Bi kịch này không nằm ngoài dự đoán, bởi lẽ hãng ảnh 131 năm tuổi này từ lâu đã mất khả năng cạnh tranh với các đối thủ. [TABLE="align: center"] [TR] [TD] [/TD] [/TR] [TR] [TD] Cha đẻ của Kodak - George Eastman (trái) và nhà phát minh Thomas Edison - Ảnh: Internet [/TD] [/TR] [/TABLE] Đế chế kéo dài hơn một thế kỷ Câu chuyện bắt đầu từ năm 1880, khi một người Mỹ mang tên George Eastman phát minh ra đĩa phim khô và được cấp bằng sáng chế, sau đó thành lập Công ty Eastman Kodak. Bốn năm sau, Kodak bắt đầu hái quả ngọt khi thay thế ảnh kính bằng phim cuộn. Sản phẩm này dần được ưa chuộng vì tính tiện dụng cao. Trong thời kỳ này, Kodak bắt đầu sản xuất phim hàng loạt với chi phí thấp. Đẩy mạnh phát triển chuỗi cung ứng toàn cầu và không ngừng nghiên cứu, cải tiến sản phẩm của mình. Với triết lý "không có gì quan trọng hơn giá trị của thương hiệu”, Kodak tập trung vào việc khẳng định chất lượng, từ đó dần dần vươn lên trở thành một tên tuổi lớn. Với sản phẩm chủ lực là máy ảnh, phim cuộn và các phụ kiện ngành ảnh khác, chỉ trong vòng 18 năm từ năm 1963-1981, doanh thu hằng năm của Kodak đã tăng gấp 10 lần (từ 1 tỉ USD đến 10 tỉ USD). Trong thời kỳ hoàng kim của mình, ông vua Kodak đã kinh doanh trên ba mảng chính: máy ảnh và phụ kiện, thiết bị y tế (phim chụp, hóa chất xử lý phim… ), và truyền thông đồ họa (các loại máy in). Tuy vậy, Kodak đã phạm sai lầm lớn khi không kịp chuyển mình để phù hợp với thời đại kỹ thuật số. Kết quả, Kodak đã bị đối thủ qua mặt. Máy ảnh phim của Kodak không thể cạnh tranh với những máy ảnh kỹ thuật số đầy tiện dụng (mặc dù Kodak là hãng tiên phong nghiên cứu phát triển phim ảnh kỹ thuật số và cũng là hãng sản xuất thành công máy ảnh số đầu tiên). Đến năm 2000, khi tham gia làm cuộc chiến ảnh số, Kodak chỉ mất 5 năm để quay trở lại ngai vàng với doanh thu đứng đầu tại Mỹ. Nhưng niềm vui ngắn chỉ tày gang, khi các lãnh đạo Kodak quyết định chỉ tập trung vào mảng in ấn và chia sẻ ảnh số, Kodak bắt đầu thua lỗ và tuột dốc không phanh. Sau nhiều thất bại liên tiếp, đến năm 2012 Kodak đứng trước bờ vực phá sản. Tại sao Kodak thất bại? Có thể thấy ngay Kodak đã không thức thời khi đánh giá sai tiềm năng của công nghệ kỹ thuật số. Việc rửa một cuốn phim thành ảnh không thể tiện lợi hơn việc in một tập tin ảnh. Chưa kể với máy ảnh số, người dùng có thể chụp nhiều lần thỏa thích mà không sợ tốn phim như trước. Tuy sản xuất máy ảnh số đầu tiên, nhưng vì sợ ảnh hưởng đến doanh thu máy in ảnh lúc bấy giờ nên Kodak đã bỏ qua phát triển loại máy ảnh tiên tiến này. Và cũng chính những chiến lược sai lầm của Antonio Perez - CEO của Kodak thuở đó - cũng đã khiến Kodak bị thụt lùi lại phía sau. Perez đã cho rằng “kinh doanh máy ảnh số không có gì thú vị”, sau đó lao vào sản xuất máy in ảnh. Nhưng liệu còn ai mua máy in ảnh của Kodak khi vào thời điểm ấy Sony tung ra mẫu máy in không cần