Học viện CNTT NIIT: Mượn danh học bổng để trục lợi?

Thảo luận trong 'Trò Chuyện Tổng Hợp' bắt đầu bởi Veronica, 23 Tháng tám 2008.

  1. Veronica Ex-Mod

    Một chương trình học bổng (HB) khá rầm rộ vừa được Học viện Công nghệ Thông Tin NIIT công bố, đã bắt đầu cho học viên (HV) đăng ký dự tuyển từ ngày 4/8 và kết thúc vào ngày 23/9. Tuy nhiên khi phân tích sâu vào chương trình, mới thấy đây chỉ là chiêu bài của một vụ kinh doanh vớ bộn.

    [​IMG]
    Ông Nguyễn Trọng Duy giám đốc chương trình học viện NIIT tại Việt Nam.


    "Học bổng"

    Chương trình HB của NIIT được công bố trong cuộc họp báo tại TPHCM, đồng thời cũng được đăng tải trên website tại địa chỉ: niit.vn. Dự kiến, chương trình sẽ cấp 2008 HB trên phạm vi cả nước, trong đó có 38 suất HB toàn phần 100% (học phí từ 2.100 - 3.000 USD/suất tuỳ TS trúng tuyển học chương trình nào), 157 suất HB 40%, 234 suất HB 20% và còn lại (1.579 suất) là HB 10%. Dựa vào kết quả thi tuyển (năng khiếu, Anh văn và phỏng vấn sau đó), NIIT sẽ ấn định mức HB cho HV.
    "Thắp lửa khát vọng IT với 2008 HB đào tạo chuyên viên CNTT quốc tế", "với mục tiêu khuyến khích mọi cá nhân, và đặc biệt là các bạn vừa tốt nghiệp tú tài 2008 và các bạn sinh viên"... Đó là những lời quảng cáo rất kêu từ NIIT.
    Ai hỗ trợ ai?

    Nếu chỉ đọc qua những con số rất dễ bị choáng ngợp. Theo thông tin từ Trung tâm NIIT Nhà Rồng (TPHCM), mức học phí khoá 2 năm (chuyên viên) là 2.140 USD, khoá 3 năm 3.000 USD. Dự kiến tổng giá trị HB của NIIT hỗ trợ gồm: 38 suất HB toàn phần trị giá (tối đa) 114.000 USD; 157 suất HB 40% trị giá 134.392 USD; 234 suất HB 20% trị giá 100.152 USD; 1.579 suất HB 10% trị giá 337.906 USD.
    Tổng cộng, NIIT sẽ "chi ra" khoảng 686.450 USD (11,6 tỉ đồng, nếu tính tỉ giá 1 USD "ăn" 17.000 đồng). Trên thực tế, NIIT đưa ra ràng buộc HV phải đóng tiền một lần và đóng tiền trong vòng bảy ngày mới được nhận các mức HB từ 10%-40%. Điều kiện này đã làm thay đổi bản chất của chương trình HB, biến nó từ chương trình mang tính hỗ trợ, xã hội trở thành chương trình mang tính mưu lợi để kinh doanh.
    Cụ thể, nếu các HV phải đóng tiền một lần từ đầu cho cả khoá (giả thiết khoá hai năm), thì tổng số tiền phải đóng từ những HV được hưởng HB là 3.643.350 USD (từ mức HB 40% là 201.588 USD, từ mức 20% là 400.608 USD, từ mức 10% là 3.041.154 USD), quy ra tiền Việt gần 62 tỉ đồng (tính theo tỉ giá 1 USD ăn 17.000 đồng). Số tiền trên nếu gửi tiết kiệm kỳ hạn hai năm, lãi suất 15%/năm (biểu lãi suất Sacombank áp dụng từ ngày 30/7), thì tổng lãi thu về khoảng 18,5 tỉ đồng, trừ cho khoản "chi ra", NIIT vẫn còn bỏ túi gần 7 tỉ đồng.
    "Mượn đầu heo nấu cháo"?

