Máy ảnh bán chạy tháng 1/2009 Tháng đầu tiên của năm 2009 vẫn chứng kiến sự lên ngôi của những mẫu máy ảnh point-and-shoot được trang bị nhiều tính năng. Trong đó, Lumix LX3 của Panasonic tiếp tục yên vị ở ngôi đầu. Nhìn vào bảng xếp hạng 10 máy ảnh bán chạy nhất tháng 1/2009 của tạp chí Cnet châu Á, bạn sẽ thấy có khá nhiều model được trang bị các tính năng chỉnh tay cùng những lựa chọn tùy chỉnh chuyên nghiệp. Không những vậy, ba model dẫn đầu đều được trang bị ống kính góc rộng, trong đó đáng chú ý có sự góp mặt của cả Panasonic Lumix DMC-LX3 và Canon PowerShot G10, hai mẫu máy point-and-shoot được đánh giá cao nhất về tính năng trên thị trường hiện nay. Sau đây là danh sách cụ thể những mẫu máy ảnh bán chạy nhất tại châu Á trong tháng 1 vừa qua. 1. Panasonic Lumix DMC-LX3 (8,9 triệu đồng) Panasonic Lumix LX3 liên tục đứng đầu bảng xếp hạng từ tháng 9/2008 đến nay. Ảnh: Letsgodigital. Điểm mạnh: Hỗ trợ nhiều tỷ lệ ảnh khác nhau, với độ phân giải cao, ống kính có khẩu độ f2,0, nhiều chế độ tùy chỉnh mà người dùng có thể lưu lại sau khi cài đặt được những thông số ưng ý, cảm biến ảnh có kích cỡ lớn hơn so với mặt bằng chung máy ảnh compact, mang đến chất lượng ảnh đỉnh cao. Điểm yếu: Không cho phép chụp ảnh ở độ phân giải tối đa đối với tỷ lệ ảnh 16:9, nắp đậy ống kính tách rời, gây bất tiện cho người sử dụng, phần mềm xử lý ảnh RAW tích hợp sẵn hoạt động không hiệu quả. Kết luận: Panasonic Lumix LX3 là một chiếc máy ảnh chất lượng cao, được trang bị nhiều tính năng tiên tiến, giúp nó vượt trội hẳn lên so với mặt bằng chung máy ảnh compact. 2. Canon Digital IXUS 870 IS (6 triệu đồng) Canon IXUS 870 IS là mẫu máy mạnh về khả năng hoạt động, trong khi giá bán khá hợp lý. Ảnh: Letsgodigital. Điểm mạnh: Được trang bị ống kính góc rộng 28mm, màn hình LCD rộng 3 inch và bộ xử lý ảnh đời mới DIGIC 4 có tốc độ xử lý rất nhanh. Điểm yếu: Không có kính ngắm quang học, phím bật/tắt hơi khó bấm. Kết luận: Mặc dù vẫn mắc phải một số lỗi nhỏ trong khâu thiết kế, đồng thời cũng chưa chế ngự thật tốt nhiễu ảnh trong những bức hình chụp ở ISO cao, nhưng Canon IXUS 870 IS vẫn là một mẫu máy ảnh compact rất đáng chú ý, nhờ được trang bị ống kính sắc nét, bộ xử lý ảnh tốc độ cao và chất lượng ảnh ấn tượng. 3. Canon PowerShot G10 (8,5 triệu đồng) Canon PowerShot G10 là một trong hai mẫu máy ảnh compact đáng chú ý nhất năm 2008. Ảnh: Dpreview. Điểm mạnh: Việc điều chỉnh các thông số được thực hiện dễ dàng thông qua ba bánh xe ở cạnh trên, được trang bị ống kính góc rộng 28mm, ảnh chụp được cho màu sắc khá tự nhiên, tốc độ hoạt động nhanh. Điểm yếu: Thân hình khá to và nặng, không có nhiều tính năng mới so với đời trước là G9. Kết luận: Canon PowerShot G10 là một đối thủ khá nặng ký với Panasonic Lumix LX3 cũng như những mẫu máy ảnh du lịch khác thuộc tầm bán chuyên, nhờ có chất lượng ảnh rất cao. Mặc dù không có nhiều tính năng mới so với G9, nhưng đây vẫn xứng đáng là một trong những mẫu máy compact dùng bổ trợ cho DSLR rất đáng mua. 4. Sony Cyber-shot DSC-W170 (4,5 triệu đồng) Sony Cyber-shot W170 có ngoại hình mỏng ấn tượng và nhiều tính năng hấp dẫn. Ảnh: Photokina-show. Điểm mạnh: Giao diện trực quan, dễ sử dụng, mang lại nhiều lựa chọn cho người dùng, khả năng chụp liên tiếp cũng rất ấn tượng. Điểm yếu: Phím chỉnh zoom gây khó khăn cho người sử dụng, cách bố trí các phím bấm không hợp lý, chỉ hỗ trợ định dạng thẻ nhớ Memory Stick. Kết luận: Mặc dù hệ thống phím điều khiển được bố trí không hợp lý cho lắm, nhưng vẻ ngoài hấp dẫn, cùng giao diện người dùng dễ hiểu và những tính năng thông minh đã góp phần lấy lại điểm cho Sony Cyber-shot DSC-W170. Chất lượng ảnh chụp bởi chiếc máy này ở nhiều môi trường khác nhau cũng khá tốt. 5. Sony Cyber-shot DSC-T77 (5 triệu đồng) Sony Cyber-shot T77 là một trong những mẫu máy ảnh mỏng nhất trên thị trường. Ảnh: Techgadgets. Điểm mạnh: Thiết kế mỏng, thời trang, được trang bị nhiều tính năng thú vị như nhận diện nụ cười Smile Shutter, chất