(HNM) - Sự kiện mạng di động Beeline của Công ty CP Viễn thông Toàn cầu (GTel Mobile) giới thiệu gói cước Big Zero, trong đó miễn phí cuộc gọi từ phút thứ 2 trở đi, được coi là "cú sốc" trên thị trường thông tin di động, khi trực tiếp cạnh tranh với các nhà cung cấp dịch vụ lớn, nhỏ của ngành viễn thông. Một trong 3 "đại gia" di động đã có cuộc họp tính tới chuyện doanh thu năm 2009 giảm đi gần nửa so với kế hoạch… Thực tế, từ cuối tháng 6, GTel Mobile đã có chiến dịch quảng cáo rầm rộ trên các phương tiện thông tin đại chúng đến các khẩu hiệu, băng rôn… giăng ngoài phố. Beeline đưa ra gói cước "Big Zero": cước nội mạng là 1.199 đồng/phút; miễn phí gọi nội mạng từ phút thứ 2 trở đi, mỗi cuộc gọi không quá 20 phút và không giới hạn cuộc gọi trong ngày; cước gọi ngoại mạng là 1.199 đồng/phút, cuộc gọi tính theo block 6 giây + 1... Như vậy, thực chất của cuộc gọi ví như con số 0 này là: gọi nhiều (đến 20 phút) nhưng chỉ tính tiền một phút. Theo cách tính này, với khách hàng thực hiện cuộc gọi kéo dài trong 20 phút (như quy định), giá cước trở thành siêu rẻ với 60 đồng/phút và với một cuộc gọi trung bình trong 5 phút, giá cước sẽ là 240 đồng/phút - giá vẫn rẻ nhất trong các mạng di động hiện nay (Viettel là 990 đồng/phút; Mobifone và Vinaphone là 980 đồng/phút). Với mức giá hấp dẫn như vậy, Big Zero sẽ đem lại lợi ích lớn đối với người dùng di động, nhất là giới trẻ và những người có nhu cầu liên lạc cao... Chỉ cần chất lượng cuộc gọi tốt, bảo đảm nhà mạng này sẽ "hút" khách hàng đến với mình nhanh chóng! Đem đến quyền lợi lớn cho khách hàng, nhưng đồng thời gói cước Big Zero và GTel cũng có thể khiến các nhà cung cấp dịch vụ di động chiếm thị phần khống chế bị mất thị phần, giảm doanh thu, giảm lợi nhuận và các nhà mạng nhỏ hơn có thể phá sản! Được biết, ngay sau khi GTel đưa ra gói Big Zero, ban lãnh đạo của Viettel đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp, trong đó tính đến phương án doanh thu năm 2009 giảm gần một nửa so với kế hoạch (theo kế hoạch cũ Viettel phấn đấu đạt 60 nghìn tỷ đồng, trong đó di động chiếm 70% doanh thu). Nhưng đó mới là chuyện các "đại gia" di động bị ảnh hưởng, thực tế Big Zero còn được dự báo là sẽ có tác động không nhỏ tới dịch vụ điện thoại cố định, mà cụ thể ở đây là gọi đường dài. Vì khi khách hàng sử dụng Big Zero chỉ với 1.199 đồng cho cuộc gọi không quá 20 phút - là quá rẻ so với gọi đường dài hiện nay (990 đồng/phút), tất nhiên với điều kiện cả người gọi và người nghe đều sử dụng Beeline... Một chuyên gia trong ngành từng có dịp nghiên cứu về thị trường viễn thông nước ngoài kể lại bài học kinh nghiệm tại một nước trong khu vực, khi đó nước bạn cũng có một nhà cung cấp mới hoạt động và họ chỉ cần đầu tư 50.000 USD vào hạ tầng mạng lưới đã khiến cho một liên doanh viễn thông lớn đã hoạt động có lượng thuê bao lớn nhất (gồm những tên tuổi lớn trên thế giới) mặc dù đã đầu tư hạ tầng 2 triệu USD phải bán lại thương hiệu. Lý do mà liên doanh lớn của nước ngoài đó "gục ngã" là không chịu đựng được gói cước kiểu như Big Zero… Câu hỏi đặt ra, liệu cả 3 "đại gia" di động của nước ta có bị tác động như câu chuyện cạnh tranh trên thị trường viễn thông nước bạn? Với vai trò quản lý nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông có biện pháp gì để vừa bảo đảm sự phát triển của các doanh nghiệp, đồng thời không gây ra tác động xấu tới thị trường viễn thông? Việt Nga Mã: [URL]http://www.hanoimoi.com.vn/vn/48/214331/[/URL]
Đại gia di động đau đầu vì chiêu miễn phí gọi nội mạng Hai mạng di động mới là Vietnamobile và Beeline đang làm đại gia di động như Viettel, MobiFone, VinaPhone đau đầu vì chiêu miễn phí gọi nội mạng. Người tiêu dùng thì vui mừng ra mặt. "Lần đầu tiên đã xuất hiện một doanh nghiệp cạnh tranh với mức giá cước bằng 0. Điều này cảnh báo Viettel về một cuộc đại chiến tranh về giá đang đến gần", ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Viễn thông Quân đội (Viettel) lo ngại. Theo nhận định của Viettel, nếu như Beeline tiếp tục thực hiện chiến lược về giá nội mạng bằng 0 như hiện tại, doanh thu không chỉ của Viettel mà của tất cả các mạng di động lớn đều bị ảnh hưởng cỡ 