Liệu giá cước của Viettel có thấp hơn 2 "đại gia"?

Thảo luận trong 'Tin Tức Chung' bắt đầu bởi nxc, 25 Tháng năm 2004.

  1. nxc Ex-SMod

    Trước nguy cơ mạng điện thoại di động của 2 "đại gia" Mobifone và Vinaphone có thể bị "sập", Cty điện tử viễn thông quân đội (Viettel) đang xúc tiến nhanh việc cung cấp dịch vụ điện thoại di động (098xxxxxxx), có thể đi vào hoạt động ngày 1.7. Ông Dương Văn Tính - Phó Giám đốc Viettel) đã dành cho báo chí một cuộc phỏng vấn xung quanh sự kiện này.


    Thưa ông, ông có cho rằng mạng điện thoại di động của 2 "đại gia" đang quá tải là cơ hội tốt để dịch vụ điện thoại di động của Viettel ra mắt?


    Chúng tôi đang rất nỗ lực để cung cấp dịch vụ trong thời gian sớm nhất. Hiện nay chúng tôi đã triển khai xong pha 1 ở HN, TPHCM và Đà Nẵng đồng thời đang mở rộng ra các tỉnh, thành phố trên cả nước. Riêng thoại từ mạng di động với điện thoại cố định mới xong về cơ bản, chưa mở hết được các tỉnh thành phố (khoảng 50 tỉnh, thành phố). Việc thử nghiệm đang được tiến hành trong phạm vi nội bộ, nhìn chung chất lượng dịch vụ tốt.

    Khi chính thức cung cấp dịch vụ thoại có đồng thời triển khai các dịch vụ gia tăng như nhắn tin ngắn...?


    Mong muốn của chúng tôi là khi đã thông về dịch vụ thoại sẽ có cả dịch vụ nhắn tin. Về dịch vụ nhắn tin, chúng tôi cũng đã đàm phán với Vinaphone và Mobifone, nhưng đang còn chờ ý kiến của TCty Bưu chính Viễn thông (VNPT).



    Khi dịch vụ ra mắt, cố gắng có khoảng 400 trạm phát sóng, tập trung ở các vùng đông dân cư, nhiều nhất là ở TPHCM (chiếm 1/4 số trạm phát sóng), tiếp đó là HN, Đà Nẵng, sau đó mới đến các vùng khác. Dự kiến thời gian đầu phát triển được khoảng 1 triệu thuê bao. Chúng tôi đang cố gắng tiến tới phủ sóng ở tất cả các tỉnh thành phố.

    Còn ở nơi Viettel chưa phủ sóng mà ở đó có sóng của Vinaphone hoặc Mobifone thì có thể chuyển vùng (roaming) sang 2 mạng đó?



    Chúng tôi đang đàm phán và còn đang chờ ý kiến của VNPT.

    Tới thời điểm này Viettel đã có phương án cước?



    Trước đây chúng tôi đã tính đến vấn đề cước rồi, nhưng sau khi VNPT giảm một loạt cước, cũng như thay đổi cách tính cước theo block 30 giây (từ 1.5) thành thử chúng tôi lại phải bàn lại để có phương án khác, đảm bảo cạnh tranh. Giá cước của Viettel ít ra cũng phải ngang bằng chứ cũng không thể cao hơn giá cước của Mobifone và Vinaphone.

    Ông Thước (Phó Tổng Giám đốc VNPT) đã nói trước công luận rằng: "Các doanh nghiệp mới không nên dùng giá để cạnh tranh với VNPT", ông có bình luận gì không?



    Ý tứ đó cũng có phần đúng. Vì, doanh nghiệp mới bao giờ cũng có những khó khăn hơn; thị trường viễn thông hiện đang có hơn 8 triệu thuê bao trong đó điện thoại cố định khoảng 4,8 triệu, còn lại là điện thoại di động. Chúng tôi mới ra, đầu tư lớn, khách hàng chưa có, nếu như giá thành của chúng tôi không bảo đảm (giá thành dịch vụ mà cao) thì sẽ khó mà cạnh tranh được với 2 "đại gia" về giá.

    Cước nhắn tin ở các nước chỉ bằng 1/10 cước thoại, còn ở VN thì cước nhắn tin bằng 1/3 cước thoại như vậy là quá cao!



    Cước điện thoại di động ở Việt Nam vẫn cao, nên kéo theo cước nhắn tin cũng cao. Có lẽ nên giảm cước nhắn tin như của S-Fone (300 đồng/tin) là hợp lý.

    Doanh nghiệp mới phải thoả thuận về tỉ lệ ăn chia với VNPT sẽ khó tránh khỏi việc một bên (VNPT) được Nhà nước giao quản lý và khai thác hạ tầng viễn thông (được khoác áo độc quyền nhà nước) sẽ đưa ra tỉ lệ ăn chia thiếu bình đẳng mà các doanh nghiệp mới khó chấp nhận, dẫn tới việc đàm phán kéo dài, triệt tiêu cơ hội kinh doanh và cạnh tranh của doanh nghiệp mới?



    Đúng như nhà báo nhận định. Một bên thì rất "to" còn một bên rất "nhỏ"; bên "nhỏ" thì cần, còn bên "to" thì không cần; bên "nhỏ" lại buộc phải kết nối với bên "to" kể cũng... khó. Chúng tôi đã nhiều lần có ý kiến rằng khi hai doanh nghiệp tiến hành đàm phán mà có những khó khăn hoặc kéo dài thời gian đàm phán quá lâu, cơ quan quản lý nhà nước nên đứng ra làm trọng tài thì sẽ đẩy tiến trình đàm phán nhanh hơn, và dịch vụ sẽ sớm được cung cấp tới khách hàng.

    Viettel cũng sử dụng công nghệ GSM và VNPT cũng sử dụng công nghệ GSM, như vậy sẽ loại trừ được lý do không tương thích về công nghệ, đáng lý thời gian thoả thuận kết nối phải nhanh hơn, nhưng sao lại chậm?



    Cùng công nghệ thì việc kết nối cũng... thuận. Vì nhiều lý do tế nhị, tôi xin khất trả lời câu hỏi này.

    Xin cảm ơn ông.

    Theo www.tintucvietnam.com