Kinh doanh thế giới khốn đốn vì “đứt mạng” Mọi giao dịch trên thị trường đều bị đình trệ. Sự cố đứt cáp biển sau trận động đất tại Đài Loan đêm hôm thứ Ba (26/12) làm gián đoạn nghiêm trọng mạng viễn thông trong toàn khu vực châu Á, đường truyền Internet rơi vào tốc độ rùa, đặc biệt các giao dịch tài chính ngân hàng trên một số thị trường gần như tê liệt. Ở một vài nước, mạng điện thoại gọi đi quốc tế không hoạt động được, kết nối Internet luôn trong tình trạng gián đoạn hoặc chập chờn. Theo nguồn tin từ các hãng cung cấp viễn thông châu Á, phải mất vài tuần may ra mới khắc phục được sự cố trên mọi đường cáp . KT Corp - nhà cung cấp dịch vụ băng thông và đường truyền số 1 Hàn Quốc cho biết: trận động đất đêm hôm thứ Ba đã bẻ gãy 6 đường cáp dưới lòng biển. “27 công ty khách hàng của chúng tôi, phần lớn là các ngân hàng, đang chịu ảnh hưởng nặng nề. Hiện vẫn chưa thể khẳng định khi nào đường truyền được khôi phục lại trọn vẹn ”. Internet chậm khiến cho các giao dịch đồng won trên thị trường ngoại hối Seoul gần như đứng im. Thị trường tiền tệ Tokyo cũng bị gián đoạn đôi phần, tuy nhiên phần lớn những giao dịch yen/ USD thực hiện qua hệ thống EBS tỏ ra vẫn hoạt động tốt. Hãng thông tấn toàn cầu Reuters Group Plc cho hay: toàn bộ khách hàng ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan không thể truy cập vào dịch vụ của Reuters mặc dù mọi biện pháp khắc phục tạm thời đã thực hiện tại Tokyo ngay trong ngày hôm đó. Các tổng đài và trung tâm xử lý thông tin ở Ân Độ gặp một số trở ngại nhất định, Phải đến cuối ngày thứ ba, các chuyên gia Ấn Độ mới có thể ước tính một cách tương đối quy mô ảnh hưởng tại các tổng đài và trung tâm outsourcing xử lý dữ liệu, do lưu lượng giao dịch viễn thông chỉ đạt mức tối đa vào thời gian hành chính của châu Âu và Mỹ. Ở Trung Quốc, các thị trường tài chính trong nước vẫn hoạt động khá ổn trong khi mạng Internet bị gián đoạn nặng nề, đường điện thoại cũng chịu những ảnh hưởng nhất định - tiết lộ từ tập đoàn cung cấp dịch vụ đường truyền lớn nhất cả nước. Một số quan chức từ chối cấp tin chi tiết bởi “cáp truyền thông dưới biển cũng là một dạng thông tin bí mật của quốc gia”. Tập đoàn viễn thông Chunghwa Telecom của Đài Loan cho biết: hai trong 4 đường dây cáp chính dưới biển đã bị cơn địa chấn bẻ gãy, làm giảm hơn nửa khối lượng các giao dịch viễn thông quốc tế của hãng này. Các cuộc gọi tới Đông Nam Á bị ảnh hưởng nặng nề nhất, vào buổi sáng thứ Tư số cuộc gọi được thực hiện chưa đến 2%, cho đến cuối giờ chiều mới tăng lên khoảng 10%. (dantri.com.vn)
Dân văn phòng ngẩn ngơ vì đứt mạng Không dùng được một số tiên ích liên lạc online, dân văn phòng ngồi chat bằng Meebo. (Ảnh: Hoàng Hà) Tưởng máy tính có vấn đề, một số người bỏ cả buổi ngồi diệt virus và cài đặt lại. Biên tập viên theo dõi mảng tin quốc tế của một tạp chí trực tuyến dành nguyên cả ngày chỉ để… ngáp. Sự cố đứt cáp tại Đài Loan khiến thông tin liên lạc khu vực Đông Nam Á bị đình trệ chưa biết đến khi nào khắc phục xong. Ảnh hưởng đầu tiên của việc đứt đường truyền đối với cư dân mạng Việt Nam là tình trạng trục trặc của phần mềm nhắn tin (chat) Yahoo Messenger. Nhiều người đặt chế độ cho chương trình này tự động đăng nhập khi khởi động máy tính. Nhưng khi không đăng nhập được như thường ngày, nhiều người đã lo lắng, tưởng