iPhone đang chinh phục giới doanh nhân Nếu như trước đây iPhone chỉ được coi là đồ chơi của giới trẻ sành điệu thì nay đã có nhiều CEO để mắt tới chiếc điện thoại này. Đã có người từng nói rằng iPhone sẽ không bao giờ chiếm lĩnh được thị phần BlackBerry (chiếc điện thoại chuyên dành cho giới doanh nhân), nhưng xem ra mọi thứ lại không đơn giản như vậy. Tuy không có ác ý với chiếc iPhone nhưng Michael Loo, phó chủ tịch tập đoàn cung cấp thiết bị viễn thông Avaya, lại không nghĩ một ngày nào đó ông sẽ cầm trong tay chiếc smartphone này. "Mới đầu tôi thấy thật khó chấp nhận nó, chủ yếu là quan ngại về mức độ an toàn dữ liệu doanh nghiệp, rồi đến việc nó thiếu mất bàn phím", Michael Loo nói về thời kỳ đầu khi chiếc iPhone ra mắt. Vào thời điểm đó, Avaya thậm chí còn từ chối hỗ trợ cho các nhân viên sử dụng iPhone tại nơi làm việc. Còn giờ đây nhận thức này đã thay đổi. Tháng 7/2008, khi Apple chính thức công bố phiên bản phần mềm iPhone 3.0 với khả năng hỗ trợ bảo mật và e-mail doanh nghiệp tốt hơn, Avaya đã thay đổi quan điểm và bắt đầu bật đèn xanh cho nhanh viên sử dụng đại trà thiết bị này. Gần một năm qua, Avaya đã có gần 1000 nhân viên sử dụng iPhone trong tổng số 9.800 người có điện thoại di động. Cũng giống Avaya, nhiều doanh nghiệp Mỹ vẫn còn "ác cảm" với iPhone. Chính tâm lý đó đã giúp cho BlackBerry luôn giữ ngôi vương trên thị trường smartphone doanh nghiệp. Giờ đây mảnh đất màu mỡ này đang dần có bóng dáng của iPhone. Trong một cuộc khảo sát 127 doanh nghiệp vừa và nhỏ mới đây của công ty tư vấn Osterman Research, có tới 20% doanh nghiệp nói rằng họ hỗ trợ iPhone trong năm 2008, 82% hỗ trợ BlackBerry và 66% hỗ trợ các thiết bị chạy trên hệ điều hành di động Windows Mobile của Microsoft. Tuy nhiên, khi được hỏi về kế hoạch hỗ trợ thiết bị di động trong năm 2009, 44% doanh nghiệp nói rằng họ sẽ đưa iPhone vào danh sách. Trong khi đó tỉ lệ hỗ trợ BlackBerry giảm xuống 75% và Windows Mobile xuống còn 64%. Thông dụng hơn nhờ thân thiện Thành công trên có được chủ yếu do Apple đã rất năng động trong việc tùy biến chiếc iPhone. Phiên bản nâng cấp phần mềm iPhone 3.0 mới nhất giúp cho chiếc điện thoại này thân thiện hơn với giới doanh nhân. iPhone 3.0 bổ sung thêm tính năng quản lý và bảo mật, rất thích hợp cho các doanh nghiệp lớn. "Chắc chắn trong năm nay và năm tới iPhone sẽ là đối thủ cạnh tranh nguy hiểm nhất của BlackBerry", nhận định của Ted Schadler, phó chủ tịch hãng phân tích thị trường Forrester Research (FORR). Ted Schadler chỉ ra rằng Oracle và Kraft Foods là hai ví dụ điển hình nhất trong trường hợp này. Tính tới tháng giêng năm 2009, Oracle có 4.000 nhân viên sử dụng iPhone trong tổng số 86.000 nhân viên trên toàn cầu. Trong khi đó, Kraft Foods có gần 2.000 nhân viên sử dụng iPhone (chiếm gần một nửa số người dùng di động của hãng). Theo dự đoán Ted Schadler, đến cuối năm 2009 Kraft sẽ có 5.000 nhân viên sử dụng iPhone. Hầu hết đối tượng sử dụng đại trà iPhone đều là nhân viên. Người ta mua iPhone để truy cập vào dữ liệu hoặc mạng doanh nghiệp. Theo IDC, gần 40% số smartphone trên thị trường Mỹ trong năm 2008 được bán cho cá nhân chứ không phải là doanh nghiệp. Tuy nhiên, khoảng 7,3 triệu chiếc iPhone trong số này lại được sử dụng tại nơi làm việc. Cũng theo IDC, dự tính tới năm 2012 con số này sẽ tăng lên 43,5%, đạt 21,5 triệu chiếc. Kinh