Tượng Phan Bội Châu đặt tạm trong khu nhà vườn cụ Phan - Ảnh: N.K.PTT - Ý kiến phê phán việc sử dụng khuôn viên khu di tích Phan Bội Châu làm chỗ giữ xe là đúng ("Nỗi buồn của một khu di tích" - Tuổi Trẻ ngày 23-5), nhưng nỗi buồn đó ít khi diễn ra (vì không phải tháng nào cũng có đại lễ trong khu vực lân cận), còn thường ngày khu di tích không bị ai xâm phạm. Nỗi buồn lớn hơn và có lẽ đáng nhắc lại là bức tượng cụ Phan vào loại lớn nhất và đẹp nhất nước, vì rất nhiều lý do, hơn 30 năm qua vẫn chưa bàn luận xong nên đặt chỗ nào cho tương xứng! Đây là tác phẩm của nhà điêu khắc Lê Thành Nhơn cao 4m, với chu vi 11m, được các họa sĩ Vĩnh Phối, Đinh Cường, Tôn Thất Văn ở Trường CĐ Mỹ thuật Huế và các anh Phan Hữu Lượng, Phan Thế Bính, Trần Viết Ngạc... góp tay thực hiện từ năm 1973. Các ban đại diện học sinh, sinh viên tại ĐH Sư phạm, Luật, Văn khoa, Khoa học, Trường Quốc học, Đồng Khánh... cổ động sinh viên, học sinh tham gia những buổi sinh hoạt văn nghệ quyên góp tiền đúc tượng cụ Phan do Trịnh Công Sơn, Khánh Ly và một số sinh viên biểu diễn. Trước lúc làm khuôn chuyển lên Phường Đúc, hàng trăm bức tượng cụ Phan thu nhỏ (tỉ lệ khoảng 1/1.000) được đúc đồng để bán, thu hút thêm vốn dựng tượng... Do đó, bức tượng cụ Phan không chỉ là tác phẩm điêu khắc một vĩ nhân có giá trị nghệ thuật cao, mà còn là một biểu tượng của tinh thần yêu nước của cả một thế hệ thanh niên VN và nhân dân Huế. Sau ngày Huế được giải phóng, vì công việc bộn bề, bức tượng hầu như bị bỏ quên bên vệ đường Phường Đúc; mãi đến năm 1988, sau rất nhiều cuộc bàn luận, UBND tỉnh mới đồng ý với kiến nghị của thành phố Huế: tạm đưa tượng về dựng tại khu nhà vườn cụ Phan trên dốc Bến Ngự. Gọi là đặt tạm vì ai cũng thấy "...không gian chật hẹp ở vườn nhà cụ Phan không chứa đựng nổi qui mô của một bức tượng đồng quá lớn. Giá như tượng Phan Bội Châu được đặt tại một công viên hoặc một trục đường tương xứng thì Huế sẽ có thêm một công trình văn hóa đặc sắc..." (nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên giám đốc Sở VHTT Thừa Thiên - Huế). Tôi đã có lần đưa bạn thăm khu di tích và thật là buồn khi bạn chỉ vào dãy quần áo phơi ở căn nhà sau lưng bức tượng. Trong dịp kỷ niệm 140 năm ngày sinh nhà ái quốc vĩ đại, tôi đã trực tiếp nêu lại vấn đề với một số vị lãnh đạo ở Thừa Thiên - Huế, tuy được ghi nhận với rất nhiều thiện ý, nhưng không hiểu vì sao sự việc vẫn lặng yên, trong khi Huế lại tiếp tục sôi động với trại điêu khắc quốc tế và việc dựng tượng Quang Trung. Thiết nghĩ không nên trì hoãn nữa một cử chỉ văn hóa, một việc làm tốt đẹp có nhiều ý nghĩa được mọi người trông đợi đã hơn ba thập niên, nhất là khi Huế đang ngày càng chứng tỏ là vùng đất hội tụ văn hóa. NGUYỄN KHẮC PHÊ