Thảo luận "Giải phẫu" bệnh ghen

Thảo luận trong 'Trò Chuyện Tổng Hợp' bắt đầu bởi Callme, 7 Tháng mười 2008.

  1. Callme Sát thủ tình trường




    [​IMG]ảnh minh họa

    Từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, hầu như đâu đâu cũng có câu chuyện ghen tuông. Ghen tuông có rất nhiều kiểu nhiều loại, nhưng ghen tuông do tình yêu nam nữ dẫn tới là có nhiều kiểu dạng nhất, mạnh mẽ nhất và cũng phức tạp nhất.
    Các nhà tâm lý học đã tổng kết: Ghen là bạn đồng hành của tình yêu. Tình cảm đó thật phức tạp và nhiều vẻ.
    Trong ghen có nỗi lo lắng lẫn nghi ngờ, có lòng ganh tỵ lẫn sự căm tức, có cơn giận dữ và sự hung ác, có tính đa nghi và nỗi thất vọng, có lòng tự ái do hờn giận và nỗi đau tinh thần.
    Ghen - bạn và thù
    Theo nhà nghiên cứu tâm lý Trịnh Trung Hòa thì ghen tuông của tình yêu là một trạng thái tâm lý điển hình đặc biệt, đó là sự ích kỷ - không thể chia sẻ. Nó khác xa với tình các tình cảm khác như tình mẫu tử, tình đồng chí, tình bạn...
    Ghen là một tình cảm tự nhiên, nó xuất hiện khi người ta lo lắng nghi ngờ và cảm thấy không nắm bắt hoàn toàn được người mình yêu. Khi đàn ông phải lòng một người phụ nữ, họ rất chú ý đến những hành vi nhỏ và quá khứ của bạn. Họ sẽ tìm hiểu về bạn như một thám tử vậy. Họ sẽ hỏi bạn: “Hôm qua em đi đâu mà anh gọi điện mấy lần không nhấc máy?”, “Người đàn ông đi với em vừa nãy là ai, hai người quen nhau lâu rồi phải không?”, “Đôi giầy này thật đẹp, ai tặng em vậy?”, v.v...
    Sự quan tâm này của họ ban đầu khiến cho người phụ nữ thích thú nhưng sau vài lần như vậy, bạn sẽ nhận ra đó là sự thăm dò của lòng ghen tuông... Thực ra, đối với đàn ông, phải luôn lo nghĩ như vậy là điều cực chẳng đã nhưng họ không thoát khỏi sự ám ảnh: Cô ấy còn yêu ai ngoài mình không, cô ấy có vẻ rất thân mật với người đàn ông ấy...
    Triết gia người Pháp H.Duvernois từng nói: “Khi ghen người ta cầm chắc mình đang yêu, cũng như khi tự làm cho mình đau đớn, người ta cầm chắc mình còn sống”. Song trong nhiều trường hợp, thì ghen tuông là nguồn gốc dày vò của người đang yêu và là sự xúc phạm đối với người mình yêu.
    Người ta ví ghen tuông như một con quái vật mắt xanh lè, nó nhìn vào đâu là ở đó có sự ghen tuông, có mất mát và đổ vỡ hạnh phúc. Nhiều người cho rằng, để giữ hạnh phúc thì cũng phải “hơi ghen ghen” một tí. Nhưng đáng tiếc là “bí quyết” để phá hoại tình yêu cũng từ cái sự “hơi ghen ghen” như vậy. Chỉ cần liều lượng hơi quá một chút là sẽ tự làm bỏng tay mình.
    Có người cho rằng ghen là sự phát triển kém về đạo đức, trình độ văn hóa, nó mang nhiều tính tự ái, tầm thường, thiếu lòng tin. Ở những người khi cái ghen phát triển thành bệnh lý và hoang tưởng thì đó là nỗi đau khổ của người bạn đời. Trong con mắt những người mắc bệnh lý này thì chỉ cần vợ hoặc chồng về muộn một chút, vui quá hay buồn quá, hay nhìn ai... cũng đáng để ghen. Còn ở những người mắc bệnh hoang tưởng thì họ luôn cảm thấy mình không có giá trị và luôn lo ngại vợ (chồng) thích người khác hơn mình.