máy tính của mình bị nhiễm virus đánh cắp tài khoản. “Không dùng được YM, cảm giác cứ như mình đang trên hoang đảo”, Lê Phương Nguyên, một nữ nhân viên văn phòng ở Hà Nội, kết luận sau khi đã thử qua hàng tá giải pháp thay thế như Google Talk, Windows Messenger… nhưng không thành công. Hằng ngày, chị vẫn dùng phần mềm chat này để trao đổi đề tài với đồng nghiệp, nhận “chỉ thị” từ sếp và cả “tự thư giãn trong 5 phút với bạn bè”. Theo lời mách của bạn bè, Nguyên đành chat "web-base" qua mạng Meebo nhưng mỗi tin nhắn gửi đi cũng mất tới ... 10 phút. Không chỉ YM, các dịch vụ khác của Yahoo như e-mail, blog vốn là phương tiện giao tiếp của nhiều người cũng chỉ hoạt động... về đêm, khi lượng số người truy cập Internet giảm xuống. Đỗ Tâm Hà, biên tập viên phụ trách mảng tin quốc tế của một tờ báo, cũng trong hoàn cảnh tương tự. “Công việc hằng ngày là "săn" tin tức trên Internet. Không vào được các website nước ngoài thì chẳng thà bịt mắt cắt tai đi cho rồi”, Hà chán nản nói khi nhìn màn hình treo cứng lúc mở website quen thuộc. Không vào được các trang tìm kiếm Google, Yahoo, MSN, Hà đành phải hoàn tất bài viết từ kho tư liệu chuẩn bị sẵn của mình. Anh Nguyễn Việt Dũng, một lập trình viên tại Hà Nội, còn cẩn thận bỏ cả buổi sáng để chạy các phần mềm diệt virus trên máy tính của mình vì thấy máy tính có những biểu hiện khác thường: truy cập mạng chập chờn lúc được lúc mất, thanh nhớ địa chỉ (Adress bar) của Internet Expoler treo cứng mỗi khi vào website mới… Quét virus không thấy gì, anh bỏ thêm 2 giờ để Ghost (ghi đè toàn bộ ổ đĩa) lại toàn bộ từ đĩa sao lưu dự phòng của mình. “Giở hết võ” mà không ăn thua, anh gọi điện cầu cứu bạn bè mới biết toàn bộ nỗ lực của mình từ sáng sớm là vô ích vì đó là sự cố toàn khu vực. Theo đánh giá sơ bộ của công ty Điện toán và Truyền số liệu (VDC), toàn bộ khách hàng sử dụng dịch vụ Internet, Frame Relay và mạng riêng ảo (IPVPN) tại Việt Nam đều bị ảnh hưởng, gián đoạn hoặc không ổn định. Việc phục hồi các kết nối chưa thể dự tính được cho đến thời điểm này vì hoàn toàn phụ thuộc vào đối tác nước ngoài. “Nếu là sự cố của 1 nhà cung cấp, chúng ta có thể chuyển sang dùng cáp của đối tác khác và như vậy mới dự tính được thời gian”, đại diện VDC nói. “Trong sự việc lần này có nhiều nhà cung cấp trong khu vực bị thiệt hại, lưu lượng bị dồn nén qua lại các đường khác nhau nên rất khó dự đoán”. Đại diện của FPT Telecom, một nhà cung cấp dịch vụ Internet khác, cho biết một số tuyến cáp ngầm đã được khôi phục trong ngày hôm qua, nhưng tình hình thực tế từ phía người sử dụng chưa cải thiện nhiều. Mạng của Viettel đã khôi phục được khoảng 80% băng thông đi quốc tế. Theo ông Lê Hữu Hiền, Phó giám đốc Công ty điện thoại đường dài Viettel, đường cáp quang do đối tác của ISP này quản lý không bị đứt trong trận động đất vừa rồi. Sự ảnh hưởng chủ yếu do lượng truy cập từ các đường kết nối khác dồn sang. Chiều ngày 26/12, Viettel đưa vào hoạt động 1 đường kết nối vệ tinh trực tiếp tới Mỹ, tăng 50% băng thông hiện có. Thuê bao của Viettel đã có thể truy cập được các website ngoài Việt Nam. Hiện nay, hệ thống liên lạc tại Đông Nam Á vẫn trong tình trạng tê liệt. Theo hãng tin Reuters, thị trường hối đoái tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan bị trì trệ vì các ngân hàng không thực