Mùa Noel năm mới sắp đến, bạn muốn mình cùng với người yêu thương đi đâu đó cho một kỳ nghĩ lễ thật sự ấm áp trong cái lạnh mùa đông năm nay? Bạn muốn lưu lại những khoảnh khắc đang nhớ của cuộc sống và quan trọng hơn là bạn không phải một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp. Bệnh viện máy ảnh Việt Nam sẽ gợi ý cho các bạn một số kinh nghiệm chọn mua máy ảnh DSLR. Nếu không phải là dân chuyên nghiệp, bạn có thể tìm mua máy ảnh kĩ thuật số ống kính rời (DSLR) với giá dưới 1.000 USD. Nhưng làm thế nào để chọn đúng máy. Đó là điều chúng ta cần cân nhắc. Máy ảnh ống kính rời DSLR khá đắt tiền, nên việc chọn mua máy cũng đòi hỏi bạn phải cân nhắc kỹ nhu cầu của mình trước khi quyết định. Có thể bạn chỉ cần chiếc máy số ống kính rời sử dụng đơn giản như máy ngắm chụp, hoặc bạn thực sự muốn tận dụng tất cả những tính năng của máy. Nhờ những cải tiến gần đây, máy ảnh DSLR đang ngày càng được các nhà nhiếp ảnh nghiệp dư ưa chuộng. Các máy ảnh DSLR hiện nay có các chế độ chụp định trước, giao diện thân thiện, chế độ hướng dẫn hữu ích và có thiết kế gọn nhẹ hơn. Cũng như máy ảnh compact, máy ảnh DSLR cũng phân thứ hạng cao thấp. Rất nhiều chiếc DSLR dòng khởi điểm cho phép sử dụng như máy point-and-shoot thông qua các chế độ đặt sẵn, trong khi các model chuyên nghiệp thì phải tùy chỉnh nhiều hơn. Sau đây là một số gợi ý để bạn cân nhắc khi mua máy ảnh DSLR. SỐ ĐIỂM ẢNH Số điểm ảnh megapixel (hay còn gọi là độ phân giải) cao chưa chắc đã cho chất lượng hình ảnh tốt hơn. Tuy nhiên, nó cho phép bạn linh hoạt hơn khi cắt cúp hay phóng to hình. Ngày nay, hầu hết máy ảnh số đều có số điểm ảnh ít nhất là 10-megapixel, nhiều hơn mức cần thiết đối với hầu hết các nhà chụp ảnh. Ảnh chụp ở độ phân giải 5-megapixel là đủ để in ra ảnh kích thước 8x10-inch rõ nét. Ảnh chụp 8-megapixel có thể in ra ảnh 11x14-inch rõ nét. Một tập tin 10-megapixel có thể in ra ảnh 13x19-inch chấp nhận được dù có thể bị mất vài chi tiết. Ảnh chụp bằng máy ảnh 13-megapixel in ra đẹp với cỡ 13x19-inch. Nhiều máy ảnh DSLR ngày nay có độ phân giải cao hơn 13-megapixel - tốt hơn để phóng to và cắt cúp hình ảnh của bạn. Nên nhớ rằng số megapixel càng cao, dung lượng tập tin càng lớn, làm chiếm chỗ trên thẻ nhớ của máy ảnh và đĩa cứng máy tính của bạn. KÍCH CỠ BỘ CẢM BIẾN Kích cỡ cảm biến: Kích cỡ cảm biến càng lớn thì chất lượng hình ảnh càng cao. Hiện tại, máy ảnh DSLR sử dụng hai loại cảm biến CCD và CMOS với ba kích thước: Full Frame (nguyên khung – bằng kích thước phim 35 mm: 36 × 24 mm), APS-C (dao động từ 20,7 × 13,8 mm tới 28,7 × 19,1 mm – với kích thước đường chéo nhỏ hơn Full Frame 1,5 đến 1,6 lần) và Four-Thirds (18 × 13,5 mm). Do phần lớn các máy DLSR đều xây dựng trên chuẩn máy phim 35 mm, nên những cảm biến kích thước nhỏ hơn sẽ chịu một hiệu ứng gọi là “crop factor” (hệ số cúp nhỏ). Cảm biến nhỏ sẽ thu được khung hình nhỏ hơn tạo cảm giác hình được chụp bằng ống kính có tiêu cự lớn hơn tiêu cự công bố khi so sánh với khổ 35 mm (lớn hơn khoảng 1,5 tới 1,6 lần ở khổ APS-C, và 2 lần ở khổ Four-Thirds). Lưu ý – tiêu cự càng lớn thì góc nhìn càng nhỏ và càng kéo gần lại được vật thể ở xa. Với người hay chụp xa (tele), dùng máy có cảm biến nhỏ sẽ thích hơn vì vươn được xa hơn. Trái lại, người chụp cảnh rộng nếu dùng cảm biến nhỏ sẽ không được như ý vì khung hình đã bị thu hẹp lại. Hiện nay có rất nhiều ống kính góc rộng được thiết kế dành cho máy ảnh số cảm biến nhỏ. Như vậy, nếu bạn chụp ảnh thể thao