phim. Ngạc nhiên hơn, nó còn có thể hiển thị ảnh trước khi in trên màn hình tivi! Tuy vậy, nguyên nhân trực tiếp kết liễu Kodak lại chính là khoản tiền phát sinh từ những vụ kiện tụng bằng sáng chế giữa Kodak với các đối thủ, tiêu biểu là Apple và RIM. Kodak đã trượt dài trong khủng hoảng khi không thể kiếm tiền bằng cách kiện tụng, cũng không thể tạo ra lợi nhuận từ những sản phẩm lỗi thời. Lối thoát nào cho “vị vua” 131 năm tuổi? Hi vọng gần như là con số 0! Đứng trước nguy cơ phá sản, Kodak hiện rao bán 1.100 bằng sáng chế để lấy tiền hoàn tất thủ tục xin bảo hộ phá sản. Nếu chẳng ai mua, Kodak sẽ lại phải xin tiền các chủ nợ để có thể hạ cánh an toàn. Bước đầu thành công với 1 tỉ USD và 131 năm sau, đến khi phá sản, Kodak cũng không có đủ 1 tỉ USD để hoàn thành những thủ tục pháp lý cần thiết. Dẫu biết khó ai có thể đứng mãi trên đỉnh vinh quang. Nhưng với trường hợp của Kodak, ngày tàn hôm nay lại là một bài học lớn. Điểm lại những cột mốc đáng nhớ trong lịch sử hãng ảnh Kodak 1880 - George Eastman bắt đầu sản xuất và bán các tấm phim khô để chụp ảnh ở Rochester, New York. 1888 - Thương hiệu "Kodak" ra đời, máy ảnh hiệu Kodak với khổ ảnh 2,5 inch được tung ra thị trường với khẩu hiệu ăn khách: "Bạn chỉ việc bấm, chúng tôi làm phần còn lại" 1900 - Máy ảnh Brownie ra đời giá chỉ 1 USD và cuộn phim giá 15 cent. 1929 - Kodak lần đầu tiên giới thiệu phim nhựa dùng cho ngành điện ảnh. 1935 - Bán ra loại phim màu mang tên Kodachrome, đây cũng là loại phim màu thành công nhất của hãng. 1962 - Kodak vượt doanh thu 1 tỉ USD, nhân công lên đến 75.000 người. 1963 - Kodak bán máy ảnh Instamatic dùng một lần với phim gắn sẵn bên trong, loại này đã tiêu thụ được hơn 50 triệu đơn vị (tính đến năm 1970). 1975 - Phát minh ra chiếc máy ảnh kỹ thuật số đầu tiên của thế giới. 1981 - Lần đầu tiên Kodak vượt doanh số 10 tỉ USD. 1984 - Kodak nhảy vào thị trường video, làm ra băng video cassette theo chuẩn Beta và VHS, sản xuất cả đĩa mềm máy tính. 1992 - Phát hành đĩa CD có thể ghi được. 2003 - Tung ra máy in ảnh Kodak Easyshare printer dock 6000. 2004 - Bắt đầu chuyển sang công nghệ phim ảnh kỹ thuật số, nhanh chóng thua lỗ và cắt giảm nhân công. 2008 - Bắt đầu khai thác danh mục đầu tư bằng sáng chế của mình, mang lại gần 2 tỉ USD trong vòng 3 năm. 2010 - 2012: Sa đà vào tranh chấp pháp lý với Apple và RIM, thua lỗ kéo dài dẫn đến việc phải rao bán 1.100 bằng sáng chế và đệ đơn xin bảo hộ phá sản. Nguồn: tuoitre.vn
Than ôi thời oanh liệt nay còn đâu.Một thời trung thành với phim nữa chụp hình của Kodak. Phải nói phim nhựa của Kodak là nhất quả đât
Máy ảnh Kỹ thuật số Kodak giá rẻ mà chụp rất đẹp. Phải chi đầu tư vào nhỉ. Đang mún mua con X500 của nó.
Chắc chắn mảng film của Kodak vẫn rất hấp dẫn nhà đầu tư. Theo mình được biết hiện film của kodak - đặc biệt sử dụng trong y tế - còn đang sử dụng rất phổ biến.