Liệu rằng chất liệu làm nên bộ khung điện thoại của bạn, bất kể là nhôm, nhựa hay gỗ, có giúp bảo vệ cho màn hình tốt hơn hay không? Khi tham dự Hội chợ Điện tử Người tiêu dùng CES 2014, biên tập viên Mat Honan của Wired đã gặp phải một bất ngờ không hề thú vị chút nào hết. Một tuần trước khi CES 2014 diễn ra, Honan sắm cho mình một chiếc Moto X tuyệt đẹp với lưng bằng tre. Tại hội chợ này, trong một ngày tham dự, anh đặt chiếc smartphone mới mua vào túi quần sau. Điều mà Honan không để ý tới là trong túi quần của anh còn có một vật thể khác: một chiếc USB. Chắc hẳn bạn sẽ nghĩ rằng chỉ có vật thể nhọn, cứng như chìa khóa mới có thể làm hỏng màn hình điện thoại? Bạn đã nhầm. Khi Honan rút chiếc Moto X của mình ra khỏi túi quần, anh tìm thấy hàng chục mảnh kính vụn. Màn hình Moto X vỡ nát chỉ vì một vật thể khá nhỏ bé và tưởng chừng như vô hại: ổ USB. "Tôi rất khó chịu vì chiếc điện thoại mới tinh, chiếc điện thoại mà tôi đã bỏ những đồng tiền quí báu ra để mua, lại có thể bị hư hại vì một vật dụng bình thường mà tôi rất dễ không để ý tới", Honan phàn nàn ngay trong màn tường thuật của Wired tại CES 2014. "Kiểu như là, tôi chẳng biết cái gì đã xảy ra cả. Tự nhiên nó vỡ vụn ra. QUÁ CHÁN!". Motorola DROID Razr Đây là một "căn bệnh" của thời đại. Các nhà sản xuất đang thử nghiệm ngày một nhiều với những chất liệu lạ lùng, nhằm tạo ra các mẫu smartphone siêu mỏng có thể giúp họ trở nên khác biệt so với những sản phẩm đình đám của đối thủ cạnh tranh. Ví dụ, Motorola đã sử dụng chất liệu sợi kevlar (của áo chống đạn) trên các mẫu DROID Razr của năm nay, giúp chúng trở nên cực kì mỏng và nhẹ. Khi ra mắt vào năm 2010, iPhone 4 khiến cả thế giới phải thán phục vì thân kính cao cấp. Dòng sản phẩm Lumia của Nokia dù chỉ sử dụng chất liệu nhựa polycarbonate nhưng vẫn được đánh giá rất cao về thiết kế, do chất liệu này có bề mặt vân tạo cảm giác rất dễ chịu khi sử dụng và cũng có màu sắc rất trẻ trung. Các thế hệ iPhone và HTC One mới sử dụng thân nhôm cũng được báo giới và người hâm mộ đánh giá rất cao. Các nhà sản xuất sẽ phải xét tới 2 yếu tố khi lựa chọn chất liệu cho lớp vỏ: độ bền và "cá tính" riêng của smartphone. Mỗi loại vật liệu sẽ có điểm mạnh và điểm yếu riêng khi xét tới hai yếu tố này, song độ bền vẫn là yếu tố quan trọng hơn cả. Trong quá trình sử dụng hàng ngày, điện thoại của bạn chắc chắn sẽ bị va đập, sẽ bị xước. Chất liệu sử dụng sẽ quyết định tới độ bền cấu trúc của smartphone. Chất liệu polycarbonate cứng cáp trên Lumia 920 tạo ra cảm giác khá an tâm cho người sử dụng "Lớp vỏ ốp nên có độ cứng cao hơn và có thể chống uốn cong tốt hơn", giáo sư Ronald Gronsky, chủ nhiệm bộ môn Phân tích Vật liệu Cao cấp tại Đại học Berkeley, Mỹ khẳng định. "Yếu tố này sẽ giúp cho cả các linh kiện điện tử bên trong và màn hình cảm ứng bên ngoài không bị hư hại". Giáo sư Gronsky cho biết thân máy bằng kim loại sẽ giúp bảo vệ smartphone tốt nhất, sau đó là chất liệu gỗ và nhựa polymer. Ông cũng khẳng định vật liệu làm vỏ điện thoại sẽ được ép rất mỏng để đảm bảo tạo ra sản phẩm đủ gọn, nhẹ để giúp người dùng có thể dễ dàng nhét chúng vào túi quần hoặc sử dụng bằng một tay. Nhưng vật liệu được sử dụng làm vỏ lưng điện thoại không phải là yếu tố duy nhất giúp cho điện thoại có thể chống vỡ màn hình tốt hơn. Cấu trúc bên trong của điện thoại là quan trọng nhất. Nói cách khác, bố cục và thiết kế nằm bên dưới lớp vỏ lưng màu sắc mới chính là yếu tố giúp màn hình điện thoại sống sót qua các cú va đập. Minh chứng cho điều này là dòng Galaxy của Samsung. "Samsung Galaxy S3 và S4 đạt kết quả tốt không kém gì iPhone trong các thử nghiệm độ bền, ngay cả khi