hiện được giao dịch khi sử dụng đường truyền của KT Corp. Hãng viễn thông lớn nhất Hàn Quốc này có tới 6 đường cáp bị đứt trong trận động đất đêm 26/12. Tính đến 12 giờ (giờ Việt Nam) ngày 27/12, chỉ 10% cuộc đàm thoại đến khu vực Đông Nam Á được thực hiện thành công. Mạng điện thoại cố định ở Đài Loan cũng tê liệt vì hãng viễn thông lớn nhất Chungwa Telecom mất hai đường cáp quang chính. Phát ngôn viên của Chungwa cho biết thời gian hồi phục như cũ "phải mất từ 2 đến 3 tuần". (dantri.com.vn)
Kết nối Internet châu Á gián đoạn vì động đất tại Đài Loan Vòng tròn màu đỏ trong hình là khu vực có các tuyến cáp quang bị đứt. (Ảnh: FPT Telecom) Trận động đất với cường độ ban đầu khoảng từ 6,7 đến 7,2 độ richter hôm qua đã cắt đứt một số tuyến thuộc vành đai cáp quang Hong Kong - Trung Quốc - Đài Loan. Sự cố bất khả kháng này gây ảnh hưởng đáng kể cho tất cả các nhà cung cấp dịch vụ tại châu Á, trong đó có FPT, VDC, Viettel ở Việt Nam. Các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam bị mất tới 60-70% lưu lượng. Hiện tại, bộ phận kỹ thuật của các công ty này vẫn đang tìm cách xử lý sự cố. Đại diện VDC cho biết họ đang tiến hành 3 hướng khắc phục. Đầu tiên là khởi động hệ thống mạng dự phòng và liên lạc với đối tác phục hồi cáp biển để nhanh chóng khôi phục. Cán bộ kỹ thuật của VDC cũng đang phân luồng để ưu tiên những khách hàng quan trọng. "Đây là sự cố thiên tai bất khả kháng và sẽ tìm mọi cách, chấp nhận chi phí cao để nhanh chóng khôi phục sự cố", một đại diện ISP này cho biết. Hiện một số website tại VN vẫn hoạt động bình thường nhưng việc truy cập một số dịch vụ thoại và nội dung, chủ yếu là tới Mỹ, đều bị chập chờn hoặc gián đoạn. Theo ông Phạm Công Liêm, Phó giám đốc Trung tâm quản trị mạng Công ty Cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom), sự cố này nằm ngoài tầm kiểm soát của các nhà cung cấp Internet. Những ảnh hưởng cụ thể mà người dùng đầu cuối có thể thấy là tốc độ đường truyền sẽ chậm, khó kết nối hoặc không thể kết nối. "FPT cũng có những phương án dự phòng nhưng thực sự thì không thể khắc phục được 100%", ông Liêm cho biết. "Phía đối tác từ Hong Kong của chúng tôi cũng chưa thể xác nhận thời gian khắc phục sự cố này". Theo ghi nhận sơ bộ của một số nhà điều hành mạng cáp, đây là một sự cố khá nghiêm trọng vì phần lớn lưu thông Internet từ Nam Á tới Bắc Á và Mỹ, đặc biệt là từ Hong Kong và Đài Loan tới Mỹ, sẽ bị tắc nghẽn. Tuyến Đài Loan - Trung Quốc và Hong Kong - Trung Quốc bị đứt đã khiến toàn bộ lưu thông mạng từ khu vực Nam Á tới Bắc Á tê liệt hẳn. Kết nối từ Hong Kong sang Nam Á vẫn hoạt động nhưng sẽ sớm bị tác động mạnh vì thông lượng từ các kênh còn lại bị dồn sang. Tuyến Hong Kong tới Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản gần như "chết" hẳn, nhưng lưu thông từ Hong Kong tới Nam Á và Australia không bị tác động. Kết nối từ châu Âu, Trung Đông và Nam Á tới Bắc Á đã bị cắt đứt hoàn toàn. Năm 2003, động đất tại Đài Loan cũng đã làm đứt 3 tuyến cáp nối từ Trung Quốc đi một số nước khác khiến thông tin bị đình trệ gần 1 tháng. Tháng 5/2004, tuyến cáp quang biển quốc tế nối từ Tây Âu - Trung Đông đến Thái Bình Dương gọi tắt là SE-ME-WE 3 cũng đã bị đứt đoạn tại Hong Kong, khiến việc kết nối từ Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng. (dantri.com.vn)