tế khó khăn khiến cho doanh nghiệp phải tiết kiệm chi tiêu. Chính vì thế việc nhân viên chia sẻ chi phí mua smartphone phục vụ công việc rất được hoan nghêng. Theo iSuppli, trong năm 2008 có khoảng 173,6 triệu chiếc smartphone bán trên thị trường toàn cầu. Trong số này, Nokia bán được 60,5 triệu chiếc; RIM bán được 22,6 triệu chiếc; Samsung và Apple mỗi hãng bán được 13,7 triệu chiếc. Tuy nhiên, với các doanh nghiệp Mỹ hiện nay thì cấp bậc smartphone vẫn là: BlackBerry, Windows Mobile, và iPhone. iPhone tiếp cận lãnh đạo doanh nghiệp Sự chần chừ của doanh nghiệp đối với iPhone dần được thu hẹp nhờ xu hướng sử dụng iPhone của CEO hoặc các vị lãnh đạo có tên tuổi trong doanh nghiệp. Những người này nói rằng họ thích trải nghiệm lướt Web và multimedia của iPhone, nhất là việc thao tác trên chiếc điện thoại này rất dễ dàng. Điều này làm người ta nhớ lại quãng thời gian tiếp cận doanh nghiệp của BlackBerry trước đây -cũng diễn ra một cách tương tự. Tại công ty phần mềm phân tích doanh nghiệp SAS, chính John Sall - sáng lập công ty này là người đầu tiên yêu cầu bộ phận IT hỗ trợ iPhone khi chiếc smartphone được giới thiệu lần đầu năm 2007. Khi phiên bản mới hơn của iPhone ra mắt năm 2008, nó đã được bổ sung thêm phần mềm đồng bộ ActiveSync giúp các phòng ban IT có thể kết nối dễ dàng với thiết bị hơn thông qua Microsoft Exchange. SAS là một trong số ít doanh nghiệp cho phép nhân viên có thể thoải mái lựa chọn giữa các thiết bị BlackBerry, Windows Mobile hoặc iPhone cho công cụ làm việc. Tính cho tới nay, SAS đang có 1000 người dùng BlackBerry, 100-200 người dùng iPhone, và 50-100 dùng Windows Mobile. Ngành công nghệ không phải là lĩnh vực đầu tiên chấp nhận rộng rãi iPhone. Một số lĩnh vực khác như giao thông, giải trí, bán lẻ, nghiên cứu khoa học cũng bắt đầu sử dụng chiếc smartphone này. iPhone thậm chí còn trở thành vật dụng không thể thiếu của bác sĩ. Trong nhiều năm qua, bác sĩ Zach Hettinger tại Rochester, New York luôn có một chiếc điện thoại thông thường và một chiếc Palm để chứa thông tin về dược phẩm. Tuy nhiên, kể từ khi có iPhone, Zach Hettinger quyết định chỉ dùng duy nhất chiếc điện thoại này bởi nó có thể đảm bảo tốt đồng thời hai chức năng đàm thoại và lưu trữ dữ liệu. Vẫn còn nhiều gian truân Tuy nhiên, cũng theo Ted Schadler, không phải công ty nào cũng sử dụng iPhone, và chiếc smartphone này vẫn chưa được chấp nhận rộng rãi trong một số ngành công nghiệp nhất định, chẳng hạn như ngành ngân hàng và bảo hiểm. Rất nhiều công ty chưa quyết định có cho phép nhân viên của họ sử dụng iPhone tại nơi làm việc hay không. Tháng 7/2007, Giám đốc thông tin hãng hàng không American Airlines, Monte Ford, tuyên bố rằng công ty của ông sẽ không hỗ trợ iPhone vì những lo ngại về bảo mật. Tới nay thì chiếc điện thoại vẫn rất chật vật khi tìm cách thâm nhập vào công ty này. Những doanh nghiệp không hỗ trợ iPhone đều có có một số lý do nhất định. Theo cuộc khảo sát của Antenna Software năm 2009, thì 49% doanh nghiệp khi được hỏi nói rằng trở ngại lớn nhất chính là việc iPhone chỉ hoạt động duy nhất trong một mạng di động AT&T tại Mỹ. 40% doanh nghiệp nói rằng họ lo ngại về chi phí hỗ trợ thiết bị di động khác sẽ tăng. Khoảng 1/3 số người được hỏi muốn có các công cụ quản lý thiết bị di động tốt hơn, mà về mặt này Apple chưa bao giờ có thế mạnh. Theo VnMedia.