Thế giới Internet là thế giới của một hạm đội ma vĩ đại, nơi những mảnh ván tàu và những con tàu rách rưới rồi sẽ trôi nổi khắp đại dương lãng quên... Dường như có một sự chờ đợi nặng nề đặc sánh lại ở các quán café, quán bar, khi những người khách cô độc ngồi bên ly café mong chờ một bước chân bước qua ngưỡng cửa. Lặng lẽ sưởi ấm lòng mình bằng những gương mặt mới, những gương mặt có thể anh sẽ chỉ gặp một lần trong đời, những ánh nhìn của họ đau đáu một niềm hy vọng hiếm khi thành sự thật, mong người khách không quen biết sẽ nhoẻn miệng cười hay ngồi xuống cạnh họ, đem lại cho họ sự bình yên chân thành của một tình bạn không vụ lợi… Hai thập niên qua, Internet đã biến cả thế giới thành một quán café khổng lồ, nơi hàng ngày, hàng đêm gần bảy trăm triệu người vào mạng âm thầm mong ngóng một tín hiệu của đồng cảm, một bàn tay thân thiện chìa ra: Trăng vỡ trên tay như gương vỡ Ai gọi tôi không? Ai hỏi không? (Tào Linh) Có một điều kỳ lạ là trong thời đại của mạng xã hội và Internet, khi những biên giới địa lý đã bị mờ đi, lẽ ra con người phải cảm thấy gần gũi hơn với nhân loại thì ngược lại, họ càng cảm thấy cô đơn hơn. Vì biển thông tin mênh mông và cảm giác đối mặt với toàn nhân loại làm con người cảm thấy mình càng bị nhỏ đi, hay vì sự thông hiểu đối với con người cũng giống như đường hai chiều – có đi lại mà chẳng thể hòa nhập với nhau? Tiếp xúc bằng tư tưởng trên những giao lộ thông tin làm cho con người phải suy ngẫm nhiều hơn, và càng phải suy ngẫm nhiều thì họ càng phải đi sâu vào bản thân mình, càng cảm thấy cô độc. Bởi đồng thời với việc xóa bỏ biên giới địa lý, Internet cũng tạo nên sự đa dạng của cái tôi. Không còn con người sinh hóa, mà chỉ tồn tại một con người ảo, hay chính xác hơn, một con người có muôn vàn bộ mặt, tùy thuộc vào chiếc mặt nạ mà anh ta lựa chọn. Không còn có gióng nòi, không còn có tuổi tác, không còn có giới tính. Chỉ có dòng tư tưởng và các suy tư tràn chảy. Khi chỉ có giao tiếp tinh thần, con người dễ dàng hơn trong việc bộc lộ những suy tư kín đáo nhất của mình. Và càng đi xa hơn trong trao đổi tinh thần, con người càng khám phá ra ở mình nhiều góc âm u mà ít khi mình dám nghĩ tới. Những tiếp xúc ảo cứ đốt cháy lên khao khát được tiếp xúc thật, được nắm trong tay một con người bằng xương bằng thịt chứ không phải một giọng nói hay một bộ mặt ảo. Và Internet trở thành một trong những cám dỗ lớn nhất mà loài người đã tạo ra cho mình, một kiểu ngôi nhà của những trái tim ran vỡ (B. Shaw) Bộ phim viễn tưởng The Lawnmower Man (Người cắt cỏ) của Mỹ đã kể lại câu chuyện một anh khờ đã phát triển tột bậc do được nạp thông tin siêu tốc vào não. Thông tin không chỉ biến đổi bộ não, không chỉ biến đổi cách hắn nhìn nhận thế giới và con người, mà còn biến đổi cả cơ thể hắn. Khao khát được trải mình ra với toàn nhân loại, hắn đã biến một phần của Internet để trở thành một siêu con người, dù không còn thể xác. Cảm giác toàn năng của một người có thể biến tất cả mà Internet trao cho con người thật ghê gớm. Giờ đây, ngồi trong một quán cà phê Internet tồi tàn tại Hà Nội, anh cũng có thể biết những chuyện xảy ra ở một thành phố nhỏ bất kỳ nào đó bên bờ đại dương. Nhưng đứng trước Internet, con người cũng giống như cậu bé ba tuổi, buổi sáng khi mở cửa không thấy trước mắt mình là chiếc cổng vườn quen thuộc mà là cả thế giới mênh mông. Chú ngã phệt xuống bậc thềm và òa khóc, bởi cùng với ước mong không được thỏa mãn giơ tay ôm trọn cả nhân loại, chú còn cảm nhận được sự khủng khiếp của thế giới bao la xung quanh chú. Thế giới Internet là thế giới của một hạm đội ma vĩ đại, nơi những