    [​IMG] Ảnh minh họa.
    Khốc liệt cái ghen đàn ông
    Theo các nhà nghiên cứu tâm lý, xúc cảm đố kỵ, ghen tuông của người đàn ông và người phụ nữ khác nhau. Khi phụ nữ ghen tuông, họ thể hiện ra mặt nên tình cảm của họ không bị ức chế. Nếu đàn bà ghen, chỉ đơn thuần là để bảo vệ tình yêu và hạnh phúc. Khi người đàn bà cảm thấy tình yêu lung lay, ngay lập tức họ sẽ sử dụng “chiến thuật từ xa” ghen bóng, ghen gió.
    Cái ghen của đàn bà thường bị coi là nông nổi, còn nham hiểm và sâu sắc như Hoạn Thư là hiếm. Đàn ông cũng ghen nhưng rất sợ tiếng là ghen bóng, ghen gió, ghen không có chứng cớ. Họ sợ bị coi là yếu đuối, nhỏ nhen, tầm thường, không cao thượng. Họ thường ngấm ngầm chịu đựng, nhưng khi đủ bằng chứng thì giông bão nổi nên khó lường...
    Nhà nghiên cứu tâm lý Trịnh Trung Hòa cho biết, hành xử sau cái ghen của đàn bà và đàn ông cũng khác nhau. Phụ nữ dễ tha thứ cho sự thiếu chung thủy của chồng. Chỉ cần người đàn ông thực sự ăn năn, hối lỗi, hứa không bao giờ lặp lại sai lầm, thường người vợ sẽ bỏ qua. Vì họ nghĩ chồng mình chỉ “hoa lá cành”, không dại gì đánh đổi hạnh phúc lấy những phút xao lòng.
    Nhưng đối với đàn ông, đó là vết thương lòng rất khó hàn gắn, vì họ cảm thấy bị xúc phạm nặng nề. Điều tiếng bị “cắm sừng” khiến họ căm giận bạn đời và căm giận cả dư luận xã hội. Họ không thể kêu lên rằng đang bị “cắm sừng” giống như phụ nữ khi chồng đi ngoại tình được. Chính bản thân họ cảm thấy nhục nhã chứ không phải người vợ đang ngoại tình của họ. Họ có thể tha thứ cho vợ nhưng sẽ không bao giờ quên được chuyện này, bởi đôi khi chính dư luận xã hội cũng cho sự tha thứ đó là yếu đuối, hèn kém.
    Trong sâu xa, có một điều họ không muốn nói rõ ra, đó là họ ghê sợ “dấu ấn sinh học” của người đàn ông khác ở trong con người vợ mình.
    Bằng những phân tích về sự khác biệt của giới, các nhà nghiên cứu tâm lý còn phát hiện ra rằng: Cái ghen của đàn ông, ngoài sự ích kỷ của sự chiếm hữu, còn có nguồn gốc sâu xa của việc đòi hỏi duy trì nòi giống. Nhà nghiên cứu tâm lý Trịnh Trung Hòa cho hay, từ xa xưa, các vua chúa chỉ sử dụng hoạn quan bên cạnh các bà vợ của mình. Họ lo sợ ngôi vua bị truyền sang họ khác.
    Các chiến binh Ai Cập xa xưa, trước khi đi chiến đấu bắt vợ mình mặc chiếc đai trinh tiết, lo sợ có kẻ lợi dụng mình đi vắng, sẽ xâm chiếm “bờ cõi” của mình. Người đàn ông luôn muốn đảm bảo rằng, những đứa con được sinh ra trong cuộc hôn nhân của mình chính là máu mủ, ruột thịt của mình.
    Sau những lầm lỡ của chồng, đàn bà có thể nuôi con riêng của chồng vì muốn giữ chồng và bởi đó là máu mủ, dòng giống của chồng. Nhưng người đàn ông thì không. Họ có thể lấy một người vợ đã từng kết hôn, có con riêng và yêu quý đứa con ấy như con đẻ. Song họ không thể chấp nhận và tha thứ cho sự dối trá, lập lờ về dòng giống của mình. Cũng chính vì vậy mà lòng ghen tuông của đàn ông khốc liệt và gây ra nhiều hệ lụy hơn cái ghen của phụ nữ.
    Vì thế mà sự ghen tuông của phụ nữ rộng mà hời hợt, của đàn ông hẹp mà sâu lắng, dữ dội. Cũng giống như sự tha thứ cho lỗi lầm. Người đàn bà tha thứ rồi quên đi, còn với đàn ông tha thứ chỉ là tha thứ. Do vậy, sự ghen tuông của đàn ông nguy hiểm và rắc rối, dẫn đến nhiều hệ luỵ mà chính bản thân người trong cuộc không lường hết được. Khi đàn ông ghen, họ bất chấp hậu quả và không gì kiểm soát nổi.
    Ghen có nhiều sắc thái, có cái ghen làm đẹp cho tình yêu, có cái ghen giết chết tình yêu, thậm chí mù quáng giết chết cả người mình yêu. Và có cả cái ghen giả vờ nữa... “Giận thì mất khôn, mặn thì mất ngon”, ghen tuông chỉ nên như một món gia vị nêm vào thức ăn một liều lượng vừa phải, tạo nên xúc tác. “Đừng để ghen tuông tước bỏ đi lòng tin, nền tảng tạo nên sức mạnh của tình yêu. Và dù cho có những giọt nước mắt do mất mát hoặc do ghen tuông gây ra, thì hãy để cho chúng tuôn chảy một cách thực sự con người”, nhà nghiên cứu tâm lý Trịnh Trung Hòa nói.
    RedStar and hakimnguyen like this.