiêu dùng biết đến. Kinh doanh dịch vụ ÐTCÐ đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn bởi nhà cung cấp dịch vụ phải triển khai xây dựng hạ tầng mạng với hệ thống bể cáp, tủ cáp, dây cáp... Không chỉ cần vốn lớn mà doanh nghiệp còn phải mất nhiều thời gian, sức lực khi tiến hành xây dựng hạ tầng mạng ÐTCÐ do thủ tục đầu tư xây dựng không đơn giản, trong khi khả năng thu hồi vốn lại chậm. Những năm gần đây, xu hướng tiêu dùng đang chuyển sang dịch vụ di động, cho nên doanh thu bình quân trên mỗi thuê bao ÐTCÐ đang giảm xuống. Với nhiều nhà cung cấp dịch vụ, tăng trưởng của thuê bao ÐTCÐ đang chậm lại do bị ảnh hưởng bởi tốc độ phát triển quá nhanh của dịch vụ điện thoại di động. Ðây chính là nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp được cấp phép cung cấp dịch vụ ÐTCÐ chưa tập trung đầu tư mở rộng dịch vụ. Một số doanh nghiệp được cấp phép cũng chỉ triển khai mang tính tượng trưng nhiều hơn là kinh doanh, bởi phạm vi cung cấp dịch vụ rất hạn hẹp như VTC và SPT. FPT Telecom mặc dù tuyên bố sẽ chính thức cung cấp dịch vụ ÐTCÐ vào tháng 3-2007, nhưng đến nay, FPT Telecom mới chỉ đang thử nghiệm dịch vụ nội bộ với công nghệ IP. EVN Telecom thì triển khai dịch vụ chủ yếu trong phạm vi ngành điện. Theo nhận định của nhiều chuyên gia viễn thông, thị trường được coi là màu mỡ như tại các khu đô thị, thành phố lớn thì VNPT cơ bản đã thu hút hết khách hàng. Vì thế, những doanh nghiệp đi sau khó có thể cạnh tranh nổi. Thậm chí, Viettel cũng gần như phải buông thị trường này cho VNPT. Phía Viettel thừa nhận, những doanh nghiệp mới chỉ có thể tăng trưởng được ở những dịch vụ đang phát triển chứ không thể nào ở những dịch vụ đã phát triển. Ðiều này có thể thấy qua thành công của Viettel trong kinh doanh dịch vụ điện thoại di động. Trong khi kinh doanh dịch vụ ÐTCÐ truyền thống (có dây) gặp nhiều khó khăn, một số doanh nghiệp đã nhanh chóng chuyển hướng sang sử dụng hạ tầng mạng di động để cung cấp dịch vụ ÐTCÐ không dây. Ưu điểm của dịch vụ này là dễ triển khai và tận dụng được hạ tầng của mạng di động với chi phí đầu tư thấp hơn so với dịch vụ ÐTCÐ có dây. Ðiển hình như EVN Telecom với việc lần đầu tiên ra mắt dịch vụ điện thoại cố định không dây mang tên Ecom vào năm 2006. Ngay sau đó, năm 2007, Viettel cũng chính thức cung cấp dịch vụ cố định không dây HomePhone trên nền mạng di động Viettel Mobile. Tiếp theo Viettel, VNPT cũng ra mắt dịch vụ điện thoại vô tuyến cố định GPhone được cung cấp trên cơ sở mạng GSM của Vinaphone. Trước thực trạng này, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, việc triển khai ÐTCÐ không dây trên mạng di động chỉ mang tính "quá độ" chứ không phải là chiến lược lâu dài của các doanh nghiệp. Theo Vụ trưởng Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) Phạm Hồng Hải, hiện dịch vụ di động phát triển bùng nổ nên Bộ cho phép các doanh nghiệp tận dụng hạ tầng mạng di động mà các doanh nghiệp đã đầu tư thừa dung lượng để cung cấp dịch vụ ÐTCÐ không dây. Trong tương lai, các doanh nghiệp cần tập trung phát triển ÐTCÐ có dây. Bởi chiến lược phát triển băng rộng của quốc gia sẽ phải dựa trên nền tảng mạng ÐTCÐ có dây và tốc độ truyền dẫn qua mạng di động không thể đạt tốc độ cao như mạng cố định. Vì vậy, trong chiến lược phát triển băng rộng, Bộ sẽ có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển ÐTCÐ có dây để làm nền tảng cho hạ tầng băng rộng quốc gia. HẢI THU
mình học ở trường VNPT thì Thầy mình nói ĐTCĐ không dây phát triển như hiện nay là đi ngược với thế giới vì khi phát triển dtcđ không dây tín hiệu phụ thuộc vào sóng và thường gặp phải trình trạng mát sóng, nghẽ mạch... không thể truy cập WIXMAX trên dtcd không dây... hihi mình chỉ nghe thầy nói vậy thật hư thế nào không biết...