lượng ảnh khá cao so với các đối thủ cùng tầm. Điểm yếu: Các biểu tượng trên màn hình cảm ứng có kích thước quá nhỏ, khiến người dùng khó khăn trong việc chạm vào để điều chỉnh các thông số, không có nhiều lựa chọn chỉnh tay. Kết luận: Sony Cyber-shot DSC-T77 đang là một trong những máy ảnh màn hình cảm ứng mỏng nhất trên thị trường hiện nay. Điều đó càng khiến người dùng ấn tượng với những tính năng mà nó sở hữu ở bên trong, cũng như chất lượng những bức ảnh mà máy chụp được. 6. Fujifilm FinePix F100fd (5 triệu đồng) Fujifilm FinePix F100fd là mẫu máy đề cao hiệu suất hoạt động. Ảnh: Ubergizmo. Điểm mạnh: Độ nhạy sáng tối đa lên tới ISO 12.800, dải màu tương phản trong các bức ảnh chụp được rộng ngang bằng máy ảnh chuyên, công nghệ dò tìm mặt có thể nhận diện được khuôn mặt ở mọi góc độ, tốc độ hoạt động nhanh, ảnh chụp được có chất lượng tốt, được trang bị ống kính góc rộng 28 mm, zoom quang 5x. Điểm yếu: Thân hình khá nặng, vị trí đặt đèn flash không hợp lý, khiến tay người dùng dễ che mất trong khi cầm máy, không có chế độ chỉnh tay hoàn chỉnh. Kết luận: Mặc dù vị trí của đèn flash khá bất tiện, nhưng F100fd vẫn làm hài lòng hầu hết các khách hàng nhờ sở hữu những tính năng tiên tiến và chất lượng ảnh chụp được rất cao. 7. Sony Cyber-shot DSC-T700 (6 triệu đồng) Sony Cyber-shot T700 được trang bị màn hình cảm ứng rộng 3,5 inch và bộ nhớ trong có dung lượng 4 GB. Ảnh: Techlivez. Điểm mạnh: Thiết kế quyến rũ, được trang bị nhiều tính năng hữu ích, màn hình cảm ứng rộng 3,5 inch, tốc độ hoạt động nhanh. Điểm yếu: Ảnh chụp được không thật sắc nét, màn hình cảm ứng có thể không đáp ứng được đòi hỏi của một số người. Kết luận: Với vẻ ngoài sành điệu, lại được trang bị bộ nhớ trong có dung lượng lên tới 4 GB, Sony Cyber-shot DSC-T700 có thể làm hài lòng những ai muốn "làm sang" với chiếc máy ảnh mình đang sở hữu, đồng thời cũng muốn khoe những bức hình mình đã chụp được trên chiếc máy ấy. 8. Panasonic Lumix DMC-FX38 (6 triệu đồng) Panasonic Lumix FX38 được trang bị ống kính siêu rộng 25mm. Ảnh: Zol. Điểm mạnh: Thiết kế ấn tượng với thân hình mỏng nhẹ, có khả năng quay video HD, được trang bị ống kính siêu rộng 25mm. Điểm yếu: Phím nguồn thường tự động bật lên không theo ý muốn của người dùng, lấy nét tự động hơi chậm và rườm rà, ảnh chụp được hơi nhiều nhiễu. Kết luận: Panasonic Lumix DMC-FX38 là một chiếc máy ảnh compact có khả năng hoạt động mạnh mẽ, chất lượng tốt, nhưng gây thất vọng khi không có bất cứ cải tiến hay thay đổi gì so với đời máy trước là FX36. Mặc dù vậy, với khả năng quay video HD và ống kính có góc chụp siêu rộng 25mm, chiếc máy này vẫn đủ sức chinh phục không ít người dùng. 9. Nikon Coolpix P80 (6 triệu đồng) Nikon Coolpix P80 là mẫu máy ảnh zoom quang 18x có thân hình nhỏ nhất thế giới. Ảnh: Trustedreviews. Điểm mạnh: Ống kính có khả năng chụp rộng và chụp xa đều tốt, được trang bị hệ thống ổn định ảnh quang học, thiết kế máy mang lại sự thuận tiện và thoải mái cho người dùng, có chế độ chụp hẹn giờ thông minh. Điểm yếu: Khả năng kiểm soát nhiễu ở mức ISO trên 200 không ấn tượng, không hỗ trợ định dạng ảnh RAW, tốc độ hoạt động tương đối chậm. Kết luận: Nikon Coolpix P80 là một trong những máy ảnh siêu zoom 18x được đánh giá cao, nhưng nếu quyết định chọn mua model này, bạn nên dùng thử trước để xem có thể chấp nhận tốc độ của máy hay không. 10. Samsung NV24HD (6 triệu đồng) Samsung NV24HD là một trong những mẫu máy ảnh đầu tiên có khả năng quay video HD. Ảnh: Cnet. Điểm mạnh: Ống kính có góc chụp siêu rộng 24mm, được tích hợp tính năng quay video độ phân giải cao, thiết kế thời trang. Điểm yếu: Ống kính chỉ hỗ trợ mức zoom quang học 3,6x, không được trang bị bộ sạc pin, phải sạc trực tiếp trên máy, cổng sạc lại là cổng dùng chung với cổng truyền dữ liệu. Kết luận: Samsung NV24HD là một chiếc máy ảnh hấp dẫn về mặt ngoại hình và tính năng, nhưng tốc độ hoạt động cũng chỉ ngang tầm với mặt bằng chung của máy ảnh compact. Theo Số hóa