* Skynet: Tên hệ thống máy tính trong sê-ri phim ăn khách Kẻ huỷ diệt (The Terminator). Hệ thống này có khả năng tự kiểm soát hành vi của mình và điều khiển các xe chiến đấu, cyborg (người máy sinh học) và các hệ thống máy tính khác để thực thi mục đích của mình. Mùa hè này, Google đã thiết lập cột mốc mới trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo bằng một phần mềm có khả năng học được cách nhân diện và phân biệt được con người, các loài động vật và nhiều thứ khác chỉ đơn giản bằng cách cho nó xem các đoạn video trên YouTube. Phần mềm này có mô hình hoạt động tương tự như cách làm việc của não người và được phát triển với mục đích hỗ trợ cho các sản phẩm cũng như dịch vụ của Google trở nên thông minh hơn mà Googe Voice là một trong những dịch vụ đã được ứng dụng công nghệ này. Phần mềm của Google được phát triển dựa trên cơ cấu mô phỏng hoạt động giao tiếp và ảnh hưởng lẫn nhau của các nhóm tế bào não người. Mạng lưới thần kinh não người có tổ chức rất chặt chẽ và phức tạp, mỗi nhóm tế bào lại tác động có qua lại, hỗ trợ lẫn nhau nhằm nhận diện cũng như hiểu được dữ liệu. Cấu trúc mạng thần kinh của con người đã được nghiên cứu cũng như đưa vào ứng dụng trong nhiều năm qua trong ngành công nghiệp điện toán. Những ví dụ có thể kể đến đó là phần mềm chơi cờ hay phần mềm nhận diện khuôn mặt. Tại Google, các kỹ sư của hãng này đã và đang cố gắng tìm cách để đưa năng lực xử lý lên một tầm cao mới nhằm đem lại cho các cỗ máy khả năng "tự học" mà không cần đến sự trợ giúp của con người. Mạng lưới thần kinh ảo mà Google đang nghiên cứu có thể tự ra quyết định trong việc nhận diện màu sắc và hình dạng vật thể qua đó có khả năng xác định cũng như phân biệt được nhiều đối tượng nhất định. Hiện nay, gã khổng lồ tìm kiếm đang sử dụng các mạng thần kinh này để khiến cho công nghệ nhận diện giọng nói của mình được chính xác hơn. Đây được coi là một bước tiến công nghệ lớn và quan trọng đối với hệ sinh thái Android. Vincent Vanhoucke, người phụ trách công nghệ nhận dạng giọng nói của Google cho hay: "Mạng thần kinh ảo của Google giúp giảm thiểu được những lỗi sai của công nghệ giọng nói trong mức từ 20 đến 25%, qua đó làm nâng cao trải nghiệm của người dùng". Mạng lưới thần kinh mà Google đang áp dụng cho công nghệ giọng nói của mình mới chỉ được sử dụng cho tiếng Anh. Trong tương lai, công nghệ tiên tiến này sẽ được cập nhật cho những ngôn ngữ khác nữa. Chất lượng của các sản phẩm khác mang thương hiệu Google cũng có thể sẽ được cải thiện theo thời gian từ "bộ não ảo" có khả năng tự học như thế này. Đơn cử như công cụ tìm kiếm hình ảnh của Google có thể trở nên tốt hơn bằng cách hiểu được một bức hình mà không cần dựa vào những đoạn văn mô tả xung quanh đó. Hay như công nghệ lái xe tự động có thể tương tác tốt hơn với môi trường xung quanh xe ô tô để đưa ra những hành động phù hợp mà không cần tới sự can thiệp của người lái Công nghệ mới này của Google bắt đầu có những bước phát triển đáng chú ý từ tháng 6 năm nay, khi mà các kỹ sư của hãng đã công bố kết quả của một thí nghiệm cho mạng lưới thần kinh ảo này nhận diện 10 triệu hình ảnh từ những đoạn video chia sẻ trên YouTube. Để làm việc đó họ đã phải cho 16.000 bộ vi xử lý của 1000 máy tính hoạt động liên tục trong 10 ngày. Kết quả thu được rất khả quan, công nghệ này đã có thể nhận biết được khuôn mặt của người dùng một cách khá chính xác. Mạng thần kinh ảo của Google có thể nhận diện được đây là mặt người hay động vật kể cả khi hình ảnh bị mờ. "Hầu hết các thử nghiệm đều chỉ gói gọn ở những quy mô nhỏ, nhưng chúng tôi muốn thử nghiệm mạng thần kinh ảo này trên một quy mô lớn hơn", Jeff Dean, trưởng bộ phận của dự án này cho hay. "Khi mở rộng quy mô lẫn kích thước của mô hình cũng như số lượng dữ liệu nhận diện, chúng ta có thể tìm hiểu hay khám phá ra nhiều đặc tính phức tạp của mạng lưới này." Mô hình mạng thần kinh ảo của Google có thể tính toán hay xử lý được nhiều tiến trình phức tạp. Hơn thế nữa, nó còn có thể áp dụng được vào nhiều ngữ cảnh khác nhau. Một trong số những trường hợp như thế là công nghệ nhận dạng giọng nói. Khi hệ thống nhận dạng giọng nói của Google nghe người dùng phát âm: "Tôi sẽ ăn vải" nhưng âm cuối cùng, người dùng phát âm hơi luyến dẫn đến khó nghe thì nó vẫn có thể biết được rằng người dùng đang ám chỉ một loại trái cây dựa vào những cụm từ và ngữ cảnh được người dùng đưa ra trước đó. Google Now là ứng dụng của công nghệ nhận dạng giọng nói đến từ Google. Dean cho hay rằng nhóm của ông cũng đang tiến hành các nghiên cứu để mô hình mạng thần kinh ảo của Google có thể hiểu được đồng thời cả hình ảnh và văn bản. Chẳng hạn như khi người dùng đưa ra hình ảnh của cá heo thì mô hình này có thể xuất ra được từ cá heo và ngược lại. Sau đó, bước tiếp theo trong việc phát triển mô hình này đó là nâng cấp để nó có thể hiểu được âm thanh bằng cách tập hợp những định dạng dữ liệu khác nhau bao gồm cả hình ảnh, video, văn bản, âm thanh vào công nghệ nhận diện giọng nói. Nghiên cứu của Google đang đưa chúng ta đến một nấc thang mới trong việc phát triển trí tuệ nhân tạo. Yoshua Bengio, giáo sư của Đại học Montreal cho hay về công nghệ của Google: "Đây là con đường đúng đắn và hợp lý trong việc phát triển trí tuệ nhân tạo bằng cách mô phỏng lại những cách thức mà não người hoạt động. Điều đó giúp chúng ta có thể chế tạo ra những cỗ máy thông minh hơn có thể tự hoạt động độc lập mà không cần tới sự trợ giúp của con người". Trên thực tế, cách hoạt động của mạng lưới thần kinh của Google cũng tương tự như cách mà não người xử lý tuy nhiên nó vẫn chưa thể đạt đến mức độ thông minh như con người được. Sẽ phải cần tới một khoảng thời gian dài nữa, máy móc mới có thể suy nghĩ và hoạt động độc lập giống chúng ta. Tuy nhiên thì nghiên cứu của Google đang mở ra một thời kỳ mới trong sự tiến hóa của trí tuệ nhân tạo tương tự như Skynet trong bộ phim kẻ hủy diệt. Và hiện nay thì máy móc đang làm được khá nhiều việc mà con người phải bó tay hoặc mất rất nhiều thời gian. Liệu rằng trong tương lai, viễn cảnh máy móc thống trị loài người có thể xảy ra? Theo Genk