và thiên nhiên hoang dã thì cảm biến nhỏ có lợi hơn bởi nó mang lại hiệu ứng phóng lớn hình cho các ống kính tele và zoom. Máy sử dụng cảm biến Full Frame bao giờ cũng lớn nhất và đắt nhất. Cảm biến kích thước lớn cũng đồng nghĩa với khả năng chụp thiếu sáng tốt. Nhược điểm của hệ thống này là kích thước lớn, đắt tiền; hơn nữa phải dùng những ống kính thực sự tốt và đắt thì mới cho ảnh đẹp trên toàn khung hình; ngoài ra máy Full Frame cũng không có lợi thế khi chụp xa. Các máy ảnh DSLR chủ yếu dùng cảm biến APS-C với hệ số cúp 1,5 hoặc 1,6 lần, khi dùng bạn sẽ phải cần ống kính góc rộng hơn để có góc chụp bằng với khổ 35 mm. Máy loại này thường rẻ hơn rất nhiều so với hệ thống Full Frame và ống kính cho nó giá cũng chấp nhận được. Các ống kính bán kèm theo máy (kit lens) cũng là những khởi đầu tốt cho phép chụp từ góc rộng tới tele tầm ngắn. Four Thirds (bốn phần ba) là hệ “số hóa hoàn toàn” phát triển bởi Olympus và hiện đang được áp dụng cho các máy Olympus và Panasonic. Hệ Four Thirds không phát triển trên máy phim có sẵn và dùng ngàm ống kính hoàn toàn khác, do vậy tất cả các ống kính của hệ thống này được thiết kế cho máy ảnh số và do đó không áp dụng hệ số cúp. Với kích thước cảm biến nhỏ nhất, hệ Four Thirds sẽ có thân máy và ống kính gọn hơn một chút, trong khi khác biệt về chất lượng ảnh do cảm biến nhỏ hơn không lớn lắm so với cảm biến lớn trên máy DSLR tiêu chuẩn. HỆ THỐNG RUNG VÀ CHỐNG RUNG Có hai cơ chế chống rung được áp dụng ở máy DSLR đó là chống rung quang học (dịch chuyển một thấu kính trong ống kính để đối trọng lại rung) và chống rung cơ học (dịch chuyển cảm biến trong thân máy). Mỗi hãng sản xuất có một cách đặt tên riêng cho chống rung. Ví dụ, “siêu ổn định ảnh” (Super SteadyShot), “chống rung” (Anti Shake), “giảm dao động” (Vibration Reduction), “siêu ổn định ảnh quang” (Mega OIS). Nếu chọn hệ thống chống rung nằm ngay trong thân máy thì hiệu quả chống rung sẽ tốt hơn, máy sẽ hạn chế rung cho bất cứ ống kính nào. Trong khi đó, chống rung quang trên ống kính thì chỉ giúp chống rung cho máy ảnh nào tích hợp công nghệ đó mà thôi. Sony, Pentax và Olympus có khuynh hướng đặt chống rung trong thân máy, giúp người sử dụng có thể lắp bất cứ ống kính tương thích nào vào máy cũng như không làm mất đi tính năng chống rung hình ảnh. Còn Canon, Panasonic và Nikon áp dụng chống rung quang trên ống kính (trong đó có cả các ống kit bán kèm) nên người dùng bắt buộc phải mua ống kính có tính năng chống rung thay vì ống kính thường. Mặc dù các ống kính chống rung đang ngày càng rẻ dần nhưng người tiêu dùng vẫn phải bỏ ra kinh phí kha khá cho sản phẩm này. Theo nhiều người sành máy ảnh, chống rung bằng ống kính cho hình ảnh ổn định hơn chống rung bằng cảm biến. Tuy nhiên, để có bức ảnh rõ nét, không bị nhòe, người sử dụng cần cầm máy chắc chắn, đồng thời khi chụp với tốc độ chậm hơn 1/8 giây, nên sử dụng chân máy. TỐC ĐỘ Một chiếc DSLR dù là dòng khởi điểm cũng lấy nét và chụp nhanh hơn bất kỳ một chiếc máy compact nào. Hơn nữa, dòng càng cao thì lấy nét càng nhanh hơn. Tuy nhiên, sự khác biệt lại nằm ở tốc độ chụp liên tiếp – tính năng cần thiết khi chụp thể thao và thiên nhiên hoang dã. Do đó, khi lựa chọn và phân biệt các dòng máy khác nhau, bạn nên để ý tới thông số này. Hầu hết dòng DSLR khởi điểm đều cho phép chụp liên tiếp 2,5 hoặc 3 hình mỗi giây. Trong khi đó, dòng máy trung hoặc bán chuyên thường có tốc độ chụp liên tiếp là ít nhất 5 hình/giây, một số model