Loa di động đang “gặp thời” Sự phổ biến của các thiết bị nghe nhạc từ máy MP3, MP4 đến các "dế" nghe nhạc như iPhone đang tạo cơ hội tiêu thụ cho các thiết bị ăn theo, điển hình là lo di động. Nhiều người chọn loa hiệu JBL vì nhỏ, gọn, giá khoảng 125 USD, dùng được cho cả iPhone, iPod và cả di động. Hầu hết các chủ cửa hàng hi-tech cho rằng, "loa di động đang tiêu thụ rất tốt". Đối tượng mua mặt hàng này rất đa dạng, từ những người sành chơi, sành đồ hi-tech, đến những khách hàng bình dân và cả đối tượng sinh viên. Trước đây, cả tuần mới bán được 1-2 bộ loa di động, thì hiện nay rất nhiều khách hàng hỏi mua loa cho iPod, ĐTDĐ... Đa dạng loa di động Sự "gặp thời, gặp vận" của mặt hàng loa di động cũng khá dễ hiểu. Theo các chủ cửa hàng, ngày nay thiết bị nghe nhạc di động như iPod, các loại máy MP3, MP4 rất phổ biến. Bên cạnh đó, hầu hết các dòng ĐTDĐ có đều tính năng nghe nhạc, giá cũng rất bình dân, chỉ khoảng trên dưới 1 triệu đồng. Có thể chia mặt hàng loa di động thành 2 chủng loại: Loa dành cho iPod và loa cho ĐTDĐ. Loa dành cho iPod thường kiêm luôn chức năng sạc pin cho máy, vừa nghe nhạc vừa sạc pin, rất tiện lợi khi người dùng mang theo trong những chuyến du lịch. Loa cho iPod cũng có thể dùng để nghe nhạc từ ĐTDĐ, miễn là có giắc cắm tương thích. Trên thị trường hiện có bán nhiều mẫu loa khác nhau dành cho iPod, các nhãn hiệu như JBL, Altec Lansing, Logitech... với nhiều hình dáng khác nhau. Theo chị Hiền, người quản lý cửa hàng Hi-Tech USA ở 23 Hàng Bài (Hà Nội), loa hiệu JBL (Mỹ) được khá nhiều khách hàng lựa chọn, mức giá cũng phải chăng, dáng nhỏ, gọn. Đối với loa cho ĐTDĐ, khi mua cần lưu ý giắc cắm của điện thoại là loại 2,5 mm hay 3,5 mm để mua loại loa phù hợp. Loa cho ĐTDĐ, ngoài những tên tuổi sản xuất loa như Logitech, Edifier..., các hãng sản xuất ĐTDĐ như Nokia, Samsung, Sony Ericsson … cũng sản xuất loa dành cho "dế". Nói về giá cả, mặt hàng loa dành cho iPod, ĐTDĐ cũng rất đa dạng. Hầu hết các sản phẩm nhãn hiệu của Mỹ, Canada có giá khoảng 100 USD trở lên. Cũng có những bộ loa có mức giá "khủng" mà nhiều người chỉ "hỏi để biết" chứ không mua, bởi mức giá của loại phụ kiện này còn cao hơn cả thiết bị chính. Chẳng hạn bộ loa Scandyna The Drop có mức giá gần 1.000 USD, đây được giới thiệu là dòng loa hi-end dành cho iPod, hình dáng loa như 2 giọt nước. Đối với những mẫu loa này, mức tiêu thụ khá chậm và chỉ có những khách hàng có điều kiện dư dả tài chính, sành điệu, "chịu chơi" và cầu kỳ về sản phẩm số mới mua. "Tiền nào của nấy" Trên thị trường có nhiều sản phẩm loa di động có mức giá rất rẻ. Loại có xuất xứ từ Trung Quốc, giá "mềm" khoảng từ 20 - 30 USD, thậm chí rẻ hơn như loa iSOUND IS-618 của Hong Kong có giá 5 USD. Loại loa này cũng khá đẹp, nhỏ gọn hình quả táo, vỏ loa bằng nhựa nên có trọng lượng rất nhẹ. Nhưng ngay cả người bán những sản phẩm này cũng thừa nhận chất lượng âm thanh không thể bằng mặt hàng "nặng đô" kia. Anh Trần Bá Sơn, quản lý sản phẩm của Công ty SVHouse, hãng chuyên bán các loại loa, phụ kiện dành cho thiết bị di động, thiết bị chơi game ở Hà Nội, cho biết loa di động là sản phẩm khó làm nhái vì liên quan đến chất lượng âm thanh. Nếu là hàng giả, hàng nhái, khi nghe thử, loa rè, trong, đục người nghe dễ phát hiện. Ngoài ra, để sản xuất ra một chiếc loa có hình dáng giống hàng thật, âm thanh "thật" để dễ lừa người mua, mức chi phí bỏ ra cũng phải gần bằng sản phẩm thật. Các chủ cửa hàng bán loa dành cho ĐTDĐ, iPod như TechLand, Hi-Tech USA đều khẳng định đây là mặt hàng khó làm giả, nhái. Tuy nhiên, trên các diễn đàn như vnav.net (Mạng nghe nhìn Việt Nam), vn-zoom.com hay trang aha.vn, đề tài loa giả, thật được bàn luận khá sôi nổi. Một số "mánh" tránh bị lừa khi mua hàng là tìm hiểu kỹ thông tin sản phẩm trên mạng Internet, thông số kỹ thuật, giá bán ngay trên trang web chính hãng hoặc nhà phân phối chính thức. Ngoài ra, có thể có một số biện pháp quan sát thủ công như sờ vào màng loa, logo nhà sản xuất, đường nét của loa. Biện pháp an toàn nhất được nhiều người nhắc đến là chọn cửa hàng uy tín, nhờ người am hiểu đi mua cùng. Theo ICTnews