Một dân "chảnh môbai" đang ra vẻ... sành điệu với chiếc điện thoại di động bự xự của mình tại quán cà phê D. Loa của quán cà phê D đang phát bài My love du dương bỗng im bặt vì cúp điện. 30 giây sau, cũng bài hát đó được trỗi lên từ chiếc bàn trong góc quán, nhưng lần này nó được phát ra từ chiếc Pocket PC kiêm môbai O2 to như... chiếc bộ đàm. Sau đó 3 phút, một bài hát khác lại trỗi lên từ chiếc Sony Ericsson P900 của một “tay chơi” đang ngồi ở một góc khác với âm lượng không kém chiếc O2... Chơi “môbai thông minh”! Cái cảnh “đấu” điện thoại như trên diễn ra khá thường xuyên ở nhiều quán cà phê thời @ này. Các điện thoại đem ra “đấu” đều có giá cỡ 1.000 USD. Xuân B., người đang sử dụng một chiếc O2, nói: “Có thể xem đây là chiếc máy vi tính cầm tay kiêm ĐTDĐ. Với chiếc máy này, tôi có thể thao tác Word, Excel, chat, nhận, gửi mail bất kỳ lúc nào… chứ không chỉ dừng lại ở chuyện nghe và nói…”. Đó là kiểu chơi ĐTDĐ hiện đang được không ít bạn trẻ cho là đúng điệu nhất, kiểu SF (Smart Fone - điện thoại thông minh), với nhiều dòng máy, nhiều nhãn mác (như Sony Ericsson P900, Nokia 9210i, O2 xda…). Với kiểu chơi này, coi như những chiếc máy be bé, xinh xinh đã thật sự... lép vế trước hình dáng, kích cỡ “to đùng” của nó. Xuân B. cười: “Ít nhất hình dáng của nó cũng khiến dân chơi đời cũ chuộng tí hon phải... khủng hoảng”. Thế nó có thật sự thay cho chiếc máy tính? Xuân B. cười hề hề: “Làm sao mà thay được, nội cái chuyện mò từng phím để gõ cũng nhiêu khê, nhưng dân chơi kiểu doanh nhân đang là mốt mà…”. Dù sao người bạn trẻ này cũng có lý do khá chính đáng khi nói thế vì anh đang là phó phòng kinh doanh một công ty liên doanh với nước ngoài. Còn ở quán cà phê P một buổi chiều tháng năm, có lẽ còn làm “choáng” nhiều người khi ngồi ngay giữa sảnh là hai thanh niên rất “bụi” đang chơi game với âm thanh “ầm ĩ” trên chiếc ĐTDĐ to bự xự N-Gage. Máy này đang “hot” của dân chơi di động toàn thế giới và một điểm quan trọng là chưa có ở thị trường VN! Câu chuyện về sự xuất hiện của máy Nokia 7200 mới thật sự đáng “kính nể” cái sự “chảnh” của dân chơi môbai. Ngay khi máy này vừa xuất hiện dưới dạng xách tay với giá “trên trời” 9,9 triệu đồng, nhiều cửa hàng đã báo hết hàng trong vài ngày. Đến lúc hàng chính hãng xuất hiện với giá 8,6 triệu cũng hút như... tôm tươi. Đến mức sau đó ai muốn mua đều phải đặt cọc trước và có cửa hàng danh sách đặt cọc lên đến cả trăm người. Nhưng đáng bái phục nhất trong làng chơi dân môbai phải kể đến một “đại gia” trung niên tên V.. Trong vài năm gần đây ông này có một sở thích là mỗi tuần phải đến một cửa hàng ĐTDĐ ở Tân Bình, TP.HCM để đổi một chiếc điện thoại mới. “Chảnh”… con nhà nghèo Một lớp SV của một trường ĐH dân lập ở TP.HCM với hơn 90 SV thì đã có đến hơn 1/4 SV trang bị ĐTDĐ, có cái đến hơn 8,5 triệu đồng. “Vui lắm, đang học mà tiếng nhạc vang lên từ máy là bình thường” - một SV lớp này cho biết. Và cũng bình thường thôi khi có bạn có máy mà không thấy ai kêu, buồn buồn nhá máy cho người khác để... phá chơi, hoặc ra chơi có kẻ nổi nhạc máy rồi kề vô micro của lớp cho “cả làng cùng nghe” tiếng nhạc của ta kêu ra sao! “Chủ yếu là có máy như người ta chứ nhiều máy cả ngày không có ma nào gọi, buồn chết được!”, một SV năm 4 khoa quản trị - kinh doanh Trường ĐH Mở - bán công thú thật như thế. Mà là máy “xịn” đàng hoàng như trường hợp bạn Việt Q., khoa QT-KD, đang sở hữu một chiếc Nokia 6600 giá 8,5 triệu, có lúc nửa đùa nửa thật với bạn bè: “Tao phải chơi mì gói mới có tiền mua máy cỡ này đó”. Con nhà nghèo chơi ĐTDĐ nên cũng có những chuyện cười không nổi. Đang giờ học, một SV nữ bỗng giật mình như có điện thoại rung, bật dậy nàng chạy ra hành lang “xí xồ” rất lâu. Người ngồi cạnh bật mí: “Nó xạo đó, máy nó bị khóa hai chiều rồi”. Mấy SV ngồi dãy sau lập tức “test” bằng cách gọi vào số của nàng đó và... “Ò í e, thuê bao quý khách vừa gọi hiện đang tạm khóa (!)”. Thực tế rất nhiều SV chưa có nhu cầu dùng ĐTDĐ cộng với khả năng giới hạn về kinh tế khi còn ngồi trên ghế giảng đường, nên hiện tượng cánh SV chơi ĐTDĐ có nhiều chiêu hẳn là không ngờ nếu ai đó biết chuyện: SIM không còn tài khoản? Ăn thua gì, chủ yếu nghe nhạc, chơi game chứ có ai gọi đâu! Và hàng loạt chức năng không tốn tiền khác được tận dụng tối đa: chụp hình, quay phim để... cười với nhau. Có thể nói đây là những bạn trẻ hiện vẫn còn thuộc dòng chơi ĐTDĐ kiểu FF (Fashion Fone). Nghĩa là với họ, chiếc ĐTDĐ đơn thuần là vật trang trí cho “thời sành điệu”. Tiêu chí chọn máy của kiểu chơi này rất rõ: âm thanh nổi, màn hình màu, vỏ có màu sắc sặc sỡ, càng màu mè càng gây chú ý... Không ai ngăn cản người ta sử dụng công nghệ cao nhưng mua máy “xịn” mà không có nhu cầu sử dụng hết tính năng, hoặc không có tiền nhưng cũng đua cho bằng bạn bằng bè thì thật đáng phải suy nghĩ. Theo Tuổi Trẻ Thông tin từ www.tintucvietnam.com