    Với chương trình trên, một mặt NIIT mượn danh nghĩa trao HB với mục đích tốt đẹp để PR, làm thương hiệu; một mặt khác, NIIT đã có bài tính ngấm ngầm trục lợi. Theo một số chuyên gia trong ngành, những HV được nhận HB, có thể chêm vào những lớp chưa đủ số lượng HV (sĩ số chuẩn 20 học viên/lớp) khai giảng trong các tháng 8, 9 hoặc muộn hơn. Làm như thế, NIIT không phải mất gì thêm nhiều, mà chi phí có thể san sẻ qua cho các HV học đóng tiền gánh bớt.
    Trên thực tế, HB của NIIT được cung cấp bằng chương trình đào tạo chứ không phải bằng tiền mặt, trong khi khoản thu về lại hoàn toàn là tiền mặt, như vậy NIIT bỏ "con săn sắt" để bắt... "con cá mập", lợi cả đôi bề. Hàng chục tỉ đồng thu trước NIIT không chỉ có thể gửi tiết kiệm, mà còn có thể đầu tư vào việc khác sinh lãi cao hơn.
    Với cách làm trên, về thực chất NIIT không hề cấp HB cho HV với mức từ 10%-40%, mà ngược lại giống như một kiểu "mượn đầu heo nấu cháo". Điều này rõ hơn khi được biết, trường hợp HV đóng học phí từng tháng, NIIT chỉ giảm cho họ trong sáu tháng đầu, tính ra chỉ giảm lần lượt 2,5%, 5%, 10% cho cả khoá (đối với loại HB 10%, 20% và 40%). Chưa hết, sau khi HV được xét cấp HB phải nộp đặt cọc 150.000 đồng, nếu sau đó vì lý do gì HV không thể theo học thì mất luôn khoản tiền này.
    Ý kiến của một số chuyên gia

    Một cách giảm học phí

    Trong website của FPT-Aptech giới thiệu về Học bổng (HB) Tài năng và HB Tiếp sức của FPT, đơn vị này đã so sánh cho rằng, cách trao HB thông qua thi tuyển đầu vào rồi quyết các mức 10%, 20%..., thực chất là hình thức giảm học phí (HP). Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống cũng cho rằng, trường hợp thu HP một lần của một khoá học hoặc nhiều khoá học, sau đó bớt giảm 10% hay 20%... là chiêu giảm HP phụ thuộc vào cách tính toán tài chính của các đơn vị đào tạo.
    Song với cách làm này khiến cho các học viên (HV) ngộ nhận hoặc mơ hồ rằng đó là HB. Cách giảm HP như trên, tại TPHCM và nhiều địa phương khác đã và đang diễn ra, nhưng những đơn vị đào tạo đó gọi chính danh là giảm HP. "Chính vì thế, các HV trước khi tham gia phải tính toán kỹ thiệt hơn để không bị ảo tưởng, mắc bẫy trước những chiêu tiếp thị HB nhưng trên thực chất lại có những điều kiện ràng buộc như một cách để giảm HP" - tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống nói.
    "Nếu tự tin thì không ràng buộc đóng tiền trước"

    Theo tiến sĩ Lê Ngọc Trà-nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục tại TPHCM, HB có nhiều loại (toàn phần, bán phần hoặc một phần HP...) và nhiều hình thức (tiền mặt, HP, tiền ăn ở, tài trợ một đợt đi tham quan nghiên cứu...). HB thường được cấp cho những người học giỏi nhằm khuyến khích người ta phấn đấu học tốt hơn.
    Trên thực tế, HB có tính chất cho không. Nếu có, điều kiện ràng buộc thường là về học lực, khu vực công tác, yêu cầu làm việc tại đơn vị v.v..., song không có loại HB nào lại đưa ra điều kiện ràng buộc phải đóng tiền một lần mới cho HB. "Ngày nay, có những loại HB mang tính chất khác, thiên về hỗ trợ, giúp đỡ cho những người có hoàn cảnh khó khăn.
    Các DN trao HB cũng vừa được tiếp thị, quảng cáo cho chính mình. Ngoài ra, việc DN cung cấp HB cũng là một cách chia sẻ quyền lợi và trách nhiệm xã hội khi họ đã thừa hưởng chất xám trong xã hội. Song dù thế nào thì cũng không được ràng buộc phải đóng HP trước một lần mới được cấp HB" - tiến sĩ Lê Ngọc Trà nhấn mạnh.
    Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống cho rằng, việc ràng buộc HV phải đóng HP trước mới được nhận HB cho thấy đơn vị cấp HB không tự tin, sợ HV học nửa chừng. "Nếu tự tin thì không ràng buộc gài thế đóng tiền trước như vậy. Phải phê phán sự ràng buộc quá quắt đó" - ông Tống nói: "Ngày nay nhiều đơn vị tiếp thị đánh lừa người ta ghê lắm. Nhiều đơn vị cấp HB, trên thực chất là lấy tiền của người ta cho lại người ta chứ họ không có một nguồn quỹ thật lòng để trao HB. Có thể nói thẳng đó là những xảo thuật tiếp thị nhân danh HB, Nhà nước và công luận phải phân tích để cảnh báo cho người dân biết".
    Theo phân tích trên trang web của FPT-Aptech, việc giảm HP theo phần trăm như đã nói dễ kéo theo việc giảm chất lượng "vì HP được thu cần phải có phần chi lớn cho việc đầu tư vào đào tạo, công nghệ, cơ sở thiết bị, lương giảng viên, quản lý, dịch vụ gia tăng hỗ trợ việc học".
    (theo Lao Động)
    RedStar thích bài này.