mảnh ván tàu và những con tàu rách rưới rồi sẽ trôi nổi khắp đại dương lãng quên. Thế giới Internet cũng là thế giới của những tín hiệu S.O.S. Hàng triệu, hàng triệu người miệt mài bỏ ra hàng ngày, hàng tháng, hàng năm xây dựng những website, blog cá nhân. Giống như những chiếc phao cứu sinh hay những lá thư bỏ trong chai rượu, những website cá nhân là nơi trú ngụ của lời khẩn cầu thảm thiết: Tôi ở đây! Hãy chú ý tới tôi, hãy cứu vớt linh hồn tôi (Save Our Soul). Cái thymos (sinh linh, linh hồn) của con người vốn chẳng bao giờ được lưu ý và chăm chút tới như họ hằng mong muốn. Công nghệ thông tin, không thể phủ nhận, đã thành công trong việc xây dựng một ngôi nhà chung cho toàn nhân loại, một kho tàng kiến thức chung. Bằng việc mở cửa kho tàng kiến thức nhân loại cho tất cả những người có nhu cầu, Internet đòi hỏi con người một thái độ chấp nhận (tolerance) hay cùng tồn tại hòa bình (co-existence) với những tư tưởng khác. Nó cho phép con người khả năng so sánh và tự chọn cho mình một thái độ sống, một triết lý sống. Các nhóm trao đổi (discussion groups), các chat room luôn luôn dành một lối thoát cho người không cùng quan điểm – họ chỉ việc bỏ đi tìm những người khác có quan điểm như mình. Sự đa dạng và tức thời của các cuộc thảo luận khiến cho người viết phải học cách trình bày quan điểm của mình một cách ngắn gọn và dễ hiểu. Cảm giác có hàng triệu người có thể đang theo dõi những dòng chữ trên màn hình của mình làm cho người sáng tạo có trách nhiệm hơn với những gì anh đang viết ra. Nhưng cũng chính vì vậy, lòng tin và sự bao dung của con người bị thử thách, đến nỗi anh không còn có thể chắc chắn vào một điều gì, trừ việc anh đang suy ngẫm vào đúng giây phút này và tư tưởng của anh đang hiện lên trên màn hình. Cõi mênh mông của kiến thức mà Internet mang lại thay đổi hẳn nền tảng của giáo dục. Nếu như trước đây, một học sinh sẽ chỉ được học những gì mà thầy giáo thấy cần thiết cho họ, thì nay, thông qua Internet, anh có thể học bất cứ thứ gì cần thiết cho anh. Va con người luôn luôn phải tự vấn: Vậy thì tôi thực sự muốn gì? Cái gì có ích cho tôi? Và suy cho cùng thì liệu nó có cần thiết cho cuộc sống của tôi hay không? Cái đó đặt lại những giá trị sống có thể làm đổ nhào cả một cuộc đời đã nhọc công xe cát suốt những năm tháng qua. Và nỗi xa xót cho sự phí hoài của thời gian và tiêu phí cứ cứa hoài vào lớp người đứng tuổi. Nói gì thì nói, cho dù người ta sẽ than tiếc cho một nền văn hóa viết tay, hay quay về với thư pháp như một cách rèn luyện tích cực của tâm hồn, thì công nghệ thông tin cũng vẫn tồn tại bất kể nhà văn Việt Nam có muốn hay không. Quay lưng lại với những tiện ích của nó là một việc làm điên rồ. Nhiều nhà văn hiện nay vẫn coi công nghệ thông tin chỉ như chiếc máy chữ vạn năng. Tất nhiên, khả năng sắp xếp lại các ý, sự tự do trong việc dịch chuyển các đoạn, cắt bỏ hay thêm, chèn tùy ý khiến cho chiếc máy tính trở thành thần kỳ trong việc chấm dứt với các vết gạch, xóa, những mũi tên rối loạn chạy tít từ đầu trang đến cuối trang. Nhưng công nghệ thông tin là một cái gì đó lớn hơn thế rất nhiều. Nhà văn sẽ phải tập để sống, thở hít và suy nghĩ với nhịp sống của một mớ bòng bong còn vĩ đại hơn bản thảo của anh hàng tỷ tỷ lần. Và sẽ chẳng bao giờ Hội Nhà văn Việt Nam còn làm được việc như họ từng làm: bỏ bốn triệu đồng mua lại bản thảo viết tay một cuốn tiểu thuyết của nhà văn Tô Hoài để lưu trữ. Bản thảo của những nhà văn thế hệ kế tiếp, than ôi, sẽ chỉ còn là những ký tự trên màn hình, le lói chớp sáng như những ngôi sao đêm, như những lời khẩn cầu từ một nơi nào xa tít tắp. Theo NHN