Những chiếc điện thoại cũ xuất xưởng cách nay đã nhiều năm bỗng nhiên xuất hiện trở lại, mới hoàn toàn. Vì sao những model được các hãng ngừng sản xuất từ lâu lại có mặt trên thị trường? Chiếc Ericsson T20s có mặt trên thị trường từ năm 2000, trước cả khi hãng điện thoại Thụy Điển này được sát nhập với Sony để thành Sony Ericsson như ngày nay. Thế nhưng, vài ngày gần đây, những người yêu thích điện thoại cổ lại thấy nó có mặt trên thị trường mới hoàn toàn, không có vẻ gì của một chiếc điện thoại đã qua ngần ấy năm sử dụng. Ban đầu, những người vô tình “săn” được chiếc T20s mừng như bắt được vàng, người chơi thì thích thú với món hàng cực kì quí giá (vừa “độc”, vừa mới), người buôn bán thì đinh ninh nắm chắc một phần lời không nhỏ. Nhưng chỉ được vài ngày, chiếc điện thoại bắt đầu có những bệnh lạ: đang nghe gọi bị tắt nguồn, bật nguồn không lên, nguồn không ổn định,…Người chơi mặc dù tiếc chiếc điện thoại mới nhưng cũng đã lường trước sự việc, vì đa phần những chiếc điện thoại cũ vẫn hay “sinh bệnh” như thế. Nhưng chỉ đến khi thị trường xuất hiện …ồ ạt T20s, những nguồn hàng tưởng như vô tận được rót từ Hà Nội vào Tp.Hồ Chí Minh thì người dùng mới vỡ lẽ, té ra chiếc điện thoại bấy lâu nâng niu đã không còn “độc” nữa! Anh Thành, dù không phải là một người chơi điện thoại chuyên nghiệp, nhưng khi vừa thấy một mẩu tin rao về chiếc LG F3000 mới tinh ở một tiệm điện thoại trên đường Trần Huy Liệu (Q.Phú Nhuận) thì lật đật chạy đến. Chiếc điện thoại thời trang này của LG tuy không “cổ” nhưng rất “độc”, vì nó mang hình ảnh của một chiếc xe hơi thể thao sang trọng dễ khiến người chơi phải dốc “hầu bao”. Nhưng khi đến nơi, cầm trên tay chiếc điện thoại mơ ước thì anh mới giật mình, mặc dù cũng logo LG, cũng hình ảnh của chiếc xe hơi, nhưng màu sơn máy giả tạo, tem imei lệch lạc, màn hình không trong, nhưng đúng là …mới 100%! Thất vọng, anh ra về và gọi điện thoại ngay cho người viết bài, nhờ xác minh giúp cửa hàng điện thoại T.H đó có …đáng tin không. Hàng xuất xứ từ đâu? Trên thị trường hiện nay, những chiếc điện thoại cũ nhưng mới 100% như vậy không ít. Rất nhiều những mẫu “tái xuất” có thể kể như Motorola T191, Sony CMD Z7, Nokia 5140, Siemens M55, Nokia 8310, Nokia 6310i,…Và có nguồn tin cho biết, sẽ có một lô hàng Nokia Ngage mới sẽ về tới trong nay mai. Như vậy, chiếc điện thoại chơi game nổi tiếng của Nokia tưởng đã “tuyệt chủng” nay bỗng xuất hiện với giá bán dự kiến là 1,5 triệu đồng. Những nguồn hàng như vậy liên tục xuất hiện với số lượng lớn khiến rất nhiều người đặt dấu hỏi: hàng xuất xứ từ đâu? Có 3 câu trả lời được đưa ra qua những lần thăm dò của người viết. Thứ nhất, đây là những lô hàng cũ còn tồn đọng, được các đầu mối thu gom và đưa về Việt Nam. Thứ hai, đây chính là sản phẩm có được từ việc làm mới lại các model cũ. Trường hợp thứ 3 được nhiều người đồng tình, đó là đã có những cơ sở sản xuất mới hoàn toàn những model điện thoại này. Chủ một cửa hàng điện thoại chuyên phân phối sỉ các loại điện thoại Trung Quốc, người có rất nhiều kinh nghiệm trong việc giao dịch với các đầu mối ở biên giới Việt – Trung cho rằng, những chiếc điện thoại mới hoàn toàn “từ trong ra ngoài” như thế thì 95% khả năng được sản xuất lại. Công việc tưởng chừng khó khăn đó được anh giải thích rất cặn kẽ: những model điện thoại cũ, xưa như thế công nghệ sản xuất không cao, board mạch không phức tạp, lại có sẵn mẫu board và phần mềm như vậy thì chỉ cần đặt số lượng khoảng 500 chiếc là đã có đầu mối bên kia biên giới gật đầu. Như vậy, nhiều khả năng các “đại gia” trong nước đã đặt hàng những cơ sở ở Trung Quốc làm mới lại hoàn toàn các mẫu điện thoại cổ đang hút hàng ở thị trường trong nước, điều này được chứng thực 100% ở hai model là Nokia 6310i và Siemens SL45. Với thực tế trắng, đen chưa rõ ràng như vậy, những người có “máu” mê điện thoại cổ hãy cẩn thận hơn nữa. Hàng giả, hàng nhái có vẻ không chỉ tấn công vào thị trường điện thoại ở phân khúc cao, mà còn ở những phân khúc bình dân khác. Nguồn: Echip
@@ đang dùng con trượt khá cổ, hình thức thì có thể thay hoặc dán cho đẹp nhưng linh kiện thì công nhận là quá khó kiếm