còn chụp được 10 – 11 khung hình/giây. Lưu ý, bộ nhớ đệm (buffer) càng lớn thì máy càng có khả năng chụp nhiều hình trong một lần liên tiếp (burst). KÍCH THƯỚC, TRỌNG LƯỢNG VÀ ĐỘ BỀN Máy ảnh DSLR có rất nhiều hình dáng và kích thước khác nhau, từ siêu gọn nhẹ khởi điểm tới các mẫu chuyên nghiệp to, chắc và nặng. Hiện có những mẫu DSLR chỉ khoảng 500 gram với một ống kính nhỏ. Nếu hay phải tác nghiệp ở những nơi ẩm ướt bụi bặm thì nên kiếm những chiếc máy bền thời tiết, vỏ hợp kim magiê, và thêm hệ thống rung tự rũ bụi cho cảm biến thì càng tốt. Dĩ nhiên, thêm tính năng này thì giá cũng chẳng thể rẻ được. Màn hình và chế độ ngắm chụp bằng màn hình (Live View) Trước đây, đặc tính của máy ảnh DSLR là chỉ có thể ngắm chụp qua ống ngắm quang mà thôi, nhưng hiện nay đã có ngày càng nhiều máy ảnh loại này cho phép ngắm chụp bằng màn hình LCD như máy compact. Chế độ Live View ở máy DSLR không phải là không có nhược điểm, nó làm quá trình chụp chậm hơn rất nhiều bởi thiết kế của DSLR là phải lật gương lên để cho phép Live-View nhưng lại phải lật gương xuống để lấy nét và chụp. Một số máy cho phép lấy nét ngay ở trong Live View nhưng cũng khá chậm. Cũng từ đặc điểm này mà loại máy ảnh không gương lật ra đời, cho phép loại bỏ gương và kính ngắm quang để giảm kích thước máy cũng như tăng độ tiện dụng trong thao tác chụp ảnh. Thực tế, chế độ Live View rất hữu ích với người chụp, cho phép kiểm tra độ nét và chụp trong những tư thế khó khăn (máy thấp sát đất hoặc cao quá đầu). Một số máy có màn hình xoay được nên việc ngắm chụp trong những tư thế khó khăn sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. GIÁ CẢ Để bắt đầu cho việc tìm mua máy ảnh DSLR, hãy xác định mức giá bạn định dành cho nó, bởi giá cả của máy ảnh DSLR rất vô chừng, tùy vào đẳng cấp của máy. Lưu ý rằng bạn sẽ phải chi thêm tiền cho những thứ sau, nếu muốn sở hữu máy ảnh DSLR: ống kính, pin phụ, thẻ nhớ, túi đựng, kính lọc… LỰA CHỌN THƯƠNG HIỆU Về thương hiệu, Nikon và Canon được đánh giá cao nhất trong các dòng máy DSLR trên thị trường. Nikon là thương hiệu DSLR số 1 Nhật Bản, song tại Việt Nam có lẽ Canon nổi trội hơn, có thể do số lượng sản phẩm của Canon nhiều hơn, hỗ trợ chính hãng tốt hơn. Theo đánh giá của người dùng, các thương hiệu máy ảnh DSLR có thể xếp theo thứ tự sau: Nikon>Canon>Pentax>Panasonic>Sony> Olympus… Khi chọn một thương hiệu máy ảnh, người tiêu dùng cần đặc biệt lưu ý đến phụ kiện của sản phẩm vì máy ảnh nào sẽ đi với phụ kiện đó. Hầu hết phụ kiện của máy này sẽ không thể lắp lên máy khác được. Thông thường, tài chính rót vào phụ kiện máy ảnh bao giờ cũng cao hơn hơn giá mua máy ảnh. Vì thế, việc tính toán các nhu cầu sẽ nảy sinh trong tương lai, như mua thêm đèn, thêm ống kính… là điều cần thiết. Và cuối cùng là nơi bảo dưỡng bảo trì sản phẩm. Lựa chọn đầu tiên chính là các trung tâm chăm sóc khách hàng của nhà cung cấp sản phẩm. Hãy mang tới để kiểm tra thường xuyên nhằm đảm bảo rằng máy bạn luôn ở trạng thái tốt nhất. Hoặc bạn có thể mang tới Bệnh Viện Máy Ảnh Việt Nam(Số 7, Nam Quốc Cang, Phường Phạm Ngũ Lão, Quận 1) để được chăm sóc tốt nhất cũng như lựa chọn các sản phẩm máy ảnh ưng ý, vừa túi tiền hay phụ kiện chính hãng của các dòng máy ảnh hiện có. Lời kết Với tất cả các yếu tố kể trên để xem xét, khó có thể đề nghị loại máy nào là tốt nhất cho mọi người. Hầu hết đều phải tùy theo nhu cầu, thương hiệu, kích thước, kiểu chụp, sở thích cá nhân và quan trọng hơn hết là túi tiền của bạn.