chúng chỉ có thân nhựa như Moto X", chuyên gia Kyle WIens của iFixit khẳng định với Wired. Khi tháo phần nắp lưng của điện thoại Galaxy, bạn có thể bẻ và uốn cong chúng tới một mức nhất định, song chắc chắn lớp nhôm trên vỏ iPhone 5 sẽ không méo mó một chút nào với lực tương tự. Khả năng bị nứt, vỡ của màn hình được quyết định bởi khả năng chống lực xoắn và độ bền cấu trúc của thiết bị. Kính không phải là một chất liệu có thể uốn cong, do đó nếu bạn cố tình bẻ cong điện thoại, lực tác động sẽ làm vỡ màn hình. Khi thiết kế điện thoại Galaxy, Samsung đã cố tăng tính bền bỉ của smartphone bằng cách sử dụng một khung bằng nhựa nằm ở bên trong thân máy. Bộ khung này vừa là buồng chứa cho viên pin có thể tháo rời và cũng góp phần bảo vệ mạch điện bên trong máy. Nói cách khác, khi tháo rời nắp lưng, chiếc S3 hay S4 của bạn vẫn sẽ giữ nguyên được khả năng chịu lực. iPhone 5c lại được chế tạo từ một loại polycarbonate "cứng nhất trên thị trường", song lại sử dụng một biện pháp khác để gia tăng độ bền: máy có lớp khung bằng thép bên trong lớp vỏ nhựa. Khung thép này giúp cho iPhone 5c có độ bền tương đương với 2 người anh em iPhone 5 và iPhone 5s vốn sử dụng chất liệu nhôm cứng cáp hơn. Khung thép bên trong iPhone 5c Moto X có lớp khung không cứng cáp bằng. Do đó, mẫu đầu bảng của Motorola kém bền bỉ hơn các sản phẩm cạnh tranh. Thực ra, các nhà sản xuất không cần phải sử dụng khung cấu trúc để giúp điện thoại trở nên bền bỉ hơn. Ví dụ, họ có thể sử dụng một giải pháp tăng độ bền hết sức phổ biến: keo dán. Moto X sử dụng keo dán. Nếu được sử dụng một cách đúng đắn, keo dán có thể giúp tạo ra độ bền không kém gì các khung kim loại. Rất nhiều thiết bị sử dụng keo dán để tăng độ bền cấu trúc. Ví dụ, iPad sử dụng rất nhiều keo dán ở bên trong để tăng độ cứng cáp của thiết bị, nhờ đó mà chiếc tablet này vẫn có thể chịu được lực như các thế hệ cũ nhưng giảm được khối lượng và diện tích (song cũng rất khó sửa chữa). iPhone 5s không sử dụng vỏ nhựa để chứa pin, thay vào đó lại dùng keo dán để giữ vị trí cho pin. Rất tiếc, trong trường hợp của Moto X, có vẻ như là keo dán không đủ sức để chống đỡ lực xoắn khi cần thiết. Tuy vậy, lý do chính dẫn tới tình trạng màn hình smartphone qua nhiều năm trời vẫn "mỏng manh" như xưa là do các nhà sản xuất đặt đang cố tình chạy đua để tạo ra chiếc smartphone mỏng nhất có thể. Thử nghiệm kính Gorilla 3 trên S4 Nhờ có các cải tiến trong công nghệ kính, màn hình smartphone hiện tại bền bỉ không kém gì các thế hệ cũ, song cũng mỏng hơn rất nhiều. Nhà phân tích Kevin Keller của IHS cho biết: "Nếu như kính bảo vệ được làm từ công nghệ Gorilla thế hệ 3 mới nhất nhưng với độ dày của thế hệ 1 của vài năm về trước, ví dụ như 0,8mm, loại kính đó sẽ có độ bền gần như là tuyệt đối, không thể phá hủy được". Tuy vậy, các nhà sản xuất đã quyết định cắt giảm độ dày của kính bảo vệ để tạo ra thiết bị mỏng hơn, và do đó smartphone vẫn sẽ bị vỡ khi chịu lực tác động mạnh. Theo ông Keller, lực xoắn cũng đáng để lưu ý tới, song lực va đập (xảy ra khi bạn làm rơi điện thoại hoặc đánh rơi vật nào đó lên điện thoại) sẽ dễ phá hủy màn hình nhất. Do đó, rất có thể không phải là ổ USB của Honan đã khiến chiếc Moto X của anh bị uốn cong khi ở trong túi quần. Thay vào đó, có thể màn hình của Moto X đã bị vỡ ngay từ khi bị "ném" vào túi quần và va chạm với ổ USB bằng kim loại cứng bên trong. Bất kể là trong trường hợp nào, vì lý do gì, làm vỡ màn hình smartphone cũng là một điều tồi tệ. Nhưng, giờ đây bạn có thể an tâm hơn một chút khi biết rằng tháo nắp lưng của chiếc Galaxy S4 cũng sẽ không khiến màn hình dễ vỡ hơn là bao. Theo VnReview/Wired