20%. Giám đốc Công ty VMS - MobiFone - Lê Ngọc Minh cũng có nhận xét tương tự về việc Beeline cung cấp ra thị trường với gói cước Zero (gần như miễn phí gọi nội mạng Lãnh đạo của Viettel, MobiFone, VinaPhone đều gọi việc cung cấp các gói cước gần như miễn phí gọi nội mạng (không chỉ của Beeline mà cả Vietnamobile) là hành vi có khả năng làm phá vỡ cấu trúc thị trường. Một doanh nghiệp mới tham gia thị trường chưa có gì để mất sẽ là đối thủ khó "nhằn" nhất với các nhà khai thác đã có khách hàng và thị phần nhất định. Vietnamobile và Beeline có chiến lược tập trung vào thị trường "ngon ăn" như các thành phố lớn, trong khi doanh nghiệp khác lại phải làm thêm phần công ích là đưa sóng về vùng sâu vùng xa, hải đảo miền núi. Lãnh đạo của một mạng di động lớn bình luận: "Các doanh nghiệp lớn như Viettel, VNPT với doanh thu hàng chục nghìn tỷ đồng mới dễ bị tổn thương trong cuộc cạnh tranh đại hạ giá. Các doanh nghiệp mới với quy mô nhỏ, đầu tư nhỏ tuy không có gì nhưng lại có mọi thứ để thắng trong cạnh tranh". Chuyện các ông lớn lo ngại và kêu cứu khi lính mới gia nhập thị trường nghe qua có vẻ ngược đời. Song nó là việc tất yếu, bởi doanh nghiệp nhỏ mới ra đời, dung lượng mạng thì lớn mà không có khách hàng nào, nếu không miễn phí gọi nội mạng cũng chẳng có doanh thu. Vì thế, miễn phí nội mạng là cách thức duy nhất để cạnh tranh vừa tận dụng được năng lực của mạng, vừa thu hút được khách hàng mà lại không phải bỏ thêm chi phí như khuyến mại. Nếu 3 doanh nghiệp đại gia gồm VinaPhone, MobiFone và Viettel có trong tay gần 80 triệu thuê bao chấp nhận giảm lợi nhuận để ra gói cước tương tự thì chắc chắn một Beeline chứ 10 Beeline cũng không phải là đối thủ đáng gờm. Còn đối với không ít người tiêu dùng, các mạng di động mới như Vietnamobile, Beeline đang là sự lựa chọn thứ 2 khi mua sim dùng thay thẻ cào. Thủy, sinh viên Đại học quốc gia Hà Nội nhận xét: "Giá của Beeline thấp hơn giá của Viettel, MobiFone, VinaPhone là hơn 30%, cộng với việc khuyến mại nhiều hơn 20.000 đồng mỗi sim nên dùng Beeline cực tiết kiệm (sim mới kích hoạt của MobiFone, Viettel, đều có tài khoản ban đầu là 100.000 đồng trong khi của Beeline là 120.000 đồng)". Nguyễn Tuấn Hải, nhân viên một công ty xuất nhập khẩu tại Hà Nội thì cho biết: "Mình và người yêu mua một cặp sim Beeline để buôn, không mất tiền, gọi cũng rẻ hơn nhiều. Nếu đi tỉnh khác thì đã có cái MobiFone rồi". Trần Văn Tuấn - nhân viên một công ty tin học cho rằng: "Các ông di động lớn "ăn đủ" rồi, lãi hàng nghìn tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận cực lớn, khi mạng mới ra đời giá cước giảm làm doanh thu lợi nhuận của họ giảm nên họ kêu la ầm ĩ thôi. Điều này thực không công bằng với người sử dụng". Trả lời về chiêu miễn phí nội mạng độc chiêu của Beeline, ông Alexey Blyumin - Tổng giám đốc GTEL Mobile (đơn vị kinh doanh mạng di động Beeline tại Việt Nam) nói: "Sự canh tranh của thị trường viễn thông Việt Nam là rất khốc liệt, nhưng tập đoàn VimpelCom, đối tác của GTEL Mobile đã từng phải đối mặt với những thị trường cạnh tranh hơn rất nhiều nhưng chúng tôi vẫn thành công và có được rất nhiều kinh nghiệm từ đó". Một quan chức của Bộ Thông tin và Truyền thông khi trao đổi với VnExpress.net cũng nhìn nhận các "chiêu" mà Beeline đang làm thực chất các mạng di động khác đã áp dụng từ khi gia nhập thị trường. Trong bối cảnh thị trường đang dần bão hòa thì giá cước vẫn là chiêu bài cạnh tranh hiệu quả và đơn giản nhất. Theo quy định, Bộ chỉ quản lý giá cước đối với các doanh nghiệp chiếm thị phần khống chế còn Beeline hay Vietnamobile mới gia nhập thị trường, thậm chí là S-Fone với thị phần quá nhỏ nên chưa bị quản lý về giá. "Quan điểm của chúng tôi là đã cấp phép thì phải để cho doanh nghiệp tồn tại và thị trường tự đào thải. Doanh nghiệp được toàn quyền cạnh tranh nhau miễn là không vi phạm các quy định của luật pháp", ông nói. Dự kiến, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ có cuộc họp với các doanh nghiệp về các vấn đề nêu trên vào thứ 6 tới. Theo Vnexpress Mã: [/URL][URL]http://vnexpress.net/GL/Kinh-doanh/2009/07/3BA11814/[/URL][URL="http://vnexpress.net/GL/Kinh-doanh/2009/07/3BA11814/"]